Tòa Thánh ngăn chặn dự án ‘hội đồng thượng hội đồng’ của Đức
Phiên họp của Con đường Thượng hội đồng Đức, tại Frankfurt vào tháng 3 năm 2023 | © Camille Dalmas/I.Media
cath.ch, I.Media, 2024-02-19
Sau sự can thiệp mới của Tòa thánh, các giám mục Đức đã quyết định hoãn cuộc bỏ phiếu quan trọng nhằm thành lập một “hội đồng thượng hội đồng” trong kỳ họp sẽ khai mạc ngày 19 tháng 2 năm 2024 tại Augsburg. Một thay đổi chương trình đã làm một số nhóm giáo dân Đức tức giận.
Từ ngày 19 đến ngày 22 tháng 2, 61 thành viên của Hội đồng Giám mục Đức (DBK) họp ở thành phố nhỏ Bavaria Souabe trong cuộc họp đầu năm. Giám mục Bertram Meier chủ tọa cuộc họp tuyên bố: “Mặc dù lịch trình bận rộn, tôi hy vọng các giám mục đồng nghiệp của tôi sẽ có thời gian để ngắm vẻ đẹp và tinh thần của thành phố hòa bình Augsburg,” ngài đề cập đến hiệp ước được ký kết bởi Hoàng đế Charles V và các hoàng tử Luther của Liên đoàn Smalkalde năm 1555, nhằm chấm dứt các cuộc chiến tranh tôn giáo ở Đế chế La Mã Thần thánh.
Tuy nhiên, căng thẳng xung quanh cuộc họp này đang tăng cao sau khi Hội đồng Giám mục Đức tuyên bố bỏ chương trình bỏ phiếu về quy chế của ‘ủy ban thượng hội đồng’, một thực thể tạm thời phải chuẩn bị thành lập ‘hội đồng thượng hội đồng’ vào năm 2026.
Cơ quan này, được thành lập đã được biểu quyết trong kỳ họp thứ tư của ‘Con đường Thượng hội đồng’ của Đức vào tháng 9 năm 2022, phải cho phép các đại diện giáo dân được bổ nhiệm một cách dân chủ, tham gia đầy đủ vào việc điều hành Giáo hội công giáo ở Đức. Mục tiêu được công bố là để duy trì trải nghiệm về ‘Con đường Thượng hội đồng’ và do đó cho phép tiếp tục thảo luận giữa giáo dân và giám mục về các vấn đề như quyền lực, vai trò của phụ nữ, luân lý tình dục và lối sống linh mục.
Cảnh báo lặp lại
Tòa Thánh đã nhiều lần phản đối dự án này, vì cho rằng nó đặt ra nghi vấn về thẩm quyền của giám mục. Đây là điều mà ngày 16 tháng 1 năm 2023, các hồng y Pietro Parolin, Luis Ladaria Ferrer và Marc Ouellet đã khẳng định trong một thư gởi cho các giám mục Đức và đã được Đức Phanxicô phê chuẩn, yêu cầu các giám mục Đức không thành lập một hội đồng đồng nghị. Những cảnh báo này sau đó đã được Vatican nhắc lại trong một số cuộc họp.
Tuy nhiên, các giám mục Đức cảm thấy bị ràng buộc bởi chương trình nghị sự mà họ đã bỏ phiếu trong kỳ họp thứ năm và cuối cùng của ‘Con đường Thượng hội đồng’ vào tháng 3 năm 2023. Vì thế họ bị một số hiệp hội giáo dân gây áp lực. Hơn nữa, tổng giám mục Georg Bätzing, chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức đã nhiều lần đảm bảo việc thành lập một hội đồng đồng nghị là có hiệu lực theo quan điểm của giáo luật.
Chính vì điều này mà cuộc họp đầu tiên của ‘ủy ban thượng hội đồng’ đã được tổ chức vào tháng 11 năm 2023, với việc soạn thảo quy chế cho ủy ban này. Tuy nhiên, để hợp lệ, các quy chế này phải được Hội đồng Giám mục Đức xác nhận. Vì thế, hội nghị đã lên kế hoạch để bỏ phiếu trong phiên họp khai mạc ngày 19 tháng 2.
Rôma lên tiếng
Các hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh, hồng y Victor Manuel Fernandez, bộ trưởng bộ Giáo lý Đức tin và hồng y Robert Prevost, bộ trưởng bộ Giám mục đã dự đoán khả năng thông qua các quy chế trong một thư gởi phút chót cho Hội đồng Giám mục Đức ngày 16 tháng 2 và được hãng thông tấn KNA của Đức phát sóng. Họ nói rõ những chỉ dẫn trong lá thư đã “được Đức Phanxicô chú ý và được ngài chấp thuận”.
Các hồng y cảnh báo: bất kỳ việc thành lập ủy ban thượng hội đồng nào cũng sẽ “vô hiệu – với những hậu quả pháp lý tương ứng”. Thật vậy, theo các hồng y, một quyết định như vậy không thể được đưa ra nếu không có sự đồng ý của tất cả các thành viên Hiệp hội các Giáo phận Đức. Tuy nhiên, một số giám mục (trong đó có hồng y Rainer Maria Woelki của giáo phận Cologne) kiên quyết phản đối việc thực thi sắc lệnh này.
Các hồng y của Giáo triều cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không vượt qua Rubicon trong khi các cuộc gặp giữa các giám chức Rôma và các giám mục của Hội đồng Giám mục Đức được lên kế hoạch vào đầu năm để giải quyết những khác biệt. Họ khẳng định: “Nếu Quy chế của Ủy ban Thượng Hội đồng được thông qua trước cuộc họp này, thì câu hỏi sẽ đặt ra là ý nghĩa của cuộc họp này và nói chung là của tiến trình đối thoại đang diễn ra”. Họ nhấn mạnh một cuộc bỏ phiếu như vậy sẽ “mâu thuẫn với các hướng dẫn của Tòa thánh được ban hành theo khuyến nghị đặc biệt của Đức Phanxicô và một lần nữa sẽ làm cho ngài phải đối diện với sự đã rồi”.
Những người theo chủ nghĩa thế tục ở Đức gây áp lực
Đối mặt với cảnh báo này, Hội đồng Giám mục Đức tuyên bố sẽ rút việc bỏ phiếu ra khỏi chương trình. Nhưng sự can thiệp của Rôma đã bị chỉ trích mạnh mẽ ở Đức, đặc biệt với Ủy ban Trung ương Giáo dân Đức, ZdK, cơ quan đối thoại thế tục chính của các giám mục. Tổ chức này gần đây đã bỏ phiếu ủng hộ quy chế của ‘ủy ban thượng hội đồng’.
Bà chủ tịch ZdK Irme Stetter-Karp đã yêu cầu các giám mục Đức hành động bất chấp Rôma để đảm bảo ủy ban thượng hội đồng sẽ hoạt động tại cuộc họp tiếp theo vào tháng 6 tới. Bà nhấn mạnh: “Giáo hội Công giáo ở Đức sẽ không có cơ hội thứ hai nếu ngăn chặn Con đường Thượng hội đồng lúc này”.
Những người bảo vệ hội đồng thượng hội đồng có thể tin cậy vào sự hỗ trợ đáng kể của một số giám mục. Và đó là trường hợp giám mục Franz-Josef Overbeck, ngày 15 tháng 2, ngài công bố thành lập một cơ cấu gần với hội đồng thượng hội đồng được gọi là “hội đồng chung” trong giáo phận của ngài.
Hồng y Schönborn cảnh báo chống lại sự ly giáo
Một số tiếng nói cũng đã xuất hiện để chỉ trích sự cứng rắn của phong trào cải cách ở Đức, đặc biệt là phong trào này rất được lắng nghe trong lãnh vực công giáo nói tiếng Đức của giáo phận Vienna của hồng y Christoph Schönborn. Hồng y nói trong một phỏng vấn với ấn bản của tạp chí tiếng Đức Communio, được đăng ngày 19 tháng 2: “Tôi rất ấn tượng trước sự kiên nhẫn của Đức Phanxicô và các bộ ở Rôma đã cố gắng duy trì liên lạc với các giám mục Đức, duy trì sự hiệp nhất và hiệp thông.”
Vấn đề nảy sinh do việc thành lập một hội đồng đồng nghị không phát sinh “từ quyền lực của Rôma chống lại quyền lực của các Giáo hội địa phương, nhưng từ sự hiệp nhất của đức tin”, hồng y nhấn mạnh và tuyên bố một giám mục “không thể không giao phó trách nhiệm cá nhân trong việc truyền đạt đức tin cho các ủy ban.” Ngài khuyến khích các giám mục Đức đưa ra “những nhượng bộ” và đảm bảo Ủy ban Trung ương Giáo dân Đức ZdK “không vượt quá đặc quyền của mình”.
Hồng y nhấn mạnh nguy cơ với ‘Con đường Thượng hội đồng Đức’ là trở thành một ‘Giáo hội Công giáo Cũ 2.0’ – ám chỉ đến phong trào tách khỏi Giáo hội Công giáo sau Công đồng Vatican I vào năm 1870. Vì thế ngài xin các đồng nghiệp từ bỏ dự án của ủy ban thượng hội đồng: “Từ chối nhượng bộ sẽ là cố chấp – một dấu hiệu rõ ràng về một ly giáo mà không ai mong muốn”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
“Tôi rất ấn tượng trước sự kiên nhẫn của Đức Phanxicô”: Phỏng vấn hồng y Christoph Schönborn