Theo tổng giám mục Nhật Tarcisius Isao Kikuchi, nguyên nhân xung đột và chạy đua vũ trang là “Tiền, tiền, tiền!”

63

Theo tổng giám mục Nhật Tarcisius Isao Kikuchi, nguyên nhân xung đột và chạy đua vũ trang là “Tiền, tiền, tiền!”

fides.org, Victor Gaetan, 2024-04-08

Tổng giám mục Tarcisius Isao Kikuchi, 65 tuổi, nắm giữ nhiều chức vụ chủ chốt đáng ngạc nhiên, nhưng ngài kín đáo như người gác cửa nhà thờ.

Chủ tịch Caritas Quốc tế, tổng thư ký Liên đoàn các Hội đồng Giám mục châu Á, chủ tịch Hội đồng Giám mục Nhật… Nhưng ngài làm như giả vờ. Ngài cười nói: “Ông có biết làm sao công việc chạy không: những người xuất sắc làm công việc thực sự, công việc khó khăn, còn tôi là loại thống đốc, đến nói ‘cái này được, cái kia không’”.

Trước ngày đi Rôma để dự chuyến đi ad limina của các giám mục Nhật và gặp Đức Phanxicô, ngài và tôi cùng ngồi nói chuyện trong một phòng họp khiêm tốn tại Nhà thờ Mẹ Maria, một nhà thờ hiện đại uy nghi được xây năm 1964. Không có nhân viên giúp, không có ‘quy tắc’ được xác định trước, không bị gián đoạn trong một giờ rưỡi nói chuyện.

Phỏng vấn người được Đức Gioan-Phaolô II bổ nhiệm làm giám mục Niigata năm 2004 và là người bây giờ là tổng giám mục Tokyo, rất đồng điệu với những nhạy cảm mục vụ của Đức Phanxicô.

Với tư cách là Chủ tịch, ước mơ của cha là gì để cải thiện công việc của Caritas Quốc tế?

Tổng giám mục Tarcisius Isao Kikuchi: Từ năm 1995, khi còn là linh mục, tôi đã làm việc với Caritas: tôi là tình nguyện viên trong các trại tị nạn ở Cộng hòa Dân chủ Congo. Sau đó tôi làm giám đốc Caritas Nhật Bản. Vì vậy tôi biết Caritas Quốc tế từ lâu.

Ước mơ của tôi hôm nay là các thành viên Caritas không phải lúc nào cũng phải đối diện với vấn đề của “những người giàu” và “những người khốn cùng”. Cần lưu ý Caritas không phải là một tổ chức phi chính phủ lớn. Đó là liên hiệp các tổ chức Caritas có mặt ở  hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ. Vì thế các tổ chức Caritas rất đa dạng. Một số Caritas như Caritas ở Hoa Kỳ và Châu Âu có đủ tiền, còn những Caritas khác ở châu Phi và châu Á thì không.

Chúng ta luôn nói về “sự hợp tác” và chúng ta cần làm việc trong “sự hợp tác”, có nghĩa là mọi người phải bình đẳng, làm việc với nhau như anh chị em. Nhưng không phải lúc nào cũng vậy!

Thực tế luôn giống nhau: người có tiền thống trị người nhận được tiền. Điều này đôi khi tạo ra vấn đề. Đây là lý do vì sao tôi thực sự muốn giới thiệu, hay nói đúng hơn là phát triển mối quan hệ hợp tác thực sự giữa các tổ chức thành viên.

Cha thuộc Dòng Ngôi Lời và là nhà truyền giáo Nhật Bản đầu tiên đến châu Phi, nơi cha đã phục vụ bảy năm với tư cách là linh mục giáo xứ ở Ghana. Kinh nghiệm truyền giáo này ảnh hưởng như thế nào đến cách cha thực hiện trách nhiệm hiện tại của cha? Cha học được bài học gì từ trải nghiệm này?

Chúng ta phải lắng nghe mọi người và không áp đặt bất cứ gì. Ghana là thuộc địa của Anh nhưng tiếng Anh không phải là phương tiện giao tiếp chính. Có nhiều ngôn ngữ địa phương, do đó có nhiều  văn hóa địa phương. Tôi ở đó, một nhà truyền giáo nói tiếng Anh và rất khó giao tiếp. Tôi đã học ngôn ngữ địa phương của một bộ tộc nhỏ, nhưng nhất là tôi học để là một mục tử tốt, lắng nghe mọi người, quan sát những gì họ làm, hiểu những gì họ nghĩ, nhưng không bao giờ làm bất cứ điều gì áp đặt lên họ.

Đây là những gì tôi đã học được và tôi khám phá ra những điều mới mẻ mỗi ngày. Ở Congo cũng vậy, vì tôi không nói được tiếng Pháp. Tôi đến đó, mọi người đều nói tiếng Pháp, kể cả những người tị nạn từ Rwanda. Thế là tôi phải nhờ người phiên dịch giúp tôi!

Tôi biết các chủ đề nói chuyện với giáo hoàng là bí mật, nhưng cha có thể cho chúng tôi biết một số quan tâm của các giám mục Nhật sẽ được thảo luận với giáo hoàng trong chuyến đi ad Limina của cha không?

Đây là lần đầu tiên chúng tôi gặp ngài kể từ chuyến tông du của ngài đến Nhật tháng 11 năm 2019! Chủ đề của chuyến thăm là Bảo vệ mọi sự sống, một chủ đề mà chúng tôi đã đề xuất với Tòa Thánh. Điều này không chỉ bao gồm vấn đề phá thai ở Nhật mà còn cả việc tôn trọng phẩm giá con người, việc bãi bỏ án tử hình, việc vận hành các nhà máy điện hạt nhân hủy hoại môi trường và các mối quan tâm về sinh thái.

Chúng tôi muốn thử tổ chức một chiến dịch lo cho vấn đề này, nhưng vì đại dịch nên mọi thứ đã dừng lại và chúng tôi không thể làm được. Vì thế chúng tôi muốn nói chuyện với ngài về việc này. Chúng tôi có thể xin ngài rao giảng về việc bảo vệ mọi sự sống, thiết lập hòa bình và xóa bỏ vũ khí hạt nhân, nhưng bây giờ chúng ta sẽ làm gì để nhấn mạnh đến việc bảo vệ phẩm giá con người?

Trong suốt cuộc đời của một con người, ở mọi giai đoạn đều có những vấn đề liên quan đến việc bảo vệ sự sống, bảo vệ nhân phẩm, những vấn đề thực sự bị bỏ quên ở Nhật Bản. Hệ thống gia đình truyền thống đang dần biến mất. Cha mẹ đơn thân chăm sóc con cái, hoặc con cái bị bỏ rơi: có đủ loại vấn đề liên quan đến phẩm giá con người. Đây là những vấn đề quan trọng cần được thảo luận với giáo hoàng.

Tôi thấy cha có quan điểm vững chắc về mối đe dọa chiến tranh và việc tăng ngân sách vũ khí. Xin cha cho biết cha nghĩ gì về vấn đề này.

Sau Thế chiến thứ hai, vì những gì đã xảy ra, chúng tôi đã bãi bỏ quân đội ở Nhật Bản. Hiến pháp quy định: “Không có quân đội”. Tuy nhiên, có một đội quân ở Nhật Bản. Vì vậy, có một mâu thuẫn lớn vào lúc này. Chúng tôi không nói chúng ta phải bãi bỏ quân đội và các lực lượng vũ trang. Chúng ta cần một số hình thức bảo vệ, nhưng hiện tại thì quá nhiều. Chính phủ chi quá nhiều tiền cho việc này. (Được Hoa Kỳ khuyến khích, Nhật Bản đã phê duyệt tăng 16,5% – 56 tỷ USD – chi tiêu quốc phòng cho năm tài chánh 2024). Họ lấy lý do ảnh hưởng ngày càng mở rộng của Trung Quốc và sự hiện diện của Triều Tiên là lý do bổ sung. Tất nhiên, Trung Quốc và Triều Tiên không giống các nước khác, nhưng tôi không nghĩ họ là mối đe dọa trực tiếp. Đặc biệt với Triều Tiên, chúng tôi đã có những cuộc thảo luận. Tôi không biết các chính trị gia Nhật nghĩ gì, nhưng họ không muốn nói chuyện chứ đừng nói đến gặp mặt. Nếu họ không nói thì sẽ không có chuyện gì tốt xảy ra!

Một chính trị gia cấp cao nói với tôi, chính phủ Nhật không thể làm bất cứ điều gì nếu không có sự cho phép của Washington DC.

Đúng vậy. Rất có thể đúng.

Giáo hội công giáo Nhật đã tham gia một cách đáng ngưỡng phục vào các nỗ lực hòa bình và phong trào giải trừ vũ khí hạt nhân. Cha có thấy mối đe dọa ngày càng tăng liên quan đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân không? Đây có phải là chủ đề có thể được đưa ra trong cuộc nói chuyện với Đức Phanxicô không?

Thành thật mà nói, chúng ta phải nghĩ những người tỉnh táo, những người không điên sẽ không bao giờ dùng vũ khí hạt nhân vì những vũ khí này thực sự có sức tàn phá rất lớn và không chỉ diệt kẻ thù mà còn diệt cả quốc gia đứng sau vụ tấn công. Nếu Mỹ tấn công Nga và Nga trả đũa thì đó sẽ là ngày tận thế.

Mọi người đều biết điều đó, ít nhất là những người không điên. Chừng nào sự cân bằng quyền lực này còn tồn tại, có lẽ sẽ không ai dùng vũ khí hạt nhân, nhưng các mối đe dọa luôn là cái cớ để phát triển kho vũ khí mới, tốn rất nhiều tiền mà chẳng được gì. Họ không cung cấp sự bảo vệ thực sự mà chỉ ném tiền vào thùng rác.

Ở phương Tây, tình hình địa chính trị quốc tế được thể hiện như một cuộc đấu tranh giữa Bắc Đại Tây Dương “tốt” và nhiều quốc gia khác bị cho là “xấu” (Nga, Trung Quốc, Iran, Triều Tiên, v.v.). Cha đánh giá như thế nào về cách phương Tây trình bày tình trạng địa chính trị của thế giới và việc thường xuyên mở ra các mặt trận chiến tranh mới?

Câu hỏi hay. Mọi chuyện đã từng rất đơn giản: Liên Xô và Hoa Kỳ xung đột. Nhưng Liên Xô đã biến mất và cuộc đấu tranh vẫn tiếp tục!

Tôi nghĩ con người chúng ta luôn có xu hướng tìm kiếm xung đột, đó là lý do vì sao luôn có chiến tranh. Chúng ta muốn đấu tranh để mang lại ý nghĩa cho sự tồn tại của chúng ta. Đây là điều vẫn đang xảy ra ngày nay. Mọi người đều nói đó là chính trị, nhưng nó không chỉ là chính trị. Vấn đề lớn nhất có lẽ là tiền. Tiền tiền tiền.

Nếu nhìn vào thực tế thế giới, chỉ có một số rất nhỏ người có tiền mới thực sự kiểm soát được nền kinh tế và chính trị thế giới. Và hầu hết mọi người đều nằm dưới sự kiểm soát đó. Sự mất cân bằng giữa người có và người không có ngày càng gia tăng và ảnh hưởng đến mọi vấn đề chính trị. 

Chính phủ và các giám mục Indonesia được thông báo Đức Phanxicô sẽ đến Indonesia vào đầu tháng 9. Làm thế nào điều này có thể mang lại lợi ích cho toàn bộ khu vực?

Nhiều người trong chúng tôi đánh giá cao sự quan tâm của ngài với các quốc gia mà không ai theo sát, như Indonesia, Đông Timor và Mông Cổ. Ngài rất quan tâm đến Châu Á!

Ở châu Á, Indonesia được biết đến là quốc gia hồi giáo lớn nhất thế giới. Quốc gia này rất quan trọng. Kitô giáo được Hiến pháp bảo vệ, nhưng có những vấn đề cục bộ giữa người theo kitô giáo và người theo hồi giáo. Vì thế, việc ngài đến đất nước này là điều rất quan trọng. Ngài sẽ có thể nói về tự do tôn giáo như ngài đã từng làm ở các nước vùng Vịnh, và điều đó sẽ có tác động mạnh mẽ.

Về vấn đề tự do tôn giáo ở Nhật Bản, trong nhiều thế kỷ, những người theo kitô giáo đã truyền đức tin từ thế hệ này sang thế hệ khác, rửa tội cho trẻ em trong im lặng. Không có phương tiện, không có sức mạnh, bị bách hại, đức tin vẫn sống động. Kinh nghiệm lịch sử này gợi ý gì cho bản chất đức tin kitô giáo?

Khi nói về các cuộc bách hại và tử đạo, chúng ta luôn thấy những ví dụ ở vùng Nagasaki, vì Nagasaki nổi tiếng và là nơi Giáo hội công giáo sinh ra ở Nhật. Nhưng nhiều người đã bị giết vì đức tin trên khắp nước Nhật. Ví dụ, ở các vùng phía bắc Nhật Bản, ở Tokyo hoặc ở các vùng nông thôn, có những cộng đồng kitô giáo quan trọng ở các làng quê. Có rất nhiều tấm gương tử đạo. Nhưng vì sao lại có nhiều người theo đạo ở các vùng phía bắc Nhật Bản? Vì vào thời điểm đó, những người theo đạo quan tâm đến phúc lợi xã hội, người nghèo, người bệnh và giáo dục.

Trong thời kỳ Mạc phủ Tokugawa từ năm 1603 đến năm 1868, người Nhật rất sợ ảnh hưởng của kitô giáo và vì thế họ muốn tiếp tục các hoạt động liên quan đến sự hiện diện của kitô giáo. Đây là lý do vì sao sự hiện diện của kitô giáo đã định hình hệ thống phúc lợi ở Nhật Bản.

Những gì còn lại của lịch sử và kinh nghiệm ân sủng này trong Giáo hội Nhật Bản ngày nay là gì?

Thật không may, ngày nay di sản của các vị tử đạo còn mạnh mẽ ở vùng Nagasaki, nhưng ở Tokyo này rất ít người quan tâm đến. Chúng tôi đã không quảng bá nó đúng cách.

Xin cha kể cho chúng tôi những gì tốt đẹp cha thấy nơi giáo dân Nhật.

Câu hỏi này làm tôi nhớ đến chuyến đi ad limina đầu tiên của tôi năm 2007 với Đức Bênêđíctô XVI, ngài đã có buổi tiếp kiến riêng với mỗi giám mục. (Đức Phanxicô đã thay đổi, ngài gặp tất cả các giám mục).

Khi tôi gặp Đức Bênêđíctô lần đầu tiên, ngài hỏi tôi: “Hy vọng của cha ở giáo phận của cha là gì? Ngài luôn nói về hy vọng! Vì thế tôi nói với ngài: “Tôi có thể kể cho cha nghe nhiều câu chuyện không có hy vọng, nhưng với hy vọng…” Lúc đó tôi nhớ đến những người Phi Luật Tân nhập cư. Họ kết hôn với nông dân Nhật, vì ngay cả ngày nay, nông dân ở nông thôn cũng không có vợ người Nhật, vì không còn nhiều người muốn làm nông dân nên họ đi tìm vợ Phi Luật Tân là người công giáo!

Những phụ nữ công giáo này đến Nhật vì nông dân và ở trong các làng không có nhà thờ. Đó là niềm hy vọng: các nữ truyền giáo đến Nhật. Hồng y Phi Luật Tân Tagle cũng nói như vậy. Ngài luôn khuyến khích người di cư Phi Luật Tân: “Anh chị em là những nhà truyền giáo được Thiên Chúa sai đến!” Và đó là sự thật.

Đức Bênêđíctô XVI và Đức Phanxicô thường nói, kitô giáo lan rộng nhờ sức thu hút chứ không nhờ chiêu dụ. Lời hứa về sự cứu rỗi và hạnh phúc của kitô giáo có thể lôi cuốn giới trẻ Nhật ngày nay như thế nào? Và những yếu tố nào chiếm ưu thế chi phối tâm lý các bạn trẻ Nhật ngày nay?

Việc thu hút giới trẻ là điều cần thiết. Một trong những câu trả lời nằm trong công việc của Caritas. Từ năm 2011, để ứng phó với động đất và sóng thần ở miền bắc Nhật Bản, chúng tôi đã thành lập các nhóm tình nguyện viên để hỗ trợ người dân địa phương qua cơ quan Caritas. Những người không công giáo bắt đầu trìu mến gọi các tình nguyện viên trẻ là “Cô Caritas” hay “Anh Caritas”. Vì thế chúng tôi nói: đây là cách chúng tôi thực hiện công việc truyền giáo ở Nhật! Điều này cho thấy Giáo hội là gì. Caritas rất quan trọng ở một đất nước như Nhật Bản trong việc cho mọi người thấy ý nghĩa thực sự của những gì chúng tôi rao giảng.

Chúng tôi xin cám ơn tổng giám mục Tarcisius Isao Kikuchi đã dành thì giờ và thẳng thắn nói chuyện với chúng tôi.

Marta An Nguyễn dịch

Tổng giám mục Kikuchi, tân chủ tịch Caritas Quốc tế: “Caritas giúp những người bị bỏ quên tìm lại hy vọng” 

Tổng Giám mục Tokyo, tân chủ tịch Caritas Quốc tế