Ngoại trưởng của Đức Phanxicô nói về Gaza, Ukraine và tương lai của Giáo hội tại Trung Quốc

49

Ngoại trưởng của Đức Phanxicô nói về Gaza, Ukraine và tương lai của Giáo hội tại Trung Quốc

americamagazine.org, Gerard O’Connell, 2024-03-26

Tổng giám mục Paul R. Gallagher, bộ trưởng Ngoại giao Vatican, phát biểu trong cuộc họp báo tại Vatican ngày 18 tháng 1 năm 2024. (Ảnh CNS/Lola Gomez)

Tòa Thánh có nghĩ Israel đang tiến hành một cuộc diệt chủng ở Gaza không? Đức Phanxicô có kêu gọi Ukraine đầu hàng khi ngài nói đến việc “giương cờ trắng” trong một phỏng vấn với Đài phát thanh truyền hình Thụy Sĩ vào tháng 2 không? Tòa Thánh có ý định gia hạn thỏa thuận tạm thời với Trung Quốc về việc bổ nhiệm các giám mục không?

Đó là một số câu hỏi, bộ trưởng Ngoại giao trả lời với nhà báo Gerard O’Connell của trang America ngày 25 tháng 3 ở bộ Ngoại giao.

Sinh tại Liverpool, nước Anh năm 1954, tổng giám mục Gallagher vào ngành ngoại giao Tòa thánh năm 1984, sau đó ngài phục vụ trong các cơ quan ngoại giao ở Tanzania, Uruguay, Phi Luật Tân và Hội đồng châu Âu tại Strasbourg, trước khi làm sứ thần ở Burundi, Guatemala và châu Úc. Tháng 11 năm 2014, Đức Phanxicô bổ nhiệm ngài làm bộ trưởng bộ Quan hệ với các Quốc gia.

Phỏng vấn tổng giám mục Paul Gallagher

Tháng 2 vừa qua, cha tham dự Hội nghị An ninh Munich, nước Đức để thảo luận về các vấn đề an ninh lớn mà thế giới hiện đang phải đối diện. Cha đã rút được kết luận gì?

 Tổng giám mục Paul R. Gallagher. Đầu tiên là có sự lo lắng về an ninh quốc tế và tình hình thế giới, không biết thế giới sẽ đi về đâu, xã hội sẽ đi về đâu. Có những lo ngại lớn về Ukraine và Gaza. Nhưng đồng thời cũng có một nỗ lực để thấy khía cạnh tích cực vì chúng ta có nguy cơ trong thế “thua-thua”. Chắc chắn hiện nay có một bầu khí đáng lo ngại trong cộng đồng quốc tế.

Mối quan tâm lớn nhất tại hội nghị Munich dành cho Ukraine hay Gaza?

Tôi nghĩ mối quan tâm được chia đều. Nhưng tôi nghĩ tình hình nhân đạo vô cùng khó, mức độ nghiêm trọng của tình hình nhân đạo ở Gaza thấy rõ trong sự lo ngại của người dân. Và không may, cuộc chiến ở Ukraine đã diễn ra trong một thời gian dài, người dân ý thức mối nguy hiểm ngoài mong muốn của việc cam chịu một tình trạng xung đột dường như chưa thấy được sự kết thúc.

Israel-Palestine

Đức Phanxicô đã nhiều lần kêu gọi ngừng bắn ở Gaza, thả con tin, cung cấp viện trợ nhân đạo và tôn trọng luật pháp quốc tế. Cha nghĩ gì về việc Israel không chịu ngừng ném bom Gaza và mở cửa cho viện trợ nhân đạo?

Tôi nghĩ Israel ý thức về mối đe dọa của Hamas rất khác với ý thức của cộng đồng quốc tế. Đó là lý do vì sao họ rất kiên quyết trong lập trường cũng như trong các chính sách họ theo đuổi. Cuộc tấn công ngày 7 tháng 10 là một kinh nghiệm đau thương cho người Israel, đến mức họ cảm thấy đây là lựa chọn duy nhất họ có lúc này. Trong tư cách Tòa Thánh, chúng tôi không đồng ý về phản ứng của quân đội. Như ông nói, Đức Phanxicô luôn kêu gọi ngừng bắn và xin viện trợ nhân đạo được đến tay người dân. Rõ ràng, Israel rất đồng ý với lời kêu gọi của Đức Phanxicô về việc thả các con tin.

Mỹ đã nhiều lần dùng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để bảo vệ Israel. Kể từ ngày 7 tháng 10, họ đã dùng ba lần để chận nghị quyết kêu gọi ngừng bắn. Cha giải thích loại chính trị này như thế nào?

Liên kết phòng thủ chặt chẽ giữa Hoa Kỳ và Israel đóng vai trò thiết yếu trong chính sách của cả hai nước, vì thế việc họ sửa đổi chính sách là vô cùng khó khăn. Vì vậy, tôi nghĩ lập trường của Mỹ là tiếp tục kiên quyết yêu cầu Israel sửa đổi chính sách.

Nhiều người cho rằng những gì đang xảy ra ở Gaza là nạn diệt chủng hoặc gần như diệt chủng. Tòa Thánh nhìn vấn đề này như thế nào?

Tòa Thánh không có quyền quyết định thế nào là tình trạng diệt chủng. Có những tổ chức quốc tế có trách nhiệm này và tôi chắc họ sẽ đảm nhận trách nhiệm này vào lúc thích hợp.

Cá nhân tôi cảm thấy, chúng ta không thể dùng danh từ “diệt chủng” vì đó là một phán quyết rất dứt khoát, có một ý nghĩa chính xác trong luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, dựa trên con số được đưa ra, ước tính có 32.000 người chết, số người bị thương còn nhiều người hơn và hàng triệu người phải di cư, tôi nghĩ nhiều người dùng tính từ “diệt chủng” để nói lên đặc điểm này. Dù sao chúng ta phải tiếp tục lên tiếng và cố gắng chấm dứt tiến trình này. Mối quan tâm của chúng tôi là chấm dứt đau khổ và xung đột, chấm dứt chết chóc, vì thế tôi nghĩ chúng tôi đưa ra phán quyết lúc này là không hữu ích.

Nhiều người cho rằng Israel đang dùng hình phạt tập thể và dùng nạn đói làm vũ khí chiến tranh chống lại người dân Gaza. Liệu có đúng không khi Tòa Thánh xem đây là vi phạm luật pháp quốc tế và là tội ác chống lại loài người?

Giáo hoàng và Tòa Thánh đã tố cáo những điều này cũng như tố cáo việc không được tiếp tế nhân đạo, chưa kể đến các báo cáo về nguy cơ nạn đói sắp xảy ra, một tình trạng hết sức lo ngại.

Tòa Thánh có đồng ý Israel đề xuất cắt tài trợ cho Cơ quan Liên hiệp quốc chuyên trách về người tị nạn Palestine (UNRWA) và hiện đang được một số quốc gia thực hiện, trong đó có Hoa Kỳ không? (tháng 1, Liên Hợp Quốc đã sa thải 12 nhân viên của họ bị Israel tố cáo tham gia vào Vụ thảm sát ngày 7 tháng 10.)

Không. Tòa Thánh nghiêm túc xem những cáo buộc chống lại UNRWA. Tuy nhiên, chúng tôi thấy UNRWA đang có những đóng góp quan trọng vào thời điểm này, không chỉ ở Gaza mà còn ở 4 hoặc 5 quốc gia ở Trung Đông nơi có người Palestine sinh sống. Chúng tôi đã khuyến khích một số quốc gia rút tiền tài trợ cho UNRWA suy nghĩ lại việc này. Chúng tôi ủng hộ những gì UNRWA đang làm. Chúng tôi chấp nhận sẽ rất khó để thay thế cơ quan này. Khi các cuộc điều tra về mối liên hệ của UNRWA với Hamas kết thúc, khi các quyết định được đưa ra, khi đó sẽ có thay đổi. Nhưng họ đã thực hiện những thay đổi và điều này sẽ tiếp tục.

Cha đã đi thăm Jordan gần đây. Cha gặp các giám mục và đại diện các giáo hội trong khu vực; cha gặp vua Jordan, bộ trưởng Ngoại giao Jordan và người đứng đầu UNRWA. Cha đã rút tỉa được gì trong tất cả những cuộc họp này?

Tôi nghĩ trong bối cảnh Jordan – và nên nhớ Jordan và Ai Cập là hai quốc gia Trung Đông có thỏa thuận với Israel trong nhiều năm – tôi có cảm giác có một nỗi buồn và thất vọng sâu sắc khi tình hình trở nên xấu đi trong quan hệ với Israel. Đây là tình trạng xuất phát từ việc thiếu tiến bộ trong nhiều thập kỷ qua, trong việc cố gắng đưa ra giải pháp cho vấn đề Palestine.

Cha có còn xem giải pháp hai nhà nước là con đường tiến tới hòa bình giữa người Israel và người Palestine không?

Còn. Có thể đó là một dấu hiệu, nhưng nếu quay lại vài năm trước, Tòa Thánh vẫn còn nói về giải pháp hai nhà nước khi rất nhiều người đã loại bỏ và cho rằng điều đó là không thể. Bây giờ, có lẽ đó là chút tia hy vọng cho một tình huống rất đen tối, ít nhất bây giờ người ta bắt đầu nói về nó một lần nữa và có một số người tin, đây là con đường duy nhất để đi về phía trước.

Nhưng chúng ta không đi sâu vào vấn đề Giêrusalem và thủ đô Giêrusalem thuộc về ai. Chúng tôi nghĩ, là thủ đô tôn giáo của ba tôn giáo độc thần lớn, cần có một quy chế đặc biệt cho Giêrusalem và cần được bảo đảm qua một số hình thức bảo đảm quốc tế.

Cha có nghĩ với thái độ không khoan nhượng hiện nay của Israel ở Gaza, họ có đang làm suy yếu an ninh của chính họ không? Dù sao họ đang sống trong vùng đất Ả Rập.

Tôi nghĩ đó là một mối nguy hiểm, chắc chắn là như vậy. Nhưng chúng ta không thể không thấy mục đích của Thủ tướng Benjamin Netanyahu đặt ra khi bắt đầu cuộc chiến – cụ thể là tiêu diệt, vô hiệu hóa Hamas để Hamas không bao giờ gây ra mối đe dọa cho Israel nữa – rõ ràng có thể thu hút một số người. Nhưng nỗi đau khổ của người dân Palestine quá lớn lao, rất nhiều người là nạn nhân, những nạn nhân vô tội, chúng ta không thể không thấy những chuyện này chuẩn bị cho một thế hệ khủng bố tương lai, và sẽ là mối đe dọa cho tương lai của Israel. 

Ukraine 

Đức Phanxicô kêu gọi thương thuyết để chấm dứt chiến tranh ở Ukraine. Một số người giải thích đề nghị giương cờ trắng thương thuyết của ngài là lời kêu gọi đầu hàng, Nga đã hoan nghênh điều này, nhưng Vatican cho biết điều này không đúng. Cha có thể giải thích quan điểm của Đức Phanxicô không? Có phải ngài xin Ukraine giương cờ trắng đầu hàng?

Không. Không có chuyện ngài xin Ukraine đầu hàng. Đó là ngài lo cho Ukraine và sự hiểu biết của ngài về tình hình Ukraine. Thật ra, hình ảnh lá cờ trắng là hình ảnh được nhà báo Thụy Sĩ đưa ra trong cuộc phỏng vấn; vì họ đang nói về biểu tượng của màu trắng. Tôi nghĩ với Đức Phanxicô, điều này thiên về cờ trắng hơn trong việc kêu gọi bảo vệ tiến trình thương thuyết, rồi cuối cùng cũng phải đi đến con đường này. Tất cả các cuộc chiến tranh đều kết thúc bằng một số hình thức thương thuyết.

Ngài không nói Ukraine phải đầu hàng, nhưng ngài nói, đến một lúc nào đó, chúng ta phải có can đảm đi về phía trước và kêu gọi bảo vệ để thương thuyết. Và đó cũng là quan điểm của Tòa thánh, vì Nga thường xuyên nói họ sẵn sàng thương thuyết.

Theo chúng tôi, Nga không đặt ra những điều kiện cần thiết. Các điều kiện cần thiết nằm trong khả năng của Nga là ngăn chặn các cuộc tấn công, ngăn chặn tên lửa. Đó là điều nước Nga phải làm!

Khi tôi phỏng vấn cha hơn một năm trước (tháng 7 năm 2022), cha nói Tòa thánh kêu gọi “hòa bình công bằng” ở Ukraine, và khi tôi hỏi “hòa bình công bằng” nghĩa là gì, cha giải thích, với Tòa Thánh, điều này có nghĩa “Nga phải rút khỏi tất cả các lãnh thổ của Ukraine”. Đó có phải là quan điểm của Tòa Thánh không?

Chúng tôi vẫn ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Chúng tôi không tán thành việc thay đổi ranh giới quốc gia bằng vũ lực. Vì vậy, đó vẫn là quan điểm của chúng tôi. Chúng tôi xem đó là lập trường chính đáng và đó là lập trường của chúng tôi với Ukraine.

