“Cuộc khủng hoảng của kitô giáo? Một cơ hội không thể bỏ qua”

145

“Cuộc khủng hoảng của kitô giáo? Một cơ hội không thể bỏ qua”

Làm thế nào chúng ta khơi dậy để kitô giáo được quan tâm trong các xã hội phương Tây và truyền đức tin cho các thế hệ tương lai? Nhà thần học và tác giả người Ý Brunetto Salvarani có một số điều đáng suy ngẫm.

cath.ch, Ban biên tập, 2024-04-03

Vị trí nào dành cho kitô giáo trong thế giới ngày nay? | © Jon Diez Supat/Flickr/CC BY-SA 2.0

Thần học gia Brunetto Salvarani là giáo sư thần học về truyền giáo và đối thoại tại Đại học Emilia-Romagna và tại Viện Khoa học Tôn giáo Modena, Bologna và Rimini. Gần đây ông xuất bản một tác phẩm có tựa đề Không có Giáo hội và không có Chúa (Senza Chiesa e senza Dio, nxb. Laterza).

Ông mô tả thời kỳ kitô giáo hiện đang trải qua như thế nào?

Thần học gia Brunetto Salvarani: Như Đức Phanxicô thường nói, chúng ta không sống trong thời đại của thay đổi, nhưng trong sự thay đổi của thời đại. Kitô giáo cũng bao gồm trong sự thay đổi này. Ở châu Âu và nói chung là ở phương Tây, kitô giáo đang trải qua thời kỳ khủng hoảng; một số dấu hiệu cho thấy, ơn gọi tín hữu và tu sĩ giảm, sự thờ ơ ngày càng tăng đối với phụng vụ và các bí tích, cuộc khủng hoảng trong ngành xuất bản công giáo, và các vụ tai tiếng về tài chánh và tình dục. Nhưng điều làm cho vấn đề trở nên nặng, đó là khó khăn trong việc truyền đức tin từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Thần học gia Brunetto Salvarani. Chắc chắn, đức tin vẫn là một ơn, nhưng ngày nay dường như rất khó để làm cho con người quan tâm đến Lời Chúa và chuẩn bị tâm hồn để đón nhận ơn này. Nhưng chúng ta lưu ý, cuộc khủng hoảng không phải là vấn đề con số. Nhiều người trẻ thờ ơ với Thiên Chúa và nghĩ rằng Giáo hội chẳng có gì thú vị để truyền cho họ.

“Ngọn lửa kitô giáo tiếp tục bùng cháy khắp thế giới”

Chắc chắn còn có một vấn đề về ngôn ngữ: đó là lời của Giáo hội bị cho là khó hiểu. Nhưng vấn đề thực sự nằm ở chỗ khác: người trẻ cần những chứng nhân đích thực, những người lớn nhất quán với những gì họ tuyên xưng, những trải nghiệm tốt đẹp giúp họ nắm bắt được vẻ đẹp sâu sắc của việc thuộc về Chúa Kitô. Tiếc thay, người trẻ thường không gặp được những lời chứng thuyết phục.

Việc công bố Nước Chúa cho các xã hội phi tôn giáo về mặt thể chế là một thách thức như thế nào?

Thần học gia Dòng Tên người Pháp Christoph Theobald cho rằng, chúng ta đang chứng kiến sự chuyển hóa kitô giáo ra khỏi bối cảnh văn hóa và xã hội châu Âu. Đây là một hình ảnh chính xác. Thật không may, nhiệm vụ Chúa giao cho chúng ta dường như không tạo ra bất kỳ lời than van hoặc nhiệt tình nào đáng kể. Tôi có thể nói, điều chiếm ưu thế là một kiểu thờ ơ, thiếu sáng kiến, một hình thức bất động. Nhiều người thích phàn nàn về cuộc khủng hoảng hiện tại và nuôi dưỡng một tầm nhìn thảm khốc về tương lai của kitô giáo.

Brunetto Salvarani là giáo sư thần học về truyền giáo và đối thoại tại Đại học Emilia-Romagna | © Cristina Uguccioni

Nhưng ngọn lửa kitô giáo vẫn tiếp tục bùng cháy trên thế giới! Và tôi vẫn lạc quan. Nhưng không phải một lạc quan hào hứng; có những quyết định phải được đưa ra và chúng ta phải hành động một cách thông minh và nồng nhiệt: cuộc khủng hoảng này là cơ hội không thể bỏ qua.

Trong quyển sách mới nhất của ông, ông xác định một số vấn đề cần được giải quyết ưu tiên.

Chúng ta có một kho tàng quý giá: Kinh Thánh, quyển sách mà Công đồng Vatican II kêu gọi chúng ta tìm hiểu, nghiên cứu và dùng để cầu nguyện. Sau khoảng thời gian nhiệt tình, chúng ta đã bị mệt mỏi, không hài lòng với Lời Chúa, việc đọc Lời Chúa trở nên không thường xuyên, không siêng năng dù có một vài trường hợp ngoại lệ. Nhưng những trường hợp ngoại lệ này không đạt được cái mà chúng ta có thể gọi là “khối lượng chỉ trích”.

“Kitô giáo có lời quyết định về cuộc sống sau cái chết: chúng ta phải bắt đầu công bố lại nó”

Điều cần thiết là Giáo hội phải quay trở lại với Lời Chúa, là bánh lái dẫn đường chúng ta trên trần gian, cho chúng ta hình ảnh một Chúa Giêsu trong thời đại chúng ta, chúng ta cần làm nổi bật hai khía cạnh bị đánh giá thấp về mặt lịch sử: chiều kích do thái và chiều kích nhân bản của Ngài. Tôi nghĩ Giáo hội cần suy nghĩ lại về các nhân đức thần học dưới ánh sáng của giai đoạn lịch sử chúng ta đang trải qua, để suy ngẫm về cách truyền đức tin, đức cậy và đức ái vào đời sống hằng ngày hiện nay.

Nhưng các chủ đề về những cái kết cuối cùng vẫn khơi dậy sự quan tâm…

Đúng, một quan tâm sâu sắc, ngay cả với những người không tin. Theo tôi, thật không may dường như Giáo hội không đề xuất tầm nhìn cánh chung này với xác tín và nhiệt thành cần thiết. Kitô giáo có lời quyết định về cuộc sống sau cái chết: chúng ta phải bắt đầu nói về chuyện này.

“Hãy cố gắng bám lấy Chúa Giêsu và cố gắng nhất quán với những gì chúng ta tuyên xưng”

Cuối cùng, chúng ta phải bắt đầu suy nghĩ lại, tạo ra tư duy nâng cao, có khả năng tác động đến nền văn hóa đương đại bằng cách ứng phó với những thách thức của thời đại chúng ta. Ở mỗi giai đoạn lịch sử, kitô giáo luôn so sánh mình với văn hóa của thời đại đang sống và luôn hướng tới cuộc đối thoại này, cuộc đối đầu này. Cần phải tìm lại kích thước này.

Ông muốn nói gì với một tín hữu bình thường bị cuốn vào vô số công việc trong đời sống hàng ngày đang tự hỏi mình nên làm gì?

Tôi sẽ nói với họ điều mà lần đầu tiên tôi nói với chính tôi: cố gắng bám vào Chúa Giêsu và cố gắng nhất quán với những gì mình tuyên xưng, cố gắng đưa ra một chứng từ càng rõ ràng càng tốt. Và hãy cố gắng làm điều đó với người khác, tái khám phá tình huynh đệ và thuộc về Giáo hội. Trong một kỷ nguyên của chủ nghĩa cá nhân mạnh mẽ, nơi mà gần như mọi người đều muốn sống một mình, chúng ta nên khám phá lại sự thuộc về này, cái “chúng ta” của giáo hội, tránh tinh thần bè phái, sự giả tạo, chia rẽ, than van và nói xấu.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch