Israel, Palestine, Beethoven và thông điệp hy vọng
Bà Chiara Porro trình uỷ nhiệm thư lên Đức Phanxicô ngày 28 tháng 8 năm 2020.
Tối thứ ba 6 tháng 2, đại sứ quán Úc tại Tòa thánh đã mời các đại sứ từ khắp nơi trên thế giới, kể cả các đại sứ của Israel và Palestine đến dự lễ kỷ niệm ngày quốc khánh của Úc. Mỗi thứ bảy hàng tuần, phóng viên thường trực của báo La Croix ở Rôma, Loup Besmond de Senneville đưa quý độc giả vào hậu trường của đất nước Vatican nhỏ nhất thế giới này.
la-croix.com, Loup Besmond de Senneville, Rôma, 2024-02-10
Tối hôm đó có buổi hòa nhạc tại dinh thự của đại sứ Úc tại Tòa thánh. Trên tầng hai của Cung điện Bonadies Lancellotti, Bà Chiara Porro, đại diện trẻ của quốc gia Châu Đại Dương lớn nhất đã gặp cộng đồng người Úc và các đại sứ đồng nghiệp của bà để kỷ niệm ngày quốc khánh của lục địa đảo to lớn của bà. Ban tứ tấu người Úc trình diễn một tác phẩm của Domenico Scarlatti, của Nigel Westlake người Úc đương đại và của Ludwig van Beethoven.
Trong số các khách mời có hai người mà quốc gia của họ xung đột với nhau trong nhiều thập kỷ, bây giờ lại chiến đấu với nhau bằng vũ khí kể từ ngày 7 tháng 10 năm 2023. Đại sứ của Palestine và của Israel, họ đứng ở các góc đối diện của căn phòng. Vào cuối buổi hòa nhạc, họ không nói chuyện với nhau. Nhưng cả hai đều đã nghe nghệ sĩ cello nói vài lời trước khi bắt đầu bản tứ tấu số 9 của Beethoven: “Tôi hy vọng quý vị ra khỏi đây với thêm một chút hy vọng.”
Những buổi tiếp tân như buổi hòa nhạc được tổ chức tại Đại sứ quán Úc ngày thứ ba là hình ảnh ít phù phiếm hơn nhiều so với vẻ bề ngoài của những buổi này. Một nhà ngoại giao giải thích: “Đây là nơi chúng ta có thể gặp những người chúng ta chưa bao giờ gặp, có được những thông tin hoặc có thể hỏi một nhân vật Vatican suy nghĩ của họ về một tình huống hoặc nhận xét của giáo hoàng.” Cũng chính những nơi tràn ngập những nốt nhạc baroque và rượu vang Ý này mà tin đồn về chiến tranh đôi khi âm thầm vang lên.
Marta An Nguyễn dịch