Trường hợp các vụ Vanier, Rupnik, Ribes… Có nên phân biệt tác phẩm với nghệ sĩ không?
Phân tích
Ngoài vụ bê bối lạm dụng tình dục của các nhân vật trong Giáo hội trong những năm gần đây, hiện nay còn có câu hỏi gai góc về tương lai các tác phẩm của họ, khi họ đã vẽ hoặc viết như các ông Marko Rupnik, Louis Ribes hay Jean Vanier.
la-croix.com, Christopher Henning, 2023-02-15
Chi tiết cửa sổ kính màu có chữ ký của linh mục Louis Ribes ở nhà thờ Thánh Catarina, Rhône, nước Pháp. Richard Mouillaud / Le Progrès/MaxPPP
Tháng 9 năm 2020, một quyển sách Các linh mục và nghệ sĩ của giáo phận Lyon. Thế kỷ 20-21 đã vẽ chân dung huy hoàng của linh mục Louis Ribes (1920-1994), có biệt danh “Picasso của các nhà thờ”. Chưa đầy hai năm sau, các đơn tố cáo của hai nạn nhân các giáo phận Lyon, Saint-Étienne và Grenoble đã đăng trong một thông cáo báo chí về các vụ tấn công tình dục của linh mục này trong những năm 1970-1980 với khoảng 50 trẻ em.
“RIB”: bây giờ chữ ký của nghệ sĩ đã làm hoen ố tất cả các tác phẩm của ông – cửa sổ kính màu, tranh vẽ, đàng thánh giá… Linh mục ở giáo phận Lyon đã vẽ cho hàng chục nhà thờ. Để đáp ứng yêu cầu của tập thể các nạn nhân, giáo phận Lyon đang xem lại các tác phẩm của nghệ sĩ lạm dụng này.
Tác phẩm và nghệ sĩ
Trường hợp này nói lên một cách đáng kể mối liên hệ giữa tác phẩm và nghệ sĩ, còn hơn thế nữa khi nghệ sĩ tự hào về địa vị đạo đức của mình. Chúng ta có nên quay lưng lại với những bức tranh khảm của linh mục Dòng Tên, người Slovenia Marko Rupnik trang hoàng cho vương cung thánh đường Mân côi ở Lộ Đức, khi ông bị rút phép thông công vì tấn công tình dục các phụ nữ trường thành không?
Chúng ta có còn đọc tác phẩm của ông Jean Vanier, người sáng lập L’Arche khi năm 2020 các vụ lạm dụng của ông đã được tiết lộ và đã được xác nhận trong bản báo cáo cuối tháng 1 vừa qua không? Phải làm gì với những tác phẩm này sau khi các vụ lạm dụng của các tác giả được tiết lộ?
Linh mục Michel phản ứng: “Tôi nghĩ đến các nạn nhân của linh mục Ribes, đến nỗi kinh hoàng khi họ đối diện với hình ảnh em bé bị người lạm dụng phơi bày. Bản thân là linh mục và là nạn nhân của tấn công tình dục khi còn nhỏ, linh mục Michel là tác giả bức ảnh “em bé khóc” được các giám mục Pháp chọn để làm biểu tượng cho lời xin tha thứ của họ ở Lộ Đức. Linh mục hiểu phản ứng của tập thể và của các nạn nhân của linh mục Ribes, khi họ phải đối diện với những cảnh bạo lực họ đã trải qua trong thời thơ ấu khi bị linh mục lạm dụng.
Cảm xúc của anh Michel, tác giả bức ảnh em bé đang khóc
Thủ tục tố tụng pháp lý
Câu hỏi không chỉ nảy sinh trong Giáo hội. Ngoài xã hội chúng ta cũng có những trường hợp tương tự, với các phim của đạo diễn Roman Polanski, những tác phẩm văn chương của Gabriel Matzneff. Nhà xã hội học Gisèle Sapiro, giám đốc nghiên cứu tại EHESS (2) nhắc lại: “Khi tác phẩm thuộc phạm vi tội phạm ấu dâm, hoặc như trường hợp nhà văn Céline về chủ nghĩa bài do thái của ông, nó sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật. Tuy nhiên, trong trường hợp không có thủ tục pháp lý, cơ quan văn hóa có trách nhiệm đánh giá tác phẩm có được công khai hay không”.
Trường hợp của ông Jean Vanier và anh em linh mục Philippe: gốc rễ của mù quáng
Việc đảm bảo không gây sốc hoặc làm tổn thương các nạn nhân dường như đã được nhất trí. Tại thị trấn Charly, vùng Rhône với 5.000 người dân cách thành phố Lyon 25 cây số, ông thị trưởng Olivier Araujo đã nghe thỉnh nguyện các nạn nhân của linh mục Ribes: chỉ che chữ ký thôi là chưa đủ. Vì thế, với sự đồng ý của chính quyền thành phố, các cửa sổ kính màu sẽ được tháo dỡ, giáo phận có trách nhiệm tài trợ việc thay thế, dự trù lên đến vài ngàn âu kim.
Chi tiết bức tranh khảm Cửa Thánh Bác ái, ở Rôma của linh mục Rupnik. / Angelo Carconi/EPA/MaxPPP
Tại làng Thánh Catarina ở Monts du Lyonnais, người dân đề nghị làm cửa sổ kính màu thay thế để tưởng nhớ các nạn nhân. Các thảo luận được tiến hành tốt ở các đô thị xung quanh Loire-sur-Rhône, Dième…
Tháo kính màu xuống
Ông Christophe Ravinet, giám đốc truyền thông của giáo phận Lyon giải thích: “Mỗi nơi xây dựng đều khác nhau. Phải tính đến việc buộc phải tháo dỡ và quyết định những gì sẽ được thực hiện sau đó. Tất cả đều phải tùy theo lịch làm việc và kinh phí.” Phải cần thời gian để tháo kính màu, hàng trăm bức có thể bị tháo rời, tài sản của các giáo phận liên hệ hiện được cất giữ trong một không gian kín, với cam kết không bao giờ được đem ra trưng bày nữa.
Tuy nhiên cũng có một số người vẫn xem đây là tấn công vào quyền tự do sáng tạo và tự do nói lên. Về vấn đề này, một tiêu chuẩn nằm ở mối liên hệ – có hoặc không – của tác phẩm với chính hành vi của người bị buộc tội. Về mặt này, trong trường hợp của linh mục Louis Ribes là tiêu biểu: vì để vẽ những bức bích họa của ông trong ca đoàn của các nhà thờ ở Rhône-Alpes, ông đã lấy cảm hứng từ những bức ảnh khỏa thân của các em bé mà ông có thể chụp được. Thậm chí ông còn bị cáo buộc hành hung trẻ vị thành niên trong quá trình hoạt động nghệ thuật của mình.
Mặt khác, với các nghệ sĩ khác, không có sự nhầm lẫn giữa tác phẩm và các hành vi đáng trách về mặt hình sự hoặc đạo đức. Nhưng làm thế nào các nạn nhân có thể chịu đựng được khi các tác phẩm của kẻ tấn công họ được đem ra trưng bày? Các bài hát của linh mục Dòng Đa Minh André Gouzes vẫn không liên quan gì đến những gì linh mục bị buộc tội – cho đến bây giờ linh mục chưa bị xét đoán và vẫn được xem là vô tội. Tuy nhiên, tháng 10 vừa qua, khi đi hành hương với kinh Mân côi, các tu sĩ Đa Minh đã loại khỏi danh mục các bài hát của linh mục André Gouzès.
Một ca đoàn trình diễn Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu Kitô theo phúc âm Thánh Gioan, nhạc của André Gouzes ở một nhà thờ Lyon. / Vincent Dagent/Ciric
Chúng ta có thể để cha Rupnik tiếp tục làm các đơn đặt hàng ở một số nhà thờ, khi ông đã bị Rôma trừng phạt vì tội tấn công tình dục không? Linh mục phải đảm bảo việc trang trí bên trong và bên ngoài nhà thờ Thánh Giuse Nhân từ sẽ xây trong tương lai ở Montigny-le-Bretonneux (Yvelines). Đối với giáo phận Île-de-France, việc hủy bỏ đơn đặt hàng đã tự áp đặt, giám mục Luc Crepy, giáo phận Versailles cho biết: “Khi đưa ra quyết định này, chúng tôi trước hết nghĩ đến những người đã phải chịu đựng những lạm dụng này.”
Lối đi ở Lộ Đức
Nhưng phải làm gì với những gì đã tồn tại, như một dấu ấn không thể xóa nhòa? Cuộc tranh luận càng trở nên gai góc hơn, bà Gisèle Sapiro nhấn mạnh, “luôn có một phần của tác giả trong tác phẩm”. Về sách, độc giả có thể đọc một tác phẩm hoặc tránh nó khi biết lý do, nhưng các thư viện giáo phận hoặc các phòng học giáo lý chắc chắn sẽ phải loại bỏ các tác phẩm ca tụng ông Jean Vanier hoặc anh em linh mục Philippe hoặc do họ viết. Nhưng với giáo dân và người hành hương thì khó gạt qua một bên các bức khảm của linh mục lạm dụng phơi ra trước mắt họ.
Có nên loại bỏ từng mảnh khảm của linh mục Rupnik không? Liệu có cần thiết phải tháo dỡ những bức khảm trong nhà nguyện Mẹ Chúa Cứu Thế ở nhà nguyện riêng của giáo hoàng ở Vatican, được Đức Gioan-Phaolô II đặt làm không? Linh mục Rupnik đã trang trí nhiều thánh đường lớn nhất ở Fatima, Krakow, Washington và… Lộ Đức. Làm sao chúng ta có thể giữ những bức khảm rực rỡ của linh mục nghệ sĩ Slovenia Rupnik trên lối đi dạo của Lộ Đức, khi đền thánh Đức Mẹ là nơi tưởng nhớ các nạn nhân bị lạm dụng trong Giáo hội?
Nếu tác phẩm có thể gây sốc, đó không chỉ là lỗi của tác giả mà là trách nhiệm đạo đức của cơ sở. Nếu thời gian cho phép chúng ta ngắm các tác phẩm của Caravaggio, chính ông lại là tác giả của một vụ giết người, mà không bị sốc, thì sự nhạy cảm tột độ ngày nay trước nạn tấn công tình dục, trong xã hội với phong trào #MeToo cũng như trong Giáo hội, dẫn đến những câu trả lời tận căn hơn.
Các nhân vật trong Giáo hội vướng vào bê bối bạo lực tình dục
Louis Ribès. Linh mục và họa sĩ ở thành phố Lyon, qua đời năm 1994, bị cáo buộc đã hãm hiếp và tấn công tình dục hàng chục trẻ em. Các vụ tố cáo kéo dài đến năm 2022.
Marko Rupnik. Linh mục nghệ sĩ tranh khảm người Slovenia rất có ảnh hưởng, từ năm 1985, ông đã bị Giáo hội xử phạt vì tội tấn công tình dục các nữ tu khi họ đi xưng tội.
John Vanier. Người sáng lập hiệp hội L’Arche để giúp người khuyết tật, ông đã lạm dụng tình dục với những phụ nữ ông có ảnh hưởng chung quanh ông, với những lời biện minh thần bí giống như người cố vấn của ông là linh mục Thomas Philippe, theo 25 lời chứng (không toàn bộ) được một ủy ban độc lập điều tra và được công bố ngày 31 tháng 1 – 2023).
André Gouzes. Linh mục Dòng Đa Minh, 79 tuổi, nhạc sĩ sáng tác các thánh ca trong phụng vụ, là đối tượng của một báo cáo trước công lý vì bị nghi hiếp dâm trẻ vị thành niên. Các sự việc có từ cuối những năm 2000.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: “Xin tháo dỡ các tác phẩm nghệ thuật của các linh mục bị cáo buộc lạm dụng”