thecatholicthing.org, Francis X. Maier, 2024-04-24
Càng lớn tuổi, chúng ta càng bị cám dỗ không hài lòng với cuộc sống. Nỗi sợ tuổi già, nhớ lại những thất bại và sai lầm trong quá khứ có thể làm lu mờ những điều tốt đẹp đang ở chung quanh chúng ta. Văn hóa tiêu dùng, những xao lãng, những loại làm chúng ta tê liệt nuôi dưỡng cho những lo lắng, tước đi những gì là đích thực nơi con người chúng ta. Nó biến chúng ta thành tập hợp của những ham muốn vật chất, đối lập với mọi thứ siêu việt, vì những câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống sẽ đe dọa lên cơ chế ham muốn và chiếm hữu.
Đây là một trong những lý do vì sao vẻ đẹp – vẻ đẹp thực sự – dường như bị giảm trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Vẻ đẹp đích thực đưa chúng ta đi lên và đưa chúng ta ra khỏi chính mình; kết nối chúng ta với những thực tế không thể thương mại hóa. Nó tái thiêng liêng hóa thế giới, dù chỉ trong chốc lát. Khi làm như vậy, vẻ đẹp tố cáo sự thô tục, rối loạn trong phần lớn cuộc sống đương đại.
Chúng ta đáng giá hơn là những ham muốn sơ khai. Chúng ta xứng đáng nhận những gì khác hơn là loại rác bị thương mại hóa, bị vật chất hóa. Lý do rất đơn giản: Như triết gia Roger Scruton viết trong quyển sách Gương mặt của Chúa (The Face of God), “gương mặt của con người tỏa sáng trong thế giới đồ vật bằng một thứ ánh sáng của tính chủ quan, không thuộc về thế giới này”.
Ngày nay, khoa học xã hội có khuynh hướng quy các cá nhân thành những dữ liệu và trải nghiệm của con người thành các mô hình hành vi. Dĩ nhiên, giống như tất cả các loài động vật khác, con người chúng ta là carbon. Chúng ta có bản năng và chúng ta sinh sản ít nhiều cũng giống như các loài động vật khác. Nhưng chúng ta không phải là động vật như những động vật khác. Chúng ta có nhận thức về tính độc nhất của cá tính, về đời sống hữu hạn của chúng ta. Điều này giải thích vừa nỗi sợ cô đơn, vừa nhu cầu đi tìm ý nghĩa của chúng ta. Chúng ta là loài duy nhất biết chôn cất và tôn kính người chết. Bản chất của chúng ta là mong muốn nhiều hơn những gì cuộc sống này có thể mang lại; để cảm thấy rằng điều gì đó lớn hơn và cao hơn có thể xảy ra.
Tác giả Scruton viết: Nếu chúng ta loại bỏ tôn giáo, triết học, loại bỏ những mục tiêu cao của nghệ thuật, chúng ta sẽ tước đi phương tiện thể hiện sự khác biệt của chúng. Trước đây người ta cho rằng nên theo bản chất con người, bây giờ trở thành điều phải tuân theo. Chủ nghĩa giản lược sinh học thúc đẩy sự “xuống giá” này và đó là lý do vì sao con người dễ mắc phải. Nó làm cho hoài nghi trở nên đáng kính và thoái hóa trở nên sang trọng. Nó xóa bỏ giới tính của chúng ta, và cùng với nó là tính dễ thương.
Ngược lại, vẻ đẹp là sự khẳng định phẩm giá chung của con người chúng ta. Nó nhắc chúng ta về sự tốt đẹp của cuộc sống trong thời đại quá tự mê và chối bỏ quá khứ. Đó là lý do vì sao, truyền thống công giáo thù nghịch với loại văn hóa cao cấp, xuất sắc, chính xác trong đời sống tinh thần, và gần đây chặt chẽ hơn với thánh lễ la-tinh truyền thống nghe có vẻ rất lạ lùng.
Tôi lớn lên với hình thức thánh lễ cổ xưa. Tôi không mong quay trở lại. Nó thường mang tính máy móc và nhàm chán, và những cải cách phụng vụ của Công đồng Vatican II là cần thiết và đã được mong chờ từ lâu. Khi thực hiện tốt, chúng tạo ra một hình thức thờ phượng vừa tôn kính vừa sâu sắc.
Nhưng điều mà Thánh lễ cổ xưa có, khi linh mục khiêm tốn và xác tín cử hành là một vẻ đẹp xúc giác lôi cuốn mọi giác quan, đặc biệt là thị giác, thính giác và khứu giác. Và khi làm như vậy, thánh lễ mang lại một cách sống động mầu nhiệm của một thực tại vô hình – một Thiên Chúa cực kỳ thánh thiện, một Thiên Chúa hoàn toàn “khác” chúng ta, nhưng đồng thời thân mật, yêu thương và thể hiện trong nhân tính của chúng ta.
Ngày nay, người ta rời Giáo hội công giáo, rộng lớn hơn là kitô giáo vì nhiều lý do. Nhưng một trong những lý do là sự tầm thường trưởng giả, thiếu thuyết phục, có thể quá phổ biến trong bầu khí của đời sống kitô giáo.
Điều tôi muốn nói chỉ đơn giản: sự xấu xí giết chết tinh thần, giải thích động lực phạm thượng đã lây nhiễm phần lớn “nghệ thuật” hiện đại. Sự xấu xí làm tê liệt trí tưởng tượng, làm não mềm nhũn và làm cứng lòng. Các tín hữu khao khát vẻ đẹp, sự huyền bí, sự thuộc về của một lịch sử, về một cộng đồng sống động, tin tưởng, liên tục và chân thực xuyên suốt các nền văn hóa và thời gian. Và thường thường không làm được điều này trong các giáo hội địa phương.
Tác giả Scruton viết:
Nhu cầu về cái đẹp của chúng ta không phải là thứ chúng ta có thể thiếu mà vẫn được đáp ứng với tư cách là con người. Đó là nhu cầu nảy sinh từ điều kiện siêu hình của chúng ta, những cá nhân tự do đang đi tìm vị trí của mình trong một thế giới chung và công cộng. Chúng ta có thể lang thang trên thế giới này, xa lánh, oán giận, nghi ngờ và ngờ vực. Hoặc chúng ta có thể tìm thấy ngôi nhà của mình ở đó, bình an trong hòa hợp với người khác và với chính mình. Trải nghiệm về cái đẹp hướng dẫn chúng ta trên con đường thứ hai này: Nó cho chúng ta biết, chúng ta ở trong thế giới này, thế giới đã được sắp xếp trật tự trong nhận thức chúng ta như một nơi thích nghi với cuộc sống của những sinh vật như chúng ta. Nhưng những sinh vật như chúng ta sẽ cảm thấy nhẹ nhàng khi chúng ta nhận ra tình trạng “sa ngã” của mình. Đó là lý do vì sao trải nghiệm về cái đẹp sẽ hướng chúng ta ra khỏi thế giới này để đến “đích”, trong đó các ham muốn bất diệt và khát vọng hoàn thiện của chúng ta sẽ được nhậm lời.
Và vì thế, đó là lý do khao khát cái đẹp và tư duy tôn giáo có mối liên hệ rất chặt chẽ và cần thiết cho sự phát triển của con người. Cả hai đều nảy sinh từ cảm nhận khiêm tốn về tình trạng không hoàn hảo của con người khi đến với siêu việt. Dù tốt hay xấu, đó là lý do vì sao nhiều gia đình trẻ đi tìm nét đẹp và huyền bí trong thánh lễ la-tinh cổ xưa.
Chúng ta cần nét đẹp để nâng cao trí tưởng tượng, để hướng dẫn trực giác hiểu biết của chúng ta, để chọc thủng những lời nói rỗng tuếch và nọc độc của “sự khôn ngoan”. Chúng ta cần nét đẹp vì nó giữ tính nhân bản của chúng ta. Vẻ đẹp cho chúng ta biết lỗi lầm và thất bại của chúng ta, tạo vật vẫn tốt đẹp. Và đằng sau là Đấng Tạo Hóa yêu thương chúng ta.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch