Các câu châm ngôn của mẹ tôi

322

Các câu châm ngôn của mẹ tôi

Một đĩa châm ngôn của mẹ tôi

Mẹ tôi mua các tấm thiệp có câu châm ngôn, bà làm một bộ sưu tập đủ loại.

Mẹ tôi in các câu châm ngôn trên các tấm thiệp đẹp, cất vào hộp đẹp.

Mẹ tôi in các câu châm ngôn trên các tờ giấy đẹp để viết thư.

Mẹ tôi còn thuê cô làm đồ gốm mẹ quen in câu châm ngôn trên đĩa.

Mẹ tôi đăng ký trang “Mỗi ngày một châm ngôn” trên mạng.

Nói tóm lại, mẹ tôi mê các câu châm ngôn.

Bà cho tôi các thiệp có câu châm ngôn.

Bà cho tôi các tờ giấy có câu châm ngôn.

Bà đăng ký “Mỗi ngày một châm ngôn” cho tôi, nhưng tôi từ chối vì mỗi ngày nhận một câu châm ngôn, đọc… nhức đầu!

Các câu châm ngôn của bà đủ loại, tôi xin trích một vài:

– Tôi không nhúng ngòi bút của tôi trong lọ mực, tôi nhúng nó trong cuộc đời. Blaise Cendras.

– Tất cả đều mất, ngoại trừ hạnh phúc. Jacques Prévert.

– Với tôi yêu thương luôn là công việc lớn nhất, nếu không muốn nói là duy nhất. Stendhal.

– Điều đáng kể trong tình yêu là người làm bước trước. Stendhal.

– Tôi chỉ biết có mỗi một bổn phận: đó là bổn phận yêu thương. Albert Camus.

– Phải yêu: bất cứ ai, bất cứ gì, bất cứ cách nào. Alexandre Dumas fils.

– Ai sống không điên cuồng, họ không khôn như họ nghĩ! De La Rochefoucauld.

– Hà tiện là đam mê cuối cùng và là đam mê tuyệt  đối nhất trong các đam mê. Vauvenarques.

– Chẳng có gì quý hơn khi thấy người khác vui. Verlaine.

– Nào, chẳng có gì tốt hơn cho tâm hồn bằng cách làm cho một tâm hồn khác bớt buồn. Verlaine.

– Không thể nào nói chuyện áo lông chồn với con chồn. Wanf Fu

Bà có người bạn thân có tiệm in… thế là bà có cả ngàn tờ giấy in các câu châm ngôn. Tôi không biết khi nào bà sẽ dùng cho hết kho giấy này! Đã thế, bà còn tiếp tục mua giấy đẹp!

Bà làm từng hộp châm ngôn để tặng các bạn. Có thể đó là cách để bà dùng cho hết giấy!

Tôi nghĩ ai cũng có thú tiêu khiển riêng, mẹ tôi thích sưu tầm các câu châm ngôn thì để bà làm!

Hai năm nay tôi đi dạy giáo lý. Mỗi lần cần in kinh hay bài vở cho các em, tôi đều nhờ bà làm, cũng một dịp để bà tiêu thụ bớt giấy! Các em có tập hồ sơ  đựng bài vở theo giấy khổ bình thường. Mỗi lần in tôi đều xin bà in trên giấy này nhưng bà cố tình quên hay sao mà bà vẫn in trên giấy đẹp khổ nhỏ …

Tuần sau tôi dạy các em Mười điều răn, tôi nhờ bà in trước để các em chuẩn bị. Dặn rồi, bà vẫn in trên giấy khổ nhỏ, cũng may nhờ bà đục lỗ sẵn nên các em cũng bỏ vào được hồ sơ …

Phát bài cho các em xong, các em liếc sơ qua và bỗng các em hét vang lên:

Không thể nào nói áo lông chồn với con chồn. Wang Fu. Không thể nào nói chuyện ăn cắp với kẻ trộm…

Tôi giật bắn người, vì sao các em đọc Mười điều răn lại có câu này… Hóa ra mẹ tôi dùng tờ giấy có câu này để in, bà quên xén câu châm ngôn ở cuối trang.

Tôi vội nói:

– A! A! Các con thuộc Mười điều răn rồi:

– Không được giết người. Không được trộm cắp. Không được lấy vợ chồng người. Không được làm chứng dối!

Luật là luật! Phải tôn trọng.

Nếu không thể nào nói áo lông chồn với con chồn thì cũng không thể nào nói đến chuyện trộm cắp với kẻ trộm, nói chuyện giết người với kẻ giết người… vậy phải tôn trọng luật lệ. Các con hiểu rõ bài rồi chứ?

Tôi giật mình! Tôi không ngờ các em nhanh trí đến như vậy. Đọc câu này tôi đơn sơ hiểu theo nghĩa :

Gặp tay kiếm khách nên trình kiếm. Chẳng phải nhà thơ chớ hiến thơ.

Mình chỉ nói chuyện với người nào tâm đầu ý hợp … Ai dè, các em hiểu thành: Không nói chuyện ăn cắp với người ăn cắp … Vậy thì phải giữ luật cho đúng, một khi đã ăn cắp rồi làm sao còn lý luận để giải thích nữa!

Lần đầu tiên tôi thấy đi dạy giáo lý không đơn giản … Các em đã giúp tôi giải thích câu châm ngôn của mẹ tôi.

Lần sau tôi phải xin mẹ tôi in bài vở trên tờ giấy… trắng tinh vì tôi sợ cả câu châm ngôn của bà lẫn cách giải thích của các em.

Marta An Nguyễn