Từ lời của một người trẻ Ukraine và Nga đến vụ thảm kịch của người di cư: Đức Phanxicô dâng Đàng Thánh Giá cho ‘chiến tranh thế giới thứ ba từng phần’

190

Từ lời của một người trẻ Ukraine và Nga đến vụ thảm kịch của người di cư: Đức Phanxicô dâng Đàng Thánh Giá cho ‘chiến tranh thế giới thứ ba từng phần’

Đức Phanxicô hôn chân Thánh giá trong nghi thức phụng vụ ngày Thứ Sáu Tuần Thánh ở Đền thờ Thánh Phêrô

ilfattoquotidiano.it, Francesco Antonio Grana, 2023-04-07

Chiến tranh thế giới thứ ba từng từng mảnh’ là chủ đề Đàng Thánh Giá ngày Thứ Sáu Tuần Thánh ở Đấu trường la-mã, Đức Phanxicô muốn mười bốn bài suy niệm kể lại quá trình đi lên đồi Canvê, cuộc khổ nạn, cái chết và táng xác Chúa Giêsu vào mộ sẽ là ‘tiếng nói của hòa bình trong một thế giới đang bị chiến tranh hoành hành’. Từ thảm kịch của cuộc xung đột ở Ukraine và ở nhiều quốc gia khác trên hành tinh cho đến thảm cảnh của người di cư, tình trạng của người trẻ ngày nay.

Lời mở đầu chặng Đàng Thánh Giá: “Từ Đất Thánh, con đường thập giá Chúa Giêsu đi qua đêm nay, chúng ta cũng sẽ đi qua để lắng nghe nỗi đau của anh chị em chúng ta, được phản ánh trong nỗi đau của những người đã đau khổ và chịu đựng vì không có hòa bình trên thế giới, để chúng ta thấm vào chứng từ và tiếng vang đã đến tai và trái tim của giáo hoàng trong các chuyến đi của ngài. Đó là tiếng vọng của hòa bình vang lên trong ‘thế chiến thứ ba từng phần’ này, là tiếng kêu đến từ các quốc gia và khu vực ngày nay bị chia cắt bởi bạo lực, bất công và nghèo đói. Tất cả những nơi xảy ra xung đột, hận thù và bách hại đều hiện diện trong lời cầu nguyện của ngày Thứ Sáu Tuần Thánh này”.

Suy niệm chặng thứ mười được một thanh niên Ukraine và Nga viết.

“Năm ngoái, – cậu bé trong làng bị tấn công viết – cha mẹ đưa con và em trai con đến Ý, nơi bà của chúng con đã làm việc hơn hai mươi năm. Chúng con rời Mariupol ban đêm. Tại biên giới, các quân nhân chặn cha chúng con lại và nói cha con phải ở lại Ukraine để chiến đấu. Chúng con tiếp tục đi xe buýt thêm hai ngày nữa. Đến Ý con buồn lắm. Con cảm thấy bị tước bỏ mọi thứ: hoàn toàn không còn gì. Con không biết tiếng Ý và con không có một người bạn nào. Bà của con cố gắng hết sức để cho con biết là con rất may mắn nhưng tất cả những gì con muốn là đi về nhà. Cuối cùng gia đình con quyết định quay trở lại Ukraine. Ở đây tình hình tiếp tục khó khăn, chiến tranh ở mọi nơi, thành phố bị phá hủy. Nhưng trong lòng con vẫn còn một niềm tin chắc chắn, bà của con đã nói với con khi con khóc: ‘Rồi con sẽ thấy, mọi chuyện sẽ qua. Với sự giúp đỡ của Chúa nhân lành, hòa bình sẽ trở lại’”.

Sau đó là suy niệm của thanh niên trẻ đến từ đất nước xâm lược:

“Còn con, con là một cậu bé người Nga… khi nói điều đó, con gần như cảm thấy có lỗi, nhưng đồng thời con cũng không hiểu tại sao con cảm thấy con tệ hai lần. Bị tước đoạt hạnh phúc và những ước mơ cho tương lai. Con đã nhìn thấy bà và mẹ con khóc trong hai năm. Một lá thư cho chúng con biết anh trai cả của con đã qua đời, con vẫn nhớ anh ấy vào ngày sinh nhật thứ 18 của anh, anh tươi cười và rạng rỡ như mặt trời, và tất cả những điều này chỉ vài tuần trước khi lên đường trên một hành trình dài. Ai cũng bảo chúng con nên tự hào, nhưng ở nhà chỉ là đau khổ và buồn tủi. Điều tương tự cũng xảy ra cho cha con và ông con, họ cũng đã ra đi và chúng con không có tin gì. Một số bạn cùng lớp của con vô cùng sợ hãi đã thì thầm vào tai con rằng có chiến tranh. Trở về nhà con viết lời cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho thế giới được hòa bình và tất cả chúng con có thể là anh em với nhau”.

Chặng thứ hai là suy niệm thảm kịch của những người di cư

“Con đường thập giá của tôi bắt đầu cách đây sáu năm, khi tôi rời thành phố quê hương. Sau mười ba ngày hành trình, chúng tôi đến sa mạc và đi qua đó trong tám ngày, băng qua những chiếc ô tô cháy rụi, những thùng nước rỗng, xác người, cho đến khi chúng tôi đến được Libya. Những người chưa trả tiền cho những kẻ đưa người bị nhốt và tra tấn cho đến khi họ trả xong. Một số người mất mạng, một số khác mất trí. Họ hứa sẽ đưa tôi lên một chiếc tàu để đến châu Âu, nhưng các chuyến đi bị hủy bỏ và họ không trả tiền lại cho chúng tôi. Ở đó có chiến tranh và chúng tôi không còn chú ý đến bạo lực và đạn lạc nữa. Tôi tìm được việc làm thợ trát vữa để trả tiền cho một cuộc vượt biển khác. Cuối cùng, tôi cùng với hơn một trăm người lên xuồng cao su, chúng tôi đi trong nhiều giờ trước khi có một tàu Ý cứu chúng tôi. Lòng tôi tràn ngập niềm vui, chúng tôi quỳ gối tạ ơn Chúa; sau đó chúng tôi phát hiện ra con tàu đang quay trở lại Libya. Ở đó chúng tôi bị nhốt trong một trung tâm giam giữ, tình trạng sống ở đây tồi tệ nhất thế giới. Mười tháng sau tôi lại lên thuyền. Đêm đầu tiên có sóng lớn, bốn người rơi xuống biển, chúng tôi cứu được hai người. Tôi ngủ thiếp đi với hy vọng được chết. Tỉnh dậy, tôi thấy mọi người đang mỉm cười bên cạnh tôi. Một số ngư dân Tunisia kêu cứu xin giúp đỡ, một số tổ chức phi chính phủ đã cho chúng tôi thức ăn, quần áo và chỗ ở. Tôi đã làm việc để trả tiền cho một cuộc vượt biển khác. Đó là lần thứ sáu; sau ba ngày lênh đênh trên biển, tôi đến Malta. Tôi ở sáu tháng trong một trung tâm và ở đó tôi mất trí; hàng đêm tôi hỏi Chúa tại sao: tại sao những người như chúng tôi lại xem chúng tôi như kẻ thù? Nhiều người chạy trốn chiến tranh mang theo cây thánh giá giống như cây của tôi”.

Chặng thứ ba là câu chuyện bi kịch của nhiều bạn trẻ hôm nay

“Tuổi trẻ chúng con muốn hòa bình. Nhưng chúng con thường sa ngã và sự sa ngã của chúng con có nhiều tên gọi: lười biếng, sợ hãi, ngã lòng, và cả những hứa hẹn hão huyền về một cuộc sống dễ dàng nhưng dơ bẩn, được tạo nên do tham lam và thối nát đã đánh gục chúng con. Và đó là điều làm gia tăng vòng xoáy buôn bán ma túy, bạo lực, nghiện ngập và bóc lột con người, và rất nhiều gia đình luôn đau buồn vì mất con cái; những kẻ lừa đảo, bắt cóc và giết người mà không bị trừng phạt là vô tận. Làm thế nào để có được hòa bình? Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã ngã xuống dưới thập giá, nhưng Chúa đã đứng dậy, Chúa lại vác thập giá và cùng với thập giá, Chúa ban bình an cho chúng con. Chúa khuyến khích chúng con nắm lấy cuộc sống trong tay, có can đảm dấn thân, nhưng trong ngôn ngữ chúng con, chúng con gọi đó là thỏa hiệp. Có nghĩa là nói không với rất nhiều thỏa hiệp, với những thỏa hiệp sai lầm giết chết hòa bình. Chúng con có đầy những thỏa hiệp này: chúng con không muốn bạo lực nhưng chúng con tấn công trên mạng xã hội những người không nghĩ giống chúng con; chúng con muốn một xã hội thống nhất, nhưng chúng con không cố gắng để hiểu ai là người bên cạnh chúng con; tệ hơn, chúng con bỏ bê những người cần đến chúng con. Lạy Chúa, xin đặt trong lòng chúng con khát vọng nâng đỡ kẻ sa ngã. Như Chúa đã làm với chúng con”.

Đức Phanxicô kết thúc với lời cầu nguyện ở chặng thứ 14

“Lạy Chúa Giêsu, Ngôi Lời Hằng hữu của Chúa Cha, Chúa đã giữ im lặng vì chúng con. Và trong thinh lặng Chúa hướng dẫn chúng con đến mộ Chúa, vẫn còn một lời chúng con muốn nói với Chúa khi chúng con nghĩ lại hành trình chặng Đàng Thánh Giá đồng hành với Chúa: Tạ ơn Chúa! Tạ ơn Chúa vì sự dịu dàng khi Chúa đối đầu với kiêu căng. Tạ ơn Chúa vì lòng dũng cảm Chúa đã ôm lấy thánh giá. Tạ ơn Chúa vì bình an tuôn ra từ vết thương của Chúa. Tạ ơn Chúa đã cho chúng con Mẹ Maria là Mẹ chúng con. Tạ ơn Chúa vì tình yêu của Chúa khi Chúa đối diện với sự phản bội. Tạ ơn Chúa đã biến nước mắt thành nụ cười. Tạ ơn Chúa vì Chúa đã yêu thương tất cả mọi người không trừ ai. Tạ ơn Chúa vì niềm hy vọng của Chúa thấm đậm trong giờ thử thách. Chúng con tạ ơn Chúa vì lòng thương xót Chúa đã chữa lành khổ đau. Chúng con tạ ơn Chúa vì Chúa đã buông bỏ tất cả để chúng con được phong phú. Tạ ơn Chúa đã biến thập giá thành cây sự sống. Tạ ơn Chúa đã tha thứ cho kẻ giết Chúa. Tạ ơn Chúa đã đánh bại cái chết. Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin tạ ơn Chúa vì ánh sáng Chúa đã thắp sáng trong đêm tối cho chúng con và bằng cách hòa giải mọi chia rẽ, Chúa đã làm cho tất cả chúng con trở thành anh chị em, con của cùng một Cha trên trời”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Giờ chót vì thời tiết trở lạnh trong những ngày gần đây ở Rôma nên Đức Phanxicô không thể đi Đàng Thánh Giá ở Đấu trường la-mã hôm nay.