Theo tác giả sách Người kế vị, các triều giáo hoàng Đức Bênêđictô XVI, Đức Phanxicô bổ sung cho nhau

137

Theo tác giả sách Người kế vị, các triều giáo hoàng Đức Bênêđictô XVI, Đức Phanxicô bổ sung cho nhau

cath.ch, imd, 2024-04-02

 Trong quyển sách Người kế vị (El Sucesor) xuất bản ngày 3 tháng 4 bằng tiếng Tây Ban Nha của nhà vatican học Javier Martìnez-Brocal, Đức Phanxicô nhìn lại mối quan hệ của ngài với Bênêđictô XVI | © Vatican News

“Tôi đề nghị với Đức Phanxicô thực hiện cuộc phỏng vấn này vì tôi có cảm giác ký ức về Đức Bênêđíctô XVI đang bị một mảng trong Giáo hội ‘cầm giữ’”. Đức Phanxicô nhìn lại mối quan hệ của ngài với Đức Bênêđíctô XVI, ngài bày tỏ lòng tôn kính chiều sâu thần học và lòng trung tín của Đức Bênêđictô XVI.

Phóng viên Javier Martìnez-Brocal của nhật báo Tây Ban Nha ABC tại Rôma đã gặp Đức Phanxicô nhiều lần trong khoảng thời gian từ tháng 7 năm 2023 đến tháng 1 năm 2024. Ngài tâm sự về mối liên hệ của ngài với Đức Bênêđictô XVI – “người anh em”, “thần đồng thần học”. Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin I.Media, tác giả đưa ra nhận thức của ông về tính liên tục lịch sử giữa hai giáo hoàng.

Quyển sách này có phải là câu trả lời cho bầu khí chia rẽ đang đánh dấu trên đời sống của Giáo hội ngày nay không?

Javier Martìnez-Brocal: Đó thực sự là ý định của tôi. Tôi đề nghị với Đức Phanxicô thực hiện cuộc phỏng vấn này vì tôi có cảm giác ký ức về Đức Bênêđíctô XVI đang bị một mảng trong Giáo hội ‘cầm giữ’. Một số người nghĩ rằng nếu chúng ta thích Đức Bênêđíctô XVI thì có nghĩa chúng ta không Đức Phanxicô và ngược lại. Với tôi, đây là kiểu rút gọn không cần thiết. Vì thế, ý tưởng của quyển sách là để nhắc, mọi giáo hoàng đều là người kế vị Thánh Phêrô, vì thế giáo hoàng là của tất cả mọi người. Cả Đức Bênêđictô XVI và Đức Phanxicô không làm giáo hoàng để tìm lợi ích cá nhân cho mình!

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Phanxicô nói những chi tiết đáng ngạc nhiên về cuối đời của Đức Bênêđictô XVI, đặc biệt ngài bị thư ký và các bác sĩ bảo vệ quá mức… Khi trực tiếp nói như vậy, có phải ngài đang ngầm nói đến chính ngài, việc ngài dứt khoát không muốn bị nghi thức “giam hãm” cả khi cuối đời không?

Ngài làm mọi thứ để ngăn điều này xảy ra. Khi tôi hỏi liệu ngài có để lại hướng dẫn không, chẳng hạn đốt các tài liệu cá nhân, ngài nói không, ngài sẽ tự lo việc này! Ngài không muốn một ai đưa ra quyết định nhân danh ngài, điều này rất rõ ràng kể từ đầu triều của ngài. Với ngài, được bảo vệ có nghĩa là bị giam hãm. Đó cũng là lý do vì sao ngài không muốn có phát ngôn viên, không có người phụ trách giao tiếp. Ngài thích liên lạc trực tiếp với các nhà báo.

Có phải các nghi thức theo sau cái chết của Đức Bênêđíctô XVI, đặc biệt là việc quàn ở Đền thờ Thánh Phêrô, đánh dấu kết thúc của một hình thức biểu tượng nào đó của chức giáo hoàng, với sự trang trọng mà ngài muốn tránh không?

Đức Phanxicô thực sự muốn dỡ bỏ mọi thứ liên quan đến logic của chế độ quân chủ, của Triều đình… Ngài không muốn quàn thi thể, ngài muốn chôn cất như một tín hữu bình thường, như người kế vị Thánh Phêrô, người được chôn cất đơn giản. Ngài muốn quay về một hình thức đơn giản nào đó, bảo đảm hình ảnh giáo hoàng được công nhận về phẩm chất thiêng liêng, không thái quá. Ngài cũng tìm cách trao nhiều tự do hơn cho các giáo hoàng kế vị: cố gắng lâu dài để bảo vệ tự do của mình cũng nhằm mục đích mang lại nhiều tự do hơn cho những người sau ngài.

Phim “Hai Giáo Hoàng” kể những trao đổi giữa Đức Phanxicô và Đức Bênêđictô XVI (Netflix.com)

Khi Jorge Bergoglio được bầu, Giáo hội bị sốc vì Đức Bênêđictô XVI từ nhiệm. Thông điệp ngài muốn truyền đi, đó là các giáo hoàng thực sự có thể từ nhiệm, họ không nên bị hoàn cảnh ép buộc phải từ nhiệm. Đức Bênêđictô XVI không còn khả năng cai trị vì những người bảo vệ ngài quá nhiều. Rất khiêm tốn, ngài không muốn gây khó khăn cho ai, muốn tuân theo mọi tiêu chuẩn, nhưng rốt cuộc lại làm cho ngài không thể thực hiện hết chức năng của mình.

Bài giảng ngắn gọn của Đức Phanxicô trong tang lễ của Đức Bênêđictô XVI làm mọi người ngạc nhiên… Ngài giải thích điều này như thế nào?

Mới đầu, bài giảng của ngài có vẻ lạnh lùng, như các bài giảng trong một số lễ phong thánh, đặc biệt là lễ phong thánh của Đức Gioan XXIII và Đức Gioan-Phaolô II. Nhưng ngài cho rằng các bài giảng phải tập trung vào các văn bản phụng vụ, không tán dương, khen ngợi những người đi trước. Về tang lễ của Đức Bênêđictô XVI, ngài chỉ muốn cho thấy, làm thế nào người tín hữu kitô này có thể giúp các kitô hữu khác sống đức tin của họ.

Tôi nghĩ sẽ sai lầm nếu cho đây như một khoảng cách. Ngược lại, Đức Phanxicô nghĩ ngài đang nói chuyện với tín hữu kitô trưởng thành, những người không cần thiết phải nhắc Đức Bênêđictô XVI là ai, vì ai cũng biết! Ngài muốn hướng sự chú ý đến Chúa Giêsu, dựa vào các đoạn trích trong các bài viết của Joseph Ratzinger.

Đức Phanxicô tiết lộ những chi tiết quan trọng về mật nghị năm 2005. Cuối cùng hồng y Bergoglio trực tiếp ủng hộ việc bầu hồng y Ratzinger?

Trên máy bay từ Brazil về Rôma năm 2013, Đức Phanxicô nói ngài rất vui với việc bầu chọn hồng y Ratzinger năm 2005, nhưng ngài chưa bao giờ nói ngài bỏ phiếu cho hồng y Ratzinger. Khi nói trong cuộc phỏng vấn “tôi đã bầu cho ngài”, ngài đã tiến một bước. Điều này giúp chúng ta hiểu, ngài đã nắm trong tay tương lai của Giáo hội công giáo. Nếu ngài đồng ý trả lời một cách thuận lợi trước những thủ đoạn của những người muốn biến ngài thành ‘người có khả năng làm giáo hoàng’ chống lại Ratzinger, thì sẽ không có triều giáo hoàng của Bênêđíctô XVI, không có từ nhiệm, không có giáo hoàng Phanxicô, sau tất cả những chuyện này…

Trên thực tế, triều giáo hoàng của ngài có liên quan đến sự từ nhiệm của người tiền nhiệm.

“Hồng y Bergoglio xem hồng y Ratzinger là người trung thực nhất trong Giáo triều Rôma và đánh giá cao việc được gặp ngài ở bộ Giáo lý Đức tin”.

Hồng y Bergoglio hiểu ngài đang bị một nhóm lợi dụng và ngài không vào trong trò chơi này, ngài rất nhạy cảm với vấn đề hiệp nhất và sẽ là điều nhục nhã nếu ngài trở thành công cụ gây chia rẽ. Thái độ của ngài đã quyết định phần còn lại của lịch sử Giáo hội. Nếu ngài không ủng hộ, hồng y Ratzinger sẽ rút lui, và một hồng y người Ý chưa có tên trong các cuộc bỏ phiếu có lẽ đã được bầu.

Mối quan hệ của hai vị trong triều của Đức Bênêđíctô XVI là gì?

Trước năm 2005, hồng y Bergoglio xem hồng y Ratzinger là người trung thực nhất trong Giáo triều Rôma và rất vui được gặp ngài tại bộ Giáo lý Đức tin. Sau đó, hồng y Bergoglio biết ơn Đức Bênêđíctô XVI vì đã không chấp nhận đơn từ chức của ngài năm 2011, sau sinh nhật 75 (tất cả các giám mục được yêu cầu từ chức khi đến tuổi 75, vì thế Jorge Bergoglio vẫn là tổng giám mục Buenos Aires năm 2013). Ngài xem quyết định này là dấu hiệu của sự tin tưởng, trong khi một phần Giáo triều đã chống ngài.

Vài năm trước đó, ngài cũng đi ngược lại lời khuyên của Giáo triều và Quốc vụ khanh để Đức Bênêđictô XVI đích thân tham gia cuộc họp Aparecida của Hội đồng Giám mục Châu Mỹ Latinh, đây là một cử chỉ mạnh mẽ. Tuy nhiên, Đức Bênêđictô XVI đã không ký vào tài liệu cuối cùng, bị cho là do Rôma dè dặt trong việc thúc đẩy các cộng đồng giáo hội địa phương.

Đức Bênêđíctô XVI thường nhấn mạnh đến chủ đề “giải thích tính liên tục” giữa các giáo hoàng, trước và sau Công đồng. Đức Phanxicô giải thích chủ đề này như thế nào?

Tôi đặt tựa quyển sách này là Người Kế Vị, nghĩ rằng Đức Phanxicô là người kế vị Đức Bênêđíctô XVI, nhưng sau đó tôi nhận ra, trên hết ngài là người kế vị Thánh Phêrô. Vai trò của giáo hoàng là truyền sứ điệp Chúa Giêsu trao cho Thánh Phêrô gần 2000 năm trước vào bối cảnh thế giới ngày nay. Tình cờ tôi tìm được một bài giáo lý rất hay của Đức Gioan Phaolô II về sứ vụ Phêrô, ngài giải thích chìa khóa của Thánh Phêrô được dùng “để mở chứ không phải để đóng”. Tôi giới thiệu bài này cho Đức Phanxicô, ngài thực sự đánh giá cao hình ảnh này.

“Yếu tố nổi bật nhất của sự gián đoạn đã xảy ra… chính Đức Bênêđíctô XVI là người đã mang đến qua việc ngài từ nhiệm.”

 

Tôi nghĩ sứ vụ của giáo hoàng là giúp nhân loại gặp Thiên Chúa, nhờ đó tạo nên một ranh giới liên tục, nhưng các phương pháp nhất thiết phải khác nhau tùy theo thời điểm. Ngay cả khi ở trong thời kỳ đương đại, rõ ràng Đức Phanxicô không thể hành động theo phong cách của Đức Phaolô VI chẳng hạn. Thế giới đã thay đổi. Và yếu tố nổi bật nhất của sự gián đoạn đã đến… chính Đức Bênêđíctô XVI đã mang đến qua việc ngài từ nhiệm, vì ngài cho rằng kế hoạch về ngôi vị giáo hoàng trọn đời không còn phù hợp nữa.

Quyển sách cho chúng ta hiểu chiều sâu thần học và triết học của Đức Phanxicô, nguồn cảm hứng của ngài, kể cả trong văn hóa Đức. Có thể nói  thần học gia và triết gia Romano Guardini (1885-1968), thường được Joseph Ratzinger trích dẫn và là người mà Jorge Mario Bergoglio viết luận văn, đã là cầu nối trí tuệ giữa Đức Bênêđíctô XVI và Đức Phanxicô không?

Đây là điểm cần đưa vào quan điểm vì tôi chưa tìm thấy một bài can thiệp hay bài viết nào của Joseph Ratzinger về chủ đề chính xác của luận án Jorge Mario Bergoglio làm ở Đức về Gegensatz, khái niệm vượt lên của ‘sự phân cực’ trong tư tưởng của Romano Guardini. Nhưng cả hai đều  đánh giá cao tác giả này. Có một gốc rễ trí tuệ chung ở đó.

Tôi nghĩ trong những năm 1980, Cha Bergoglio đã nghiên cứu tư tưởng của Romano Guardini sau khi bản thân bị đau khổ vì những chia rẽ nội bộ của Dòng Tên ở Argentina. Ngài tìm thấy trong mình một tư tưởng mạch lạc về những đối “cực”, để lập luận ý tưởng, chúng ta có thể có những suy nghĩ khác nhau nhưng không chống đối nhau. Suy tư này giúp suy nghĩ về triều của Đức Bênêđictô XVI và Đức Phanxicô theo khía cạnh bổ sung chứ không đối lập, và điều này giúp chúng ta tìm các chuẩn mực trong một thế giới ngày càng bị phân mảnh và phân cực.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Người kế vị (El Sucesor) xuất bản ngày 3 tháng 4 bằng tiếng Tây Ban Nha của nhà vatican học Javier Martìnez-Brocal.

Đức Phanxicô nói về Đức Bênêđictô XVI trong quyển sách “Người Kế vị. Kỷ niệm của tôi về Đức Bênêđictô XVI”