Hành hương ngăn ngừa tự tử: “Dù là linh mục cũng không cách nào bảo vệ khỏi nguy cơ này”
Cuộc hành hương quốc gia đầu tiên nhằm ngăn chặn tình trạng tự tử được tổ chức từ ngày 23 đến ngày 27 tháng 8 tại Lộ Đức. Hai giám đốc của chương trình, bà Lalye Lafitte, người sáng lập sự kiện và đang trong tình trạng muốn tự tử, và bác sĩ phó tế Patrick Lepault cùng tháp tùng, họ giải thích vấn đề tự tử trong Giáo hội như thế nào.
la-croix.com, Juliette Vienot de Vaublanc, 2023-08-28
5Thánh lễ buổi sáng trong Cuộc hành hương quốc gia nhằm ngăn chặn tự tử ở Lộ Đức. Ảnh của Lilian Cazabet / La Croix
La Croix: Giáo hội có quan điểm như thế nào về vấn đề tự tử?
Bác sĩ phó tế Patrick Lepault: Giáo hội chỉ chấp nhận chôn cất người tự tử từ năm 1983. Như thế chuyện này chỉ mới gần đây. Ngay cả bây giờ, các câu hỏi vẫn còn. Linh mục có nên nói rõ đây là thánh lễ của người tự tử trong bài giảng không? Thường thì linh mục không nói. Mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn khi người qua đời là người bị bệnh ung thư hoặc bị tai nạn.
Trên thực tế, Giáo hội làm như ngoài xã hội: khi không thoải mái với một chủ đề nào đó, Giáo hội sẽ gạt sang một bên. Ngoại trừ việc các linh mục tiếp tục đồng hành với mọi người, lắng nghe họ. Các linh mục cần được học cách dùng từ ngữ trong trường hợp này và biết cách phản ứng. Nếu họ không được đào tạo, họ sẽ không cảm thấy mình có đủ khả năng và sẽ không dám đặt câu hỏi với người đến nói về ý muốn tự tử của đương sự.
Bà Lalye Lafitte: Vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Tôi biết có một người xin làm lễ ở nhà thờ cho người thân tự tử. Linh mục từ chối làm lễ vì cho rằng người quá cố đã từ chối Chúa trong hành vi cuối cùng của họ. Mặc dù sự thật không hẳn là như vậy. Tôi đã muốn tự tử nhiều lần và mỗi lần tôi đều hướng về Chúa, cầu nguyện và xin Ngài đón nhận tôi vào trong tình yêu của Ngài.
François Huguenin: “Không phải vì một linh mục tự tử mà linh mục đó không còn tin nữa”
Mặc dù năm nay là lần đầu tiên nhưng Cuộc hành hương ngăn chặn tự tử đã có từ 20 năm. Kể từ đó quý vị có cảm thấy có thay đổi nào trong nhận thức về vấn đề tự tử trong Giáo hội không?
Bà Lalye Lafitte: Tôi cảm thấy mình được quan tâm đến hơn, có lẽ vì vụ tự tử của các linh mục đã được loan báo rộng rãi. Tôi ít nghe các phản ứng kiểu “họ yếu đuối, họ không có đức tin, đó là lỗi của họ”. Tất cả những lời chỉ trích nặng nề này đã nhường chỗ cho việc lắng nghe chăm chú hơn. Ngay cả Đức Phanxicô đã mời chúng tôi tham dự một thánh lễ ở Rôma năm 2015. Cuối cùng, chúng tôi nhận ra chúng tôi không biết gì về vấn đề tự tử và có rất nhiều lời xuẩn ngốc đã được nói ra.
Lộ Đức, cuộc hành hương dành cho những người có ý định tự tử
Giáo hội có thể đóng vai trò gì trong việc ngăn ngừa tự tử?
Bác sĩ Patrick Lepault: Giới chăm sóc sức khỏe đang suy sụp và các bệnh viện bắt đầu quan tâm đến việc này. Chẳng hạn, theo chương trình của Bộ, sau khi xuất viện, nhân viên y tế phải thường xuyên gọi những người có ý định tự tử. Các bác sĩ tâm thần sẽ không thể gọi được cho nhiều người. Đây là nơi mà hiệp hội Ánh sáng của Raphael (La Lumière de Raphael, tổ chức hành hương quốc gia ngăn ngừa tự tử) có thể đóng một vai trò nào đó. Chúng tôi không thay thế các bác sĩ tâm thần, nhưng công việc của chúng tôi có thể bổ túc cho họ.
Bà Lalye Lafitte: Khi một người có ý định tự tử đang trong cơn cấp tính, họ cần được ngăn chặn, nhưng chúng ta không thể kiềm chế họ suốt, ngoài khoa tâm thần học, chúng ta cần có những cơ cấu và hỗ trợ khác. Thật hổ thẹn khi các linh mục không được đào tạo về thế nào là tự tử dù họ làm tang lễ cho người tự tử và tháp tùng gia quyến. Linh mục Éric Lestage – người cùng với bà Lalye Lafitte tổ chức cuộc hành hương ngăn ngừa tự tử năm 2003, vừa qua đời tháng 7 vừa qua vì bị bệnh (1) – cha thường nhận điện thoại của các linh mục sau một vụ tự tử. Họ xin ngài lời khuyên về cách tiếp xúc với tang gia.
Bác sĩ Patrick Lepault: Đúng là ở khía cạnh này, có một điều gì đó cần được tìm thấy ở Giáo hội. Cái chết của một người thân vì tự tử tạo một chấn động lớn lao cho gia đình và tạo tổn thương lớn. Nguy cơ tự tử tăng lên với những người còn lại, vì thế tầm quan trọng của việc hỗ trợ là rất lớn.
Các linh mục vẫn còn quá cô lập khi đối diện với sự suy sụp tinh thần
Hơn nữa, các linh mục cũng bị ảnh hưởng với việc tự tử…
Bác sĩ Patrick Lepault: Trong những năm gần đây, nhiều linh mục tự tử. Chức thánh không bảo vệ họ khỏi nguy cơ này. Chính báo cáo Ciase (Ủy ban Độc lập về các vụ Lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp) đã nói lên điều này: quan trọng là phải thiết lập các cơ cấu hỗ trợ cho các linh mục và thảo luận với các giám mục. Khi làm lễ, các linh mục có rất nhiều giáo dân chung quanh, nhưng hai giờ sau, họ ở một mình. Chúng ta phải nhận thức được sự cô đơn và mong manh của họ, vì họ có thể lâm vào tình trạng tự tử hoặc nghiện ngập. Đặc biệt là sau thánh lễ hoặc sau khi giải tội, họ nghe những chuyện rất nặng nề. Trong lãnh vực chăm sóc giảm nhẹ, chúng ta chỉ có thể lắng nghe nếu chính chúng ta được lắng nghe. Nhưng các linh mục có được lắng nghe ở đâu không? Không nhiều, ngay cả ở cấp giáo phận.
(1) Họ muốn chết, họ đã soi sáng cho đời tôi (Ils voulaient mourir, ils ont éclairé ma vie, Éric Lestage, nxb. Salvator).
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch