Quan hệ Trung Quốc-Vatican: “Giáo Hoàng kết nối lại với truyền thống Dòng Tên”
la-croix.com, Thomas Tanase, 2024-05-28
Giảng viên môn lịch sử trung cổ tại Đại học Paris 1 Panthéon-Sorbonne, tác giả quyển “Lịch sử các Giáo hoàng ở phương Tây” (Histoire de la papauté en Ocident, nxb. Folio History, 2019)
Sau hội thảo về Trung Quốc tổ chức tại Vatican, Trung Quốc được đón nhận rất thuận lợi, sử gia Thomas Tanase đề nghị đọc lại lịch sử quan hệ giữa Trung Quốc và Giáo hội, ông nhận xét giáo hoàng đang nối kết lại với truyền thống Dòng Tên, không tìm cách áp đặt “kitô giáo phương Tây” lên Trung Quốc.
Đức Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung ngày 22 tháng 5 năm 2019 tại Quảng trường Thánh Phêrô. ETTORE FERRARI / EFE
Kitô giáo luôn có một lịch sử ở Á châu, từ năm 635, người kitô giáo nestorian đã đến thủ đô Tây An. Vào thế kỷ 19, Trung Quốc đóng cửa với các tôn giáo “ngoại lai”, người nestorian về lại vùng dân tộc thảo nguyên gần Mông Cổ.
Chính nhờ lịch sử này mà Giáo hội la-mã đã nối kết lại với Trung Quốc vào hậu bán thế kỷ 13, khi nhà thám hiểm Marco Polo gặp Hoàng đế Hốt Tất Liệt, cháu của Thành Cát Tư Hãn ở Bắc Kinh. Năm 1294, tu sĩ dòng Phanxicô Montecorvino đến Bắc Kinh mở hai tu viện. Tuy mang lại ít kết quả, nhưng châu Âu sẽ không quên chân trời này cho đến khi Christopher Columbus lên đường đi hoán cải các đại hãn.
Một thời đại mới bắt đầu, Đại Tây Dương và Châu Đại Dương là bước đường đưa các tu sĩ Dòng Tên đến Trung Quốc theo bước chân của Thánh Phanxicô Xaviê. Họ tạo ấn tượng với khoa học châu Âu. Linh mục Dòng Tên Matteo Ricci qua đời ở Bắc Kinh năm 1610, những người kế vị ngài cố gắng hoán cải giới tinh hoa, họ truyền kitô giáo qua lò luyện kim của triết gia Aristote, được dịch sang tiếng Trung Quốc như một thành tựu của Nho giáo. Năm 1689, các tu sĩ Dòng Tên thay mặt hoàng đế Khang Hy đàm phán Hiệp ước Nerchinsk với Nga. Họ cũng giới thiệu người châu Âu đến Trung Quốc.
Mô hình áp đặt của phương Tây
Tuy nhiên, người Trung Quốc không ấn tượng với chủ nghĩa của triết gia Aristote. Ở châu Âu, triết gia Pascal phản đối chủ nghĩa tương đối của Dòng Tên, và cuối cùng những người cho rằng họ quá hòa giải đã thắng. Giáo hoàng Clement nói về một kitô giáo phương Tây được hình thành trong hơn một thiên niên kỷ.
Thế kỷ 19 chứng kiến sự trỗi dậy mới của kitô giáo, đó là kitô giáo, hoặc chính thống giáo được Nga thúc đẩy, tin lành kiểu Mỹ mà Tôn Trung Sơn và Tưởng Giới Thạch đã theo. Nhưng do sự nhượng bộ với nước ngoài mang lại, thời đại mới của kitô giáo lại liên quan đến việc bành trướng thuộc địa. Và việc buộc phải bước vào nền văn minh hiện đại của phương Tây ở thế kỷ 20, đã làm cho Trung Quốc qua một thời kỳ đầy những thảm họa có lẽ chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Cuối cùng, Trung Quốc xây dựng một mô hình khác với mô hình phương Tây, mô hình của một Đảng Cộng sản tiêu diệt kitô giáo và các tôn giáo truyền thống, cao điểm là Cách mạng Văn hóa.
Chính quyền chống kitô giáo
Kitô giáo quay lại vào đầu những năm 1980, nhưng về cơ bản là theo mô hình Mỹ, kể cả công giáo mà trung tâm là thành phố Hồng Kông. Ngày nay đạo tin lành đã phát triển mạnh ở các đô thị, dù chính quyền vẫn chống kitô giáo. Xuất phát từ hệ tư tưởng mác-xít, họ đồng hóa kitô giáo với ảnh hưởng của phương Tây theo mô hình Mỹ.
Vatican tổ chức một hội nghị chưa từng có về quan hệ với Trung Quốc
Dưới ánh sáng của toàn bộ lịch sử này, thỏa thuận tạm thời giữa Trung Quốc và Tòa thánh được ký năm 2018 trên nền tảng của những người ủng hộ chủ nghĩa Đại Tây Dương, xác định kitô giáo được truyền bá với các giá trị phương Tây và mô hình Anglo-Saxon, đồng thời hy vọng sự sụp đổ của quyền lực cộng sản mà không ai có thể đo lường được tác động của nó đã gây ra, đặc biệt là về mặt lịch sử Trung Quốc ở thế kỷ 20.
Xoa dịu xung đột
Tuy nhiên, ngoài việc Trung Quốc đang ở một chân trời hoàn toàn khác so với các nước phương Đông trong quá khứ, thái độ này dường như phần lớn hướng về quá khứ trong khi Trung Quốc ngày nay là trung tâm của một nền kinh tế ngày càng toàn cầu hóa và đa cực, điều này làm cho sự thống trị của phương Tây theo mô hình hai thế kỷ vừa qua là không thể có trong tương lai. Nhạy cảm với sự biến đổi này, Đức Phanxicô, giáo hoàng đến từ nam bán cầu, đứng đầu một Giáo hội công giáo toàn cầu hóa, đã chọn cách xoa dịu cuộc xung đột. Ngài dần dần tạo mối liên kết giữa đạo công giáo và Trung Quốc, dù trong ngắn hạn Giáo hội vẫn còn bị đàn áp bất chấp đã có thỏa thuận.
Vì thế Đức Phanxicô kết nối lại với toàn bộ truyền thống Dòng Tên, nói rộng hơn là truyền thống của một châu Âu cổ đại ngày nay đang gặp khủng hoảng, được tạo nên từ chính sách thực tế, kiên nhẫn và để thời gian làm việc. Sự cân bằng này có vẻ bấp bênh với sự gia tăng càng ngày càng đối đầu toàn cầu giữa một phương Tây hậu-kitô giáo, tập trung vào thế giới Anglo-Saxon, và những kẻ thù của nó chung quanh một Trung Quốc liên minh với Nga.
Trên thực tế, các áp lực luôn rất mạnh và ngày càng tăng để không gia hạn và hủy bỏ thỏa thuận. Nhưng Đức Phanxicô luôn hy vọng vào thế giới ngày mai, Vatican trông coi một lịch sử phức tạp sẽ có thể trở thành tác nhân đối thoại để xây dựng những cây cầu nối kết các nền văn minh, tạo thuận tiện cho đạo công giáo ở Trung Quốc và các nơi khác.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch