Nạn bắt nạt ở trường học: hậu quả lâu dài của chấn thương tâm lý với người lớn
Ngày 12 tháng 2, bà Nicole Belloubet, bộ trưởng bộ Giáo dục Quốc gia Pháp cho biết: “Ít nhất trong mỗi lớp có một học sinh là nạn nhân của nạn bắt nạt ở trường”. Nếu việc chăm sóc các nạn nhân không tốt có thể để lại hậu quả trên họ cho đến tuổi trưởng thành. Các chứng từ.
la-croix.com, Isabelle Veloso Vieira, 2024-03-02
Một học sinh ngồi một mình dưới đất trong hành lang trường, các bạn cùng lớp chơi đùa không để ý đến em. Trẻ em nạn nhân của nạn bắt nạt ở trường học / Bigot S/Andia.fr
Bị chế giễu vì thấp, Elena, 22 tuổi là mục tiêu của những lời chê bai sỉ nhục hàng ngày ở các lớp năm và sáu. Mười năm sau, cô từng bước lấy lại sự tự tin của mình. Cô thì thầm: “Nhìn chung, mọi thứ tốt hơn.” Giống như Elena, nhiều nạn nhân bị bắt nạt ở trường vẫn còn gánh chịu hậu quả tâm lý khi trưởng thành, ít nhiều sâu sắc hơn về sự bắt nạt này.
Bà Carolle, 47 tuổi, vẫn còn bị ảnh hưởng nặng nề. Đến mức bà không thể ra khỏi nhà một mình. Khi kể về tuổi thơ của mình, giọng bà òa ra. Bị sách nhiễu từ khi còn học tiểu học, bà là mục tiêu của những lời lẽ hạ nhục và những cú đánh đập kéo dài đến lớp năm trước khi bà quyết định nghỉ học. Bà thở dài: “Tôi không thể chịu được nữa. Kinh nghiệm đau thương này vẫn còn khắc sâu trong lòng tôi.”
Nhà phân tích tâm lý Saverio Tomasella giải thích: “Nạn bắt nạt tạo tổn thương, làm xáo trộn sâu đậm và lâu dài hệ thần kinh của nạn nhân, làm cho họ rơi vào trạng thái căng thẳng kinh niên, cảnh giác quá đáng.” Nó tạo điều kiện để nạn nhân lặp lại với những bạo lực mới, đó là điều đã xảy ra với bà Carolle. Bà hối hận giải thích: “Bắt nạt làm suy yếu đứa trẻ và sự mong manh này sẽ thu hút ‘những người xấu’ nhiều năm sau đó. Các nạn nhân lặp lại ‘mô hình’ mình đã bị và có nguy cơ trải qua những giai đoạn đau thương lần nữa.” Ông Tomasella khẳng định điều này: “Đối với những kẻ xấu xa, người bị bắt nạt là con mồi tốt. Nạn nhân của bắt nạt ít phản kháng trước bạo lực hơn. Họ đã quen, thậm chí có người còn cho rằng họ đáng bị như vậy”.
Thiếu tự tin
Anh Hyacinthe, 22 tuổi, phải mất một thời gian dài mới nhận ra rằng mình không phải là “vấn đề”. Một cảm giác, cùng với những lời xúc phạm hàng ngày, đã làm lung lay lòng tự tin của anh. Anh Pierre Bonneyrat, 32 tuổi, hiện là tình nguyện viên của hiệp hội Bàn tay đưa ra, một tổ chức đấu tranh chống nạn bắt nạt ở trường học, trong suốt thời đi học anh bị chế nhạo vì “cái đầu to”, đến nỗi anh không muốn nhìn vào gương. Thậm chí anh bỏ bê cách ăn mặc và tóc tai của mình. Anh nói: “Bây giờ mọi chuyện tốt hơn. Tôi thích bản thân tôi, ít nhất tôi không còn ghét tôi”. Anh còn lên truyền hình nói chuyện, điều mà vài năm trước đây anh không thể làm được.
Từng bước, Pierre vượt qua chấn thương tâm lý dù một số di chứng vẫn còn tồn tại. Anh tâm sự: “Tôi gặp khó khăn khi tiếp xúc với người khác. Xây dựng các mối quan hệ thân thiết và giữ gìn chúng là một thách thức của tôi.” Ông Saverio Tomasella giải thích: “Các nạn nhân gặp khó khăn trong việc phát triển sự mật thiết với người khác.”
Còn anh Hyacinthe dù rất dè chừng, nhưng cố gắng tạo tình bạn với những “người bạn thực sự”. Nhưng đôi khi cơ chế bảo vệ cũ lại quay trở lại. Nhiều ngày, anh tự cô lập mình trong phòng nội trú của trường và “tránh xa thế giới”. Một phản xạ có từ những năm đại học khi anh trốn những kẻ bắt nạt trên căn gác mái của trường.
Ở trường cấp hai, các bạn cùng lớp của cô Nevada, 21 tuổi, ném những quả bóng giấy vào cô trong giờ học và đe dọa: “Nếu muốn tôi làm bạn với bạn, thì bạn phải ăn mặc đẹp hơn.” Hiện nay cô làm thiện nguyện viên trong một hội chống nạn bắt nạt ở trường, cô cố gắng không nghĩ đến chuyện đó nữa nhưng “khó lắm”.
Xây dựng lại bản thân sau chấn thương
Việc xây dựng lại sau khi bị bắt nạt có thể mất thời gian nhưng vẫn có thể vượt qua được. Nói chuyện với ai đó, đặc biệt với một chuyên gia, vẫn là một trong những giải pháp tốt nhất. Ông Samuel Comblez, nhà tâm lý học và giám đốc của 3018, số điện thoại khẩn cấp chuyên giải quyết vấn đề quấy rối, cho biết: “Trong trị liệu, chúng tôi xử lý cảm xúc được cảm nhận trong giai đoạn đau thương. Vì vậy, khi nạn nhân nghĩ lại về những sự kiện này, họ sẽ ít bị tác động hơn.”
Anh Simon, 25 tuổi, đã có thể thấy được những lợi ích. Bị quấy rối ở trường đại học vì “quá tốt, quá cù lần”, anh chỉ mới chia sẻ kinh nghiệm của mình hai năm trước. Năm 2022, vì di chứng tâm lý và khối lượng công việc ngập đầu, anh bị suy sụp. Anh quyết định đến tâm lý gia để dốc hết tâm sự. Nói lên lời các đau khổ của mình, có tác dụng giải phóng. Hôm nay, anh nói anh “siêu mãn nguyện”.
Trị liệu là một trong những cách để vượt qua nhưng không phải là cách duy nhất. Ông Samuel Comblez đảm bảo: “Tham gia các hoạt động thể thao, nghệ thuật hoặc tham gia vào thế giới giao lưu có thể là một cách để tìm thấy niềm vui trong một nhóm quan tâm chăm sóc đến nhau, lấy lại niềm tin vào người khác”. Đó là cách anh Quentin, 23 tuổi, đang dần xây dựng lại bản thân. Nhờ được đào tạo vũ đạo chuyên nghiệp và gặp những “người tuyệt vời”, anh đã không còn bị chứng trầm cảm đã tác hại anh trong hai năm, một chiến thắng lớn với chàng trai trẻ vốn đã quen với chứng rối loạn trầm cảm từ khi còn học cấp hai. Trong những điệu nhảy, anh dùng chấn thương của mình để “đến với công chúng”. Còn Simon thì thích âm nhạc hơn: “Tiếng trống giúp tôi tiến về phía trước,” một giúp đỡ cần thiết vì anh đã muốn tự tử ba lần ở trường đại học.
“Không có liệu pháp ma thuật”
Các nạn nhân khác thích tham gia hơn như cô Elena và anh Pierre. Mỗi người theo cách riêng của mình tham gia vào cuộc chiến chống bắt nạt ở trường học. Elena đồng hành với các thanh niên bị bắt nạt; Pierre nâng cao nhận thức của công chúng về vấn đề này. Nhà phân tích tâm lý Saveri Tomasella giải thích: “Nó giúp bạn tập trung năng lượng vào một việc gì đó bổ ích”.
Con đường vượt qua chấn thương trước hết là con đường cá nhân. Ông Samuel Comblez lưu ý, không có mô hình của một “liệu pháp ma thuật nào”. Tuy nhiên, một số yếu tố nào đó có thể giải thích dấu vết chấn thương sâu sắc ít nhiều tùy từng người. Môi trường chung quanh là yếu tố hàng đầu.
Ông Tomasella Saverio lưu ý: “Nếu gia đình nạn nhân tiếp nhận lời tâm sự, lắng nghe hoặc cố gắng giải quyết tình huống thì hậu quả sẽ ít hơn”. Cô Elena cảm nhận được điều đó. “Tôi thật may mắn được bao quanh tốt. Gia đình và bạn bè đã giúp đỡ tôi rất nhiều.” Với Pierre thì bạn bè là rất cần thiết. Họ giúp tôi không “làm những điều ngu ngốc”. Anh đã gặp các bạn trên diễn đàn của một chương trình truyền thanh.
Nói về việc bị bắt nạt là chìa khóa để vượt qua tổn thương này. Ông Samuel Comblez nhấn mạnh: “Chúng ta phải cố gắng chống lại phản xạ thu mình vào chính mình”. Simon đã phải trả giá, anh không muốn nói về những gì anh đã trải qua trong những năm đại học. Mẹ anh nghi ngờ có điều gì đó không ổn. Bà hỏi anh. Vô ích. “Thật khó để nói chuyện với cha mẹ về chuyện này, vì tôi nghĩ đó là lỗi của tôi.” Kể từ đó, anh kêu gọi các nạn nhân “liên hệ với các tổ chức trợ giúp” nếu họ muốn nói chuyện. Các hiệp hội và đường dây điện thoại 3018 đều có mặt vì chuyện này.
Các học sinh nói về việc bắt nạt
Mỗi lớp đều có một học sinh bị bắt nạt, 5% học sinh tiểu học, 6% học sinh trung học cơ sở và 4% học sinh trung học phổ thông.
63% học sinh tiểu học phải nhờ bạn bè, phụ huynh hoặc giáo viên giúp đỡ, 32% học sinh trung học cơ sở và 22% học sinh trung học phổ thông.
Các tấn công phổ biến nhất là tin đồn thất thiệt (17%), bắt nạt thể chất (12%) và đánh nhau (12%). Ở cấp hai và cấp ba, trêu chọc và lăng mạ là hàng đầu: 11% học sinh cấp hai; 7% học sinh cấp ba, sau đó là tin đồn (7% và 5%) và cố tình xô đẩy (7% và 3%).
5% học sinh tiểu học sợ không dám đến trường, 2% học sinh trung học cơ sở và 2% học sinh trung học phổ thông.
Marta An Nguyễn dịch