Chuyến đi của Đức Phanxicô đến vùng đất của cái chết êm dịu được bình thường hóa

76

Chuyến đi của Đức Phanxicô đến vùng đất của cái chết êm dịu được bình thường hóa

ncregister.com, François X. Rocca, 2024-09-21

Nhà thờ quốc gia Thánh Tâm trên đỉnh đồi Koekelberg ở Brussels. (ảnh: Maykova Galina / Shutterstock)

Chuyến đi đến các vùng ngoại vi lần này Đức Phanxicô sẽ đến trung tâm Châu Âu. Đức tin đang suy yếu và cái chết êm dịu đang gia tăng ở Bỉ, đất nước từng là pháo đài của văn hóa công giáo.

Không mệt mỏi, ngài lên đường đi Luxembourg và Bỉ từ ngày 26 đến 28 tháng 9, chưa đầy hai tuần sau chuyến đi Châu Á và Châu Đại Dương dài 12 ngày. Lần này ngài đi gần nhà: các quốc gia Bắc Âu, Luxembourg và Bỉ.

Tây Âu không phải là trọng tâm chú ý của ngài, ngài muốn đến các nước Nam bán cầu, các nước đang phát triển và thế giới không công giáo. Nhưng, theo một nghĩa khác, chuyến đi này cũng là chuyến đi vùng ngoại vi mà ngài luôn xác định đó là cánh đồng truyền giáo của ngài.

Từng là pháo đài của văn hóa công giáo, nước Bỉ ngày càng tiêu biểu cho một phương Tây thế tục và hậu kitô giáo. Theo Hội đồng Giám mục Bỉ, năm 2022 có 50% người Bỉ nhận mình theo đạo công giáo, giảm 16% so với thập kỷ trước. Chỉ có 8,9% giáo dân đi lễ mỗi tháng một lần.

Không có khía cạnh nào của xã hội Bỉ phản ánh sự thay đổi này rõ ràng hơn việc áp dụng chế độ an tử. Năm 2002, Bỉ là quốc gia thứ hai trên thế giới hợp pháp hóa chế độ an tử sau nước láng giềng Hà Lan. Mười hai năm sau, nước này hợp pháp hóa cái chết êm dịu cho trẻ vị thành niên không quy định tuổi tối thiểu.

Theo thống kê chính thức, từ hai 2 thập kỷ nay, lãnh vực an tử đã phát triển mạnh mẽ, từ 235 trường hợp năm 2003 lên 3.423 trường hợp vào năm 2023. Con số năm 2023 là con số kỷ lục, tăng 15% so với năm trước. Lý do: bệnh ung thư ngày càng nhiều, năm 2023 có 89 người qua đời vì rối loạn tâm thần hoặc bị bệnh Alzheimer.

Vì thế chuyến đi này cho ngài có cơ hội để lên án cái ngài gọi là “văn hóa vứt bỏ” ngày càng phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới.

An tử là chấm dứt sự sống của một người bị bệnh nặng về thể chất hoặc tinh thần, được hợp pháp ở Canada, Colombia, Ecuador, Luxembourg, New Zealand, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và hầu hết các nước ở Úc châu. Hỗ trợ tự tử là dùng thuốc kết thúc cuộc đời có bác sĩ giám sát và được hợp pháp ở Áo, Thụy Sĩ và một số tiểu bang ở Mỹ như California, New Jersey, Washington và Colorado.

Trong một thư công bố năm 2020, Văn phòng Giáo lý Vatican viết: “Cái chết êm dịu là hành động giết người mà không mục đích nào có thể biện minh, không tha thứ cho bất kỳ hình thức đồng tình, cộng tác tiêu cực hay tích cực nào.” Trong một tuyên bố đầu năm nay, Văn phòng Giáo lý cho biết: “Giúp người tự tử là có ý đồ xúc phạm nhân phẩm của người yêu cầu.” Cả hai tài liệu đều đã được đích thân Đức Phanxicô phê chuẩn.

Khi Bỉ hợp pháp hóa cái chết êm dịu, Hội đồng Giám mục Bỉ đã lên án quyết định này là “cuộc tấn công vào sự tôn trọng cơ bản của sự sống con người”. Nhưng các tổ chức công giáo khác lại có thái độ hòa giải hơn.

Đại học Công giáo Louvain cho biết hơn một nửa bệnh viện công giáo ở vùng Flemish của Bỉ cho phép an tử và hơn một phần tư cho phép các bệnh nhân chưa ở giai đoạn cuối được của an tử. Năm 2017, một chuỗi bệnh viện của Bỉ liên kết với hội dòng Anh em Bác ái, một hội dòng công giáo quyết định cho phép an tử các bệnh nhân tâm thần không mắc bệnh nan y. Văn phòng giáo lý Vatican ra phán quyết tổ chức này không thể tự nhận mình là công giáo và hội dòng đã cắt đứt quan hệ với các bệnh viện.

Đầu năm nay, chủ tịch Hiệp hội hỗ tương Kitô giáo, một trong những công ty bảo hiểm hàng đầu của Bỉ và là tổ chức có nguồn gốc công giáo đã kêu gọi nới lỏng các quy định hiện hành cho phép thực hiện cái chết êm dịu đối với những người mắc bệnh nan y hoặc phải chịu đựng nỗi đau không thể chịu đựng được, gồm cả những người chỉ đơn giản là cảm thấy cuộc sống của họ đã kết thúc. Hiệp hội trích dẫn chi phí chăm sóc người dân Bỉ đang già đi để biện minh cho sự thay đổi này. Các giám mục Bỉ lên án dự án này, nhưng khi an tử ngày càng trở nên phổ biến ở Bỉ, các ngài phải đối diện với thách thức giúp người công giáo chọn một thực hành không ngược với hình thức của Giáo hội. Trong một tài liệu năm 2019, các giám mục nhấn mạnh các tuyên úy bệnh viện nên tiếp tục đồng hành với các bệnh nhân chọn phương pháp an tử, cầu nguyện và ở bên họ, ngay cả khi “sự đồng hành này không có nghĩa là chấp thuận” quyết định của họ.

Năm 2020, Văn phòng Giáo lý Vatican cho biết linh mục không thể ban bí tích cho bệnh nhân nào nhất quyết đòi an tử, và “các người giúp đỡ họ về mặt tinh thần phải tránh bất kỳ cử chỉ nào, chẳng hạn ở lại cho đến khi an tử xong, như thế bị hiểu là chấp thuận hành động này. Sự hiện diện như vậy có thể cho bị cho là đồng ý với việc này.”

Nhưng có một số giáo sĩ Bỉ cũng như ở những nơi khác đã khoan dung hơn.

Linh mục Gabriel Ringlet, tác giả quyển sách “Đồng hành thiêng liêng cho đến khi an tử” đề nghị nên phát triển các nghi thức cá nhân cho quá trình này.

Năm ngoái, Giám mục Antwerp Johan Bonny, nhà cấp tiến nổi tiếng nói với một phóng viên, ngài không đồng ý với tài liệu năm 2020 của Văn phòng giáo lý Vatican cho rằng, dù ở hoàn cảnh nào, cái chết êm dịu luôn là một tội ác nội tại: “Đó là câu trả lời quá đơn giản, không có chỗ cho sự khác biệt. Yêu cầu an tử của một người 40 tuổi khác yêu cầu của một người 90 tuổi đang bị bệnh nan y. Chúng ta phải phân định rõ hơn khái niệm và các tình huống này.”

Đức Phanxicô dự kiến sẽ có bốn bài phát biểu và một bài giảng trong thánh lễ, ngài có thể ít nhiều đề cập đến vấn đề này. Dù ngài có nói gì chăng nữa, hình ảnh một giáo hoàng 87 tuổi ngồi xe lăn, bất chấp bệnh tật để đi mục vụ ở một đất nước xa lạ, sẽ minh chứng ngầm cho niềm tin của ngài, dù cuộc sống có nhiều đau khổ nhưng luôn đáng sống.

Francis X. Rocca là nhà vatican học kỳ cựu từ năm 2007, ông viết về tôn giáo cho nhiều trang uy tín như Wall Street Journal, Time, The Times Literary Slogan,The Atlantic; đạo diễn bộ phim tài liệu “Tiếng nói của Vatican II: Những người tham dự Công đồng”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch