Chức phó tế nữ: Đức Phanxicô đã nói không, bây giờ chúng ta phải làm gì?
cath.ch, Thierry Collaud, 2024-05-29
Diễn viên hài Ý Roberto Benigni tại Quảng trường Thánh Phêrô nhân Ngày Thế giới Trẻ em
Trong một phỏng vấn gần đây, Đức Phanxicô từ chối phong chức phó tế nữ. Đột nhiên Thượng hội đồng thấy sự nhiệt tình của của mình bị nguội đi! Nhưng chúng ta phải làm gì khi không đồng ý với giáo hoàng?
Tôi muốn nói ‘bất đồng quan điểm’ là một loại đa dạng mang tính sáng tạo của Giáo hội. Tin tức đến với tôi theo một cách vừa nghiêm túc vừa hài hước. Cách đây vài ngày, bà Norah O’Donnell của hãng tin CBS phỏng vấn ngài: “Liệu bây giờ một bé gái lớn lên trong đạo công giáo có cơ hội để thành phó tế nữ và dự vào hàng ngũ giáo sĩ trong Giáo hội được không?” Câu trả lời rất rõ ràng: “Không!”
Các phản ứng rộ lên. Một số người thất vọng vì họ thấy cánh cửa vừa được hé ra đã bị đóng sầm lại, một số người thấy thể chế cần ổn định, một số đau khổ trước những mơ hồ do nhiều yêu cầu mở ra, một số vui mừng trước lời nói chắc nịch giúp giảm rủi ro cho một Thượng hội đồng đồng nghị khó kiểm soát.
“Tiếng ‘không!’ của Đức Phanxicô thật khắc nghiệt vì nó kiên quyết.
Nhưng tiếng “không!” của giáo hoàng mà tôi cảm thấy nghẹn họng lại được xoa dịu nhờ sự can thiệp tươi mát của danh hài Roberto Benigni ở Quảng trường Thánh Phêrô nhân Ngày Thế giới Trẻ em. Sức thổi thần thánh nào lại thúc đẩy Đức Phanxicô mời chú hề đầy tính nhân văn có một không hai này đến đây trong ngày này? Như chú hề trong cung đình, ông vi phạm chỉ dẫn của đội cận vệ Thụy Sĩ, ông hôn hai má giáo hoàng, ông biện minh: “Nụ hôn để làm gì nếu chúng ta không hôn!” Ông mở toang cánh cửa mà Đức Phanxicô muốn đóng!
Ở đây chúng ta không còn nói về việc trở thành phó tế, mà việc ai muốn làm giáo hoàng: “Ai muốn làm giáo hoàng? Xin giơ tay lên!” Trước những bàn tay giơ lên, Đức Phanxicô khuyên họ mơ ước: “Trong nước Chúa, mọi sự đều có thể!” Có thể giáo hoàng tương lai là một người ở đây. Có thể đó là người châu Phi, châu Á hoặc một bé gái, một phụ nữ, một nữ giáo hoàng đầu tiên trong lịch sử. Mamma Mia, chúng ta sẽ nói về chuyện này trên mặt trăng!
Khi Đức Phanxicô nói “không!”, chúng ta sẽ làm gì? Chúng ta sẽ lui về hàng ngũ? Chúng ta ra khỏi đạo công giáo? Hay chúng ta sẽ nói: “Thưa giáo hoàng thân mến, một số đồng ý với cha, một số không. Nhân danh đặc sủng hiệp nhất của Chúa, xin cha giúp chúng con sống bình an với những khác biệt của chúng con, để những khác biệt này không phá vỡ hiệp thông.”
Tiếng “không!” của giáo hoàng thật khắc nghiệt vì nó kiên quyết, vì từ một người duy nhất và không cần có một thảo luận rộng rãi. Đó là cái giá đáng tiếc cho hệ thống kim tự tháp hóa của Giáo hội công giáo. Chỉ lời nói trên cao mới đáng kể. Chính từ thể chế cứng nhắc theo thời gian này mà các thành viên của Thượng hội đồng phải có can đảm vượt lên. Giáo hoàng không ở đây để đưa ra ý kiến cá nhân. Những người khác cũng được cảm hứng và đưa ra ý kiến của mình. Vai trò chính của giáo hoàng không phải là giải quyết những khác biệt để luôn có một tiếng nói duy nhất, nhưng bảo đảm những khác biệt có thể được nhấn mạnh mà sự hiệp nhất không bị phá vỡ.
“Tôi cầu nguyện để Chúa Thánh Thần thổi trên Thượng hội đồng để Thượng hội đồng dám giải quyết những vấn đề nóng bỏng ”
Đặc sủng chính của giáo hoàng là đón nhận sự đa dạng, đón nhận tiếng nói của mọi người, giúp có được hiệp thông trong tính đa dạng, vốn là định nghĩa thực sự về tính công giáo của Giáo hội.
Suy nghĩ và xây dựng một Giáo hội có nhiều tiếng nói là một thách thức lớn. Nếu không làm được, chúng ta sẽ phải đối diện với những căng thẳng nghiêm trọng. Chúng ta đã thấy qua tài liệu về việc chúc phúc cho các cặp đồng tính. Chúng ta đã thấy tầm quan trọng của một số bộ phận trong cộng đồng Giáo hội công giáo qua việc tái xác định vai trò của phụ nữ trong đời sống Giáo hội.
Vai trò của thừa tác vụ Phêrô là xoa dịu những căng thẳng nảy sinh chứ không phải chỉ đạo các chủ đề của cuộc nói chuyện. Chúng ta không ngăn được ly giáo bằng cách cấm thảo luận. Ở thời điểm này, chúng ta chứng kiến sự ly giáo thầm lặng của những người dần dần ra đi. Nhưng ngược lại Giáo hội có thể tránh được ly giáo qua các cuộc gặp gỡ, không mệt mỏi trao lời nói qua tình yêu và tôn trọng nhau để chúng ta có thể chung sống hòa bình với những khác biệt.
Tôi cầu nguyện để Chúa Thánh Thần thổi trên Thượng hội đồng để Thượng hội đồng dám giải quyết những vấn đề nóng bỏng và biết cách sắp xếp giữa những gì có thể là đối tượng của sự đa dạng và những gì nên được xem là một. Nếu thượng hội đồng lay chuyển được giáo hoàng và đặc biệt bộ máy giáo triều, thì người tín hữu kitô sẽ biết ơn Thượng hội đồng.
Marta An Nguyễn dịch