Lào có 60.000 giáo dân, một hồng y và các tu sĩ dòng Phanxicô nhiệt thành

190

Lào có 60.000 giáo dân, một hồng y và các tu sĩ dòng Phanxicô nhiệt thành

cath.ch, Lucienne Bittarr, 2024-06-05

Nhà thờ Thánh Têrêxa Savannakhet, miền nam nước Lào | © Flickr/Philip Roeland/CC BY-NC-ND 2.0

Linh mục Campuchia Paul Chatsirey Roeung, linh mục đại diện của Phnom Penh giải thích với hãng tin Fides: “Giáo dân của cộng đồng công giáo nhỏ bé Lào có một tinh thần truyền giáo nhiệt thành, họ hoạt động đắc lực cho tương lai Giáo hội địa phương. Theo các quy định hiện hành, chính phủ không cho các nhà truyền giáo nước ngoài lưu trú lâu dài trong nước.”

Lào là nước xã hội chủ nghĩa có 7,5 triệu dân, đa số theo phật giáo và chỉ có 60.000 người công giáo. Giáo hội công giáo được Mặt trận Phát triển Quốc gia Lào chính thức công nhận năm 1979 và mối quan hệ của Giáo hội với chính phủ dần dần được cải thiện. Năm 1991, tự do tôn giáo được Hiến pháp công nhận dành cho bốn tôn giáo chính: Phật giáo, Thiên chúa giáo, Hồi giáo và Bahai

Mới đầu Giáo hội là một phần của Đại diện Tông tòa Đông Xiêm. Ngày nay Giáo hội có bốn hạt đại diện, Vientiane, Paksè, Luang Prabang và Savannakhet. Kể từ năm 2017, Lào có hồng y Louis-Marie Ling Mangkhanekhoun, đại diện tông tòa Vatican, hiện nay ngài đã 80 tuổi.

Để thực hiện công việc mục vụ, Giáo hội công giáo Lào chủ yếu dựa vào giáo dân. Cha Chatsirey Roeung cho biết, công việc mục vụ truyền giáo được thực hiện theo từng bước nhỏ: “Các giáo lý viên đi theo các linh mục khắp các làng và cử hành các bí tích. Đôi khi, tùy theo nhu cầu, các giáo lý viên đi một mình, làm chứng cho đức tin, rao giảng Tin Mừng và rửa tội cho tân tòng.”

Giáo hội lo ơn gọi cho linh mục bản địa, tu sĩ thánh hiến và giáo dân.  Cha Chatsirey Roeung, người Campuchia cho biết, dù gặp khó khăn nhưng người trẻ vẫn đến với ơn gọi, hiện nay Lào có 50 chủng sinh.

Linh mục Roeung là giám đốc Hiệp hội Truyền giáo Giáo hoàng Lào và Campuchia, ngài thường đến thăm cộng đồng công giáo Lào. Ngài cho biết, sinh hoạt mục vụ diễn ra một cách hòa bình, nhưng với các cuộc họp đông người hoặc những sáng kiến đặc biệt thì phức tạp hơn, Giáo hội phải xin phép chính quyền. Tuy nhiên, tùy theo lãnh đạo tỉnh địa phương, mối quan hệ giữa Giáo hội và Nhà nước ít nhiều được linh động dễ dàng.

Một cộng đoàn nhỏ Anh em hèn mọn hoạt động tích cực

Ở miền nam Lào, hạt Paksè có 22.000 giáo dân, 8 linh mục giáo phận và các tu sĩ dòng Phanxicô. Họ sống trong ngôi làng ban đầu dành cho người cùi của một linh mục truyền giáo Pháp. Họ lo mục vụ cho năm ngôi làng và bốn cơ sở truyền giáo trên lãnh thổ. Giám đốc Hiệp hội Truyền giáo Giáo hoàng cho biết: “Trong mười năm qua, các tu sĩ đã hoàn thành việc xây dựng năm nhà thờ bằng gạch và bốn nhà nguyện bằng gỗ, các nhà tĩnh tâm và đào tạo của hạt đại diện”. Họ đứng đằng sau các dự án phát triển để cung cấp điện và nước uống cho các cộng đồng nông thôn rất nghèo, ngoài ra họ còn quản lý hai ký túc xá sinh viên.

Marta An Nguyễn dịch