Vatican: “Cuộc cách mạng văn hóa” theo Đức Phanxicô

48

Vatican: “Cuộc cách mạng văn hóa” theo Đức Phanxicô

Hồng y Jean-Claude Hollerich, tổng thư ký Thượng Hội đồng (giữa) trong cuộc họp Thượng hội đồng về tương lai Giáo hội, 6 tháng 10-2023

renepoujol.fr, René Poujol, 2024-01-30

Và nếu cuối cùng thần học gia Dòng Tên Christoph Theobald làm chúng ta lạc quan về kết quả của Thượng hội đồng…

 

Với mỗi chúng ta, có những quyển sách mang tính bước ngoặt vì đã đưa chúng ta vào một chiều hướng suy ngẫm khác về những chủ đề quan trọng của chúng ta. Đây là điều vừa xảy ra với tôi với quyển “Một công đồng mới nhưng không nêu tên?” (Un nouveau concile qui ne dit pas son nom?, nxb. Salvator) của thần học gia Dòng Tên người Pháp-Đức Christoph Théobald. Tác phẩm cho chúng ta hiểu rõ cội rễ của tính đồng nghị trong Truyền thống Giáo hội. Cha mô tả và lập luận về sự mở ra được Đức Phanxicô thực hiện từ đoàn thể tính của Công đồng Vatican II sang tính đồng nghị của toàn thể Dân Chúa, phù hợp với tinh thần của Công đồng. Nhưng trên hết, cha thuyết phục chúng ta, đây có thể là bước đưa đạo công giáo vào kỷ nguyên “cứu tinh” mới trong lịch sử của nó. Và sự hiển nhiên này cuối cùng sẽ áp đặt lên mọi cự lại, đặc biệt là trong hàng giáo sĩ.

Thần học gia Dòng Tên Christoph Theobald

Christoph Théobald, một trong những nhà thần học giỏi nhất của chúng ta, đã tham gia với tư cách là một chuyên gia trong Hội nghị đầu tiên được tổ chức tại Rôma tháng 10 năm 2023. Vì thế ngài trải nghiệm điều này từ bên trong, khi quan sát và phân tích các giai đoạn chuẩn bị. Quyển sách của ngài (1) nhắc chúng ta về những cột mốc thiết yếu của Thượng hội đồng về tính đồng nghị: sự triệu tập chính thức của Đức Phanxicô ngày 10 tháng 10 năm 2021, các giai đoạn khác nhau: giáo xứ, giáo phận, quốc gia rồi lục địa từ cuộc tham vấn trước, cho đến khi tổ chức phiên họp đầu tiên. Nó nhấn mạnh những đặc điểm chính, đôi khi hội tụ, đôi khi khác nhau, của các văn bản tổng hợp khác nhau từ các Giáo hội ở mọi quốc gia và châu lục, được công nhận một cách trung thực trong các tài liệu chuẩn bị chính thức. Nhưng trên hết, ngài dùng văn hóa thần học và lịch sử phong phú của ngài để phục vụ việc đưa Thượng hội đồng này vào bối cảnh và quan điểm. Và đó là điểm làm cho thượng hội đồng trở nên cuốn hút.

Thượng hội đồng “mới” như một thực thi của Công đồng

Không phải ngẫu nhiên mà tác giả mở đầu chương đầu tiên khi nhắc lại lời của cố hồng y Martini, tổng giám mục giáo phận Milan, Ý, trong Thượng hội đồng châu Âu năm 1999. Trong sự can thiệp của ngài, ngài gợi lên “những nút thắt kỷ luật và học thuyết ít được nhắc đến vào những ngày này…”, ngài công khai kết luận về sự cần thiết của Giáo hội để nghiên cứu một công đồng mới. Chúng ta biết Vatican II ra đời từ nhận thức của giáo hoàng Gioan XXIII “tốt lành” về sự cần thiết Giáo hội công giáo phải “cập nhật” (aggiornamento) để lấp đầy một chút khoảng trống đã ngày càng mở rộng với thời hiện đại. Tuy nhiên, theo đúng tinh thần ‘cập nhật’ thì sau khi kết thúc Công đồng, công việc cập nhật phải được tiếp tục, không được khép lại. Đó là lý do vì sao Đức Phaolô VI đã thành lập Thượng Hội đồng Giám mục năm 1965. Với những giới hạn như chúng ta biết và được nhấn mạnh trong đề xuất của hồng y Martini về một Công đồng mới, chỉ ba mươi lăm năm sau. Hôm nay, theo báo cáo của linh mục Christophe Théobald, Ủy ban Thần học Quốc tế giải thích sáng kiến của Đức Phanxicô về tính đồng nghị như lời mời vượt qua “ngưỡng cửa của một khởi đầu mới… theo bước chân của Công đồng Vatican II.” (2)

Để trả lời cho một số phản đối được đưa ra đây đó, đặc biệt là trong môi trường giáo sĩ và được một số giáo dân ủng hộ, quyển sách nhấn mạnh đến việc thực hành tính đồng nghị trong Truyền thống. Ngài viết: “Kể từ khi thành lập Giáo hội và các Hội đồng ở Giêrusalem, con đường đồng nghị là con đường duy nhất luôn giúp chúng ta ‘giải quyết các xung đột’ (tr.146). Đúng vậy, chính Hội đồng Giêrusalem, trước sự chứng kiến của hai ‘trụ cột’ mới nổi của Giáo hội là Thánh Phêrô và Phaolô, Hội đồng đã quyết định không áp dụng cắt bì cho những người ngoại giáo mới trở lại. Công vụ Tông đồ viết: “Bấy giờ các Tông Đồ và các kỳ mục, cùng với toàn thể Hội Thánh, quyết định chọn mấy người trong các ông…” (Cv 15, 22) Như thế đã có một “phân định” tập thể… trong Giáo hội! 

Trong đức tin, dân Chúa không thể sai lầm

Linh mục Théobald nhấn mạnh, việc quay trở lại cách thực hành ban đầu này tạo nên sự đổi mới lớn được Đức Phanxicô đưa ra trong hệ thống đã do Đức Phaolô VI thiết lập. Chúng ta đang chuyển từ một công đồng chỉ dành riêng cho các giám mục, nhân danh tính hợp đoàn, sang một công đồng của toàn thể Dân Chúa. Và điều này cả trong giai đoạn tham vấn ban đầu (bản câu hỏi trên toàn thế giới) lẫn trong phân định cuối cùng kể từ khi Thượng hội đồng được mở rộng ra với 70 giáo dân không phải giám mục. Nhà thần học nhận xét “việc này” hoàn toàn phù hợp với các văn bản công đồng nhìn nhận “sự không thể sai lầm trong đức tin” của tất cả giáo dân đã được rửa tội (LG 12). Dù trong Giáo hội, quyết định cuối cùng vẫn mang tính thứ bậc, như trong Hội đồng Giêrusalem.

Tính đồng nghị như một phương thức điều chỉnh của đời sống trong Giáo Hội

Một đặc điểm khác của tiến trình tiến hóa do Đức Phanxicô đưa ra: chuyển từ một thượng hội đồng (dù là giáo phận, quốc gia, lục địa hay hoàn vũ) được xem là một “sự kiện” chỉ diễn ra một lần được thẩm quyền hợp pháp triệu tập, sang đồng nghị tính như một “tiến trình” thảo luận và phân định thông thường trong đời sống Giáo Hội. Điều này đã làm cho hồng y Jean-Claude Hollerich, tổng thư ký Thượng Hội đồng, phát biểu trong buổi hội thảo tháng 11 năm ngoái: “Tính đồng nghị sẽ bắt đầu trong giáo xứ nếu không nó sẽ không tồn tại” (3). Rõ ràng đây là nơi đầu tiên mà giáo dân và giáo sĩ, theo phẩm giá rửa tội bình đẳng, có thể học cách lắng nghe nhau, xem lại những gì họ đã trải qua, quyết định điều gì họ mong muốn cho cộng đồng và phân định giữa họ để thực hành theo các đặc sủng được họ thừa nhận, có thể giúp ích cho họ ở đây.

Hồng y Hollerich: nhân vật chủ chốt trong chiến lược của Đức Phanxicô

Ý chí này bắt đầu từ cuộc sống, có nghĩa từ những thực tại văn hóa khác nhau, ở mọi cấp độ: giáo xứ, giáo phận, giáo hội theo quốc gia hay lục địa… không phải là không có hậu quả, mở ra nhận thức và khả năng đáp ứng khác nhau tùy theo nhu cầu của mỗi người. Điều này rõ ràng làm suy yếu chủ nghĩa tập trung của Rôma. Linh mục Théobald nhận xét: “Điều thách thức ở đây là sự khó khăn khi đi ra khỏi thời kỳ hậu Gregorian (từ thế kỷ 11) và trên hết là tiêu chuẩn ‘thuộc địa’ của Giáo hội la-tinh, và sự chuyển đổi sang sự khác biệt về địa lý và văn hóa của nó.” Trên thực tế, đây là toàn bộ vấn đề của một “thượng hội đồng về tính đồng nghị” mà Đức Phanxicô mong đợi trước tiên, hơn là những câu trả lời cho câu hỏi cụ thể này hay câu hỏi cụ thể khác (độc thân của linh mục, vị trí của phụ nữ trong Giáo hội, v.v.) xác nhận nguyên tắc của quyền tự chủ lớn hơn của các Giáo hội địa phương để đáp ứng tốt hơn các nhu cầu (4). Linh mục Theobald chắc chắn: “Việc đồng nghị hóa Giáo hội là một cuộc cách mạng văn hóa thực sự.”

Một thượng hội đồng không xóa bỏ bất kỳ “câu hỏi khó chịu” nào

Thật khó để trình bày đầy đủ tác phẩm của linh mục Théobald ở đây, ngài không im lặng trước bất kỳ câu hỏi và sự cự lại nào được đưa ra trong quá trình này, bị thúc đẩy do một nỗi sợ chính đáng về việc tạo nguy hiểm cho sự hiệp nhất Giáo hội và thậm chí cho sự toàn vẹn của kho tàng đức tin. Nhưng ngài nhấn mạnh cảm thức sâu sắc về những “rủi ro” này, được thể hiện qua chính các tài liệu chuẩn bị của Thượng hội đồng đã chọn không tránh bất kỳ “câu hỏi khó chịu nào”. Kể cả hậu quả có thể xảy ra của những tiến bộ mục vụ có thể đặt vấn đề về nền tảng học thuyết. Không một chút nghi ngờ, chưa bao giờ bản thân thể chế lại “tự đặt mình vào tình trạng nguy hiểm” một cách công khai đến như vậy, khi đồng ý đặt mọi thứ lên bàn thảo luận. Không phải để làm suy yếu chính mình hay “tiêu diệt Giáo hội” như chúng ta nghe đây đó, nhưng ngược lại, bằng cách đánh cược, được Chúa Thánh Thần soi sáng, “dân Chúa” đoàn kết xung quanh các mục tử Giáo hội có thể sẽ vượt qua được sự chia rẽ trong Giáo hội và tìm ra con đường dẫn đến tương lai. Năm 2015, trong bài phát biểu nhân kỷ niệm 50 năm thành lập thể chế thượng hội đồng, Đức Phanxicô đã nói: “Tính đồng nghị là con đường mà Thiên Chúa mong đợi ở Giáo hội trong thiên niên kỷ thứ ba.”

Hãy huấn luyện mọi nơi trong Giáo hội về “đối thoại trong Chúa Thánh Thần”

Vì vậy, con đường vượt qua những bất đồng có thể xảy ra để có được đồng thuận, dù tạm thời với “con đường dài” của Giáo hội, nằm ở phương pháp làm việc “đối thoại trong Thánh Thần”. Linh mục Théobald nhắc chúng ta, chính điều này chiếm ưu thế ở các giai đoạn khác nhau của diễn tiến đồng nghị. Như chúng ta thấy ở Rôma, một bàn có tám người (có 50 bàn như vậy): một phụ nữ trẻ, một hồng y Giáo triều có thời gian nói chuyện bằng nhau. Mỗi người lần lượt phát biểu, sau đó trong lần họp thứ hai, họ giữ lại những điều tích cực họ đã nghe từ những can thiệp của người khác, trước khi bắt đầu tranh luận nhằm có một quan điểm chung. Tóm lại, một tiến trình hoán cải cá nhân sẽ mở ra nhận thức chung về những cải cách sẽ được thực hiện. Việc kiểm phiếu của Hội đồng tháng 10 cho thấy hầu hết trong số 273 phiếu bầu đã có đa số lớn hơn 95% tổng số người tham gia cộng lại.

Ngoại trừ kinh nghiệm của 370 đại biểu tập trung tại Rôma chung quanh giáo hoàng dù phong phú đến đâu, cũng không thể chuyển đến cho 1,3 tỷ người công giáo trên toàn thế giới ngay lập tức, nếu chính họ không tự mình thực hiện kinh nghiệm về “tính đồng nghị” này. Bằng chứng này làm cho tác giả thú nhận không chắc mấy về kết quả cuối cùng của Thượng hội đồng, do một số người không muốn chấp nhận những kết luận có thể có của nó. Nhưng ngài hoàn toàn xác tín: “Chỉ bằng cách coi trọng sự phản kháng ở nhiều cấp độ khác nhau (…), chúng ta mới có thể hy vọng tiến trình đồng nghị hiện tại sẽ được chuyển thành con đường hòa bình, thậm chí là hòa giải và sáng tạo. sự hiện diện của Giáo hội trong xã hội và trên hành tinh của chúng ta.” Và xa hơn nữa: “Tiến trình đồng nghị hiện tại mang đến cho chúng ta một cơ hội bất ngờ (Kairos) để thoát khỏi sự lặp lại vô ích của những chống đối này.”

Cho một “chủ nghĩa thiên sai kitô giáo” được làm mới?

Nhưng quyển sách của linh mục Theobald mời gọi chúng ta suy ngẫm sâu xa hơn. Theo ngài, có thể có hai cách hiểu về tính đồng nghị trong Giáo hội. “Hoặc nó phù hợp – nói một cách ngắn gọn, như một nhượng bộ – trong cơ cấu phẩm trật của Giáo hội thống trị thiên niên kỷ thứ hai trong lịch sử của nó, hoặc nó trở thành nền tảng của một hình ảnh mới về giáo hội kitô giáo và công giáo được điều chỉnh phù hợp với bối cảnh của chúng ta.” Tuy nhiên, bối cảnh chính xác là bối cảnh được Đức Phanxicô định nghĩa là một “thay đổi mang tính thời đại” mà Vatican II chưa thực hiện đầy đủ biện pháp, ít nhất là trong việc thực hiện nó. Do không thể làm sáng tỏ hoặc vượt ra ngoài sự phân biệt giữa “quyền lực thiêng liêng” và “tình trạng thế tục”, không thể mở ra cho một “chủ nghĩa cứu tinh kitô giáo” có khả năng hoàn toàn khác biệt so với “người khác và tất cả những người khác”, những người có niềm tin khác, cho dù họ là người do thái, người có tôn giáo khác hay người vô thần. Nếu tính đồng nghị là lời mời “cùng nhau bước đi”, thì cuối cùng, đó là lời mời gởi đến mọi người, đến toàn nhân loại dù họ có tín ngưỡng nào, hãy tham gia đối thoại, dành thì giờ gặp gỡ, lắng nghe để phục vụ tất cả mọi người. Dù trên đường đi phải tuyên xưng Đấng ban sự sống cho chúng ta. Vì đây thực sự là ơn gọi tối cao của một Giáo hội mà không ai biết được những khúc quanh của nó…

Từ lo lắng đến hy vọng…

Ở đây tôi xin phép được triển khai hành trình của cá nhân tôi. Với quyển sách này, tôi tìm lại được cảm xúc đã cuốn hút tôi ở tuổi hai mươi, khi đọc những văn bản đầu tiên của Công đồng do nhà xuất bản Centurion xuất bản, cũng như vào mùa hè năm 2013, khi tôi đọc bài phỏng vấn Đức Phanxicô trên tạp chí Dòng Tên (5). Tôi đã có một bài đăng trên blog của tôi với tựa đề: “Giống như lá thư nhận được sau bốn mươi lăm năm,” tôi muốn nói đến việc kết thúc một Công đồng mà cùng với những người khác, tôi cảm thấy mình mồ côi. Bây giờ với quyển sách của linh mục Christoph Théobald, tôi được xác tín lại, triều giáo hoàng Phanxicô thực sự phải được hiểu là vượt quá “bức thư” của Vatican II và được ghi nhận theo con đường trung tín nhất của Chúa Thánh Thần. Linh mục Théobald trích dẫn câu của tu sĩ dòng Biển Đức Ghislain Lafont: “Tôi tin chắc với Vatican II, đây không phải là một cuộc cải cách mới mà là một giai đoạn mới, trong lịch sử Giáo hội đã bắt đầu.”

Độc giả thường xuyên đọc trang blog của tôi đều biết từ đầu tôi gắn kết với tiến trình Thượng hội đồng này của Đức Phanxicô đến như thế nào, với một lo âu thực sự. Vì chưa biết các đề xuất sẽ được đưa ra vào mùa thu tới, vào cuối phiên họp thứ hai của Thượng hội đồng. Vì liên quan đến những kết luận mà Đức Phanxicô sẽ rút ra từ tông huấn của ngài, từ đó trở đi, sẽ có giá trị huấn quyền.

Đức Phanxicô, giáo hoàng đến quá trễ?

Thành thật mà nói, mối quan tâm của tôi chủ yếu liên quan đến cách thức mà Thượng hội đồng này sẽ được “tiếp nhận” theo nghĩa được chấp nhận, được hiểu và được thực hiện một cách trung thực. Nó xuất phát từ sự thiếu nhiệt tình được nhận thấy ở nhiều giám mục của chúng ta và thậm chí còn hơn thế ở một số đáng kể hàng giáo sĩ, thường là giới trẻ, như nhiều nhà quan sát ở Pháp và các nơi khác lưu ý. Điều nghịch lý, được nói bằng những lời mà tôi cho là chủ quan và có lẽ là bất công, đó là cảm nhận hành động tiên tri của một giáo hoàng có thể bị chính các giáo sĩ phanh lại, họ hoài niệm về một tầm nhìn khác về Giáo hội, gần với một chủ nghĩa công giáo dựa trên bản sắc hoặc thậm chí đơn giản như một di sản. Linh cảm này tôi đã có từ lâu. Năm 2018, tôi đã đặt tiêu đề cho một bài viết trên blog này: Liệu giáo hoàng Phanxicô có phải là một Gorbachev của Giáo hội công giáo không? nghĩa là ngài được những người bên ngoài Giáo hội yêu mến nhiều hơn là chính các tín hữu của ngài. Với tôi, câu hỏi vẫn còn được đặt ra vì có rất nhiều người vẫn nằng nằng xem triều Đức Phanxicô chỉ là “một thời điểm xấu sẽ đi qua”. Tôi ít lo sợ về khả năng xoay chuyển con lắc nhờ một công đồng mới nơi mà “đường lối” của ngài hiện nay dường như chiếm đa số, hơn là sự bất tuân nói chung. Tôi xin lỗi những người có thể bị xúc phạm vì câu nói này.

Cảm giác của tôi – nỗi sợ của tôi – đó là một số người thấy mình đang tràn đầy hy vọng vào triều giáo hoàng Jorge Mario Bergoglio đột nhiên thấy mình bị nản chí, họ sẽ ồ ạt đi theo con đường lưu vong có lẽ không còn quay trở lại. Tôi đã ở điểm này chỉ tám ngày trước khi mở quyển sách của linh mục Christoph Theobald. Khi đọc sách, tôi thấy được an ủi, có một xác tín chắc chắn tầm nhìn của Đức Phanxicô thực sự mang tính tiên tri trong việc đưa đạo công giáo vào một kỷ nguyên mới, đến mức cảm giác sợ hãi trong tôi đã biến mất. Vì sự thay thế có thể xảy ra cho cuộc sống lưu vong đã xuất hiện với tôi. Đó là cộng đồng giáo dân thực hiện nền giáo hội học này “như những người trưởng thành”, có hoặc không có các linh mục và giám mục của họ, không đòi hỏi ai bất cứ điều gì, hy vọng vào tất cả! Như Thánh Phaolô viết: “Những sự chia rẽ giữa anh em, thế nào cũng có, nhưng nhờ vậy mới rõ ai là người đạo đức chắc chắn” (1Cr,  11:19).

  1. Christoph Theobald, Một công đồng mới nhưng không nêu tên? (Un nouveau concile qui ne dit pas son nom?, nxb. Salvator)
  2. Ủy ban Thần học Quốc tế, Tính đồng nghị trong đời sống và sứ mệnh của Giáo hội. 1918. số 9. Văn bản có sẵn trên trang web của Vatican.
  3. Hồng y Hollereich, Hội thảo ngày 15 tháng 11 năm 2023 tại Arlon (Bỉ) Cathobel
  4. Làm thế nào để không phóng chiếu mạng lưới đọc này vào tình trạng hỗn loạn hiện có xung quanh những người xin Fiducia supplicans?
  5. Cuộc phỏng vấn trong quyển sách: Giáo Hội mà tôi hy vọng (L’Eglise que j’espère. Nxb. Flammarion)

Marta An Nguyễn dịch

Rời khỏi Giáo hội công giáo hay ở lại với Giáo hội…