Tôi là linh mục đồng tính. Chúng tôi cần nhiều hơn một lời xin lỗi của Đức Phanxicô
americamagazine.org, Bryan N. Massingale, 2024-05-29
Đức Phanxicô tại cuộc họp mặt thường niên của các tổ chức ủng hộ gia đình tại Auditorium della Conciliazione, Rôma ngày thứ sáu 10 tháng 5 năm 2024. (Ảnh AP/Alessandra Tarantino)
Tôi là linh mục đã công khai tuyên bố tôi thuộc về cộng đồng L.G.B.T.Q. Là người đồng tính nam, tôi bị sốc và đau buồn nghe Đức Phanxicô có lời lẽ xúc phạm khi ngài nói chuyện với các giám mục Ý. Khi biện minh cho việc từ chối người đồng tính nam vào chủng viện, ngài đã nói có quá nhiều “frociaggine, làm tình bằng hậu môn” trong các chủng viện. Chúng ta cần làm rõ lời nói này để hiểu cuộc tranh cãi. Từ này là một thuật ngữ thô tục, xúc phạm thường dùng để miệt thị người đồng tính nam.
Để trả lời, Vatican tuyên bố giáo hoàng đã biết về những báo cáo này và dù không trực tiếp xác nhận ngài đã nói từ này, nhưng vẫn thông báo: “Giáo hoàng không bao giờ có ý xúc phạm hoặc nói những thuật ngữ kỳ thị đồng tính, và ngài xin lỗi những người cảm thấy mình bị xúc phạm khi ngài dùng lại thuật ngữ của người khác đã báo cáo.”
Tôi hoan nghênh lời xin lỗi của ngài. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm vì ngài không cố ý xúc phạm. Nhưng bất kỳ quan sát viên chân thực nào cũng cho rằng việc này đã làm tổn hại nghiêm trọng đến việc ngài đã cởi mở chưa từng có với các thành viên của cộng đồng L.G.B.T.Q.
Để hiểu tầm quan trọng của việc ngài dùng từ ngữ thô tục này, chúng ta phải phân biệt giữa mục đích và tác động lời nói của ngài. Một số tìm cách hạ thấp tất cả những điều này, đó chỉ là vấn đề lựa chọn từ ngữ không may hoặc dùng một cách bất cẩn. Một số xem đây không gì khác hơn là sự hiểu biết không chính xác của một người đã lớn tuổi về một ngôn ngữ không phải là tiếng mẹ đẻ. Nhưng một số cho rằng ngài đã nói tiếng Ý từ khi còn nhỏ.
Tất cả điều này có thể đúng. Nhưng dù mục đích của ngài là gì, dùng từ ngữ như vậy là mất nhân tính. Những lời nói xấu và những từ xúc phạm có lẽ quá dễ dàng cho những người không phải là người trong cuộc nên họ bỏ qua. Nhưng xin đừng nhầm: những lời nói xúc phạm hạ thấp nhân tính của một nhóm thiểu số tình dục. Chúng khiến chúng ta phải xem lại nhân tính của mình.
Hơn nữa, tác hại còn vượt xa những người bị xúc phạm trực tiếp vì lời nói kỳ thị người đồng tính này là của giáo hoàng. Việc ngài dùng ngôn ngữ như vậy nhằm hỗ trợ cho các chính sách công làm nguy hiểm cuộc sống của các nhóm thiểu số tình dục trên thế giới. Những người tìm cách loại những người đồng tính nam, đồng tính nữ và chuyển giới khỏi đời sống xã hội và khỏi sự bảo vệ pháp lý có thể –họ sẽ nhận được khuyến khích trong những lời của giáo hoàng.
Đúng, tôi biết Đức Phanxicô đã kêu gọi phi hình sự hóa đồng tính. Tuy nhiên, việc ngài dùng từ ngữ xúc phạm không thể làm giảm đi thông điệp của ngài: tất cả đều có “phẩm giá vô hạn” cần được mọi người tôn trọng. Chúng ta cần nhiều hơn một lời xin lỗi.
Các câu hỏi và các vấn đề khác
Lời xin lỗi của ngài tuy được hoan nghênh và cần thiết, nhưng lại đặt ra nhiều câu hỏi và mối lo ngại hơn nữa. Thứ nhất, những nhận xét này được đưa ra trong bối cảnh thảo luận về việc người đồng tính nam công khai có nên được nhận vào chủng viện hay không. Một số cho rằng Đức Phanxicô chỉ đơn giản nhắc lại chính sách chính thức của Giáo hội đã được Vatican làm rõ năm 2005 và khẳng định lại năm 2016.
Tuy nhiên, chính sách này của Vatican đã bỏ qua thực tế là hiện nay luôn có nhiều giám mục và linh mục đồng tính trung thành và quảng đại phục vụ Giáo hội. Việc từ chối người đồng tính nam vào chủng viện ngụ ý những người này có những khiếm khuyết hoặc thiếu sót về mặt đạo đức mà người đàn ông dị tính không mắc phải. Chính sách này cho rằng có một mức độ tội lỗi hoặc thiếu đạo đức ở những người đồng tính nam mà những người đàn ông dị tính không có, điều đó sẽ tự động loại những người đồng tính nam khỏi chức tư tế.
Tuy nhiên, kinh nghiệm hơn 40 năm làm linh mục của tôi cho thấy điều này không đúng. Mọi người thuộc mọi khuynh hướng tình dục đều sống độc thân tốt. Các linh mục thuộc mọi khuynh hướng tình dục có khi phải đấu tranh với việc sống độc thân. Đôi khi những cuộc đấu tranh này làm nảy sinh tai tiếng, kể cả giáo sĩ đồng tính và dị tính. Và “những nhóm buôn chuyện khép kín” – điều mà một số Tiểu bang thực sự lo ngại đằng sau việc Đức Phanxicô dùng từ ngữ xúc phạm – không phải chỉ dành riêng cho những người đồng tính nam. Lệnh cấm hoàn toàn với tất cả những người đồng tính nam cũng không phải là giải pháp chính đáng cho một vấn đề như vậy.
Khuynh hướng tình dục không phải là vấn đề quyết định tính hiệu quả của mục vụ, cũng không phải là lý do duy nhất để loại người muốn vào chủng viện hay vào nhà dòng.
Vấn đề sâu đậm nhất
Nếu ai cũng biết có nhiều người đồng giới phục vụ Giáo hội một cách có trách nhiệm trong tư cách là người lãnh đạo được phong chức, thì vấn đề thực sự là gì? Tôi nghĩ cuộc tranh cãi về việc giáo hoàng dùng từ ngữ làm mất nhân tính và việc công khai từ chối nhận người đồng tính vào chủng viện cho thấy một vấn đề sâu sắc nhất trong Giáo hội: Những người đồng tính nam, đồng tính nữ, song tính, chuyển giới và đồng tính có hoàn toàn bình đẳng với nhau trong nhiệm thể Chúa Kitô không? Sự tranh cãi về nhận xét của Đức Phanxicô đã phản ánh câu trả lời: hiển nhiên là chưa.
Đức Phanxicô hay nói “mọi người” đều được chào đón trong Giáo hội, vòng ôm của Giáo hội mở ra cho tất cả mọi người. Trong những Ngày Thế Giới Trẻ, ngài đã nói: “Tất cả, tất cả, tất cả.” Nhưng những lời của ngài và chính sách của Vatican về việc nhận chủng sinh vào chủng viện cho thấy tất cả đều có thể được đón nhận nhưng không được đón nhận như nhau. Hoặc chỉ đón nhận với điều kiện họ phải chấp nhận có điều gì đó thiếu sót ở họ, ngay cả khi họ sống độc thân. Và nếu họ được chịu chức, thì họ sẽ không được công khai thừa nhận giới tính của mình.
Điều này thu hút sự chú ý đến một câu hỏi khác đằng sau nhận xét của giáo hoàng: Giáo hội thực sự có thể đón nhận như thế nào khi Giáo hội chính thức mô tả tình dục không dị tính là “rối loạn khách quan”, một từ ngữ tập trung vào tình trạng đạo đức của các hành vi tình dục hơn là vào hiểu biết chính mình của những người mà Giáo hội mô tả?
Nếu chúng ta thực sự nghĩ rằng tính dục của những người L.G.B.T.Q. “thấp kém hơn” các hình thức tính dục khác, thì việc dùng những lời nói xấu, lăng mạ và các hình thức hạ thấp nhân phẩm khác cũng không có gì đáng ngạc nhiên.
Từ đó chúng ta sẽ đi đến đâu?
Trong một phỏng vấn về chủ đề này, một phóng viên BBC đã hỏi tôi một câu hỏi cá nhân: là linh mục đồng tính, cha có gặp khó khăn với cách lãnh đạo của cấp trên của cha không? Và giáo hoàng phải làm gì để phục hồi lại những thiệt hại do những nhận xét của ngài gây ra?
Tôi trả lời rằng tôi không biết bất kỳ nhóm L.G.B.T.Q nào. Người công giáo không đấu tranh cho vị trí của mình trong Giáo hội. Tôi cảm thấy bị sốc, thậm chí có phần bị phản bội, khi một giáo hoàng nói như vậy với những người như tôi, dù tôi chấp nhận ngài không ác ý. Tôi xin nhắc lại, để hiểu tầm quan trọng của sự kiện này, chúng ta phải nhận ra sự khác biệt giữa mục đích và tác động lời nói của ngài.
Dù vậy tôi nghĩ, nguyên do của những chuyện này một phần là do đã có sự cởi mở mới trong Giáo hội. Mọi giáo phái kitô giáo hiện nay đã có lập trường chấp nhận hoàn toàn với người L.G.B.T.Q., trước đây các giáo sĩ đồng tính bị loại trừ. Trong những nhà thờ này, những mục tử không phải là người dị tính phải làm việc với tư cách là người có khiếm khuyết về mặt đạo đức và tâm lý. Họ thường bị nghi ngờ và thậm chí bị ra khỏi sứ vụ.
Tuy nhiên, đó là do các mục tử này vẫn tiếp tục phục vụ nhà thờ của họ và phục vụ người L.G.B.T.Q. Các tín hữu tiếp tục thuộc về Giáo hội bất chấp sự phản đối chính thức mà họ phải đối diện, cộng đồng đức tin của họ đã có được những hiểu biết chính xác hơn về tình dục con người và cái nhìn sâu sắc hơn về sức mạnh của Thánh Linh trong Giáo hội.
Nói cách khác, điều làm cho tôi được an ủi là Giáo hội công giáo đang trải qua những cuộc đấu tranh tương tự mà các tổ chức Tân giáo, Lutheran, Methodist, Presbyterian và các tín ngưỡng kitô giáo khác đã phải chịu đựng khi họ đấu tranh với những hiểu biết sâu sắc hơn về tình dục con người. Tôi cảm thấy an ủi vì những thử thách như vậy là một phần của quá trình thay đổi đôi khi buồn bã và lộn xộn nhưng cần thiết. Những gì chúng ta đang trải qua là những cơn đau đẻ khi chúng ta ngày càng trung thành sâu đậm hơn với Thần Khí của Chúa.
Vậy tôi nghĩ giáo hoàng nên làm gì? Tôi nghĩ giáo hoàng cần trực tiếp lắng nghe và cởi mở với các linh mục đồng tính, những người trung thành phục vụ dân Chúa. Ngài cần đồng hành với chúng tôi, cảm nhận đàn chiên của ngài và của Chúa. Ngài cần nghe những niềm vui và thử thách của chúng tôi, chăm sóc nỗi đau cũng như những toại nguyện sâu đậm của chúng tôi. Ngài cần được truyền cảm hứng từ lòng trung thành anh hùng của chúng tôi. Và chúng tôi cần được ngài truyền cảm hứng, lắng nghe quan điểm của ngài là người dấn thân phục vụ dân Chúa.
Một tấm gương đồng hành sâu sắc của đồng nghị và sự lắng nghe thiêng liêng sẽ có tác dụng chữa lành cho Giáo hội nhiều hơn là những lời xin lỗi trong thông cáo báo chí của giáo hoàng. Lắng nghe tiếng nói của chúng tôi sẽ là một bước quan trọng để trở thành một Giáo hội nơi tất cả mọi người đều thực sự được chào đón.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Một nửa chủng sinh, linh mục và giám mục là người đồng tính