Đức Phanxicô lo lắng về “sự thâm hụt chung” của Tòa Thánh

76

Đức Phanxicô lo lắng về “sự thâm hụt chung” của Tòa Thánh

cath.ch, I.Media, 2024-09-22

Đức Phanxicô © Truyền thông Vatican

Trong một thư ngỏ bất thường gởi Hồng y đoàn ngày 20 tháng 9, Đức Phanxicô xin các hồng y ủng hộ việc cải cách kinh tế của Tòa thánh. Ngài nhấn mạnh đến mục đích “không thâm hụt” khi Vatican đang bị áp lực trước sự bất mãn của nhiều nhân viên.

Bức thư bất thường vì thông tin liên lạc của giáo hoàng với hồng y đoàn thường qua công nghị. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên ngài gởi cho các hồng y theo thể thức này: năm 2014 ngài đã gởi một thư soạn sẵn, đó là sứ điệp đòi hỏi mọi hồng y phải giữ tinh thần Phúc Âm về tinh thần khắc khổ, điều độ và khó nghèo.

Thành quả của “nhiệm vụ” của các hồng y

Một thông điệp rõ ràng dành cho hồng y đoàn, một số hồng y đã có lối sống như “các ông hoàng của Giáo hội”. Trong thư, ngài nhấn mạnh mục đích duy nhất của hồng y không phải là bầu giáo hoàng, nhưng phải giúp “giáo hoàng trong việc phục vụ Giáo hội hoàn vũ”.

Năm 2013 ngài đưa ra tinh thần này khi thành lập Hội đồng C9 (chín hồng y) để giúp giáo hoàng trong việc cải cách Giáo triều. Trong thư gởi cho các hồng y ngày thứ năm, được công bố ngày thứ sáu 20 tháng 9, ngài nhắc lại cuộc cải cách này là kết quả ‘nhiệm vụ’ mà các hồng y đã giao cho ngài trong các Buổi họp trước mật nghị năm 2013, vấn đề kinh tế đã được cho là vấn đề hàng đầu.

Không thâm hụt

Sáu 9 năm làm việc, năm 2022 ngài ban hành tông hiến Anh em hãy rao giảng Tin Mừng Praedicate Evangelium, trọng tâm nhằm quản lý Giáo hội, đặc biệt tạo một trung tâm kinh tế hoàn toàn mới. Trong thư gởi Hồng y đoàn, ngài nhấn mạnh vấn đề kinh tế của Tòa thánh vẫn chưa được giải quyết: “Các nguồn lực kinh tế phục vụ sứ mạng còn hạn chế và phải được quản lý chặt chẽ và nghiêm túc, để các cố gắng của ân nhân đóng góp cho di sản Tòa thánh không bị phân tán.”

“Các cơ quan thặng dư sẽ giúp bù đắp thâm hụt chung” – Đức Phanxicô

Việc cải cách Giáo triều đã giúp cải thiện hiệu quả kinh tế của di sản hiện có, nhưng hôm nay Đức Phanxicô xin mọi người giúp thêm để đạt mục tiêu đã nêu: “không thâm hụt”. Ngài đặc biệt thông báo, mỗi cơ quan của Tòa thánh sẽ không còn có thể trông cậy vào các khoản trợ cấp thông thường nhưng phải tìm “các nguồn lực bên ngoài cho sứ mệnh của mình”, một số cơ quan đã làm như cơ quan Truyền thông. Hiện tại, vẫn chưa rõ tình trạng tài khoản của Vatican vì từ năm 2022 Ban Thư ký Kinh tế (SpE) không còn công bố báo cáo tài chính.

Tuy nhiên, những năm vừa qua cho thấy tính không bền vững về mặt cấu trúc của tổ chức này, Vatican buộc phải thoái vốn tài sản hàng năm. Trong cuộc phỏng vấn với Vatican News năm 2020, Bộ trưởng Kinh tế Vatican Antonio Guerrero cho biết từ năm 2016 đến năm 2020, doanh thu trung bình là 270 triệu âu kim, mức chi tiêu là 320 triệu âu kim, thâm hụt trung bình 50 triệu âu kim hàng năm.

Thắt lưng buộc bụng và bất mãn ở Vatican

Đại dịch Covid-19 đã làm kinh tế Vatican suy yếu đáng kể, nói chung Đức Phanxicô đã có chính sách thắt lưng buộc bụng, đặc biệt là ngưng tăng lương, ngưng tăng tiền thưởng và ngưng tuyển nhân viên ở một số cơ quan, việc này đã làm nhân viên Vatican lo ngại và không phải không đáng kể khi trong thư, ngài ý thức được sự cống hiến và khó khăn của họ trong tiến trình đổi mới này.

Tiếp xúc với I.Media, một nhân viên của Vatican công nhận vấn đề này. Thư được gởi chỉ năm ngày trước cuộc họp của Hiệp hội Nhân viên Giáo dân Vatican (ADLV), tổ chức duy nhất đại diện cho quyền lợi của họ trong trường hợp không có sự thống nhất về luật pháp. Bối cảnh xã hội đặc biệt căng thẳng và còn có tin đồn về một cuộc đình công (dù quyền này không có ở Rôma): “Ngày nay từ “đình công” không có là từ cấm kỵ ở Vatican.”

Gia đình đoàn kết

Nhưng Giáo hoàng có nói chuyện trực tiếp với nhân viên bình thường hay những người nhận thư không? Năm 2021, ngài đã hạ 10% lương của nhiều thành viên Giáo triều, đặc biệt là lương của hồng y đang làm việc tại Rôma, sau đó tiền lương giảm từ 5.000 âu kim xuống còn 4.500 âu kim mỗi tháng.

Trong thư, một lần nữa ngài xin các hồng y quảng đại hỗ trợ việc giảm chi phí cần thiết. Ngài nhấn mạnh sự cần thiết phải tránh những thứ “không cần thiết”, xin các hồng y có “trách nhiệm cao” chủ động hỗ trợ để bảo đảm tương lai cho Sứ mệnh, để là tấm gương của các gia đình giàu nhất tặng cho người nghèo nhất.

Ngài nói: “Các cơ quan thặng dư sẽ giúp bù đắp thâm hụt chung” nhưng ngài không chỉ định cơ quan nào. Một nguồn tin cho I.Media biết, bức thư là cách để Đức Phanxicô tạo áp lực lên một số hồng y. 

Quỹ Thánh Phêrô  

Về bản chất, bức thư giải thích việc lấy lại cân bằng tài chính là giúp khôi phục uy tín Tòa thánh. Việc quản lý mẫu mực và quảng đại di sản sẽ giúp khôi phục các khoản quyên góp, đặc biệt là tiền quyên góp của Quỹ Thánh Phêrô (quỹ quyên góp toàn cầu giúp Vatican hàng năm).

Trong những năm gần đây, quỹ này đã giảm rất nhiều. Giải thích tình trạng này, các cơ quan kinh tế quy trách nhiệm cho các vụ bê bối tài chính – như vụ “tòa nhà ở London” – nhưng cũng quy cho việc quản lý tài sản không minh bạch, rõ ràng, nghiêm ngặt trong hoạt động hàng ngày của Vatican.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch