Ngày thứ năm 1 tháng 2, Hiệp hội Tuổi thơ đã đưa ra kết quả về tác động của công nghệ kỹ thuật số với trẻ em. Trong khi phần lớn phụ huynh nhận thức được những rủi ro, nhưng có nhiều người lại đánh giá thấp hậu quả việc làm của chính họ và chưa sẵn sàng thay đổi hành vi của mình.
la-croix.com, Paula Pinto Gomes, 2024-02-01
Đại đa số phụ huynh (96%) nhận thức được việc sử dụng màn hình có ảnh hưởng tới sự phát triển của con cái và thậm chí còn đặt công nghệ số lên hàng đầu trong “những yếu tố ảnh hưởng nhất”. Hơn hai phần ba trong số họ (71%) quan sát thấy “những hậu quả tiêu cực”.
Ngày thứ năm 1 tháng 2, trong buổi trình bày kết quả thứ hai của Hiệp hội Tuổi thơ thực hiện với Ifop, bà Catherine Vautrin, tân bộ trưởng Bộ Lao động Pháp tuyên bố: “Hậu quả của việc trẻ em tiếp xúc với màn hình là vấn đề lớn của sức khỏe cộng đồng và là thách thức cho xã hội chúng ta. Thời gian xem màn hình trung bình hơn 56 phút mỗi ngày với trẻ 2 tuổi và một giờ 20 phút với trẻ 3 tuổi rưỡi,” bà cho biết từ bây giờ đến tháng tư, một nhóm chuyên gia phải “đưa ra sự đồng thuận khoa học về hậu quả của màn hình và đề xuất các khuyến nghị sử dụng cho giới trẻ, cũng như hỗ trợ cho phụ huynh và các chuyên gia”.
Hiệp hội Tuổi thơ đã phỏng vấn 602 phụ huynh, 300 nữ y tá trong ngành chăm sóc trẻ em để đo lường nhận thức của họ về tác động của công nghệ kỹ thuật số với trẻ em từ 0 đến 6 tuổi. Kết quả thật đáng khích lệ. Đại đa số phụ huynh (96%) nhận thức được việc sử dụng màn hình có ảnh hưởng đến sự phát triển của con mình, thậm chí họ còn đặt công nghệ số lên hàng đầu trong “những yếu tố ảnh hưởng lớn nhất” với giấc ngủ và chế độ ăn uống của trẻ em.
Hơn 2/3 trong số họ (71%) thấy “hậu quả tiêu cực”: 52% cho biết “các em có vấn đề về đối xử”, 36%, “có vấn đề về khả năng chú ý” (tăng 8 điểm so với năm 2022) và 33% “rối loạn giấc ngủ” . Một số cha mẹ (56%) cũng nhận thấy những tác động tiêu cực của việc sử dụng màn hình của chính họ với con cái họ. Tuy nhiên, đây lại là một trong những bài học của cuộc khảo sát này, chỉ một nửa sẵn sàng thay đổi cách làm của họ.
Nhận thức được những rủi ro, 65% phụ huynh được khảo sát quy định việc tiếp cận màn hình “vào những thời điểm xác định rõ ràng và trong một khoảng thời gian giới hạn”. Tuy nhiên, nhiều người (40%) thừa nhận cảm thấy “choáng ngợp” dù chỉ 9% công nhận “không còn kiểm soát việc sử dụng ở nhà được nữa”.
Những rủi ro của một nhận thức sai lầm
Những người khác có khuynh hướng tương đối hóa các rủi ro: 70% đưa ra một số khuyến nghị của các chuyên gia cho rằng mối nguy hiểm ít nghiêm trọng hơn “nếu trẻ em không xem màn hình trước khi đi ngủ, nếu trẻ em có tương tác với người khác hoặc nếu trẻ làm thủ công hoặc hoạt động thể chất. Những khuyến nghị mà đôi khi họ cho là “quá xa thực tế” (66%) hoặc “quá chung chung” (64%).
Nhiều người giảm thiểu hóa hậu quả của việc đăng ảnh hoặc video về con cái họ lên mạng xã hội. Chưa đến một nửa khuôn mặt trẻ vị thành niên được che giấu. Một số đề cập đến nguy cơ khiêu dâm trẻ em (16%) và dùng hình ảnh vào những mục đích khác (11%), nhưng chỉ có 7% trích dẫn quyền đăng hình ảnh. Thậm chí 32% không thấy có mối nguy hiểm nào ở đó.
Cha mẹ thiếu thông tin
Về phần các chuyên gia (98%), họ quan sát thấy những hành vi quá mức của cha mẹ có thể làm tổn hại đến mối quan hệ của họ với con cái. Trong những lần đến thăm nhà, 83% thường thấy màn hình bật mà không có ai ngồi xem. 62% cha mẹ nói điện thoại khi chăm sóc con. Hơn 3/4 y tá chăm sóc trẻ em đưa ra mối liên hệ giữa việc tiếp xúc với màn hình và những khó khăn trong sự phát triển của trẻ em.
Theo 68% chuyên gia, phụ huynh không có đủ thông tin về tác động của công nghệ kỹ thuật số. Nhiều người thừa nhận họ không đề cập đến chủ đề này trong buổi tư vấn vì thiếu thời gian hoặc vì họ cảm thấy đây không phải là nơi để họ làm việc đó. Một nghiên cứu làm cho Hiệp hội Tuổi thơ phát động lời kêu gọi tăng cường các chiến dịch thông tin với “những thông điệp chính xác và không tạo mặc cảm tội lỗi”.
Marta An Nguyễn dịch