Florida cấm phá thai sau sáu tuần
Tuần hành vì Sự sống ở Washington (March for Life 2015, Washington D.C.)| ©American Life League
cath.ch, Maurice Page, 2024-05-03
Ngày 1 tháng 5 năm 2024, lệnh cấm phá thai sau sáu tuần có hiệu lực tại Florida, tiểu bang trong số các bang nghiêm ngặt nhất về việc cấm phá thai ở Mỹ. Nhưng cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 11 có nguy cơ làm thay đổi tình hình.
Với lệnh cấm phá thai sau sáu tuần, Florida ở trong các bang hạn chế phá thai nhất ở Mỹ. Vì việc phá thai không còn được phép khi nhịp tim của em bé được ghi nhận, nên người ta nói đến “luật của nhịp tim” (Heartbeat bills). Lệnh này cũng bị cấm ở Georgia, Nam Carolina.
Các trường hợp ngoại lệ duy nhất trong luật này liên quan đến việc mang thai do lạm dụng tình dục, loạn luân hoặc trường hợp cấp cứu y khoa nguy hiểm đến tính mạng người mẹ.
Tháng 4 năm 2023, thống đốc Đảng Cộng hòa Florida Ron DeSantis đã ký luật, nhưng bị các nhóm ủng hộ phá thai phản đối trước Tòa án Tối cao Florida ở Tallahassee. Tòa án đã bác bỏ các kháng cáo này và cho phép thực hiện kể từ ngày 1 tháng 5 năm 2024.
Nhà Trắng chỉ trích: “Lệnh cấm cực đoan”
Những người ủng hộ sự sống ca ngợi đạo luật mới, cho đây là “lý do để ăn mừng”, trong khi những người ủng hộ phá thai gọi đạo luật này là “hạn chế khủng khiếp quyền sinh sản của phụ nữ”.
Nhà Trắng phản ứng gay gắt: Bà Karine Jean-Pierre, phát ngôn viên của Tổng thống Joe Biden nói đây là “lệnh cấm cực đoan”, bà lưu ý, nhiều phụ nữ còn không biết mình có thai sau 6 tuần.
Cho đến nay, Florida được cho là căn cứ của phụ nữ của một số bang lân cận phía nam, nơi lệnh cấm phá thai đã có hiệu lực. Hơn 6.000 phụ nữ từ Alabama và Georgia đến Florida mỗi năm để phá thai. Các phòng khám phá thai của bang cho biết ít nhất 40.000 người hiện nay có thể sẽ bị từ chối phá thai mỗi năm.
Trưng cầu dân ý có thể dẫn tới thay đổi Hiến pháp
Tuy nhiên, tình trạng này không phải là dứt khoát. Tháng 11, người dân của Bang sẽ quyết định trưng cầu dân ý về tính khả thi của việc đưa vào Hiến pháp quyền phá thai cho đến khi thai nhi có thể sống sót, tức là tuần thứ 24 của thai kỳ (12 đến 14 ở các quốc gia châu Âu). Để thành công, cuộc trưng cầu dân ý này phải có đa số đủ điều kiện là 60% số phiếu bầu. Tuy nhiên, mức này được cho là cao nhưng không phải là không thể vượt qua. Nỗ lực ngăn chặn cuộc trưng cầu dân ý đã thất bại tại tòa án. Kể từ khi Tòa án Tối cao Hoa Kỳ vô hiệu hóa quyết định của Roe vs. Wade năm 1973 cho phép quyền phá thai trên khắp Hoa Kỳ, một số bang đã bỏ phiếu đưa quyền phá thai vào hiến pháp của họ (Roe kiện Wade: quyết định năm 1973, Hiến pháp Hoa Kỳ bảo vệ quyền tự do của một phụ nữ mang thai được chọn phá thai mà không bị chính phủ hạn chế quá đáng). Những người ủng hộ việc phá thai luôn chiếm ưu thế, ngay cả ở những bang bảo thủ như Ohio. Trong hầu hết các trường hợp, không có giới hạn thời gian hoặc điều kiện cho việc phá thai.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch