Tổng giám mục Sứ thần Celestino Migliore: “Putin có thiện cảm với Đức Phanxicô”

47

Tổng giám mục Sứ thần Celestino Migliore: “Putin có thiện cảm với Đức Phanxicô”

lamontagne.fr, Simon Antony, 2024-05-30

Tổng giám mục Celestino Migliore, Sứ thần Tòa thánh tại Pháp.

Sứ thần là đại sứ và Vatican có rất nhiều sứ thần. Tổng giám mục Celestino Migliore đại diện Tòa thánh ở Paris, sau khi ngài làm sứ thần tại Matxcơva.

Nền ngoại giao Vatican ít được biết đến. Xin cha kể cho chúng tôi biết.

Tổng giám mục sứ thần Celestino Migliore: Tất cả các nguyên thủ quốc gia hoặc chính phủ đều đến Rôma ít nhất một lần trong nhiệm kỳ của họ. Nét chính ngoại giao của giáo hoàng được chính giáo hoàng đưa ra và được các sứ thần thực hiện.

Trong số 193 quốc gia có tên trong Liên Hiệp Quốc có 184 quốc gia có quan hệ ngoại giao với Tòa thánh. Vatican gia nhập Liên Hiệp Quốc năm 1964 với tư cách quốc gia không thành viên, là quan sát viên không có quyền bỏ phiếu và duy trì tính trung lập của mình. Nhưng Vatican có khoảng 50 đại diện làm việc trong ngành ngoại giao và 110 tòa sứ thần.

Vai trò của ngoại giao này là gì?

Không có hỗ trợ quân sự. Quyền lực không đến từ một sức mạnh kinh tế hay thương mại. Chúng tôi không đi tìm sự ủng hộ qua việc bầu cử. Hiệu quả của Tòa Thánh xuất phát từ thẩm quyền đạo đức của Tòa Thánh. Việc lắng nghe giáo hoàng nói là một chuyện, đó là một cách để áp dụng.

 Như thế Tòa Thánh có thể nói gì với Vladimir Putin?

Chúng tôi rất lo về sự xâm lược của Nga ở Ukraine. Đây là hai quốc gia kitô giáo. Khi bắt đầu cuộc xung đột, một điều rất hiếm đã xảy ra: Đức Phanxicô đến sứ quán Nga. Và ngài gọi điện thoại cho Tổng thống Zelensky. Cả hai bên đều không sẵn sàng để hòa giải. Họ xem xung đột là kết quả. Tất cả những gì còn lại là lo viện trợ nhân đạo và tạo áp lực trên các quốc gia có thể gây áp lực lên hai quốc gia này. Nhưng chúng tôi đã đụng vào cùng một logic.

Các nhà lãnh đạo hiện tại dường như chỉ nói ngôn ngữ kinh tế.

Không biết gì đến tâm linh.

Đức Phanxicô nói rất nhiều về lòng thương xót và về những người bị gạt ra ngoài lề xã hội. Gần hai phần ba nhân loại ở trong tình trạng nghèo đói. Đây không phải là bài phát biểu tâm linh. Đó là cụ thể. Các nhà lãnh đạo biết rõ các thực tế này hơn giáo hoàng, nhưng họ chỉ lo cho việc bầu cử của họ.

Thánh lễ Ngũ Tuần với sứ thần Luigi Ventura

Vladimir Putin không bận tâm lắm về cuộc bầu cử.

Tôi ở đó từ năm 2016 đến năm 2020. Một khoảng thời gian tốt đẹp  với chúng tôi. Putin có thiện cảm với Đức Phanxicô, trong bốn năm ông gặp ngài ba lần. Nhưng gặp ngài không có nghĩa là theo ngài. Trong bốn năm, tôi đã làm việc tốt với Điện Cẩm Linh. Chúng tôi đã thỏa thuận giúp đỡ các bệnh viện, lo về thị thực… Và chúng tôi có quan hệ tốt với Giáo hội chính thống.

Ngoại giao có mở rộng ra với các tôn giáo khác không?

Có ngoại giao tôn giáo và văn hóa. Cách đây hai năm, Đức Phanxicô đã đến Abu Dhabi ký một tuyên bố chung với đại giáo sĩ Ahmed Al Tayeb của Viện Al-Azhar. Ngài đi Iraq để nói chuyện với Ayatollah Ali Al-Sistani, lãnh đạo phong trào sunni. Ở đó, ngài đã phá vỡ tảng băng. Đây là công việc mất rất nhiều thời gian.

Đức Phanxicô rất chính trị.

Việc chúng ta đang nói hôm nay là một hành động chính trị. Mọi thứ đều mang tính chính trị. Đức Phanxicô có một tầm nhìn nhân văn.

Vatican là quốc gia nuôi dưỡng nhiều trí tưởng tượng nhất hành tinh. Vậy cha có biết tất cả bí mật của nhân loại không?

Tôi đã sống bảy năm ở Vatican. Tôi đã ngủ ở đó. Tôi chỉ mất một ít thời gian để hiểu chẳng có gì bí mật ở đây. Thêm nữa làm đại sứ tại Tòa thánh rất thú vị vì có những người quan trọng từ khắp thế giới đến thăm mỗi ngày.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch