Những giới hạn của linh đạo Dòng Tên?
Linh đạo Dòng Tên của Đức Phanxicô đang chống lại Ngài
Đức Phanxicô phê chuẩn một văn bản gây tranh cãi trong Giáo hội, cho phép chúc phúc cho các cặp đồng tính. Đứng trước các tranh cãi, Rôma đã công bố bản sửa đổi quyết định này: việc áp dụng hay không sẽ tùy thuộc quyết định của các giám mục.
atlantico.fr, Reuter, 2024-01-07
Trên Twitter, nhà văn Jean-Pierre Denis lên tiếng. Ông viết “ban giữ thứ trật tự làm mất trật tự. Mỗi người làm theo huấn quyền nhỏ bé của mình. Các giám mục tuân theo bằng cách nói không (…) Các quan điểm theo chiều dọc của giáo hoàng giết chết tính đồng nghị theo Đức Phanxicô.” Ông có chia sẻ những không thấu suốt của nhà báo không?
Jean-Baptiste Noé: Điều đáng ngạc nhiên nhất là Vatican đã không lường trước được những vấn đề mà việc tiếp nhận văn bản sẽ đặt ra. Điều này chứng tỏ sự mất kết nối đáng lo ngại giữa Rôma và thế giới kitô giáo. Rõ ràng là ở châu Phi, các chúc phúc này không thể trôi qua, đặc biệt vì ở nhiều quốc gia, các hành vi đồng tính bị trừng phạt. Việc xuất bản văn bản này vài ngày trước lễ Giáng sinh, giống như tháo kíp lựu đạn trong thời điểm lẽ ra phải là giây phút bình yên và chiêm niệm, không phải lúc tranh luận và chảy nước mắt. Văn bản viết kém, thời điểm được chọn kém, khả năng tiếp nhận bị bỏ qua. Tất cả các yếu tố tạo nên một cuộc khủng hoảng đều có ở đó.
Nhưng điều nghiêm trọng nhất là Thượng Hội đồng về tính đồng nghị, phiên họp đầu tiên kết thúc vào mùa thu, đã bày tỏ rõ ràng việc từ chối chúc lành cho các cặp đồng tính. Và một vài tuần sau, giáo hoàng bác bỏ việc từ chối này của thượng hội đồng do ngài triệu tập, gồm những người tham gia mà chính ngài đã chọn để áp đặt ý muốn của mình.
Nhưng điều gây sốc, kể cả trong vòng thân thuộc của Đức Phanxicô: khoảng cách giữa diễn từ (tính đồng nghị, đối thoại, lắng nghe) và thực tế (một guồng máy cai trị độc tài và tập trung).
Một dấu hiệu rõ ràng về sự tập trung quyền lực này là số lượng tự sắc được một giáo hoàng ký. Tự sắc (motu proprio) là sắc lệnh lập pháp xuất phát từ ý muốn của giáo hoàng, “từ chính hành động của giáo hoàng”, do đó có tên la-tinh là motu proprio. Đó là cảm xúc để một giáo hoàng trực tiếp chỉ đạo Giáo hội mà không cần phải thông qua các cơ cấu của Vatican.
Trong 27 năm làm giáo hoàng, Đức Gioan-Phaolô II công bố 32 tự sắc. Trong 8 năm, Đức Bênêđíctô XVI ký 13 tự sắc. Kể từ khi được bầu năm 2013, trong 10 năm Đức Phanxicô công bố 66. Tỷ lệ trung bình hơn 6 tự sắc một năm là điều chưa từng có trong lịch sử Giáo hội. Đó là sự tập trung và cá nhân hóa quyền lực độc nhất. Sự lạm phát lập pháp này sau đó chuyển qua bộ luật giáo luật, điều này đặt ra nhiều vấn đề cho các luật gia, vì những văn bản này thường viết kém, thực hiện kém.
Giáo dân cảm nhận như thế nào trước sự thiếu nhất quán này?
Điều này gây xáo trộn và chia rẽ ở những nơi không có xáo trộn và chia rẽ, tạo vừa ngờ vực vừa khoảng cách. Chúng tôi đã thấy điều này ở Pháp, nơi các giám mục vẫn im lặng về chủ đề này, ngoại trừ các giám mục miền Tây nước Pháp, vì họ hiểu mảnh đất bị trượt và chỉ có thể gây ra vấn đề.
Nhiều giáo dân lạc lối vì họ thấy triều giáo hoàng có nhiều hoang mang. Những gì trước đây rõ ràng thì bây giờ thành lờ mờ, mù mịt làm giáo dân không biết mình phải đi theo hướng nào. Một điều được nói ra (như tại thượng hội đồng), rồi vài tuần sau bị nói ngược lại, trước khi giáo hoàng rút lại và đưa ra một lời chú giải về văn bản của chính ngài lằng nhằng, khi muốn làm rõ thì lại làm phức tạp hơn.
Cuối cùng dẫn đến việc giáo dân ngày càng ít quan tâm đến những gì đang xảy ra ở Rôma. Điều này được thấy rõ trong các buổi tiếp kiến chung ngày thứ tư. Dưới thời Đức Bênêđíctô XVI, Hội trường Phaolô VI vào mùa đông và Quảng trường Thánh Phêrô khi thời tiết đẹp chật kín người. Dưới thời Đức Phanxicô thưa thớt hơn. Truyền hình Vatican buộc phải lên kế hoạch chặt chẽ để che, cho việc không có đông giáo dân trong các buổi tiếp kiến này.
Đức Phanxicô có nói “đồng thời” như tổng thống Macron?
Ngược với tổng thống Macron, người không có định hướng rõ, Đức Phanxicô biết mình muốn đi đâu, ngài là người thực sự của chính quyền, thích quyền lực. Chung quanh ngài là người trung thành, những người ngài tin tưởng và làm theo lệnh của ngài. Đức Phanxicô là người thông minh. Trước sự phản kháng nảy sinh do sự chống lại cải cách của ngài, ngài cố tình nuôi dưỡng mơ hồ để mọi người có thể tìm thấy điều gì đó làm họ hài lòng, có nghĩa lời nói của ngài luôn có thể được hiểu theo nghĩa này hoặc nghĩa kia. Trong suốt triều của ngài, ngài đã nắm lại được Rôma, điều chưa từng có dưới thời Đức Gioan-Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI. Ngay cả việc quản lý hàng ngày các giáo xứ ở Rôma và việc bổ nhiệm các linh mục đều thuộc về giáo hoàng, ngài điều khiển và quyết định. Phương thức cai trị theo chiều dọc này rất được đánh giá cao vào đầu triều của ngài, đặc biệt sau những năm cuối cùng triều Đức Bênêđictô XVI, người hoàn toàn không còn nắm quyền lực. Nhưng từ vài năm nay, nó bắt đầu thành mệt mỏi. Đến Rôma vài lần trong năm, tôi có thể quan sát, đặc biệt khi tiếp xúc với nhiều người, rằng giáo dân ngày càng tách rời khỏi những gì đang xảy ra ở Vatican. Sự nhiệt thành chung quanh Đức Phanxicô đã nhường chỗ cho một thờ ơ lớn lao.
Linh đạo Dòng Tên có những giới hạn, theo cha đó là những giới hạn nào?
Có một chút lười biếng về mặt trí tuệ mà nhiều nhà quan sát liên tục nhắc đến hình ảnh Bergoglio của ngài như một tu sĩ Dòng Tên. Dòng Tên là Dòng ngài được đào tạo và đảm nhận các trách nhiệm, nhưng trước khi là tu sĩ Dòng Tên, ngài là người Argentina. Phong cách chính phủ, các phương pháp, mối quan hệ của ngài với người dân được đánh dấu bằng “tính Argentina” này. Ngài là người thuộc truyền thống chính trị của chủ nghĩa Peron, vốn là tư tưởng chính trị chính ở Argentina, là sự kết hợp rất linh hoạt giữa chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa độc tài, là một phong cách và một cách tồn tại hơn là một tư tưởng. Đức Phanxicô được đánh dấu bởi “thần học về dân tộc”, vốn là một trong những hình ảnh của thần học giải phóng, nhưng có chiều hướng gần gũi hơn nhiều với các phong trào bản địa và dân cư bản địa. Vì thế ngài đã mang các bức tượng pahamama về Rôma trong Thượng hội đồng về Amazon. Xung đột văn hóa ở Vatican giữa một chính quyền mang đậm chất la-mã và một giáo hoàng có văn hóa Argentina đang bắt đầu trở nên gay gắt. Sau khi Đức Bênêđictô XVI qua đời, Đức Phanxicô tăng các cải cách của ngài. Ngài biết những ngày làm giáo hoàng của ngài đã gần hết, sức lực của ngài yếu và có lẽ ngài muốn tiến hành quá nhanh bản văn chúc phúc này mà không chờ phiên họp phần thứ hai của thượng hội đồng vào mùa thu năm 2024.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch