Làm thế nào để nói chuyện về các sự kiện thời sự cho con cái?

101

Làm thế nào để nói chuyện về các sự kiện thời sự cho con cái?

Việc bảo vệ trẻ em khỏi những thông tin đôi khi tạo lo lắng và những hình ảnh quá mức có thể rất phức tạp. Sau đây là một số chỉ dẫn để có một đối thoại lành mạnh trong gia đình về mọi loại tin tức.

famillechretienne.fr, Stanislas Guillier và Maylis Guillier, 2024-01-06

Các tin tức loan đi ngày càng nhanh: chúng ta luôn biết về mọi thứ, chỉ một cú nhấp, chúng ta biết tin từ đầu này đến đầu kia thế giới! Là cha mẹ, làm thế nào để chúng ta bảo vệ con cái để con cái không bị tin tức làm chúng lo lắng, choáng ngợp hoặc đơn giản là làm cho các con phải mang một gánh nặng quá sức của chúng trước các tin tức khủng khiếp? Trên thực tế, các em không có quan điểm của người lớn, không có khả năng phân biệt, đánh giá và phân loại thông tin. Và nếu chúng ta bảo vệ con cái khỏi màn hình tai quái ở nhà, để chúng được bình tâm thì đôi khi đi học về, các con xin chúng ta giải thích thêm cho chúng tin tức nghe từ bạn bè: “Mẹ ơi, họ tìm ra bé Émile chưa?” (Một em bé bị mất tích ở Pháp); “Mẹ ơi, Nga hay Ukraine, ai xấu?”; “Mẹ ơi, tấn công tình dục là gì?”

Thật không dễ để trả lời khi phải giải thích các tin tức kinh hoàng không tưởng tượng được đang xảy ra mỗi ngày. Việc của chúng ta là tìm ra những từ ngữ phù hợp để tôn trọng sự thẳng thắn của trẻ em; trẻ em có thể hiểu mọi thứ nếu chúng ta giải thích một cách có tính giáo dục. Chắc chắn là chúng ta không nói dối vì có nguy cơ các em mất tin tưởng vào chúng ta, chúng đi tìm câu trả lời bên ngoài gia đình: nếu các con chờ câu trả lời, chúng ta phải trấn an: “Đúng, một số người làm hại người khác và gây thương tích khủng khiếp cho người khác, đó là sự thật. Chúa an ủi những ai đang đau khổ, còn cha mẹ, cha mẹ sẽ dạy con can đảm để bảo vệ những người yếu đuối nhất và làm mọi cách để không rơi vào hoàn cảnh này hoàn cảnh kia…”

Chúng ta có quyền nói về những gì đang diễn ra

Các phương tiện truyền thông thích loan tin xấu, việc nói về những gì đang diễn ra là tùy thuộc vào chúng ta! “Các con xem tin lắp đặt cây thánh giá trên Nhà thờ Đức Bà Paris, các con đã nghe nói đến hiệp hội chăm sóc người đường phố này chưa?” Cây mọc không gây tiếng động. Chúng ta có thể giáo dục con cái mình về niềm hy vọng bằng cách giúp chúng thấy những điều đẹp đẽ xung quanh chúng ta: đây, một nhà thờ đang được xây dựng, kia, một ngôi nhà chào đón các em nhỏ, hàng ngàn người trẻ đã gặp giáo hoàng ở Đại hội Giới trẻ Thế giới, nhiều lễ rửa tội đã được cử hành vào dịp lễ Phục sinh, một con tàu được chế tạo để làm sạch đại dương, một bộ phim truyền hình nhiều tập nói về Chúa Giêsu đang là phim ăn khách trên thế giới, v.v. Bằng cách tìm kiếm những điều tích cực, chúng ta có thể dễ dàng cùng con cái cám ơn vì thế giới chúng ta cũng đang trải qua những điều tươi đẹp, và điều đó thật hạnh phúc!

Cuối cùng, chúng ta hãy cẩn thận trong lời cầu nguyện chung của gia đình. Nếu chỉ nói những tình huống khó khăn, hoặc những vấn đề không thể giải quyết, bệnh tật trầm trọng hoặc cái chết, thì chắc chắn con cái sẽ cảm thấy rất bất lực hoặc phải đấu tranh để tin vào sức mạnh của lời cầu nguyện nếu những lo lắng này không được giải quyết. Chúng ta nên thực tế, nhưng tôn trọng sự trưởng thành, sự ngây thơ và tìm kiếm bình yên trong tâm hồn con cái. Và, theo Thánh Phaolô: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hoà rộng rãi, Chúa đã gần đến. Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện.” (Pl 4, 4-7)

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch