10 năm triều Đức Phanxicô: giáo hoàng của thời cuối của đạo đức?

49

10 năm triều Đức Phanxicô: giáo hoàng của thời cuối của đạo đức?

Loạt bài kỷ niệm 10 năm triều giáo hoàng của Đức Phanxicô, 13-3-2013 & 13-3-2023

Trong mười năm triều giáo hoàng của ngài, Đức Phanxicô đã triển khai cách các vấn đề luân lý được hiểu mà không thay đổi học thuyết. Ngài có thực sự thay đổi Giáo hội không?

la-croix.com, Loup Besmond de Senneville, Rôma, 2023-03-09

Đức Phanxicô ôm một cặp vợ chồng ly dị tái hôn trong cuộc gặp với các gia đình ở Tuxtla Gutiérrez, Mexico, năm 2016.  SERVIZIOFOTOGRAFICOOR / CPP/CIRIC

10 năm triều giáo hoàng Phanxicô: Ngài có thực sự thay đổi Giáo hội không?

Sự đứt đoạn và liên tục là hai chủ đề của những cuộc thảo luận bất tận ở Rôma. Liệu một giáo hoàng có thể đổi mới mà không làm cho tất cả những người đi trước mình phải nói dối, và thay đổi truyền thống của Giáo hội công giáo không? Câu hỏi này, luôn buộc Vatican phải trình bày một thay đổi như một tiến hóa gắn liền với quá khứ, đặt một vấn đề nhạy bén trong lãnh vực luân lý. Nơi một số người, Đức Phanxicô có hình ảnh của một “giáo hoàng cởi mở”, nơi một số người khác, ngài mang hình ảnh của một giáo hoàng của “thuyết tương đối”, ngài có thực sự muốn làm rung chuyển tòa nhà luân lý của Giáo hội công giáo không?

Mười năm trước, ngay từ đầu triều, dưới con mắt của những người ủng hộ việc phát triển học thuyết, dường như ngài đã mở một kẽ hở khi ngài nói câu nói vẫn còn nổi tiếng: “Nếu một người đồng tính, họ thiện tâm đi tìm Chúa thì tôi là ai để đánh giá họ?”, theo năm tháng, ngài đã nhiều lần nhấc điện thoại lên để an ủi những người đồng tính viết thư cho ngài. Nhưng giáo lý chưa bao giờ thay đổi, và Sách Giáo lý của Giáo hội công giáo vẫn định nghĩa đồng tính là khuynh hướng “rối loạn nội tại”.

Thực sự Đức Phanxicô nghĩ gì về đồng tính

Các câu hỏi cực kỳ nhạy cảm khác, như việc người ly dị và tái hôn được rước lễ hoặc vấn đề phá thai cũng có cùng một cách xử lý tương tự, ngài ủng hộ việc thông hiểu các tình huống cụ thể, nhưng không bao giờ thay đổi giáo huấn của Giáo hội. Đây có thể là một mâu thuẫn, hay tệ hơn là đi nước đôi? Dù sao, trong hai khía cạnh này, khó làm vừa lòng ai: một số kêu gọi tương đối hóa vấn đề đạo đức; một số khác kêu gọi thay đổi nền tảng Sách Giáo lý của Giáo hội công giáo.

“Đã mười năm trôi qua, không còn một quy chiếu nào nữa”

Có thể nói Đức Phanxicô để học thuyết đàng sau, ngài ưu tiên cho chăm sóc mục vụ không? Dù thế nào đi nữa, đây là điều những người chỉ trích ngài nhất khẳng định, họ sợ cứ khăng khăng tháp tùng giáo dân thì sẽ quên đi học thuyết. Một trong các quan sát viên chỉ trích nhất ở Rôma nói: “Không cần phải nói Giáo hội là bệnh viện dã chiến, chúng ta tự hỏi chúng ta đang chiến đấu trong cuộc chiến nào và chúng ta muốn đi đâu. Đã mười năm trôi qua, không còn một quy chiếu nào nữa.”

Những khác biệt này bung ra năm 2019, khi đại đa số giáo sư tại Viện Gia đình Gioan Phaolô II bị sa thải, và giáo hoàng yêu cầu cải tổ trung tâm đào tạo này, cho đến nay vẫn được xem là nơi lưu giữ giáo lý cổ điển nhất và “thần học về thân xác” do Đức Gioan Phaolô II triển khai. Chỉ có năm giáo sư của nhóm cũ, trước đó là ba mươi, còn dạy ỏ học viện này của Đại học Giáo hoàng Lateran.

Linh mục thần học gia Tây Ban Nha Juan Pérez-Soba, một trong các giáo sư không thấy có sự “cắt đứt” nơi Đức Phanxico, nhưng linh mục không che giấu những chỉ trích của mình, theo linh mục, ngài đã làm cho giáo dân ‘’hoang mang”. Linh mục nghĩ rằng, lỗi một phần do truyền thông, họ đã xây dựng hình ảnh của một giáo hoàng có thể thay đổi mọi thứ và đáp ứng mong muốn của mọi người. Linh mục thừa nhận: “Đức Phanxicô chơi ván bài này, nhưng ngài không thay đổi bản chất luân lý của Giáo hội.”

“Sự rõ ràng phải là một phần của con đường”

Theo linh mục Pérez-Soba, Đức Phanxicô muốn mở những con đường mới, sử dụng mục vụ mà không thay đổi giáo lý, làm nảy sinh những phát triển không rõ ràng. Nhưng “sự rõ ràng phải là một phần của con đường”, linh mục lấy làm tiếc vì ngày càng mất đi “các tiêu chuẩn rõ ràng, giáo hoàng phải nghĩ đến cách giáo dân đón nhận thông điệp của mình”.

Những lời chỉ trích này ít được nói lên một cách rõ ràng ở Rôma. một nhân vật thần học luân lý bị Đức Phanxicô loại trừ, trả lời: “Tôi cám ơn ông quan tâm và đề nghị của ông, nhưng lúc này và trong hoàn cảnh này, tôi không muốn trả lời phỏng vấn hoặc tổ chức các buổi hội thảo, tôi chỉ phát biểu ở các hội nghị hoặc ấn phẩm khoa học.”

Với thời gian trôi qua, Học viện Giáo hoàng về Sự sống, ngoài ý muốn của họ, đã phần nào trở thành lãnh vực của một trận chiến bất ngờ. Nhiều quan điểm dấy lên những bất mãn trong tổ chức được Đức Gioan-Phaolô II và giáo sư Jérôme Lejeune, người phát hiện ra hội chứng Down, thành lập năm 1994.

Thay đổi mô hình

Đây là trường hợp đáng chú ý vào tháng 2 năm 2022 khi linh mục Dòng Tên Carlo Casalone, thành viên của Học viện xem tự tử được y khoa hỗ trợ là “lợi ích chung lớn nhất có thể” so với trợ tử – một bài viết về lập trường được đăng trên báo Văn minh Công giáo, La Civiltà Cattolica, tạp chí của Dòng Tên được Vatican chứng thực. Đầu tháng 7, việc xuất bản quyển sách ghi lại bước ngoặt của Vatican về cách tiếp cận đạo đức. Thần học đạo đức về sự sống, (Éthique théologique de la vie) lần đầu tiên tập hợp các văn bản đặt vấn đề về số điểm của học thuyết luân lý đã gây xôn xao ở Vatican. Một người thân cận với giáo hoàng ở Rôma từ nhiều thập kỷ nói: “Từ lâu Học viện luôn là nơi ẩn náu của những quy tắc đạo đức nghiêm ngặt nhất, va bây giờ trở thành một học viện cấp cao, nơi mọi người đều có thể nói. Điều này tạo rắc rối cho rất nhiều người.”

Trên thực tế, dưới thời Đức Phanxicô, đạo đức đã trải qua một sự thay đổi mô hình. Vì với tư cách là một tu sĩ Dòng Tên, ngài đã đưa vào lãnh vực này một khái niệm mà cho đến lúc này chưa có mặt: phân định. Theo ngài, phán đoán đạo đức của một hành động nhất thiết phải tính đến bối cảnh nó được thực hiện.

Linh mục Casalone, một trong những người nghĩ về cuộc cách mạng đạo đức của giáo hoàng, tóm tắt: “Trong quá khứ, người ta dành nhiều chỗ hơn cho sự chắc chắn và khách quan. Đức Phanxicô không tương đối hóa chuẩn mực, nhưng đặt nó vào đúng vị trí của nó: Tôi không thể hiểu vấn đề nếu tôi không hiểu bối cảnh nó phát sinh. Cũng cùng một cách, tôi không thể hiểu đạo đức mà không hiểu người hành động. Quy tắc không nên loại trừ phân định.” Một ví dụ? Linh mục Casalone trả lời: “Cấm giết người là quy tắc. Nhưng trong một số trường hợp, tự vệ là chính đáng. Cũng vậy, cấm trộm cắp là quy tắc, nhưng với một người quá túng đói có nguy cơ tử vong, một thực tế khác có thể được áp đặt: đó không còn là hành vi trộm cắp mà là quyền được sống.”

Đức ông Philippe Bordeyne, người điều hành Học viện Gioan-Phaolô II khẳng định: “Ngoài tính nhị nguyên của học thuyết và mục vụ, trên thực tế, Đức Phanxicô cố gắng giữ các giới hạn của mỗi người  và tháp tùng họ. Đức Gioan Phaolô II phát triển linh đạo của nỗ lực, Đức Phanxicô phát triển linh đạo chấp nhận những giới hạn. Một ý tưởng được thể hiện trong tông huấn Niềm vui Tình yêu, Amoris Laetitia năm 2016 sau Thượng Hội đồng về gia đình, và từ “giới hạn” xuất hiện 42 lần trong tông huấn. Tóm lại, ngài bắt đầu từ con người, hơn là từ ý tưởng”.

Sự phát triển cách tiếp cận đạo đức

Tháng 9 năm 2017. Thông qua việc công bố một tự sắc, Đức Phanxicô đã sửa đổi sứ mệnh của Học viện Giáo hoàng Gioan Phaolô II để thiên về nghiên cứu nhiều hơn, với sự trợ giúp của khoa học nhân văn trong “thực tế tình trạng gia đình ngày nay với tất cả sự phức tạp của nó”.

Tháng 3 năm 2021. Một ghi chú từ bộ Giáo lý Đức tin nhắc lại lệnh cấm ban phép lành cho các cặp đồng tính. Vài ngày sau, Đức Phanxicô chỉ trích “những tuyên bố của chủ nghĩa hợp pháp và chủ nghĩa đạo đức của hàng giáo sĩ”.

Tháng 7 năm 2022. Học viện Giáo hoàng về Sự sống xuất bản một quyển sách báo cáo về nội dung của các cuộc tranh luận nội bộ về các vấn đề luân lý.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch