Điều gì sẽ xảy ra nếu triết gia Kant giúp chúng ta trở nên nhân bản hơn?
Ba trăm năm sau khi triết gia qua đời, chúng ta có nên đánh thức ông dậy không? Công trình của nhà tư tưởng vĩ đại Thời hiện đại và Khai sáng nước Đức là một khối núi không dễ dàng leo lên được. Báo L’Hebdo La Croix chọn 6 điểm nổi bật trong tư tưởng nhân văn của ông, có giá trị trong việc định hướng suy nghĩ và hành động của chúng ta, đồng thời tránh những suy thoái chính trị và đạo đức đang đe dọa chúng ta.
la-croix.com, Elodie Maurot, 2024-04-17
Ba trăm năm sau khi ông ra đời, triết gia Khai sáng người Đức Emmanuel Kant (1724-1804) tiếp tục khai sáng cho thời đại chúng ta. Anne-Lise Boutin
Năm 1781, gió thổi vào thành phố cảng Kưnigsberg, thủ đô cũ của Vương quốc Phổ, nay là Kaliningrad, nước Nga. Là nhân vật quen thuộc và rất nổi tiếng, mỗi ngày, giáo sư Emmanuel Kant bước đi đều đặn, cùng giờ mỗi chiều, đi một lộ trình, mặc cùng chiếc áo khoác dài. Một nghi thức thao luyện sức khỏe, theo một giờ nhất định, triết gia dậy lúc 5 giờ sáng. Buổi sáng sau khi làm việc ở nhà xong, giáo sư đi dạy ở trường đại học – ông thích kể một vài câu chuyện hài hước mà sinh viên rất thích – sau đó ông cùng bạn bè ăn trưa. Khi về nhà, ông học cho đến tối, tắt nến khi chưa ăn gì vào đúng 10 giờ tối.
Nhìn bề ngoài, ngày nào cũng giống ngày nào… Nhưng, con người với cuộc sống đều đặn như chiếc đồng hồ vừa làm một cuộc cách mạng vĩ đại trong bộ môn triết lý khi ông xuất bản quyển Phê phán lý tính thuần túy, một tác phẩm hàng đầu sẽ cách mạng hóa ngành học của ông.
Tác phẩm của ông sẽ tạo nên dấu ấn, một trước-một sau trong lịch sử triết học.
Đắm chìm trong suy nghĩ của mình, ông băng qua một trong bảy cây cầu bắc qua sông Pregel. Một cơn gió mạnh từ biển Bắc xua tan những đám mây tụ trên phố cổ, để lộ tia nắng rực rỡ. Có phải nhà hiền triết Kant cũng cảm thấy ông đã mang lại ánh sáng cho người đương thời, làm sáng tỏ những câu hỏi triết học còn mơ hồ cho đến nay đó không? Chắc chắn tác phẩm của ông sẽ tạo nên dấu ấn một trước-một sau trong lịch sử triết học và những người kế thừa ông giờ đây sẽ phải suy nghĩ, hoặc theo ông hoặc chống ông.
Một hành vi phê phán
Một trước-một sau mà Kant giới thiệu là hành vi phê phán. Triết Michaël Fœssel, giáo sư Trường Cao đẳng (École Polytechnique), tác giả quyển Kant và sự mập mờ của thế giới (Kant et l’équivoque du monde, nxb. CNRS) giải thích: “Kant phát minh ra cách sử dụng lý trí có khả năng tự hành động, tự phán xét. Và nếu điều này có vẻ không làm chúng ta ngạc nhiên, thì đó là vì chúng ta là những người thừa kế ông. Kant thiết lập một tòa án lý trí trong đó lý trí có thể vừa bị cáo vừa thẩm phán.”
Triết gia Kant xem công việc phê phán này là cần thiết vào thời điểm của những tranh cãi về triết học đang nỗi lên rất nhiều và rất gay gắt. Một mặt, các triết gia theo chủ nghĩa kinh nghiệm, trong đường lối của triết gia Hume, khẳng định kiến thức hoàn toàn bắt nguồn từ kinh nghiệm giác quan, Hume bị đối thủ của ông buộc tội là theo chủ nghĩa hoài nghi. Còn những người theo chủ nghĩa duy lý, những người thừa kế các triết gia Descartes và Leibniz, đặt kiến thức vào mô hình toán học và nhận thấy họ bị buộc tội theo chủ nghĩa giáo điều. Những nhà siêu hình học này tìm cách suy nghĩ về những gì vượt ra ngoài (meta) thế giới cảm giác (vật lý), tuyên bố họ có thể chứng minh bằng lý luận về sự tồn tại của Chúa, sự bất tử của linh hồn, tự do… Nhưng liệu điều này có thể thực hiện được không?
Trong một thời gian dài, Kant đã lý luận như họ, nhưng khi gần đến sáu mươi tuổi, ông “nghĩ ngược lại chính ông” và ông thức dậy từ “giấc ngủ giáo điều” của ông, theo cách nói của ông. Ông quyết định thoát ra các cuộc tranh đua triết học để suy ngẫm về những điều kiện và quy luật của tri thức. Ông sẽ quan tâm đến chủ đề tạo ra kiến thức, trước khi lao vào nói điều gì đó về các đối tượng triết học.
Christophe Bouriau, triết gia và giáo sư tại Đại học Lorraine, tác giả Kant, (nxb. Cerf) nhấn mạnh: “Chủ nghĩa phê phán là triết lý của một phong cách mới, kiểm tra nền tảng của nó hơn là tìm cách nâng cao kiến thức của chúng ta.”
Lý trí, giữa táo bạo và khiêm tốn
Sau Aufklärung, thời kỳ Khai sáng của Đức, “Sapere aude!” (Dám biết!) là khẩu hiệu của Kant. Kant vạch ra công trình triết học xoay quanh ba câu hỏi lớn – tôi có thể biết được gì?, tôi phải làm gì? Tôi có thể hy vọng điều gì? – phân định các lãnh vực khác nhau, mỗi lãnh vực có những điều kiện khả năng riêng. Vì thế ông chứng minh sự tồn tại của các đối tượng siêu hình (Chúa, linh hồn, thế giới được nhìn trong tổng thể của nó, v.v.) không thể được xác lập bằng bằng chứng. Đây là một biến động hoàn toàn về mặt lý thuyết.
Với lòng dũng cảm, Kant vạch ra con đường dẫn đến lý trí, giữa táo bạo và khiêm tốn. Tác giả Michaël Fœssel, phân tích: “Chúng ta có thể nói ông là người có tư tưởng về sự tỉnh ngộ của thời hiện đại. Ông đưa ra một ngây thơ nào đó với sức mạnh của kiến thức, nhưng đó là sự vỡ mộng đặc thù của tuyệt vọng, vì trong tư cách là người của Khai sáng, ông thiết lập lý trí theo đúng quyền của nó để trở thành cơ quan quyền lực nhất.”
Con của người thợ làm yên ngựa được nuôi dưỡng trong tinh thần Khai sáng và có người mẹ trìu mến, mộ đạo (được yêu mến), có thể nói triết gia là người có tinh thần hòa giải. Tác giả Christophe Bouriau phân tích: “Với Kant, vấn đề không phải là phủ nhận sự tồn tại của Chúa, nhưng chứng tỏ, không phải qua bằng chứng hay lý luận mà chúng ta có thể biết được sự tồn tại của Ngài. Đó là lý do vì sao đức tin vẫn giữ được tất cả ý nghĩa của nó. Vì thế Kant sẽ nói, ông đã để lại một chỗ cho đức tin.”
Làm rõ để xoa dịu
Bằng cách cung cấp sự rõ ràng, triết gia cũng triển khai một dự án trấn an, một dự án ôn hòa trong lãnh vực tư tưởng cũng như trong lãnh vực chính trị. Tác giả Michaël Fœssel nhấn mạnh: “Cả hai có mối liên hệ với nhau, vì triết gia Kant có ý tưởng cho rằng chiến tranh thường diễn ra dưới hình thức thập tự chinh: chính nhân danh các nguyên tắc, niềm tin, giáo điều, các cạnh tranh chung mà chúng ta tiến hành chiến tranh, và điều này ngày nay vẫn còn xảy ra”.
Với Kant, sự thật và hòa giải có thể tiến triển ngay khi chúng ta phê phán các diễn từ được cho là phổ quát để kiểm tra chúng. Điều làm cho ông quan tâm là trong những điều kiện nào chúng ta có thể khẳng định điều gì đó có thể được tất cả mọi người chấp nhận. Tác giả Michaël Fœssel lưu ý: “Luận điểm tuyệt vời của ông, cái phổ quát là một hình thức chứ không phải nội dung, có thể là Chúa hay nhân quyền.” Theo Kant, luôn có công việc phổ cập phải được thực hiện dựa trên đặc thù. Cái phổ quát vẫn là một chân trời.”
Triết lý của Kant còn mang tính cách nhân văn cấp tiến và khắt khe, xem mỗi người là người anh em của mình. Triết gia Olivier Abel, giáo sư danh dự tại Viện Thần học Tin lành nhấn mạnh: “Theo triết gia Kant, con người phải tự chủ, chịu trách nhiệm về chính mình. Tôi phải biện minh cho bản thân và chấp nhận những người khác cũng biện minh họ theo cách tương tự”. Có lẽ đó là sự thế tục hóa một đạo đức về căn bản rất mang tính phúc âm. Chúng ta luôn có đi có lại: chúng ta phải liên tục có khả năng chấp nhận quan điểm của người khác.”
Căng thẳng hướng tới phổ quát, tranh luận, tôn trọng người khác…
Vào thời điểm chiến tranh và ưu tiên cho dân tộc quay trở lại, nhu cầu về danh tính và tin tức giả, tác phẩm của triết gia Kant vẫn là liều thuốc giải độc mạnh mẽ cho những tệ nạn đang đe dọa chúng ta. Tác giả Olivier Abel lưu ý: “Thực sự ngày nay chúng ta cần quay về với Kant, vì vấn đề với các nền dân chủ tự do của chúng ta là chỉ có các ý kiến. Kant tìm thấy khả năng tìm kiếm sự thật một cách khách quan, một đạo đức liêm chính và trung thực, đó là đặc trưng của các học giả, nhà giáo, nhà báo… Không có điều này, chúng ta chỉ có tôn giáo về các mối quan hệ sức mạnh và quan hệ vốn liếng. Kant là lá chắn thực sự chống lại mối nguy hiểm này.”
Marta An Nguyễn dịch