Lễ khai mạc Thế vận hội Olympic: “Đáng lẽ họ có thể đoàn kết thì họ lại chia rẽ”

364

Lễ khai mạc Thế vận hội Olympic: “Đáng lẽ họ có thể đoàn kết thì họ lại chia rẽ”

famillechretienne.fr, linh mục Pierre Amar, 2024-07-29

Vài ngày sau những cảnh kinh hoàng tại lễ khai mạc Thế vận hội Olympic, linh mục Pierre Amar, giáo phận Versailles nhắc lại, đây là hậu quả của “khoảng trống đạo đức” nước Pháp rơi vào. Linh mục kêu gọi giáo dân quan tâm đến lãnh vực văn hóa để truyền tải văn hóa.

Theo linh mục, lễ khai mạc đã có những cảnh rất đẹp và rất xấu, có cảm hứng và có gây sốc, có huy hoàng và thô tục trong lễ khai mạc Thế vận hội Olympic Paris. Chúng ta không thể không nghĩ đến dụ ngôn lúa mì và cỏ lùng trong Tin Mừng Thánh Mattêô, lại đúng Phúc âm ngày chúa nhật hôm sau.

Đúng, một số nghệ sĩ đã đùa vui. Nhưng có phải họ đã bóp méo thông điệp hòa hợp của tinh thần huynh đệ và hòa bình Olympic đó không? Họ có thể đã tập hợp nhưng họ lại thích phân chia và làm nổi bật những gì phân chia. Đúng, họ đã làm cho các trẻ em ngây thơ khi xem những cảnh này đã phải bối rối, thắc mắc không biết những cảnh này muốn nói gì. Đúng, họ đã chế nhạo di sản Do Thái-Kitô giáo của nước Pháp, nhưng trên hết họ đã xúc phạm đức tin của cả tỷ rưỡi tín hữu kitô. Đúng vậy, đạo công giáo là đạo duy nhất cho phép họ biếm họa và chế nhạo. Cho đến nay, đạo công giáo là đạo bị bức hại nhiều nhất thế giới. Những thái quá vô cớ và khiêu khích của lễ khai mạc không là gì so với những thử thách của anh em kitô hữu chúng ta phải chịu đựng ở Yemen, Nigeria hay Pakistan.

Lời kêu gọi xoa dịu và đền tạ sau vụ bức tranh Bữa Tiệc Ly bị nhái lại

Khoảng trống đạo đức

Nhưng làm sao chúng ta không cay đắng khi xem lễ hội toàn cầu này? Chúng ta có thể làm gì để tránh không tự cho mình là nạn nhân và vô cảm? Chúng ta không cần phải bảo vệ Thiên Chúa: Ngài tự làm và làm rất tốt.

Khó khăn nhất của chúng ta là nhìn thấy những tiến bộ trong hệ tư tưởng thức tỉnh. Rõ ràng, tùy thuộc vào nơi chúng ta sống có được bảo vệ hay không, việc giải cấu trúc này không phải ai cũng thấy rõ. Năm 2013, chúng ta đã ôn hòa xuống đường để tuyên bố một điều hiển nhiên: bất cứ khi nào có thể, điều tốt nhất cho một em bé là em bé có cha, có mẹ và được cha mẹ giáo dục. Trong vòng chưa đầy mười năm, hệ tư tưởng tiến bộ đã thực sự phát triển: hiện nay chúng ta có luật phá thai trong Hiến pháp, hệ tư tưởng chuyển giới và đa thê được ca ngợi. Chúng ta sẽ sớm “hỗ trợ cái chết”… Nước Pháp đang bị bệnh. Khoảng trống đạo đức này đã được kỷ nguyên Macron tăng tốc. Có lẽ chúng ta đã quên. Hãy thức dậy, thế giới đang thay đổi và không có chúng ta!

Chúng ta quên trấu có lợi cho lúa mì sao? Sự hiện diện của cái ác, dưới mọi hình thức, có thể là tác nhân kích thích lớn lao cho điều thiện. Nó buộc chúng ta phải có một khởi đầu mạnh mẽ khi trông cậy vào Chúa. Luôn chủ động và không thụ động, lựa chọn và không đau khổ. Đức Phanxicô đã nói: đừng yên vị trên sofa của mình. Chúng ta muốn có buổi lễ tốt đẹp và những sáng tạo tốt đẹp? Vậy chúng ta phải cấp thiết đầu tư vào lãnh vực văn hóa và truyền tải văn hóa. Chấp nhận con cái chúng ta là giáo viên, nghệ sĩ, nhân viên giải trí, nhạc công… chúng không nhất thiết phải học kinh doanh.

Cuộc tranh cãi này nảy sinh vào giữa mùa hè. Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta xem đây là lời mời bắt đầu cuộc sống trí tuệ, tinh thần và văn hóa của mình? Trái tim phải ở hàng đầu !

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Các giám mục trên thế giới chỉ trích bức tranh nhái lại Bữa Tiệc Ly tại Thế vận hội Paris

Lễ khai mạc Thế vận hội Paris 2024, giữa huy hoàng và sỉ nhục