Nhân đức khiêm nhường cứu chúng ta khỏi sự dữ

138

Nhân đức khiêm nhường cứu chúng ta khỏi sự dữ

aleteia.org, Agnès Pinard Legry, 2024-05-22

Trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần ngày thứ tư 22 tháng 5-2024, Đức Phanxicô giảng về nhân đức khiêm nhường: “Khiêm nhường là cửa ngõ dẫn đến mọi nhân đức. Nhân đức giúp chúng ta thoát khỏi sự dữ và nguy cơ trở thành đồng bạn với nó.”

Hôm nay ngài kết thúc loạt bài giáo lý nói về các nhân đức và thói xấu bắt đầu ngày 27 tháng 12 năm 2023. Để kết thúc loạt bài, ngài tập trung vào một nhân đức không ở trong các nhân đức chính: nhân đức khiêm nhường. Đây là nhân đức chống lại tệ nạn kiêu ngạo nguy hiểm.

Đức Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần tại Quảng trường Thánh Phêrô ngày thứ tư 22 tháng 5-2024

Không phải lúc nào chúng ta cũng dễ dàng nhận ra lỗi lầm của mình, chấp nhận thất bại hoặc xin giúp đỡ, dù trong môi trường nghề nghiệp hay trong cuộc sống cá nhân, việc hiểu rõ thực tế, không ảo tưởng, không bóp méo cái tôi giúp chúng ta trưởng thành, thăng hoa và xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn, tất cả nhờ đức khiêm nhường. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu thường nói: “Khiêm nhường là đời sống được sống trong sự thật.” Ngược với suy nghĩ thường tình, khiêm nhường thực sự không đòi hỏi phải hạ mình mà phải cởi mở với người khác, không tập trung vào bản thân, nhưng dành vị trí ưu tiên cho những gì vượt quá bản thân mình.

Ở đâu không có khiêm tốn, ở đó có chiến tranh, bất hòa, chia rẽ.

Theo Đức Phanxicô, khiêm nhường có nguồn gốc từ “mùn, đất”, đưa mọi thứ về đúng chỗ của nó: chúng ta là những tạo vật tốt đẹp nhưng có giới hạn, có nhân đức, có lỗi lầm, giúp chúng ta thoát ảo tưởng toàn năng, kiêu ngạo. Ngài cảnh báo: “Ở đâu không có khiêm nhường, ở đó có chiến tranh, bất hòa, chia rẽ. Để thoát khỏi con quỷ kiêu ngạo, chỉ cần nhìn bầu trời đầy sao để tìm biện pháp phù hợp. Khiêm nhường là tất cả, cứu chúng ta khỏi nguy cơ thành đồng phạm của sự dữ.”

Đức Phanxicô nêu gương Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ là mẫu mực của khiêm nhường, sự nhỏ bé của Mẹ là sức mạnh bất khả chiến bại.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch