Theo Đức Phanxicô, người nghệ sĩ có tâm hồn của một em bé, của người lính canh

35

Theo Đức Phanxicô, người nghệ sĩ có tâm hồn của một em bé, của người lính canh

vaticannews.va. 2023-06-23

Buổi tiếp kiến của Đức Phanxicô với gần 200 nghệ sĩ từ khắp nơi trên thế giới tại Nhà nguyện Sixtine ngày thứ sáu 23 tháng Sáu. (VATICAN MEDIA Divisione Foto)

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm khánh thành bộ sưu tập nghệ thuật hiện đại của Viện bảo tàng Vatican, ngày thứ sáu, dưới các bức bích họa nổi tiếng của danh họa Michelangelo, Đức Phanxicô đã tiếp gần 200 nghệ sĩ từ khắp nơi trên thế giới. Ngài nhắc lại sợi dây thân tình giữa Giáo hội và nghệ thuật cũng như lợi ích của các nghệ sĩ với nhân loại.

Đạo diễn người Ý Marco Bellocchio, kiến trúc sư người Pháp Jean Nouvel, các tác giả Eric-Emmanuel Schmitt, Amélie Nothomb và Roberto Saviano… Trước cử tọa là những nhân vật này, Đức Phanxicô đưa ra suy tư của ngài về tầm nhìn nghệ thuật và về vai trò của người nghệ sĩ.

Trước hết ngài nói đến mối quan hệ “tự nhiên và đặc biệt” đã có từ rất lâu giữa Giáo hội và các nghệ sĩ: “Nghệ sĩ nhắc chúng ta chiều kích trong đó chúng ta tiến hóa, dù chúng ta không ý thức, đó là chiều kích Thần Khí.” Nghệ thuật và Giáo hội cùng đi với nhau trong suốt chiều dài lịch sử, và “thuộc về di sản của tất cả mọi người, những người tin cũng như không tin”.

Bộ sưu tập nghệ thuật hiện đại của Viện bảo tàng Vatican đã được Đức Phaolô VI khánh thành ngày 23 tháng 6 năm 1973, gồm các tác phẩm điêu khắc, tranh vẽ và bản khắc do các nghệ sĩ và nhà sưu tập từ khắp nơi trên thế giới quyên góp theo thời gian.

Cuộc gặp các nghệ sĩ hôm nay tại Nhà nguyện Sixtine là cuộc gặp mang dấu ấn lịch sử. Chính tại đây năm 1964 Đức Phaolô VI đã mời giới nghệ thuật thể hiện dự án cho bộ sưu tập nghệ thuật hiện đại của Viện bảo tàng Vatican.

Đức Phanxicô tuyên bố: “Tâm trạng của người nghệ sĩ khi họ sáng tác là tâm trạng của một em bé, của một tín hữu,” ngài mượn lời của linh mục triết gia, thần học gia ý thế kỷ 20, Romao Guardini. Ngài triển khai: “Như người nghệ sĩ, từ đó chúng ta có được tính tự phát của một em bé tưởng tượng và sự nhạy bén của người có tầm nhìn nắm bắt thực tế.”

Tâm hồn trẻ thơ của người nghệ sĩ

Nghệ sĩ là một đứa trẻ, “có nghĩa trước hết họ phát triển trong không gian của phát minh, của điều mới mẻ, của sáng tạo, của việc đưa vào thế giới những gì chưa từng thấy trước đây,” ngài bác  bỏ quan điểm cho rằng con người là “sinh vật phải chết”. Ngài nói: “Các nghệ sĩ luôn đặt mình trong tác phẩm, giống như chúng ta, những sinh vật không ai có thể thay thế được, nhưng trong ý định sáng tạo ra nhiều hơn nữa. Khi tài năng hỗ trợ người nghệ sĩ, họ làm nổi bật điều chưa từng có, làm phong phú thế giới bằng một thực tế mới.”

Trong Nhà nguyện Sixtine ngày thứ sáu 23 tháng 6 năm 2023.

Hiện nay bộ sưu tập nghệ thuật hiện đại của Viện bảo tàng Vatican có gần 8.000 tác phẩm, dọc theo hành lang bắt đầu từ căn hộ của Borgias đến Nhà nguyện Sixtine. Trong số các tác phẩm có tranh của các danh họa Bacon, Matisse, Chagall và Van Gogh.

Mơ về những mô hình mới cho thế giới

Trong bài phát biểu, Đức Phanxicô nhấn mạnh đến chiều kích giấc mơ mà các nghệ sĩ đắm chìm trong đó, họ có khả năng mơ về những mô hình mới cho thế giới, để giới thiệu một điều gì đó mới mẻ cho lịch sử, nhờ tầm nhìn của họ thoát khỏi quyền lực của vẻ đẹp giả tạo và bề ngoài rất phổ biến hiện nay và thường đồng tình theo các cơ chế kinh tế tạo ra sự bất bình đẳng.

Ngài nói tiếp: “Nghệ thuật muốn chúng ta suy nghĩ, như các nhà tiên tri trong Kinh thánh, người nghệ sĩ làm chúng ta phải đối diện  với những gì đôi khi làm chúng ta băn khoăn, chỉ trích những huyền thoại sai lầm, những thần tượng mới, những bài phát biểu tầm thường, những cạm bẫy của chế độ khuyến khích tiêu dùng, những mánh khóe của quyền lực.”

Có mặt ở Nhà nguyện Sixtine hôm nay còn có nhà văn Pháp Valérie Perrin, đạo diễn người Ý gốc Thổ Nhĩ Kỳ Ferzan Öztepek, người mà Đức Phanxicô nhắc nhở vai trò người lính canh của nghệ sĩ: “Nghệ thuật không bao giờ là thuốc mê; nghệ thuật mang lại hòa bình và không làm lương tâm ngủ mê”. 

Vẻ đẹp và sự hài hòa

Đức Phanxicô cũng nhắc đến triết gia và nhà nhân văn Pháp Simone Weil, “cái đẹp quyến rũ thể xác để từ đó cái đẹp đi vào tâm hồn”, minh họa khả năng chạm đến các giác quan để làm sinh động tinh thần nghệ thuật, ngài nói: “Cái đẹp làm cho chúng ta cảm thấy cuộc sống hướng về viên mãn. Khi đó, trong cái đẹp đích thực, chúng ta bắt đầu cảm nhận được mong muốn của Chúa.”

Trong Nhà nguyện Sixtine ngày thứ sáu 23 tháng 6 năm 2023.

Trong bài phát biểu lưu loát, Đức Phanxicô nhắc đến các phép lạ của sự hài hòa: “Sự hài hòa khi chúng ta có những thành phần khác   nhau nhưng tạo thành một khối thống nhất. Đó là điều khó khăn mà chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể làm được: để những khác biệt không trở thành xung đột, nhưng được hợp nhất”.

Vì thế sự hài hòa tạo ra những điều kỳ diệu, như trong ngày lễ Hiện Xuống, một thông điệp đến đúng lúc khi Giáo hội có nguy cơ chia rẽ.

“Người nghèo cũng cần nghệ thuật”

Kết thúc bài phát biểu, Đức Phanxicô nhắc lại một điểm rất thiết thân với ngài: “Người nghèo cũng cần nghệ thuật và cái đẹp. Một số người nghèo đã phải chịu những hình thức thiếu thốn khắc nghiệt nhất ccủa cuộc sống; đó là lý do vì sao họ cần đến nghệ thuật nhất”. Vì người nghèo không có tiếng nói nên nghệ sĩ có thể là người nói lên “tiếng kêu thầm” của họ.

Marta An Nguyễn dịch

 

 

Các nhà báo Vatican ngồi dọc hành lang Vatican để đưa tin về sự kiện đặc biệt hôm nay