Đồng thời, chúng tôi cũng công nhận quyền của Ukraine được thực hiện bất kỳ bước đi nào để có thể có được một thỏa thuận cho một hòa bình công bằng, ngay cả với các lãnh thổ của mình. Nhưng đây không phải là điều chúng ta có thể áp đặt hay mong đợi ở Ukraine. Nếu Ukraine và chính phủ nước này muốn làm điều đó thì hoàn toàn đây là quyền quyết định của họ.

Thực trạng mối quan hệ giữa Tòa Thánh với Matxcơva ở các cấp cao là gì? Tôi hỏi điều này vì tôi thấy khi hồng y Matteo Zuppi đến Matxcơva trong tư cách là đặc phái viên của giáo hoàng, ngài được tiếp đón ở cấp chính quyền thấp hơn so với bất kỳ quốc gia nào trong số ba quốc gia Ukraine, Hoa Kỳ và Trung Quốc mà ngài đến. Có vẻ như khi Nga đưa ra những bình luận công khai tốt đẹp trên truyền thông về giáo hoàng Phanxicô, thì trên thực tế họ vẫn giữ khoảng cách với ngài.

Nga luôn nói họ nghĩ đó là mức độ phù hợp họ tiếp một phái viên của giáo hoàng, như một cố vấn của tổng thống. Điều đó chúng tôi chấp nhận, nhưng chúng tôi mong trong tương lai, nếu hồng y Zuppi trở lại Matxcơva, ngài sẽ được tiếp ở cấp cao hơn. Chúng tôi nghĩ như thế sẽ phù hợp.

Có khả năng hồng y Zuppi sẽ trở lại Matxcơva không?

Tôi nghĩ Đức Phanxicô sẵn sàng làm bất cứ điều gì cần thiết. Nếu ngài tin điều này sẽ giúp chấm dứt chiến tranh và có được hòa bình công bằng, thì tôi nghĩ ngài sẽ làm.

Có khả năng Đức Phanxicô đi Matxcơva không? Tôi nghĩ không có lời mời nào của Matxcơva.

Theo chỗ tôi biết thì không. Nhưng như ông biết, ngài luôn nói ngài sẽ đến hai thủ đô, hoặc ngài lên kế hoạch cho hai chuyến đi, Matxcơva và Kyiv.

Trung Quốc và Việt Nam

Tháng 9 năm 2018, Tòa Thánh và Trung Quốc đã ký một thỏa thuận tạm thời liên quan đến việc bổ nhiệm các giám mục. Thỏa thuận này đã có từ 6 năm nay, bất chấp những sai lệch đơn phương của Bắc Kinh. Câu hỏi của tôi: Nó sẽ được gia hạn thêm hai năm hay được gia hạn vĩnh viễn vào tháng 10 sắp tới khi thỏa thuận kết thúc?

Nó sẽ hết hạn vào tháng 10 và nếu chúng tôi tiếp tục, nó sẽ được gia hạn thêm. Tôi nghĩ, thỏa thuận này là phương tiện hữu ích để Tòa Thánh và chính quyền Trung Quốc giải quyết vấn đề bổ nhiệm các giám mục. Chúng tôi muốn thấy nó hoạt động tốt hơn, có nhiều kết quả hơn và chúng tôi vẫn tin nó có khả năng cải thiện. Vì thế, tôi không nghĩ chúng tôi nói đến chuyện chấm dứt thỏa thuận, chúng tôi tin có thể có những cải tiến, mang lại cơ hội để có một quyết định chính xác.

Tôi hiểu cha muốn cải thiện thỏa thuận tạm thời này, nhưng tôi nhớ, trước khi ký thỏa thuận, Tòa Thánh cũng muốn thảo luận các vấn đề khác, nhưng phía Trung Quốc luôn nói rằng chúng tôi sẽ chỉ giải quyết các vấn đề khác sau khi ký kết thỏa thuận. Theo tôi hiểu, bây giờ người Trung Quốc rất miễn cưỡng trong việc giải quyết hoặc tiến tới các vấn đề khác. Cho đến khi có một chuyển động hay phát triển thực sự nào về các vấn đề khác không?

Không, vì thỏa thuận là giải quyết vấn đề bổ nhiệm các giám mục, và đó chính là nội dung cuộc đối thoại vẫn đang hướng tới. Rõ ràng, khi các đại biểu gặp nhau, họ nói về các khía cạnh khác trong đời sống của Giáo hội ở Trung Quốc, nhưng hiện tại chưa có cuộc thương thuyết nào quan trọng về các vấn đề khác.

Vì vậy, khả năng có một văn phòng Tòa Thánh ở Bắc Kinh được đặt lên bàn thảo luận không?

Ồ, chúng tôi luôn tin điều này là hữu ích.

Nhưng cho đến nay vẫn chưa có sự sẵn sàng hoặc cởi mở về phía Bắc Kinh với vấn đề này.

Chưa.

Có bất kỳ thái độ nào của Bắc Kinh về vấn đề các giám mục và cộng đồng hầm trú không?

Chúng tôi nghĩ phải nói đến việc bình thường hóa tình trạng.

Có thái độ tích cực nào của Bắc Kinh về vấn đề này không?

Chúng tôi đang giải quyết những gì chúng tôi phải giải quyết!

Về việc cho phép các giám mục Trung Quốc tự do đến Rôma và Vatican có thể cử nhân viên của mình đến Trung Quốc, liệu có tiến triển gì không?

Chúng tôi rất vui vì việc này đã xảy ra một vài lần. Chúng tôi hy vọng các giám mục đã tham dự Thượng hội đồng tháng 10 năm ngoái sẽ có thể trở lại Thượng hội đồng vào tháng 10 năm nay.

Cũng cùng các giám mục?

Vì Thượng hội đồng tháng 10 năm nay sẽ bao gồm các thành viên đã tham dự Thượng hội đồng năm ngoái, nên tôi nghĩ cũng cùng các giám mục này sẽ về lại Rôma. Nhưng cũng có thể không, và nếu họ nói: “Chúng tôi sẽ cử hai người khác đến” thì chúng tôi cũng sẽ chấp nhận.

Thêm nữa, chúng ta không nên quên đã có những trao đổi tốt đẹp giữa giám mục Hồng Kông và các giám mục ở đại lục. Những chuyến đi gọi là thân hữu nhưng không nhiều. Một số giám mục công khai có nhiều mối liên hệ hơn, chúng tôi chỉ có thể khuyến khích điều này.

Nhưng cha đã không gặp người đồng cấp của cha tại hội nghị Munich như các năm trước?

Không, ngài không hỏi và tôi cũng không hỏi. Ông biết đó, người Trung Quốc muốn mọi chuyện phát triển dần dần và tự nhiên, nên có thể họ mong cuộc đối thoại được nâng lên một mức cao hơn một chút.

Như thế có khả năng hồng y Pietro Parolin có thể gặp đồng cấp của ngài ở một thời điểm nào đó không?

Luôn có khả năng xảy ra, nhưng không có kế hoạch cụ thể nào.

Về việc Đức Phanxicô gặp Chủ tịch nước Trung Quốc, liệu có thể xảy ra không?

Ồ, như ông biết, giáo hoàng luôn sẵn lòng gặp Chủ tịch nước, nhưng hiện tại không có lời mời nào. Người Trung Quốc sẽ nói: “Chưa đến lúc; thời thế chưa chín muồi.”

Cha sẽ đi Việt Nam vào tháng tư. Cần phải làm gì để thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và Việt Nam?

Vấn đề là phải có quyết tâm chính trị để đi đến mục đích này. Chúng tôi rất vui trước những tiến bộ đã đạt được và chúng tôi đã có đại diện thường trú của giáo hoàng tại Hà Nội. Tôi nghĩ ưu tiên của chúng tôi bây giờ là thấy công việc này mang lại hiệu quả – có lợi cho cộng đồng Công giáo, cho các giám mục, giáo dân Việt Nam – và chính quyền đã quen với việc có người đại diện cho Tòa Thánh ở đó. Tôi nghĩ đó là ưu tiên của chúng tôi.

Tôi hiểu có khả năng Đức Phanxicô đến Việt Nam mà không có quan hệ ngoại giao.

Nó có thể hơi bất thường, nhưng không có gì là không thể.

Tôi được biết có chuyến tông du của giáo hoàng đến Indonesia, Singapore, Đông Timor và Papua Tân Ghinê hiện được dời lại đầu tháng 9.

Đúng, theo như tôi biết.

Và Việt Nam có thể được thêm vào chuyến đi này?

Có thể.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Chuyến đi Việt Nam của tổng giám mục Gallagher: tiến trình bình thường hóa quan hệ với Rôma đã đi đến đâu?