Đức Phanxicô và Blaise Pascal, hai anh em xuyên thế kỷ

172

Đức Phanxicô và Blaise Pascal, hai anh em xuyên thế kỷ

Đức Phanxicô vừa công bố tông thư Vĩ đại và khốn cùng của con người về Blaise Pascal (Grandeur et misère de l’homme, nxb. Cerf). Điều gì đã mang triết gia người Pháp và giám mục giáo phận Rôma lại với nhau? Giải thích của chúng tôi.

lepelerin.com, Marie-Yvonne Buss, 2023-06-20

Nhân dịp kỷ niệm 400 năm ngày sinh của tư tưởng gia người Pháp, Đức Phanxicô đã công bố tông thư “Vĩ đại và khốn cùng của con người” (Sublimitas et miseria hominis).

Tông thư nhân dịp 400 năm ngày sinh của triết gia Blaise Pascal

Khi một giáo hoàng Dòng Tên quan tâm đến vận động viên của tư tưởng là triết gia Pascal thì không có gì đáng ngạc nhiên. Dù sao các đệ tử của Thánh I-Nhã rất rành về các vấn đề tâm linh hướng nội và ngòi bút sắc bén của triết gia vĩ đại – người từng là đối thủ của các tu sĩ Dòng Tên, với Các Thư vẫn còn nổi tiếng (Les Provinciales, 1657), dễ tự nhiên gặp nhau trong các tranh luận về các ý tưởng. Nhưng từ đó để công bố một thông điệp tông đồ cho 1,3 tỷ người công giáo là điều đáng ngạc nhiên hơn, thêm nữa văn xuôi của Pascal, sống động nhưng đòi hỏi nghiêm ngặt vẫn là một hình ảnh khắc khổ của thế kỷ 17, khi chủ nghĩa Giăngxen được phát triển. Chắc chắn với Đức Bênêđictô XVI chúng ta có thể tưởng tượng dễ hơn, vì ngài vốn rất quan tâm trong việc thúc đẩy mối quan hệ giữa khoa học và đức tin sao cho có hiệu quả, ngài có thể đối đầu với tác phẩm nhiều mặt của thiên tài này, Pascal đã viết về nhiều thể loại, toán học, vật lý, hình học hoặc thần học với một niềm say mê như nhau.

Như thế vì sao Đức Phanxicô lại muốn giới thiệu cho thế giới đọc một triết gia với những câu nói nổi tiếng ‘con người là cây sậy biết suy nghĩ’ và chắc chắn là ít người đọc? 400 năm ngày sinh của ông, ngày 19 tháng 6 năm 1623, chỉ là lý do khá mong manh. Đức Phanxicô viết, nơi Pascal, trước hết chính là “thái độ tận căn’ của ông đã cuốn hút ngài, “sự cởi mở đáng kinh ngạc với thực tại. Sự cởi mở với các chiều kích khác của kiến thức và tồn tại, cởi mở với người khác, cởi mở với xã hội.” Và Đức Phanxicô đã kiên nhẫn huấn giáo điều này trong văn bản ngắn gọn 50 trang này.

Ở đây, chúng ta tìm thấy khía cạnh mô phạm của giáo sư Bergoglio, người thích trò chuyện không nghi thức với sinh viên Argentina của ngài. Pascal, gay go ư? Giáo hoàng trả lời: “Một người tình của Chúa Kitô nói với mỗi người.” Một nhà trí thức ở tầm cao tách rời khỏi những điều ngẫu nhiên của thực tế ư? Đức Phanxicô trả lời, “thay ý tưởng bằng thực tế”, Pascal đưa ra một cách sáng suốt sự nguy hiểm của một tư tưởng thoát xác với công thức vẫn còn nổi tiếng: “Ai muốn thành thiên thần thì thánh ác thú.” Một nhà đạo đức nghiêm khắc, nhắc lại, không một giải trí nào có thể thoát khỏi bi kịch của sự tồn tại đó ư? Chắc chắn, giáo hoàng đồng ý, nhưng cũng là một “nhân chứng khiêm tốn” về sự dịu dàng thiêng liêng, mãi mãi chấn động vì một cuộc gặp cá nhân với Chúa Kitô, trải nghiệm trong một đêm thần bí.

Sự đồng tình này không xóa bỏ được những khác biệt về thần học, và chắc chắn là khác biệt về tính khí giữa hai nhà tư tưởng. Nhưng sau nhiều thập kỷ, nhà triết học của thế kỷ 17 xem thường cuộc đi tìm vinh quang hão huyền, và mục tử của thế kỷ 21, rất mong muốn thức tỉnh những ai bị “thói thời thượng” thế tục cuốn hút, tương ứng với nhau một cách đáng kinh ngạc. Khi Pascal đề nghị với người đương thời của ông – bị trôi giạt trong một thế giới “bấp bênh và biến động” sau thời Phục Hưng -, chiếc la bàn của một lòng tín thác tuyệt đối vào Thiên Chúa, làm sao chúng ta lại không nghĩ đến niềm vui được đáp lại tiếng gọi của một tình yêu vô biên, mà Đức Phanxicô đã thực hiện trong trọng tâm triều giáo hoàng của ngài? Đức Phanxicô viết: “Pascal chưa bao giờ cam chịu những gì mà một số người đương thời của ông xem thường (…), đó là nghiêm túc đón nhận Tin Mừng. Vì chính Chúa Kitô mới thực sự là cuộc sống của họ.” Chắc chắn ở đây là điểm tinh tế trong sự đồng tình giữa hai người: niềm đam mê làm cho Chúa Kitô được biết đến, và theo đó là sự cấp thiết đầu tiên của đức ái. Trong bí mật của những giờ cầu nguyện lâu dài ban đêm, chắc chắn một đối thoại sốt sắng đã làm cho hai người thành anh em với nhau.

Marta An Nguyễn dịch

“Blaise Pascal có thể là vị thánh bảo trợ cho người trí thức”