Ở Đức, chủ yếu các linh mục trẻ là các linh mục bảo thủ
Một nghiên cứu gần đây cho thấy các linh mục trẻ ở Đức chủ yếu là các linh mục bảo thủ, họ chống lại các cải cách trong Giáo hội. Giải thích của nhà xã hội học Nikita Katsuba.
cath.ch, Jacqueline Straub, 2024-8-16
Nghiên cứu cho thấy chỉ có một thiểu số linh mục trẻ Đức ủng hộ cải cách trong Giáo hội | ©DR Hình minh họa
Giáo sư Nikita Katsuba, nhà khoa học xã hội và cộng tác viên khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Mục vụ Ứng dụng tại Đại học Ruhr ở Bochum. Theo yêu cầu của Hội đồng Giám mục Đức, cùng với nhà thần học và nhà khoa học xã hội Matthias Sellmann, Giáo sư Nikita Katsuba viết quyển sách Các Tân Linh mục mới là ai? (Wer wird Priester? nhà xuất bản Echter, Würzburg phát hành tháng 5-2024). Quyển sách nghiên cứu về xã hội học và động lực của các chủng sinh.
Nghiên cứu của giáo sư có đưa đến kết luận đáng ngạc nhiên nào không?
Giáo sư Nikita Katsuba: Nghịch lý thay, điều làm tôi ngạc nhiên là các kết quả không có gì ngạc nhiên, trong chừng mực chúng xác nhận hình ảnh rập khuôn chúng ta đã có về các linh mục.
Ngày nay đa số các linh mục ngày càng ít đại diện trên bình diện xã hội.
Họ xuất thân từ các gia đình công giáo, nhận được giáo dục tôn giáo của Giáo hội, có những suy nghĩ quan trọng về Giáo hội trong giai đoạn quyết định của quá trình xã hội hóa; họ duy trì những ý tưởng bảo thủ – không muốn nói là lỗi thời – về nghề nghiệp và chức vụ linh mục. Họ ủng hộ quan niệm bảo thủ của xã hội và của Giáo hội. Các trường hợp ngoại lệ là thiểu số.
Theo tài liệu cho biết, giáo sư đã nghiên cứu về các linh mục từ năm 2010 đến năm 2021.
Đó là các linh mục trẻ với trung bình tuổi là 37. Thói quen và lối sống của họ rõ ràng khác biệt với người cùng tuổi trong xã hội.
Các linh mục đã phát triển như thế nào trong 30 năm qua?
Nghiên cứu của chúng tôi chỉ với các linh mục chịu chức từ năm 2010 đến 2021 nên chúng tôi không so sánh được với các thời kỳ trước. Tuy nhiên, nếu so sánh với Nghiên cứu của linh mục giáo sư thần học gia Paul Zulehner năm 2000 thì chúng tôi thấy có nhiều điểm tương đồng.
Giáo sư Nikita Katsuba, nhà nghiên cứu khoa học xã hội tại Đại học Ruhr (Đức) | ©DR
Dù không có linh mục nào trong nghiên cứu của chúng tôi tại chức năm 2000, nhưng những người chúng tôi hỏi đều có một động lực tương tự trong chức vụ của họ. Chúng tôi thấy có ba động lực: giáo xứ, phụng vụ và nhà thờ bình dân. Vì thế các linh mục ngày nay giống với các linh mục thời giáo sư Paul Zulehner trình bày ở thời kỳ trước, dù xã hội đã thay đổi nhiều từ đó.
Với thói quen truyền thống công giáo, phần lớn các linh mục ngày càng ít đại diện ở bình diện xã hội như trường hợp của các linh mục cách đây vài thập kỷ. Họ tạo thành nhóm bảo thủ ngày càng già đi và mất dần vị thế.
“Nghiên cứu cho thấy người công giáo Đức tin tưởng vào Giáo hội tin lành hơn Giáo hội công giáo”
Giáo sư có thấy ở đây là tác động gián tiếp của việc thế tục hóa không?
