Thăng thiên: Thiên đàng có ở trên trời không?
cath.ch, Raphael Zbinden, 2024-05-08
Vì sao Thiên Chúa giáo đặt thiên đàng ở “trên trời” và địa ngục “dưới lòng đất”? Nhân ngày Lễ Thăng Thiên 9 tháng 5, cựu giáo sư thần học François-Xavier Amherdt, Đại học Fribourg, Thụy Sĩ giải thích biểu tượng này trong Kinh thánh.
“Nói xong, Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa” (Cv1:9). Đoạn Kinh Thánh đặt câu hỏi về ý nghĩa của “thăng thiên” trong văn hóa do thái-kitô giáo. Cha François-Xavier Amherdt, nguyên giáo sư thần học mục vụ tại Đại học Fribourg, hiện là linh mục giáo xứ Savièse, Thụy Sĩ giải thích.
Nhận thức về thiên đàng ở trên trời và địa ngục dưới lòng đất không phải là khái niệm phổ quát. Vì sao văn hóa do thái-kitô giáo lại nhìn sự việc theo cách này?
Linh mục François-Xavier Amherdt: Vũ trụ học trong Kinh Thánh được phân chia giữa thế giới thiên thể, thực tế trên mặt đất và miền hỗn loạn không thể kiểm soát của vực thẳm. Kinh thánh do thái và kitô giáo có xu hướng “định vị” Thiên Chúa trên cao (“Lạy Cha chúng con ở trên trời”) để khẳng định chính Chúa đã dựng lên mặt trời, các ngôi sao, các chùm sao và mặt trăng – và các nền văn minh xung quanh vùng này có xu hướng làm như vậy – Ngài là người duy nhất được tôn thờ: Thiên Chúa vĩ đại hơn tất cả “các quyền lực trên cao” và các quyền lực này hợp xướng ca ngợi Ngài. Một số văn hóa bản địa có những huyền thoại và truyền thuyết mô tả các vương quốc hoặc thiên đàng dưới lòng đất. Người Bắc Âu hay Hy Lạp-La Mã cổ đại đã tìm hài cốt của người quá cố dưới lòng đất. Những nơi này đón nhận cả người hiền và người ác theo quan điểm của thần thánh. Một số giáo lý và truyền thuyết bí truyền của Phật giáo đề cập đến Agharta hoặc Shambhala một vương quốc ẩn giấu, đôi khi dưới lòng đất, nơi sự tinh khiết và trí tuệ tuyệt đối ngự trị.
Một ý tưởng cũng hiện diện trong sự sống lại…
Để diễn tả sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô, Kinh thánh dùng từ “trỗi dậy” trong câu “bởi trong kẻ chết mà sống lại”. Như vậy, Đấng Phục Sinh truyền Thánh Thần của Ngài cho con người để con người là những sinh vật đứng thẳng chứ không phải nô lệ bò trên mặt đất hay nhìn xuống. Phụng vụ ngày lễ Phục sinh đọc thư Thánh Phaolô gởi tín hữu thành Côlôsê: “Anh em đã được trỗi dậy cùng Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa.” Khẩu hiệu của Thế vận hội là “Nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn” cũng là một phần trong động lực này: con người không bị buộc phải cúi đầu và ở dưới lòng đất; con người được nâng lên, hướng tới những khoảng không gian rộng lớn để phát huy hết sức lực của mình.
Có niềm tin nào ở bất cứ thời điểm nào trong lịch sử cho rằng thiên đàng ở trên bầu trời không?
Chắc chắn có trong một vài thời điểm khi người tín hữu kitô muốn hiện thực hóa thiên đàng, tìm một chỗ đặt cho nó, trên đỉnh núi cao nhất hoặc trên các đám mây. Tuy nhiên, giáo huấn của Giáo hội luôn xem “Nước Trời” không phải là nơi chốn hữu hình, nhưng là trạng thái “ở bên Chúa mãi mãi”. Như Chúa Giêsu đã nói với người trộm lành trên thập giá: “Hôm nay anh sẽ ở với Thầy trên Thiên Đàng!”
Cuối cùng, câu chuyện kể và lễ Thăng Thiên mang lại ý nghĩa gì?
Thăng thiên có nghĩa là tất cả thực tại trần thế và xác thịt của Con Thiên Chúa, lời nói, nước mắt, niềm vui, những cuộc gặp, những chiến đấu cho kẻ bé mọn và công lý, những thất vọng và đau khổ, thân xác bị đóng đinh của Ngài đều đến từ Chúa Cha. Chúa Giêsu “xuống” trần gian để trở thành một người như chúng ta, “đến” trong Thánh Thần với Đấng đã sai Ngài, để cho phép loài người chúng ta được giống Ngài. Và chính toàn thể nhân loại và tạo vật được trỗi dậy từ mặt đất, được Đấng Phục Sinh kéo lên cao, chờ đợi trời mới, đất mới, để dự vào tiệc thiên quốc được các quốc gia thuộc mọi chủng tộc và mọi văn hóa chia sẻ.
Nguồn gốc chính yếu của câu chuyện này ở trong Phúc âm Thánh Luca và Sách Công vụ Tông đồ của Thánh Phaolô. Vào thế kỷ thứ 4, Giáo hội ấn định 40 ngày sau lễ Phục sinh là lễ Thăng Thiên. Đó là lý do vì sao lễ Thăng Thiên luôn là ngày thứ năm, đánh dấu kết thúc mùa Phục Sinh.
Truyền thống cho rằng Chúa Giêsu lên trời ở Núi Ôliu, gần Giêrusalem và còn cho rằng ở đó có thể nhìn thấy dấu chân của Chúa Giêsu để lại trên đá.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch