Hồng y Bustillo và tổng giám mục Parra, những người chủ chốt của Vatican

85

Hồng y Bustillo và tổng giám mục Parra, những người chủ chốt của Vatican

Hồng y dòng Phanxicô François Bustillo (trái) và  tổng giám mục Edgar Pena Parra trong hành lang “loggia thứ nhì” của dinh Vatican. Phía sau là cửa dẫn vào thư viện tông đồ, nơi giáo hoàng tiếp các nguyên thủ quốc gia. © Alvaro Canovas / Paris Match

parismatch.com, Arthur Herlin, 2023-10-07

Họ là những người được Đức Phanxicô yêu thích. Chính ở họ mà sự phát triển của giới luật dựa vào. Một sứ mệnh tế nhị được thể hiện trong quyển sách phỏng vấn.

Không gì có thể làm chúng ta tưởng tượng ba người này sẽ đối thoại với nhau và viết thành một tác phẩm như thế. Trong nhiều tháng, nhà viết tiểu luận Nicolas Diat, hồng y François Bustillo và tổng giám mục Edgar Peña Parra đã trao đổi với nhau để viết “Trái tim không chia cắt”. Nicolas Diat, biên tập viên và nhà tiểu luận người Paris, đam mê linh đạo kitô giáo, đã phỏng vấn hồng y ­François Bustillo, một trong những giám chức cao cấp nổi tiếng nhất của Pháp hiện nay, tổng giám mục Edgar Peña Parra, cộng tác thân tín nhất của Đức Phanxicô. Ông Nicolas Diat còn nhận được lời tựa của giáo hoàng.

Khi những trao đổi này bắt đầu, chưa ai biết giám mục Bustillo và khi quyển sách ra mắt thì giám mục Bustillo mới vừa được Đức Phanxicô phong hồng y. Đáng ngạc nhiên hơn, tổng giám mục Edgar Peña Parra, thư ký dưới quyền Phủ Quốc vụ khanh, nhân vật số 3 của Tòa thánh, chắc chắn là người biết rõ nhất về mọi chuyện diễn ra đằng sau hậu trường của ‘Giáo hội Công giáo’. Không có thông tin bí mật nào thoát khỏi người Venezuela này. Tất cả các sứ thần – sứ quán của giáo hoàng – trên hành tinh này đều phải qua ngài.

Không ai được Đức Phanxicô tiếp kiến riêng mà không qua tổng giám mục Parra và không có thông cáo báo chí chính thức nào rời khỏi văn phòng báo chí Tòa Thánh mà không có sự chấp thuận của ngài. Nói tóm lại, ngài là bậc thầy của tin tức. Chức vụ của ngài, chức vụ dưới quyền là vai trò then chốt của Vatican. Một trong những đặc điểm chính của ngài: không bao giờ nói trước công chúng. Lần đầu tiên, ngài nói trong một tác phẩm viết về một chủ đề quan trọng của Giáo hội, nhưng thật ra chủ đề này còn liên quan đến toàn bộ xã hội chúng ta: đó là sự hiệp nhất. Báo Paris Match đã gặp ba tác giả cho một phỏng vấn chưa từng có.

Trong quyển sách, cuộc phỏng vấn do nhà tiểu luận Nicolas Diat (giữa) thực hiện. Tại đây, trong phòng chờ của dinh, nơi tổng giám mục Parra (phải) tiếp các đại sứ. Paris Match / © Alvaro Canovas

Sự ra đời của quyển sách

Ý tưởng của quyển sách này nảy sinh như thế nào và tại sao cha lại đồng ý thực hiện? 

Tổng giám mục Edgar Peña Parra. Từ bốn năm nay, tôi làm việc ở Phủ Quốc vụ khanh nhưng chưa bao giờ tôi trả lời phỏng vấn. Một số khuyến khích tôi lên tiếng trên các phương tiện truyền thông, nhằm chấm dứt danh tiếng mà thư ký dưới quyền có thể có, cụ thể là người bí ẩn không bao giờ rời khỏi Vatican, mưu sĩ giật dây quyền lực trong bóng tối. Nhưng tôi không muốn thể hiện bản thân chỉ để thỏa mãn tò mò, tôi muốn làm cho chức vụ của người thay thế được biết đến nhiều hơn. Cuối cùng chỉ sau một thời gian cầu nguyện và suy ngẫm, tôi quyết định hợp tác với ông Nicolas Diat trong quyển sách ông đề nghị với tôi.

Hồng y Francois Bustillo. Ý tưởng làm việc trên chủ đề hợp nhất đã thuyết phục tôi ngay từ đầu. Tôi thấy có rất nhiều khác biệt trong xã hội Pháp, điều này đôi khi có thể dẫn đến chia rẽ. Chính trị rất chia rẽ, ở khắp mọi nơi chúng ta đều thấy các hình thức cạnh tranh. Nguy cơ là Giáo hội sẽ bị thế tục hóa theo phong cách của xã hội, và đến lượt mình, người công giáo chia rẽ và trở nên mong manh. Do đó, tôi thấy hai giám mục, dù khác nhau, nhưng có chung mục tiêu.

Nicolas Diat. Tại Rôma, chúng tôi gặp các giám mục, linh mục và tu sĩ từ khắp nơi trên thế giới với những kinh nghiệm rất khác nhau. Sự phong phú này là duy nhất. Chúng ta có thể hiểu Giáo hội trong tính phổ quát của nó. Đây là điểm đầu tiên đã hình thành nên quyển sách này: thể hiện rõ nhất sự đa dạng độc đáo này. Thách thức là làm sao tìm ra hai người của Chúa có sức sống này. Trước hết tôi đến với tổng giám mục dưới quyền, xuất thân từ trường ngoại giao, cựu sứ thần ở Pakistan, ở Mozambique và đang giữ chức vụ chủ chốt này trong giáo triều Rôma. Sau đó tôi nghĩ đến một giám mục của một giáo phận nhỏ và xinh đẹp, có một lịch sử hấp dẫn như đảo Corse. Tôi nghĩ qua đó độc giả sẽ có thể hiểu rõ hơn tính đa âm của Giáo hội và cuối cùng là sự thống nhất của Giáo hội; bởi vì chỉ có một trái tim, trái tim đang đập của các giám mục cùng một hướng nhìn về Chúa.

Tổng giám mục Parra. Chúng tôi hành trình hướng tới Chúa Giêsu Kitô: Ngài là mục tiêu và cùng đích của chúng tôi. Chúng tôi không đi một mình, nhưng cùng với dân Chúa. Tình yêu Chúa và người anh em, đó là điều đặt chúng tôi trên con đường phục vụ Giáo hội, và cũng là điều đưa chúng tôi đến gặp thế giới chứ không chỉ những người công giáo. Chúng tôi tìm kiếm sự hiệp nhất với các anh chị em kitô hữu của chúng tôi, cũng như với những người thuộc các tôn giáo khác và cuối cùng là với những người không có đức tin.

Sự đoàn kết thể hiện trong cuộc sống của cha dưới hình thức nào? 

Hồng y Bustillo. Nếu chúng ta không hiệp nhất với chính chúng ta về mặt thiêng liêng, chúng ta không thể rao giảng sự hiệp nhất. Nếu chúng ta không thể hiện lý tưởng này thì những gì chúng ta rao giảng chỉ có thể là một hệ tư tưởng. Chúng ta đang trải qua một cuộc khủng hoảng trong Giáo hội, mà với một số người thì Giáo hội dường như đang bị đắm chìm. Chúng ta đang chứng kiến sự sụt giảm ơn gọi, đặc biệt là ở Pháp, nơi tình trạng này trở nên khó khăn. Sự cám dỗ là chỉ nhìn thấy mặt tối và rơi vào tâm trạng buồn bã và tin vào định mệnh. Mọi người đều có quyền theo đuổi con đường riêng của mình, dù là đặc sủng, hiện đại hay truyền thống, nhưng tránh rơi vào hệ tư tưởng. Vì mọi người đều muốn cứu Giáo hội, nhưng trên thực tế, chính Giáo hội cứu chúng ta.

Tổng giám mục Parra. Với tư cách là nhà ngoại giao của Tòa thánh, sự hiệp nhất của Giáo hội là một phần không thể thiếu trong bản sắc của tôi. Vì chúng tôi phục vụ Giáo hội trên khắp thế giới. Chắc chắn, Giáo hội được lan rộng ở tất cả các quốc gia giàu văn hóa và có lịch sử khác nhau, nhưng tất cả chúng ta đều được liên kết bởi tình yêu của “ba người trong trắng” như Thánh Gioan Bosco đã gọi: bí tích Thánh Thể, Đức Trinh Nữ Maria và Giáo hoàng. Đoàn kết là một thử thách tuyệt vời.

Chúng tôi điều phối việc tổ chức các chuyến tông du, như chuyến đi Marseille của Đức Phanxicô vừa qua.

Làm thế nào để hiểu công việc của giáo triều Rôma. Đầu tiên hết Giáo triều làm gì?

Tổng giám mục Parra. Chúng ta thường đồng hóa giáo triều là nơi quyền lực. Nhưng cuối cùng lý do tồn tại của giáo triều là phục vụ: chúng tôi ở đó, luôn sẵn sàng. Giáo triều chỉ là sự thể hiện tình phụ tử của giáo hoàng với toàn thể Giáo hội. Nếu, vào lúc nửa đêm, ở một nơi nào đó trên thế giới, các tín hữu kitô, một giám mục hoặc một cơ quan có thẩm quyền có nhu cầu, thì nhiệm vụ của chúng tôi là đứng vững, sẵn sàng phục vụ và sẵn sàng giúp đỡ. Chiều kích này được thể hiện rõ ràng trong Kinh Thánh: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9:35). Giáo hoàng nhấn mạnh rất nhiều về điểm này. 

Cụ thể vai trò của thư ký dưới quyền là gì? 

Tổng giám mục Parra. Tôi phụ trách Phân bộ hành chánh, trách nhiệm liên quan đến công việc hàng ngày của giáo hoàng, giải quyết mọi vấn đề liên quan đến đại diện của các quốc gia tại Tòa thánh. Đây là nhiệm vụ rất tế nhị, chẳng hạn chúng tôi điều phối việc tổ chức các chuyến tông du, như chuyến đi Marseille vừa qua của giáo hoàng. Chúng tôi kiểm lại các bài diễn văn và các tuyên bố của giáo hoàng, để tất cả mọi người đều có thể hiểu được thông điệp của ngài… Danh sách công việc sẽ rất dài.

Chính Đức Phanxicô đã phong tôi làm giám mục và hồng y – hồng y François Bustillo 

Kỷ niệm đẹp nhất của cha với một giáo hoàng là kỷ niệm nào? 

Tổng giám mục Parra. Đó là năm 2011 khi Đức Bênêđictô XVI phong tôi làm tổng giám mục, trước khi gởi tôi đi làm sứ thần ở Pakistan, ngài dặn tôi luôn ghi nhớ trong đầu, Giáo hội là tận tâm truyền giáo, thể hiện đặc biệt qua lòng bác ái, quan tâm đến giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Ngài nói với tôi: “Con hãy mang những thứ này theo con.” Gần đây hơn, tôi nhớ lại cuộc gặp lần cuối của tôi với giáo hoàng danh dự Bênêđictô XVI, ngày 22 tháng 12 năm 2023 (chín ngày trước khi ngài qua đời), tôi đến chào ngài, ngài cho tôi cây thánh giá đeo trước ngực và nói với tôi, ngài cầu nguyện cho tôi mỗi ngày: “Cha biết rất rõ, công việc của con khó khăn như thế nào.” Còn với Đức Phanxicô, hơn tất cả, ngài là một phần cuộc sống của tôi, cũng như tôi là một phần cuộc sống của ngài.

Hồng y Bustillo. Chính Đức Phanxicô đã phong tôi làm giám mục và hồng y và tôi đã nói chuyện riêng với ngài. Ngay lập tức, tôi cảm nhận được tầm vóc của ngài, ngài là mục tử và là người tự do.

Nicolas Diat. Cuộc gặp đầu tiên của tôi với Đức Bênêđíctô XVI là vào tháng 1 năm 2013, một tháng trước khi ngài từ nhiệm. Ngài đã quyết định rời bỏ ngai Thánh Phêrô. Nhưng chúng tôi không biết gì. Ngài đã rất mệt. Tôi có cảm giác như ngọn nến nhỏ sắp tắt. Tôi đã gặp một giáo hoàng ở đỉnh cao trí tuệ, năng lực và kinh nghiệm. Đầu óc ngài sáng suốt nhưng cơ thể ngài không còn sức nữa. Một tháng sau ngài từ nhiệm. tôi không thể quên cuộc gặp này. Kinh ngạc. Đảo lộn.

Chúng ta có thể học được bài học gì từ chuyến đi của Đức Phanxicô đến Marseille?

Hồng y Bustillo. Mọi người đều có thể nhìn thấy bầu khí vui vẻ. Chứng tỏ đây là sự chờ đợi sau khi Giáo hội Pháp trải qua những thời kỳ khó khăn. Tôi cảm thấy một dân tộc nhiệt tình muốn làm chứng sự hiệp thông của mình trong niềm vui. Khi Đức Phanxicô vào sân vận động Vélodrome, tôi có cảm tưởng như một đại gia đình cùng nhau chào đón người cha, chứ không phải chào một ngôi sao. Chắc chắn Giáo hội không còn những dấu hiệu quyền lực nữa, nhưng Giáo hội có sức mạnh của những dấu hiệu, và ở đây Giáo hội đã gởi đến một dấu hiệu mạnh mẽ. Đó là hơi thở hy vọng cho người công giáo Pháp.

Tổng giám mục Parra. Tôi đã có thể cảm nhận được Giáo hội Pháp sống động và năng động như thế nào, có lẽ còn hơn cả một số người hình dung. Đặc biệt khi giáo hoàng đến gặp các giám mục Địa Trung Hải và chính phủ Pháp để đề cập đến chủ đề người di cư và người tị nạn, một chủ đề khó khăn và đau đớn. Dù ở thánh lễ hay ở Dinh Pharo trước sự chứng kiến của Tổng thống nước Cộng hòa, tôi cũng chạm được niềm vui của người Pháp! Tôi về Vatican với kinh nghiệm thiêng liêng và nhân bản phong phú này.

Nicolas Diat. Trong bài giảng tại sân vận động, tôi rất thích khi Đức Phanxicô đọc lời cầu nguyện tôn kính Đức Maria, “Đức Trinh Nữ vào buổi trưa” của Paul Claudel. Chúng ta nghe một người đến từ Châu Mỹ Latinh, con trai của một người nhập cư Piedmontese, rồi là giáo hoàng, đang đọc một bài thơ của một nhà văn vĩ đại Pháp. Thật là cả một phong phú ngoạn mục!

Trái tim không chia cắt”, François Bustillo, Edgar Peña Parra và Nicolas Diat, nxb. Fayard.

Marta An Nguyễn dịch