Tầm quan trọng của tôn giáo và Giáo hội tiếp tục giảm sút từ gia đình gốc. Chúng ta đang chứng kiến một tình thế tiến thoái lưỡng nan về mặt thần học ơn gọi: phần lớn các linh mục xuất thân từ các gia đình công giáo giữ đạo, nhưng lòng đạo của họ ngày càng giảm sút. Với sự suy giảm này, khả năng có ơn gọi ngày càng ít.
Các linh mục của ngày mai sẽ như thế nào?
Trong các đề nghị chiến lược chúng tôi đưa ra dựa trên kết quả nghiên cứu, chúng tôi có hai kịch bản. Trong kịch bản được gọi là “tập trung”, mục vụ ơn gọi sẽ tiếp tục ở môi trường công giáo và sẽ cố gắng giải quyết cho các thanh niên trong môi trường này.
Trong kịch bản thứ hai được gọi là “sự đa dạng hóa”, Giáo hội có thể cố gắng khắc phục hạn chế này, cởi mở với người khác và cuối cùng là người chủ động, là nơi dấn thân hấp dẫn cho thế hệ trẻ từ những môi trường trung dung – như trong quá khứ – và từ đó khuyến khích ơn gọi mới cho nam giới trong các tầng lớp xã hội khác nhau. Chỉ có kịch bản thứ hai này mới có thể chống lại sự sụt giảm nghiêm trọng về số lượng.
Điều gì sẽ xảy ra cho việc này?
Những việc này đòi hỏi phải định hướng lại cách tiếp cận có hệ thống với mọi khía cạnh của Giáo hội – từ các vấn đề đạo đức đến các hoạt động hành chính của Giáo hội. Câu trả lời cho câu hỏi Giáo hội chọn con đường nào trong số này định hình cho tương lai của chức linh mục, phản ánh qua mục vụ ơn gọi, con đường đào tạo, cũng như chính sách tuyển dụng. Liệu nó sẽ tiếp tục đi theo con đường bảo thủ và tuyển những người phù hợp với con đường này hay nó sẽ mở ra theo sự đa dạng của xã hội hiện đại? Vì các linh mục là gương mặt và nhân vật lãnh đạo, cuối cùng họ sẽ là người định hình cho Giáo hội.
Như thế có ý nghĩa gì với tương lai của Giáo hội khi các linh mục trẻ hầu hết xuất thân từ các cấu trúc gia đình bình dân, phần lớn là người bảo thủ và chống lại cải cách, như nghiên cứu của giáo sư cho thấy?
Điểm này cho thấy ý kiến của các đại diện quan trọng trong Giáo hội và xã hội – kể cả người công giáo – ngày càng khác nhau trong nhiều vấn đề liên quan đến chính trị, đạo đức và Giáo hội. Một cuộc khảo sát của Giáo hội Tin lành Đức thực hiện cho thấy người công giáo Đức đã không hài lòng với Giáo hội của họ như thế nào. Thậm chí nghiên cứu còn cho thấy một thực tế đánh kinh ngạc: người công giáo Đức tin vào Giáo hội tin lành nhiều hơn Giáo hội công giáo.
“Chỉ có một trong bốn linh mục sẽ bỏ phiếu cho việc phong chức phụ nữ”
Sự mất niềm tin thể hiện qua việc giáo dân rời bỏ thể chế. Tuy nhiên, hầu hết các linh mục trẻ khá hài lòng với Giáo hội của họ, chắc chắn họ cần các hình thức thiêng liêng hơn, nhưng lại lưỡng lự trước những cải cách cơ bản. Thật khó hình dung Giáo hội phải đối diện với tình huống phức tạp này nếu không có các linh mục của thế hệ mới.
Điều gì sẽ xảy ra nếu hiện nay Giáo hội có thể có những chủng sinh như vậy cho chức linh mục?
Người đầu tiên trong số họ sẽ chưa là linh mục trong 8 năm tới. Để có một tác động đáng kể đến chức linh mục, số lượng của họ cần tăng lên trong ít nhất 10 năm nữa. Như thế có nghĩa những thay đổi về ơn gọi phải được bắt đầu từ bây giờ và kết quả chỉ có thể thấy được trong 20 năm nữa. Nhưng số lượng người bỏ đi, hoặc qua đời quá đông nên Giáo hội khó có thể bù đắp được với thời gian này.
Còn khả năng của các linh mục trẻ hiện tại trong việc thực hiện các tiến trình và cải cách đồng nghị thì sao?
Chúng tôi có thể nói, chung chung những chủ đề này ít được các linh mục trẻ quan tâm. Khi được hỏi Giáo hội nên được cải cách như thế nào, hơn 3/4 các linh mục trẻ nói đến việc đào sâu chiều kích thiêng liêng, định hướng rõ ràng hơn về việc truyền tải nội dung đức tin. Chỉ có 37% ủng hộ việc tăng thêm giáo dân tham gia vào Giáo hội. Các chủ đề phi dân chủ hóa trong Giáo hội hay việc bãi bỏ nghĩa vụ độc thân chỉ được khoảng 30% ủng hộ. Và chỉ có một trong bốn linh mục sẽ bỏ phiếu cho việc phong chức cho phụ nữ.
Vì thế các tiến trình đồng nghị không phải là trung tâm chú ý của họ.
Nghiên cứu cho thấy một nhóm tương đối nhỏ các linh mục trẻ (khoảng 18%) ủng hộ tất cả các chủ đề này và nhìn chung, họ hầu như không phù hợp với hình ảnh bảo thủ về nguồn gốc và tầm nhìn của họ về thế giới linh mục. Nếu các tiến trình đồng nghị thành công, nhóm này có thể là nguồn hy vọng.
“Các linh mục trẻ nhắm đến việc sống linh đạo riêng của mình và trở thành mục tử”
Các giáo phận đã mắc phải những sai lầm nào trong việc tìm kiếm và đào tạo các tân linh mục?
Nghiên cứu cho thấy chìa khóa của giải pháp không chủ yếu nằm trong tay các giáo phận. Sự thiếu hụt linh mục không liên quan đến việc đào tạo hay thăng tiến nghề nghiệp của họ, mà liên quan đến sự mất niềm tin nói chung vào Giáo hội. Một số linh mục được phỏng vấn cho biết họ gặp sự chống đối của gia đình, bạn bè khi họ cho biết họ sẽ đi tu. Đặc biệt vì các trường hợp lạm dụng cũng như hình ảnh kém cỏi của Giáo hội, Giáo hội không còn được kính trọng như trước. Để thay đổi điều này, chúng ta cần một thay đổi mang tính hệ thống mà các giáo phận rõ ràng không thể tự mình thực hiện được.
Làm thế nào việc đào tạo linh mục có thể được cải thiện?
Cuộc nghiên cứu cho thấy các linh mục trẻ có ý hướng sống linh đạo riêng của họ và muốn trở thành mục tử hơn. Nhưng hình ảnh này không còn phù hợp với thực tế vì ngày nay số linh mục ngày càng ít, họ thường phải quản lý các giáo xứ khổng lồ gọp lại. Vì thế việc đào tạo linh mục sẽ tốt hơn nếu họ được chuẩn bị để đảm nhận các chức vụ lãnh đạo, phát triển kỹ năng làm việc nhóm và giao tiếp.
Các dữ liệu thu thập có thể áp dụng ở Thụy Sĩ hoặc cung cấp thông tin cho các linh mục ở đây không?
Chúng tôi chỉ phỏng vấn các linh mục trẻ người Đức. Nhưng dữ liệu của Mỹ cho thấy một xu hướng bảo thủ nào đó trong số các linh mục công giáo so với toàn xã hội. Vì thế hiện tượng này có lẽ mang tính quốc tế. Tôi không thể đoán trước được bước ngoặt bảo thủ nào cho toàn Giáo hội. Nhưng chúng ta có thể đưa ra giả thuyết, chức linh mục ở các nước công nghiệp đang trải qua những biến đổi tương đương với những biến đổi của thế tục hóa. Dù sao chúng ta cũng chỉ dự đoán.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch