Đức Phanxicô và con thoi lịch sử

29

Đức Phanxicô và con thoi lịch sử

mondayvatican.com, Andrea Gagliarducci, 2024-05-27

Hai sự kiện tuần trước đặc biệt quan trọng. Một là hội nghị quốc tế nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Hội đồng Trung Quốc, với sự hiện diện của giám mục Thượng Hải, Shen Bin, được chính phủ Trung Quốc đơn phương bổ nhiệm và sau đó mới được Đức Phanxicô công nhận. Sự kiện thứ hai là chuyến đi của hồng y Victor Manuel Fernandez đến Ai Cập, để nói chuyện với giáo hoàng Tawadros II của Giáo hội chính thống Copt.

Hai sự kiện này có liên quan với nhau như thế nào?

Theo cách của họ, cả hai đều đại diện cho một trong những khía cạnh của triều Đức Phanxicô. Cả hai đều cho ấn tượng có một loại “văn hóa loại trừ“ công giáo đang tiến hành, có nghĩa cần phải tái tạo lịch sử để vượt lên những lạm dụng – có thật hay bị cho là của quá khứ – đồng thời nhìn về tương lai bằng cách giả vờ cho rằng mọi sự đều ổn khi không còn liên hệ với quá khứ.

Sự hiện diện của giám mục Shen Bin tại hội nghị quốc tế do Bộ Truyền giáo tổ chức là đáng chú ý vì đây là lần đầu tiên ngài đến Rôma sau khi Đức Phanxicô chấp nhận Trung Quốc đơn phương bổ nhiệm ngài.

Giám mục Shen Bin không chỉ là giám mục được phong năm 2010 với sự chấp nhận của Rôma và Vatican, ngài còn là giám mục của đảng Cộng sản Trung Quốc, chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Trung Quốc, một cơ quan nhà nước được đảng Cộng sản Trung Quốc thúc đẩy hán hóa.

Trong bài phát biểu tại hội nghị, ngài cho rằng Hiệp hội Yêu nước không muốn thay đổi giáo lý của Giáo hội, chỉ muốn Giáo hội Trung Quốc phát triển theo theo mô hình Trung Quốc. Tóm lại, Hiệp hội Yêu nước không nên bị cho như một cơ quan bị Nhà nước can thiệp vào nội bộ, nhưng chỉ là một phản ứng trong thời thuộc địa. Giáo hội phải là của người Trung Quốc, phát triển theo mô hình Trung Quốc hiện đại, một mô hình do Chủ tịch Tập Cận Bình thiết kế và thực hiện.

Hồng y Pietro Parolin, bộ trưởng bộ Ngoại giao đã cân bằng sự can thiệp này bằng bài phát biểu bảo vệ việc quyết định tiếp xúc trực tiếp với chính phủ Trung Quốc, nhấn mạnh điều kiện đầu tiên để một giám mục có thể hành động một cách liêm chính trong bất kỳ vấn đề nào theo bối cảnh địa phương: họ phải liên hệ với giáo hoàng, phải được bén rễ sâu sắc và phải tôn trọng. Không có chỗ cho chủ nghĩa dân tộc trong Giáo hội công giáo, cũng như với các Giáo hội quốc gia, thay vào đó phải có chỗ cho sự hội nhập văn hóa và hiểu biết.

Công đồng Trung Quốc được tổng giám mục Celso Costantini triệu tập năm 1924, chính xác do tâm lý thuộc địa của Giáo hội thời kỳ đó bị cho là “cơ quan đại diện nước ngoài” – thường nằm dưới sự kiểm soát của các cơ quan bảo hộ chính trị – có quyền tự chủ và tự do hoạt động ở Trung Quốc. Đó là tầm nhìn phi thường của giáo hoàng Bênêđíctô XV, ngài mô tả trong Tông thư Maximum Illud và hồng y Parolin nhớ rất rõ điều này.

Tuy nhiên, tâm lý thực dân này cũng là cớ cho nhiều hành động can thiệp, để biện minh cho việc nhà nước Trung Quốc hung hãn can thiệp vào các vấn đề tôn giáo. Như thể việc xóa bỏ quá khứ thuộc địa và hậu thuộc địa là lý do để biện minh cho việc vi phạm quyền tự do tôn giáo hoặc trong mọi trường hợp sẽ làm cho tình hình trở nên tốt đẹp hơn.

Công việc đoạn tuyệt với quá khứ đã được tiến hành và sự xuất hiện của đảng Cộng sản Trung Quốc không sửa đổi sự thay đổi này, cũng như không thay đổi bộ mặt của Giáo hội. Thay vào đó đảng Cộng sản buộc Giáo hội phải thỏa hiệp và thường xuyên bắt bớ Giáo hội. Điều này liên quan như thế nào đến chuyến đi của hồng y Fernandez đến Ai Cập?

Hồng y Fernandez đến Ai Cập để thiết lập lại cuộc đối thoại thần học với Giáo hội chính thống Copt. Đã có một quan hệ tốt đẹp về các mối quan hệ thần học-đại kết, nhưng tuyên bố Fiducia supplicans về việc chúc phúc cho các cặp đồng tính đã làm gián đoạn quan hệ này.

Fiducia supplicans là một tuyên bố không thể chấp nhận được với Giáo hội chính thống Copt, đặc biệt là chúc phúc cho các cặp đồng giới. Vì thế Thượng hội đồng Copt – cơ quan quản lý Giáo hội Copt – quyết định đình chỉ cuộc đối thoại thần học, dù có mối quan hệ thân thiết gần gũi như thế nào giữa Tòa Thánh Phêrô và Tòa Thánh Marcô, mà điểm cao là ghi nhận 21 người tử đạo Copt bị ISIS giết ở Libya.

Giáo hội Copt đã đưa ra một tuyên bố nhắc lại giáo huấn của Giáo hội về các kết hợp đồng tính, có một ghi chú giải thích về Fiducia Supplicans, nêu rõ quan điểm của Rôma với các cặp đồng tính.

Giáo hội Chính thống Copt chấp nhận lời giải thích, nhưng tuyên bố này không thể hiện sự tái lập cuộc đối thoại thần học. Giáo hội chính thống sẽ quyết định xem liệu những lời giải thích có thỏa đáng hay không.

Vấn đề là muốn lật đổ thực hành mục vụ vốn luôn dẫn đến sự phân định lành mạnh đối với các chúc phúc không chính thức, bằng cách nào đó Fiducia Supplicans đã phá vỡ sự cân bằng vốn giữ giáo lý và mối quan tâm mục vụ với nhau, không chỉ trong Giáo hội công giáo. Như trong trường hợp hội nghị Công đồng Trung Quốc, đó là mong muốn vượt qua quá khứ bị cho là “quá khứ của những sai lầm” và có thể giải quyết bằng một cách tiếp cận mới.

Trong cuộc đối thoại với Trung Quốc (Tòa thánh sẽ tiếp tục vào tuần tới để thảo luận về việc bổ nhiệm các giám mục) cũng như với Giáo hội Chính thống Copt, sự cần thiết phải vượt qua quá khứ trong đó những sai lầm có nguy cơ thành tự hủy. Một tự hủy nảy sinh từ ý tưởng vươn tới mọi người, nhưng lại làm cho Giáo hội đánh mất căn tính của mình và giáo dân có nhiều thành kiến khác nhau về những gì Giáo hội đã làm – những thành kiến đôi khi không chính đáng.

Như vậy cần xem Đức Phanxicô có nói rõ suy nghĩ của ngài về những vấn đề này hay không, như ngài đã làm với vấn đề phó tế nữ khi ngài trả lời phỏng vấn của đài CBS. Câu trả lời “không” khô khan của ngài cho thấy ngài có thể thay đổi câu chuyện về quá khứ và tái định vị Giáo hội mà không đụng đến giáo lý, và ngài cũng không thực sự lo lắng quá nhiều về việc ai bị thất vọng hoặc sẽ bị thất vọng nhiều ít như thế nào.

Gần đây, chúng tôi chứng kiến một câu chuyện kể, Đức Phanxicô hành động như con lắc theo cả hai hướng. Vấn đề: đó chỉ là câu chuyện kể.

Ranh giới nằm giữa một bên là Giáo hội thuộc địa, Giáo hội nô lệ, một bên là Giáo hội bao gồm mọi người, tôn trọng các dân tộc bản địa và phục vụ tất cả mọi người.

Cần phải có sự cân bằng hơn giữa hai quan điểm này, một quan điểm sẽ chỉ đến khi có một tầm nhìn tổng thể cho phép chúng ta nhìn lịch sử rõ ràng hơn.

Nếu Giáo hội không đưa ra tầm nhìn đó thì ai sẽ làm?

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch