Vì sao các linh mục lại ăn cắp?
cath.ch, Maurice Page, 2023-04-10
Hình minh họa: Đồng xu của bà góa
Các trường hợp linh mục phạm tội ăn cắp hoặc biển thủ tiền của Giáo hội thường làm trò cười trên các bài viết. Làm thế nào những người bảo vệ đức tin này lại phản bội điều răn thứ 7 của Chúa?
Tại sao các linh mục ăn cắp? Đây là câu hỏi mà một nghiên cứu rất nghiêm túc của Mỹ đã xem xét. Các kết luận của nghiên cứu này đã mang lại ít nhiều giá trị cho Giáo hội hoàn vũ.
Theo một nghiên cứu gần đây được công bố trong số tháng 1-tháng 6 của Tạp chí Kế toán Pháp lý và Điều tra (Journal of Forensic and Investigative Accounting) và được trang công giáo The Pillar xem xét, thì các linh mục trộm cắp này thường có động lực là thái độ cay chua, ghen tị và mong muốn che đậy những sai lầm đạo đức khác.
Nếu sự tin tưởng vào các linh mục và sự yếu kém của các cơ quan giám sát tạo điều kiện thuận lợi cho hành động này, nhưng chức linh mục không đặc biệt thu hút những kẻ lừa đảo.
Các nhà nghiên cứu Robert Warren và Timothy J. Fogarty đã tổng hợp thông tin về tội phạm tài chính do các linh mục công giáo Mỹ phạm trong sáu thập kỷ qua. Họ đã xem xét các yếu tố môi trường và cá nhân để hiểu làm thế nào các linh mục giáo xứ lại bị cám dỗ về tội phạm tài chính trong chính giáo xứ của họ.
Tam giác lừa đảo
Phân tích của họ tập trung vào trường hợp của hơn một trăm linh mục bị kết tội trộm cắp hoặc gian lận kể từ năm 1963 tại Hoa Kỳ. Nghiên cứu này nhằm mục đích đánh giá tội phạm theo cái mà các nhà nghiên cứu gọi là “tam giác lừa đảo”: áp lực, cơ hội và sự hợp lý hóa.
“Các linh mục không chỉ có khả năng ăn cắp một lần mà còn tiếp tục ăn cắp theo thời gian”
Hơn 90% linh mục đang thi hành chức vụ tại giáo xứ khi họ phạm tội, trung bình họ thu gần 230.000 đô la trong khoảng thời gian trung bình sáu năm.
Các nhà nghiên cứu lưu ý, trong tất cả các trường hợp này, cơ hội ăn cắp tương ứng với điều kiện sinh hoạt trong giáo xứ của họ, không những chỉ ăn cắp một lần nhưng tiếp tục trong nhiều năm.
Bản phân tích ghi lại bốn phương pháp chính: “Lấy tiền trực tiếp thu được hàng tuần hoặc từ quỹ của người nghèo; ép các giáo dân lớn tuổi và dễ bị tổn thương (chủ yếu là các bà góa) đưa tiền cho giáo xứ hoặc cho cá nhân linh mục dưới nhiều lý do khác nhau; chuyển chi phiếu trả cho giáo xứ qua các tài khoản không thuộc giáo xứ; quỹ giáo xứ trả quá mức cho các chi phí cá nhân.
Quá ít phát hiện và ngăn chặn
Các nhà điều tra đưa ra sự yếu kém của các phương tiện phòng ngừa và điều tra trong Giáo hội. Giáo luật trao cho linh mục quản xứ độc quyền kiểm soát tài chính của giáo xứ, ngay cả khi họ buộc phải dùng chúng vì lợi ích cộng đồng. Vì thế họ có quyền đơn phương mở tài khoản ngân hàng, phân phối các quỹ và bán tài sản.
“Việc phát hiện là do tình cờ. Chỉ 29,5% trường hợp gian lận hoặc trộm cắp được phát hiện khi có kiểm tra tài chính”
Báo cáo cho biết, các hội đồng giáo xứ, gồm các tình nguyện viên, có xu hướng chỉ đảm bảo sự kiểm soát chính thức, phê duyệt một cách có hệ thống các hành vi của linh mục, người được xem là ở ngoài mọi nghi ngờ. Về phía các nhà lãnh đạo giáo phận, họ mong chờ các giáo xứ tự trị. Vì thế các giáo xứ không bị kiểm tra thường xuyên.
Theo báo cáo, việc phát hiện là do tình cờ. Chỉ 29,5% trường hợp gian lận hoặc trộm cắp được phát hiện khi có kiểm tra tài chính giáo xứ hoặc trong những lần kiểm tra thường kỳ. Gần một nửa số trường hợp được đưa ra ánh sáng trong nghiên cứu là do có người tố cáo, do có các vụ thâm nhập hoặc do điều tra bên ngoài.
Dữ liệu cho thấy chức tư tế không lôi cuốn những kẻ cố ý lừa đảo hoặc những người muốn trộm cắp. Các trường hợp được kiểm tra cho thấy các vụ này thường xảy ra với những người đã có hơn hai thập kỷ phục vụ trong sứ vụ và ở tuổi trung bình là 52 tuổi.
Lần ăn cắp đầu tiên
Thường thường trong dân chúng, yếu tố có thể dẫn đến phạm tội ăn cắp là khi họ có nhu cầu vật chất bất thình lình, như mất việc làm, khó đáp ứng các nhu cầu cơ bản của gia đình. Nhưng những yếu tố này không liên quan, không là những yếu tố đầu tiên nơi các linh mục công giáo.
“Trong hơn một nửa số trường hợp, vấn đề là họ muốn có một mức sống cao hơn, muốn có vẻ bề ngoài thành công về vật chất”
Vì thế động lực phải được tìm kiếm ở nơi khác. Nhu cầu về nguồn tài chính để bù đắp cho những khiếm khuyết đạo đức khác, nói chung là có bản chất tình dục được thấy trong gần 12% trường hợp. Tiền ăn cắp dùng để hỗ trợ cho “các mối quan hệ bất hợp pháp”. Nợ cờ bạc xảy ra trong 8,4% trường hợp.
Nhưng ngoài những nhu cầu cấp thiết, trong hơn một nửa trường hợp, đó là để có một mức sống cao hơn và muốn có vẻ bề ngoài thành công về vật chất.
Cay chua là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến trộm cắp
Theo bản báo cáo, mặc dù ở Hoa Kỳ, các linh mục giáo phận được hưởng nhiều lợi ích, bao gồm ăn ở, bảo hiểm y tế, trợ cấp xe hơi và chế độ hưu trí, nhưng mức lương của họ gần như không cao hơn mức lương tối thiểu cho một công việc khá đòi hỏi và mất nhiều thời gian học hành. Vì thế đôi khi họ có cảm thấy bất công và ghen tị. Họ nghĩ họ chỉ lấy những gì thuộc về họ.
Nhiều người trong số các linh mục này đã dùng tiền bất chính để mua căn nhà thứ hai hoặc thứ ba. Trong một số ít trường hợp, họ muốn an toàn khi về hưu.
“Một vài linh mục dùng tiền bất chính để giúp người nhà hay các tổ chức từ thiện”
Cuộc điều tra cũng lưu ý, trong chừng mực các cha xứ thường cho mình là ‘doanh nhân độc lập’, họ có xu hướng chống lại quyền lực cấp bậc theo quan điểm cá nhân của họ về những gì mang lại lợi ích tốt nhất cho ‘khách hàng’.
Đôi khi họ làm từ thiện
Trong một số ít trường hợp, các linh mục đã không dùng tiền ăn cắp và biển thủ để làm lợi cho mình. Các báo cáo cho biết có bảy linh mục đã dùng tiền bất chính để giúp gia đình hoặc giúp các tổ chức từ thiện ở nước ngoài.
Tội ác và hình phạt
Các tác giả nhấn mạnh, ngay cả khi họ bị bắt và bị kết án, các bản án tù lâu năm là ngoại lệ chứ không phải theo quy tắc. Trong nhiều trường hợp, các linh mục chỉ phải chịu hình thức kỷ luật của chính quyền giáo hội. Gần một phần ba số người bị kết án hình sự sau đó đã có thể tiếp tục sứ vụ. Bản nghiên cứu lưu ý: “Những cơ hội để ăn cắp có thể được hỗ trợ do họ biết khi bị phát hiện sẽ không bị trừng phạt nghiêm khắc và sẽ không có hậu quả nghiêm trọng nào về mặt uy tín”.
Theo các kết luận của báo cáo, các giáo sĩ phạm tội về mặt tài chính có điểm chung là họ bị cô lập, bị mất lòng tin với sứ vụ và có mối quan hệ xáo trộn với các cấu trúc của giáo hội. Cùng với nhu cầu cải thiện cơ chế kiểm soát tài chính và trách nhiệm giải trình, nghiên cứu nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc đào tạo thường huấn cá nhân và thiêng liêng cho các linh mục trong suốt sứ vụ của họ.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch