Vatican: thay đổi hướng cho những người bảo vệ học thuyết
Bằng cách bổ nhiệm người đứng đầu mới của bộ Giáo lý Đức tin rất gần với đường lối của ngài, Đức Phanxicô mang lại một bước ngoặt quan trọng trong cách tiếp cận thần học của Vatican.
lavie.fr, Marie-Lucile Kubacki, Rôma, 2023-07-06
Tổng giám mục Victor Manuel Fernandez, tại Rôma, ngày 5 tháng 10 năm 2015 trong lần họp Thượng hội đồng về gia đình. MASSIMILIANO MIGLIORATO / CPP
Từ lâu, tên tuổi của ngài đã làm rung chuyển hàng ngũ các nhà thần học. Bộ Giáo lý Đức tin kéo theo một lịch sử không tốt, nhiều tranh cãi và hoang tưởng, và đúng vậy. Được giáo hoàng Phaolô III thành lập năm 1542, khi đó được gọi là Tòa Thẩm tra Rôma và hoàn vũ, một tòa án có sáu hồng y trách nhiệm phán quyết về các trường hợp dị giáo và ly giáo. Chẳng hạn, chính Tòa này đã phán xét nhà thiên văn học Galilê vì Galilê cho rằng Trái đất không phải là trung tâm Vũ trụ, Tòa cũng đã đưa triết gia Dòng Đa Minh Dominica Giordano Bruno lên dàn thiêu. Qua nhiều thế kỷ, cấu trúc này tiếp tục phát triển, và năm 1965, trước khi Công đồng Vatican II bế mạc, Đức Phaolô VI đã khuyến khích cái mà ngày nay được gọi là bộ Giáo lý Đức tin “sửa sai nhiều hơn là lên án”. Tuy nhiên, cho đến gần đây, các thần học gia vẫn bị đổ lỗi hoặc bị xin rút lại tác phẩm, để tác phẩm của họ không lạc ra khỏi đường lối của Giáo hội công giáo.
Lòng thương xót trên tất cả
Vì thế việc Đức Phanxicô bổ nhiệm tổng giám mục Víctor Fernández làm tân bộ trưởng bộ Giáo lý Đức tin ngày 1 tháng 7 đã đánh dấu một bước ngoặt. Một bước ngoặt ngài nhận trách nhiệm, qua một phán quyết đặc biệt khắc nghiệt về quá khứ, như trong thư ngài viết cho tân bộ trưởng được Vatican công bố, “bộ mà anh sẽ chủ trì, trong những thời điểm khác đã dùng các phương pháp vô đạo đức. Đó là những thời điểm mà thay vì thúc đẩy kiến thức thần học, thì bộ lại không ngừng tập trung vào những sai lầm có thể có về mặt giáo lý. Những gì tôi mong đợi ở anh chắc chắn là rất khác.” Đã qua thời của những người bảo vệ giáo lý cho Đức Phanxicô, bây giờ là nghiên cứu thần học, thời của rất nhiều cách diễn tả nhân danh loan báo Tin Mừng trong thế giới đương đại!
Như vậy tất cả đều được phép ư? Không hẳn. Đức Phanxicô cho rằng một thần học tốt “có khả năng trình bày một cách thuyết phục về một Thiên Chúa yêu thương, tha thứ, cứu độ, giải thoát, thăng tiến con người và kêu gọi con người phục vụ cho tình huynh đệ”. Ngài thấy cần phải nói rõ với tân tổng trưởng, “công việc của anh là diễn tả, Giáo hội khuyến khích đặc sủng của các thần học gia, các cố gắng nghiên cứu thần học của họ, với điều kiện họ không hài lòng với loại thần học văn phòng, loại thần học lạnh lùng và cứng rắn tìm cách thống trị mọi thứ”. Ngài quy định, tiêu chuẩn của lòng thương xót phải đặt lên hàng đầu. Ngài viết, sẽ không thỏa đáng nếu cuối cùng, “bất kỳ quan niệm thần học nào về sự toàn năng của Thiên Chúa và trên hết là lòng thương xót của Ngài bị đặt vấn đề”. Phần trích dẫn cuối cùng này được lấy từ tài liệu do Ủy ban Thần học Quốc tế xuất bản về “Niềm hy vọng cứu độ cho những trẻ em chết khi chưa được rửa tội” được Đức Bênêđictô XVI phê chuẩn năm 2007. Các tài liệu tham khảo không phải là không quan trọng. Thật vậy, trong bức thư mang tính cách sứ mệnh gởi cho tân bộ trưởng, đó là tài liệu tham khảo duy nhất mà Đức Phanxicô đưa một văn bản không có chữ ký của chính ngài.
Liên tục và cắt đứt
Đây có phải là cách để làm tan đi nghi ngờ chỉ trích người tiền nhiệm của ngài không? Vì chính Đức Bênêđictô XVI cũng là bộ trưởng bộ Giáo lý Đức tin trước khi ngài làm giáo hoàng, và đặc biệt ngài được biết đến vì bắt buộc phải làm nhiệm vụ với các các nhà thần học đã đi con đường lệch như Charles Curran người Mỹ, người chỉ trích gay gắt Thông điệp Sự sống Con người, Humanæ vitæ, bị trục xuất khỏi Đại học công giáo Washington năm 1986 sau khi phát triển một cách tiếp cận khá tự do với các câu hỏi về đạo đức tình dục; Leonardo Boff người Brazil, nhà thần học giải phóng, được triệu về Rôma năm 1984 và bị xin “im lặng và tuân phục”; nhà phân tâm học người Đức Eugen Drewermann, bị cấm thi hành sứ vụ trong một thời gian ngắn, sau khi xuất bản một tác phẩm cay độc về phức cảm Ơ-đíp, thúc đẩy các thanh niên trẻ dễ bị tổn thương về mặt tâm lý vào chức tư tế. Tuy nhiên, cũng chính Đức Ratzinger mà chúng ta mắc nợ việc ngài bỏ thuyết lâm-bô, cho rằng những em bé chết mà chưa được rửa tội, còn mang dấu ấn của tội nguyên tổ nhưng chưa sống đủ lâu để là kẻ có tội nặng, sẽ đến một nơi mù mờ không phải là địa ngục, không phải là luyện ngục, cũng không phải là thiên đàng, một cách giải thích làm cha mẹ các em bé tuyệt vọng. Còn về phần Đức Phanxicô, ngài ghi cải cách của ngài vào tài liệu tham khảo chính xác này, được xem như một cách đưa ra yếu tố liên tục, nhưng cũng là cả một thay đổi hướng đi rất quan trọng.
Điểm đáng kể trong việc thay đổi này, đó là Đức Phanxicô chọn một trong những người bạn thân người Argentina của ngài, thần học gia 61 tuổi Victor Manuel Fernández, tổng giám mục giáo phận La Plata. Tình bạn của hai người bắt đầu từ mười lăm năm trước. Năm 2007, giám mục Fernández là giáo sư tại Đại học công giáo Buenos Aires, đã tham gia hội nghị nổi tiếng của các giám mục Mỹ Latinh ở Aparecida, Brazil, ngài là thành viên của nhóm soạn thảo tài liệu cuối cùng, do hồng y Jorge Mario Bergoglio chịu trách nhiệm. Một văn bản nền tảng, trong đó người ta đã thấy những dòng chính triều giáo hoàng của ngài. Được xem là “thần học gia của giáo hoàng”, cộng tác viên chính trong các bản văn quan trọng như tông huấn Niềm vui Tin mừng Evangelii Gaudium (2013) hay tông huấn Niềm vui Tình yêu, Amoris Laetitia (2016), Fernández cũng là tác giả của một cuốn sách về… nụ hôn Chữa lành vết thương cho tôi bằng miệng của bạn. Nghệ thuật hôn, (Guéris-moi avec ta bouche. L’art d’embrasser 1995, bằng tiếng Tây Ban Nha). Một văn bản mà tác giả đảm bảo không dựa trên kinh nghiệm cá nhân, nhưng dựa trên các lời chứng.
Củng cố các thay đổi
Nếu tổng giám mục Fernández và Đức Phanxicô thân thiết nhau như vậy, thì cũng do hai người chia sẻ một ngờ vực nào đó với Giáo triều. Năm 2015, tổng giám mục Fernández nói với nhật báo ý Corriere della Sera: “Giáo triều Vatican không phải là một cấu trúc thiết yếu. Rất có thể giáo hoàng có thể sống bên ngoài Rôma, có một Bộ ở Rôma và một Bộ khác ở Bogotá, và có thể kết nối bằng hội thảo từ xa với các chuyên gia phụng vụ cư trú ở Đức. Xung quanh giáo hoàng, những gì tồn tại, theo nghĩa thần học, là giám mục đoàn phục vụ “dân chúng”. Một nghịch lý tuyệt đối, với người trở thành gương mặt đại diện cho một trong những nơi tiêu biểu nhất của thể chế.
Một người đến từ miền Nam, như Đức Phanxicô, ngài có thì giờ để quan sát hoạt động của Vatican từ xa, từ Argentina, Và để phát triển một tầm nhìn quan trọng về trung tâm quyền lực trong Giáo hội công giáo, mà cả hai đều coi là quá “lấy châu Âu làm trung tâm”. Trong một phỏng vấn khác đăng trên tạp chí Credere năm 2020, tổng giám mục Fernández kể ngài đã phải đợi gần một năm rưỡi để Rôma phê chuẩn việc bổ nhiệm ngài làm viện trưởng Đại học Giáo hoàng Buenos Aires, vì có những lời phàn nàn về “cái gọi là sai lầm về giáo lý” họ đã nhận. Vào thời điểm đó, Đức Bergoglio, tổng giám mục Buenos Aires, đã nói với Fernández: “Hãy ngẩng cao đầu và đừng để họ lấy đi phẩm giá của anh.” Một số chuyện không thể quên… Bằng cách bổ nhiệm tổng giám mục Victor Manuel Fernández, Đức Phanxicô, người gần đây sức khỏe đã suy yếu, dường như muốn củng cố các trực giác của ngài bằng cách tạo cho các trực giác này một nền tảng thần học. Và chắc chắn sẽ không có chuyện đi lui.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Tổng giám mục Fernández: Chính một Người đã cứu chúng ta, không phải một học thuyết