Giám mục Jean-Marc Eychenne: “Linh mục ở trong huyền nhiệm trút bỏ”
Trong quyển sách mang tính tiên tri và tỉnh thức Linh mục ở trường học rửa chân (Prêtres à l’école du lavement des pieds, nxb. Salvator), Giám mục Jean-Marc Eychenne, giáo phận Grenoble đi sâu vào trọng tâm thừa tác vụ linh mục. Phỏng vấn Giám mục Jean-Marc Eychenne và linh mục Christophe Delaigue trong giáo phận của ngài.
Giám mục Jean-Marc Eychenne phân tích: “Chúng ta đã quá sao chép mô hình Giáo hội dựa trên mô hình hình kim tự tháp của thế giới, mô hình của một nhà lãnh đạo và các người thừa hành.”
famillechretienne.fr, Clotilde Hamon, 2024-06-27
Làm việc quá sức kể từ khi ơn gọi bị sụt giảm, bị vùi dập vì các tin tức lạm dụng trong Giáo hội, bị lung lay vì Đức Phanxicô nói về chủ nghĩa giáo quyền, cảm thấy bị lãng quên trong Thượng Hội đồng, các linh mục đang chịu thử thách, họ sống kinh nghiệm này như thế nào?
Giám mục Jean-Marc Eychenne: Cái nhìn của chúng ta về các linh mục trong xã hội và trong Giáo hội là cái nhìn rất tế nhị. Họ cảm thấy bị đồng hóa với những kẻ lạm dụng, bị đặt vấn đề khi thi hành chức vụ, bị lo lắng vì tầm quan trọng của chức vụ bị xem nhẹ. Tôi cảm thấy họ bị bất an: cảm giác bị ở một nơi không tốt, không dấn thân theo Chúa Kitô trong chức vụ linh mục, nhưng phải sống theo một cái gì khác hơn là trọng tâm mục vụ – một hiện tượng mà cố nhà văn Jean Mercier đã mô tả rất rõ trong quyển tiểu thuyết Cha xứ bị khủng hoảng (Monsieur le Curé fait sa crise). Tôi thấy các chủng sinh ngần ngại dấn thân vào con đường ơn gọi, họ lo lắng công việc đè nặng trên vai họ quá nhiều… Họ quyết định đi theo thập giá Chúa Kitô có thực sự được tạo ra từ những lời buộc tội của gánh nặng này không?
Hai thế hệ linh mục. Giám mục Jean-Marc Eychenne, 67 tuổi, chịu chức linh mục năm 1982, giám mục năm 2014. Linh mục Christophe Delaigue, 45 tuổi, chịu chức năm 2005, phục vụ ơn gọi (tavocation.fr) và cha xứ giáo xứ Thánh Giuse lo cho sinh viên và giới trẻ chuyên nghiệp ở Grenoble. Cha có trang blog: christophedelaigue.fr
Linh mục Christophe Delaigue: Tôi làm linh mục giáo xứ được 10 năm, nhưng nay vì lý do sức khỏe tôi không còn làm được nữa. Tôi yêu thích công việc, cả trong khía cạnh hoạt động tích cực vì tính của tôi thích hoạt động, nhưng tôi phải thú nhận công việc này quá mệt mỏi với tôi. Bây giờ tôi nghĩ, không nhất thiết tôi phải làm linh mục quản xứ, tôi cảm thấy tốt hơn tôi nên gặp gỡ, đồng hành. Đã 8 năm nay, từ khi tôi bị bệnh, tôi bỏ công việc này, tôi đặt lại vấn đề bản sắc linh mục, tôi không còn là người lãnh đạo cộng đồng. Với tôi, linh mục giáo xứ và linh mục thường cũng giống nhau. Chúng tôi đã được đào tạo cho việc này. Một người bạn nói với tôi: “Nếu bây giờ anh là chủng sinh, anh sẽ không được chịu chức.” Tôi không nghĩ bạn tôi nói đúng, nhưng anh đã nói lên nhiều điều về quan điểm vô thức của chúng tôi về chức linh mục.
Sự đồng hóa chức linh mục này với chức linh mục quản xứ đến từ đâu?
Giám mục Jean-Marc Eychenne. Lớn tuổi hơn, tôi hiểu các linh mục này chưa bao giờ là cha xứ. Với việc giảm ơn gọi, chúng ta đã đánh mất sự đa dạng khi tập trung vào hình ảnh linh mục. Tuy nhiên, linh mục cũng như giáo dân, chúng ta có nhiều đặc sủng khác nhau. Một số là các nhà lãnh đạo giỏi, họ là ân sủng của Giáo hội, nhưng cũng có những linh mục nhút nhát, không nói gì trong các cuộc họp nhưng lại là những linh mục đáng kể, có những linh mục có đặc sủng hỗ trợ, lắng nghe, sáng tạo. Chúng ta không nên vẽ hình ảnh linh mục phải là người có khả năng quản lý giáo xứ, quản lý các nhóm trong các giáo xứ lớn, họ phải học ở trường đào tạo cho việc này.
Linh mục Christophe Delaigue: Trong những năm 1960 và 1970, chức vụ linh mục khá rõ ràng trong mục vụ: chúng tôi biết linh mục quản xứ, tuyên úy bệnh viện thăm bệnh nhân, tuyên úy hướng đạo, họ làm những việc gì. Bây giờ vì ơn gọi thiếu nên mọi thứ thành mơ hồ. Chúng ta bắt đầu kết tụ mọi chuyện chung quanh hình ảnh linh mục, họ phải thông thạo mọi ngành nghề một chút, biết bổ nhiệm giáo dân làm tuyên úy cho bệnh viện… Phải là linh mục quản xứ mới thực sự là linh mục, ý nghĩ này đã thành chuẩn mực duy nhất và các linh mục giáo phận phải có khả năng này. Càng có ít linh mục, chúng tôi hiểu linh mục phải có năng lực ở những nơi cần thiết, đứng đầu giáo xứ phải có một nhóm đảm trách, một người không thể làm hết mọi việc. Bây giờ chúng tôi hiểu, không phải tất cả các linh mục đều được đào tạo để làm linh mục giáo xứ và với một số người, việc làm linh mục là một điều khó khăn.
Chúng ta có thể nói gì về “người quản lý tốt” được liên kết với kỹ năng thực thi quyền lực?
Giám mục Jean-Marc Eychenne. Vô tình chúng ta chuyển sang văn hóa của thế giới, lựa tướng tài giỏi nhất để chỉ huy các trận chiến. Logic của Tin Mừng không phải là logic của thế gian. Trong Kinh Thánh, người được chọn không phải là người xuất sắc nhất: ông Môsê, tiên tri Giêrêmia không phải là những người có tài ăn nói; Gideon, người kém nhất; Giôna, người đi lui; Đa-vít, người không ai nghĩ đến; Phêrô chối Chúa ba lần… Khi Thượng hội đồng xin dành chỗ cho mọi người, đặc biệt với những người nghèo nhất trong việc đưa ra các quyết định, chúng tôi không biết phải làm thế nào. Trong số các anh chị em đồng hữu, tôi là người kém năng lực nhất, vậy mà lời kêu gọi lại rơi đúng vào tôi. Chắc chắn, chúng ta đã sao chép mô hình hình kim tự tháp của thế giới cho Giáo hội để có người lãnh đạo và người điều hành. Vấn đề cũng không phải là sao chép mô hình dân chủ của Hiệp hội luật năm 1901, đa số quyết định bằng trưng cầu dân ý, đây cũng là mô hình của thế giới.
Linh mục Christophe Delaigue: Mô hình này đã có từ lâu. Sau khi Hoàng đế Constantine trở lại đạo vào thế kỷ thứ IV, chúng ta đã mô hình hóa việc tổ chức đời sống Giáo hội theo mô hình hoàng gia, thừa tác vụ linh mục được thành lập để là người đứng đầu cộng đồng nhân danh giám mục. Vì thế trong quyển sách của giám mục Eychenne, ngài đặt vấn đề liệu việc phân biệt quyền lực của thứ trật và quản trị có phù hợp hay không, điều này làm chúng ta bị mất thăng bằng.
Nếu nó không mang tính kim tự tháp cũng như không dân chủ, thì làm sao chúng ta có thể xác định được mô hình quản trị của Giáo hội?
Giám mục Jean-Marc Eychenne. Thay vì lao mình vào các hệ thống chuyển giao quyền lực thường mang tính ý thức hệ, chúng ta phải bắt đầu lại từ đời sống huynh đệ. Đời sống đã được phát triển trong các cộng đồng kitô giáo đầu tiên. Công vụ Tông đồ đã nói lên, người đã rửa tội có trách nhiệm rao giảng Tin Mừng, trong sự hiệp thông với hàng giáo phẩm và các thừa tác viên được truyền chức, điểm này cho thấy chúng ta đã đánh giá thấp đặc sủng rửa tội. Việc quản lý của Giáo hội mang tính đồng nghị: mọi người cùng nhau tiến bước trong tính tập thể, và người nhận sứ mệnh làm mục tử của đàn chiên sẽ có quyết định cuối cùng.
Linh mục Christophe Delaigue: Khi còn trẻ, chúng tôi làm mục vụ với giáo dân và các linh mục khác trong giáo xứ, đôi khi tôi nghe một số hội viên chỉ trích tính đồng nghị, tôi thực sự không hiểu vấn đề ở đâu… Chúng ta nghĩ rằng chúng ta đã khám phá ra Mặt trăng, nhưng tất cả những gì Thượng hội đồng nói về việc đồng trách nhiệm với giáo dân, Đức Bênêđíctô XVI đã nói từ năm 2009. Chúng ta đã in sâu vào đầu một hình ảnh cố định của linh mục, nếu phải chia trách nhiệm linh mục với người khác, chúng ta có cảm tưởng căn tính linh mục bị nhẹ đi. Nhưng linh mục là gì? Linh mục là người làm cho Chúa Kitô hiện diện để mọi người có thể làm cho Ngài hiện diện.
Khiêm tốn là sức mạnh
Làm thế nào để chúng ta có thể chỉnh lại quan điểm chúng ta có về chức linh mục, về bản sắc sâu xa và mãnh liệt của họ, họ thường bi đánh giá quá cao hoặc quá thấp? Khi đọc tác phẩm ngắn này, chúng tôi cảm nhận được trái tim của một giám mục buộc phải giả vờ làm tổn thương các linh mục của mình, chúng tôi nghĩ đó là vì khiêm nhường, đây không phải là một tư thế đơn giản, đây là sức mạnh để thoát ra khỏi những con đường phục vụ Giáo hội. Các tác phẩm của họa sĩ Arcabas minh họa tốt nhất để có một hướng suy ngẫm cho vấn đề này.
Làm thế nào chúng ta có thể tập trung tầm nhìn về linh mục hiện nay vào sứ vụ cốt lõi của họ?
Giám mục Jean-Marc Eychenne. Tôi thích câu của linh mục Jean-François Guérin, người sáng lập Cộng đoàn Thánh Martinô nói khi tôi còn ở chủng viện: “Nếu anh muốn là linh mục tốt cho ngày mai thì hôm nay anh phải là một tín hữu kitô tốt.” Dù sứ mệnh và ơn gọi của chúng ta trong Giáo hội là gì, thách thức vẫn là sự thánh thiện. Việc truyền chức linh mục không mang lại cho linh mục sự thánh thiện, nhưng trao quyền cho họ thực hiện các chức năng thánh thiện: thánh hiến bánh và rượu, trao truyền lòng thương xót của Chúa. Chính chức năng là thánh chứ không phải bản thân thừa tác viên, dù bản thể của họ được biến đổi vào ngày chịu chức. Cả khi linh mục truyền phép trong tình trạng mắc tội trọng, Bí tích Thánh Thể vẫn có hiệu lực. Ra đời trong Bữa Tiệc Ly, bắt đầu bằng cử chỉ tiên tri rửa chân, Bí tích truyền chức làm cho linh mục từ bỏ chính mình, hạ mình và phục vụ chính Chúa Kitô. Trong phụng vụ, linh mục đại diện cho Chúa Kitô là đầu, đặc biệt khi cử hành Bí tích Thánh Thể, hiện thực hóa Mầu nhiệm Vượt qua. Khi rời khỏi hoạt động phụng vụ, chúng ta có áp dụng vai trò này cho mọi khía cạnh của đời sống Giáo hội không? Đây là câu hỏi cần suy nghĩ kỹ hơn. Một linh mục đến cử hành thánh lễ trong tu viện nữ, linh mục không phải là người đứng đầu cộng đoàn. Và tùy theo từng thời điểm trong đời sống và trong đặc sủng cộng đoàn, một mục tử có thể ở phía trước, đôi khi ở giữa, đôi khi ở phía sau đàn chiên.
Linh mục thường được tín hữu xem là gương mẫu. Với họ, việc rửa chân có phức tạp để hiểu không?
Giám mục Jean-Marc Eychenne. Khẩu hiệu của Đức Phanxicô là: “Được chọn vì được tha thứ.” Chúng ta không nên nghĩ chúng ta được chọn vì nhân đức và công trạng của mình. Chúng ta được chọn với những yếu đuối của chúng ta, không chỉ vì chúng mà còn với chúng, để chúng ta ít bị cám dỗ gán cho mình những công đức công việc chúng ta làm, vốn thuộc về Thiên Chúa. Nếu tôi phải làm “đệm” (punching-ball) trong một cuộc họp giáo phận, tôi sẽ đau lòng, có khi hôm sau tôi bị mất ngủ, vì tôi vẫn là con người với những mong manh của tôi. Cuộc đời nào cũng có những lần sa ngã và đứng lên, cuộc đời của của linh mục cũng có những lúc họ cảm thấy không tốt trong chức vụ, có những thiếu sót cảm xúc, họ phải đối diện với cám dỗ. Chúa xin cuộc sống chúng ta phải nhất quán với những gì chúng ta rao giảng, Ngài kêu gọi chúng ta hãy là chứng nhân tin cậy của Ngài. Cuộc sống khó khăn và giáo dân cần linh mục là tảng đá để tựa vào. Đó là hợp pháp, miễn là chúng ta đừng nghĩ mình là chúa tể dù chúng ta muốn vậy. Trong gia đình, trẻ em có khát vọng như vậy với cha mẹ, cho đến một ngày chúng đụng phải cú sốc và nhận ra cha mẹ mình không hoàn hảo.
Một giám mục đi ra ngoài
Báo Le Dauphiné ngạc nhiên khi thấy giám mục Jean-Marc Eychenne đứng đầu giáo phận Grenoble-Vienne năm 2022, sau 8 năm ở Pamiers. Giáo dân bối rối khi thấy giám mục của họ quá đơn giản: đi phương tiện công cộng, ăn trưa ở nhà hàng nhỏ góc phố, mọi người thân mật gọi giám mục là Jean-Marc. Từ quá trình đào tạo rất cổ điển ở Cộng đồng Thánh Martinô, giám mục giữ một đời sống thần học mà sự vững chắc so được với sự cởi mở của ngài với người khác. Ngài thích hội họa và văn học, các nhà văn tâm linh, các thần học gia vĩ đại, xem nghệ thuật là “thần học” và nghệ sĩ là “người đi tìm Điều tuyệt đối”, Chúa hoạt động vượt ra ngoài những biên giới hữu hình của Giáo hội, Ngài gặp mọi người trên con đường Ê-mau.
Làm sao chúng ta không bị tác động vì cuộc khủng hoảng thiếu ơn gọi linh mục?
Linh mục Christophe Delaigue: Chúng ta cần có hành vi đức tin: Thiên Chúa không bỏ rơi nhưng ban cho chúng ta điều chúng ta cần. Đó là manna trong sa mạc: chúng ta luôn có thể nói chúng ta đói, trước đây chúng ta ăn thịt mỡ ngon hơn, nhưng Chúa ban manna – một từ có nghĩa là “thứ này là gì?”, có nghĩa đây không phải là điều chúng ta mong đợi – và chúng ta phải sống với nó. Nếu tôi dám dùng cách diễn tả này, tôi sẽ nói linh mục không từ trên trời rơi xuống. Chúng ta cần mảnh đất sinh sôi để có một đời sống tín hữu kitô rạng ngời, để người rửa tội nhận biết và thấy mình nơi người anh em, nơi làm việc và ở tất cả những nơi họ đến.
Giám mục Jean-Marc Eychenne. Chúng ta hơi theo kiểu lạc giáo Pêlagiô không cần ơn Chúa: chúng ta muốn tự mình “thực hiện” việc cứu rỗi, chúng ta dựa vào sức chúng ta. Với Chúa, không phải mọi việc đều thành công theo kế hoạch đã được hoạch định kỹ càng; Ngài nói với chúng ta: “Hãy đến và trở thành Ta.” Chính nơi mỗi người đã được rửa tội mà Ngài đến để chứng thực Đức Kitô, Con của Ngài. Để mỗi người đã được rửa tội có thể tiếp tục chứng tỏ cho Ngài thấy chúng ta cần thừa tác vụ linh mục. Khi chúng ta nói linh mục là một Chúa Kitô khác, thực tế, chúng ta có thể nói như vậy với mỗi người đã được rửa tội. Đôi khi tôi nghĩ có lẽ chính ngài muốn có tình trạng thiếu ơn gọi, Ngài chờ cho đến khi chúng ta thực sự nhấn mạnh lại sứ mạng làm môn đệ của người đã được rửa tội để phục hồi các linh mục. Và nếu ân sủng rửa tội này phát triển, chắc chắn Ngài sẽ ban các linh mục cho chúng ta.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Các linh mục tại trường rửa chân (Prêtres à l’école du lavement des pieds, Giám mục Jean-Marc Eychenne, nxb. Salvator).