Hồng y Becciu bị kết án 5 năm tù, bài học từ một phiên tòa ngoại thường
Ngày thứ bảy 16 tháng 12, Tòa án Thành phố Vatican đã kết án hồng y Angelo Becciu năm năm rưỡi tù giam, hồng y là một trong những cộng tác viên thân cận nhất của giáo hoàng trước đây. Một quyết định lịch sử sau một phiên tòa cho thấy có nhiều sai sót trong chính quyền giáo hoàng. Và ngay cả một số bí mật quốc gia cũng bị tiết lộ.
Phiên tòa ngày thứ bảy 16 tháng 12 tại Vatican
la-croix.com, Loup Besmond de Senneville, Rôma, 2023-12-16
Ở lối vào tòa án, mọi người đứng dậy trong một im lặng phăng phắc. Dưới con mắt canh phòng của khoảng mười hiến binh ở lối vào phòng đa năng được trang bị đặc biệt của Bảo tàng Vatican, các luật sư và công tố viên nghe bản án ngày 16 tháng 12 về một quyết định đã được chờ đợi từ hai năm rưỡi nay. Chiều thứ bảy, sau hơn 4 giờ nghị án, tòa đã kết án hồng y Becciu năm năm rưỡi tù giam vì tội lừa đảo và tham ô, cấm suốt đời đảm nhiệm các chức vụ công.
49 cáo buộc, thiệt hại 190 triệu âu kim
Bản án của hồng y kèm theo 8.000 âu kim tiền phạt, 8 bản án khác trong số 10 người ra hầu tòa cũng bị tuyên án. Tổng cộng, 37 năm và một tháng tù cho phiên tòa được một số người ở Vatican cho là “phiên tòa thế kỷ”. Trung tâm vụ án là một bị cáo đặc biệt: hồng y Angelo Becciu, nhân vật số 3 của Vatican từ năm 2011 đến năm 2018, đã bị giáo hoàng tước bỏ đặc quyền hồng y vào tháng 9 năm 2020, trước khi phiên tòa mở ra tháng 7 năm 2021. Trong suốt phiên tòa, hồng y luôn tuyên bố mình vô tội.
Phải nói, quyết định này mang ý nghĩa biểu tượng và chính trị đặc biệt, khép lại một phiên tòa kéo dài hơn hai năm. Tháng này qua tháng khác, các thẩm phán cố gắng gỡ rối các vấn đề của một số vụ án đan xen: trước hết là khoản đầu tư tai hại của Vatican vào tòa nhà ở London – lỗ gần 190 triệu âu kim – cũng như các cáo buộc về tội tham ô, hồng y thư ký dưới quyền bị buộc tội đã ủng hộ gia đình ông, và sứ mệnh được giao cho một người trung gian, cho rằng họ có thể giải thoát một nữ tu người Colombia bị bắt làm con tin ở Mali. Tổng cộng, 49 cáo buộc được trình bày chi tiết vào tháng 7 năm 2021 trong một bản tóm tắt dài gần 500 trang và hàng chục bằng chứng như bản ghi âm điện thoại, hồi ký, hình ảnh video và các cuộc trò chuyện WhatsApp khác.
Thẩm phán Giuseppe Pignatone chống mafia phụ trách xử phiên tòa
Hàng chục phiên điều trần được tổ chức trong căn phòng được thiết kế đặc biệt tại Bảo tàng Vatican, và lần đầu tiên một hồng y xuất hiện trước tòa án dân sự của quốc gia nhỏ nhất trên thế giới. Cả một cuộc cách mạng vì cho đến nay chỉ có giáo hoàng mới phán xét các “ông hoàng của Giáo hội”, tháng 4 năm 2021, Đức Phanxicô ký sắc lệnh xem các hồng y cũng là những người như những người khác. Trong suốt 86 phiên điều trần, cựu thẩm phán chống mafia người Ý Giuseppe Pignatone xử phiên tòa, đặc biệt mỗi phiên điều trần, ông đều từ Palermo về Rôma, luôn có các vệ sĩ vũ trang tháp tùng, ông đã thẩm vấn 14 bị cáo (10 thể nhân và 4 công ty) với tinh thần gan dạ và quyết tâm.
Chủ tịch tòa án Vatican và nhân viên hộ tống của ông
Một phơi bày chưa từng có về những sai sót của Vatican
Kể từ khi phiên tòa mở đầu từ tháng 7 năm 2021, Vatican muốn biến phiên tòa này thành phiên tòa mẫu mực, mở cửa cho các nhà báo đưa tin về từng phiên điều trần trên các phương tiện truyền thông chính thức của Vatican News. Trong nhiều tháng, việc đưa ra các rối loạn chức năng đã cho thấy cách làm việc của một hình thức nghiệp dư, nhẹ dạ, làm cho các thẩm phán phải phán quyết về các vụ tài chính. Một phơi bày tai hại cho hình ảnh của Vatican mà bây giờ nhiều thành viên của Giáo triều phải đánh giá lại: “Tất cả những điều này có thực sự cần thiết không?”
Chắc chắn đây là một hoạt động minh bạch nhưng cũng có nhiều rủi ro. Vì ngoài những vấn đề này, quá trình xét xử lâu dài còn cho thấy những sai sót trong nội bộ của các cơ quan quản lý cấp cao của giáo hoàng, như việc dùng các bên trung gian vô đạo đức, đặc biệt là trong lãnh vực tài chính. Đây là trường hợp của Raffaele Mincione và Enrico Crasso, cả hai đều cung cấp dịch vụ của họ cho Vatican để đầu tư hoặc quản lý các khoản đầu tư, tất cả đều là thảm họa. Tổng cộng, họ bỏ túi 2,5 triệu âu kim.
Về phần Đức ông Alberto Perlasca, người đứng đầu văn phòng có trách nhiệm nghiên cứu các khoản đầu tư đã từng bị công lý Vatican cảnh cáo, xem ông là là nhân chứng quan trọng (và do đó được miễn tội), ông là luật gia, chuyên gia về giáo luật, không có nhiều kiến thức về hoạt động tài chính. Quá nhiều cấp độ chi tiết trong tiến trình vụ án làm tăng sự mờ ám trong hoạt động của giáo triều Rôma.
Thông tin và dịch vụ bí mật
Ở cấp độ quốc tế, bà Cecilia Marogna bị kết án 3 năm 9 tháng tù vì đã biển thủ phần lớn số tiền 575.000 âu kim được giao cho bà để giải thoát một nữ tu người Colombia làm con tin ở Mali. Vì đây là quyết định của một người. Bà Cecilia Marogna trình diện trước tòa trong tư cách là chuyên gia về luật quốc tế, được hồng y Becciu tuyển dụng năm 2016 với tư cách là chuyên gia về địa chính trị và tình báo, một người ít ai biết đến ở Vatican, bà đã chi phần lớn số tiền được Vatican ủy thác để mua sắm những món hàng xa xỉ.
Bí mật quốc gia bị khám phá
Một số người lấy làm tiếc về việc các bí mật quốc gia bị tiết lộ trong các phiên điều trần, như việc hồng y Becciu trả tiền chuộc trong trường hợp một linh mục hoặc tu sĩ bị bắt làm con tin. Một thực tế cho đến lúc đó chỉ được các nhà ngoại giao Tòa Thánh xác nhận một cách nửa vời, trong riêng tư, nhưng chưa bao giờ được xác nhận một cách chính thức. Những hành vi không đúng khác cũng bị đưa ra công khai, như việc bộ Ngoại giao ra lệnh nghe lén một trong những quan chức của Ngân hàng Vatican.
“Như hồng y Silvestrini đã nói, khi tiền xuất hiện, các linh mục tốt thường tốt khi họ tin tưởng những kẻ phạm pháp, còn các linh mục phạm pháp thì luôn tin tưởng những kẻ phạm pháp vì họ cũng giống như những người này,” sử gia Alberto Melloni mỉm cười nhớ lại sự hóm hỉnh của một người đã ở một vị trí cao trong Giáo triều từ năm 1979 đến năm 2000.
Các bị cáo nói đến trách nhiệm của giáo hoàng
Một chuyên gia giỏi về Vatican giải thích: “Ở Quốc gia nhỏ bé này, nơi mọi thứ đều quay trở lại với giáo hoàng, người chịu trách nhiệm về mọi thứ, tòa án Vatican đã làm tất cả để không liên lụy đến giáo hoàng.” Tuy nhiên, trong suốt 600 giờ điều trần, các quan chức của Tòa Thánh không ngừng nhấn mạnh, tất cả các quyết định của họ đều đã được giáo hoàng chấp thuận.
Cũng theo logic này mà trong nhiều trường hợp, hồng y Becciu đã cố gắng đưa Đức Phanxicô trực tiếp vào phiên tòa. Thậm chí còn đi xa đến mức ghi lại một cuộc gọi khi giáo hoàng vừa rời bệnh viện sau ca phẫu thuật đại tràng tháng 7 năm 2021, mà ngài không biết. Hồng y cũng xin giáo hoàng xác nhận ngài đã ủy quyền thanh toán nửa triệu âu kim để giải thoát nữ tu người Colombia. Trong cố gắng thuyết phục giáo hoàng miễn tội, trong một thư trao đổi với giáo hoàng, hồng y viết: “Tôi phải nêu tên ngài ra làm chứng trong phiên tòa, nhưng tôi không dám. Tôi cần ngài tuyên bố hai điều để xác nhận các sự kiện đã diễn ra như thế nào.”
Một yêu cầu được Đức Phanxicô trả lời: “Tôi rất tiếc phải thông báo, tôi không thể đáp ứng yêu cầu của cha.” Đức Phanxicô muốn để tòa án làm công việc của họ cho đến cùng. Cho đến khi tuyên bố một bản án lịch sử. Vài phút sau khi đọc quyết định, rõ ràng là choáng váng, luật sư của hồng y Becciu tuyên bố sẽ kháng cáo. Theo luật Vatican, một kháng cáo sẽ đình chỉ bất cứ hình phạt tù nào.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Phiên tòa xét xử tòa nhà London: gần như tất cả bị cáo đều bị kết tội