Hồng y Cantalamessa biện hộ cho một “thỏa hiệp” trong Giáo hội

528

Hồng y Cantalamessa biện hộ cho một “thỏa hiệptrong Giáo hội

cath.ch, I.Media, 2023-03-03

Hồng y Cantalamessa cảnh báo: “Không phải mọi thứ đều được giải quyết bằng các quyết định được đưa ra tại một thượng hội đồng, hay bằng một chỉ dụ | © Capuchin | © Truyền thông Vatican

“Nghiêm khắc với chính mình, khoan dung với người khác” là thái độ mà hồng y Raniero Cantalamessa gợi ý trong bài giảng Mùa Chay đầu tiên của ngài tại Vatican ngày 3 tháng 3 năm 2023, về chủ đề “Đổi mới cái mới”.

Một số người có trách nhiệm trong Giáo triều Rôma có mặt ở Hội trường Phaolô VI để dự khóa tĩnh tâm Mùa Chay, nhưng Đức Phanxicô vắng mặt vì ngài và các người đứng đầu Giáo triều có tuần tĩnh tâm riêng, kết thúc vào cuối buổi sáng nay.

Mỗi thứ sáu trong năm tuần Mùa Chay, hồng y Cantalamessa có bài giảng thường niên, ngài trình bày về Thượng Hội đồng cho tương lai của Giáo hội, một dự án lớn được Đức Phanxicô bắt đầu vào tháng 10 năm 2021, như một điều cần thiết cho Giáo hội, ngài kêu gọi phải liên tục đổi mới chính mình. Ngài làm một phép loại suy giữa sự cởi mở của các tín hữu kitô ở thế kỷ thứ nhất “đối với lương dân” và “những gì ngày nay áp đặt trên giáo dân, đặc biệt với phụ nữ và với các hạng người khác”.

Hồng y cảnh báo: “Không phải mọi thứ đều được giải quyết bằng các quyết định được đưa ra tại một thượng hội đồng, hoặc bằng một chỉ dụ”, ngài lưu ý việc đưa các quyết định này vào thực tế đòi hỏi “thời gian, kiên nhẫn, đối thoại và khoan dung”. Ngài nói thêm, đôi khi nó đòi hỏi “những thỏa hiệp” không phải là “đầu hàng hay cắt giảm sự thật”, nhưng là “ bác ái và tuân theo hoàn cảnh”, khi các căng thẳng đã đánh dấu thượng hội đồng châu Âu tại Praha tháng 2 vừa qua, giai đoạn thứ hai của Thượng hội đồng sau giai đoạn địa phương.

“Nghiêm khắc với chính mình, khoan dung với người khác”

Trước các thành viên của Giáo triều, hồng y mong muốn người tín hữu kitô nên “hạ mình và khoan dung hơn một chút, bớt khép mình trong những xác quyết cá nhân”. Ngài nhấn mạnh, đây là thực hành một thái độ ngược dòng: “nghiêm khắc với chính mình, khoan dung với người khác. Và đừng lặp đi lặp lại lý do của mình như người nhai kẹo cao su”.

Ngài đồng ý phán xét cũng là một “hình thức phục vụ” mà “cha mẹ, bề trên, cha giải tội, thẩm phán, bất cứ ai có trách nhiệm với người khác” đều phải làm. Ngài nêu rõ: “Vì thế, không phải là vấn đề loại bỏ phán xét khỏi trái tim chúng ta, nhưng loại bỏ chất độc khỏi phán xét của chúng ta! Nghĩa là loại bỏ oán giận, lên án, tẩy chay.”

Theo hồng y Cantalamessa, “mọi thay đổi đều ở ngã tư đường; có thể xuất hiện hai con đường đối nghịch nhau, hoặc con đường của thế gian hoặc con đường của Thiên Chúa: con đường của sự chết hoặc con đường của sự sống”. Khi suy niệm, ngài nhắc nhở Giáo triều về “bài học cay đắng” của cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 với cuộc khủng hoảng của Chủ nghĩa Hiện đại, khi đó Giáo hội đã từ chối “ghi nhận những thay đổi đã diễn ra trong xã hội đã tạo ra sự đau lòng và đau khổ vô tận”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch