Tổng giám mục Hervé Giraud, giáo phận Sens-Auxerre, giám chức Phái bộ Truyền giáo Pháp tại Vézelay ngày 27 tháng 1 năm 2019. Hình Jérémie Fulleringer / La Montagne / MAXPPP
Đức Phanxicô đã không ngần ngại lên tiếng về vấn đề đồng tính. Tổng giám mục Hervé Giraud giải thích làm thế nào để phù hợp với việc tìm kiếm một thái độ công chính theo tinh thần kitô giáo, ngài mời gọi chúng ta bỏ mọi cám dỗ phán xét, thay vào đó là thái độ lắng nghe con người thật của họ.
la-croix.com, Tổng giám mục Hervé Giraud, 2023-02-14
Kể từ đầu triều giáo hoàng, Đức Phanxicô đã nhiều lần nói về đồng tính, năm 2013 ngài đã trả lời nhà báo trên chuyến bay Ngày Thế Giới Trẻ từ Rio de Janeiro về Rôma, ngài nói: “Nếu một người đồng tính có thiện tâm đi tìm Chúa, thì tôi là ai mà phán xét họ?” Ba năm sau, ngài triển khai suy nghĩ của ngài trong tông huấn Niềm vui Tình yêu, Amoris Laetitia: “Tôi đã xem xét hoàn cảnh những gia đình sống kinh nghiệm có người đồng tính trong gia đình, một kinh nghiệm không dễ dàng cho cha mẹ cũng như cho con cái. Đó là lý do vì sao trước hết chúng ta cần khẳng định, mỗi người, bất kể xu hướng tình dục nào của họ, phải được tôn trọng theo phẩm giá của họ và được đón nhận trong tinh thần tôn trọng, cẩn thận để tránh ‘bất kỳ dấu hiệu đối xử phân biệt nào không công bằng’ và đặc biệt là mọi hình thức gây hấn và bạo lực.” (AL 250).
Đức Phanxicô và đồng tính: 5 tuyên bố chính của Đức Phanxicô
Và ngài nói rõ trong phỏng vấn ngày 21 tháng 10 năm 2020, “những người đồng tính có quyền ở trong một gia đình, họ là con của Chúa. Chúng ta không thể trục xuất ai đó ra khỏi gia đình hoặc làm cho cuộc sống của người đó trở nên bất khả thi vì lý do này. Điều chúng ta cần làm là phải có luật chung sống dân sự (“convivencia civil”), vì họ có quyền được bảo hiểm về mặt pháp lý.” Và chỉ cách đây vài ngày, khi từ Nam Sudan về, nơi người đồng tính bị hình sự hóa, một lần nữa ngài trả lời chủ đề này bằng cách yêu cầu bãi bỏ các luật phân biệt đối xử.
Đức Phanxicô làm rõ ý kiến của ngài về đồng tính
Đào tạo toàn thể Giáo hội công giáo
Những can thiệp khác nhau này cho thấy giáo hoàng muốn lương tâm giáo dân được thức tỉnh. Ngài hiểu được điều này khi ngài tiếp xúc với nhiều người đồng tính hoặc với các hiệp hội làm việc với họ trong một thời gian dài; ngài làm không phải vì ý thức hệ nhưng để đi tìm một thái độ trong tinh thần công bằng kitô giáo mà ngài đang lãnh đạo toàn thể Giáo hội công giáo. Vì thế ngài luôn nhắc nhở giáo dân phải có “thái độ của Chúa Giêsu, Đấng, với tình yêu vô biên, đã hiến thân cho mọi người không trừ một ai”. (AL 250).
Thực sự Đức Phanxicô nghĩ gì về đồng tính
Một vài điểm làm nổi bật từ những lời Đức Phanxicô liên tiếp lặp đi lặp lại hoặc ngài làm cho thấy bản chất đòi hỏi triệt để của Tin Mừng về tình yêu cho người anh em. Trước hết, việc trực tiếp khơi dậy chủ đề đồng tính và kỳ thị đồng tính đặt ngài ở bên cạnh họ và gia đình của họ. Do đó, ngài bảo vệ những người mong manh nhất, những nạn nhân trẻ tuổi của những lời bình luận kỳ thị đồng tính gây ra hận thù và bạo lực. Tin Mừng là dành cho họ, cho cuộc sống của họ.
Thoát khỏi sự bế tắc của im lặng
Từ sự việc này, ngài đưa ra ví dụ về quyền tự do lên thế giới, mời gọi chúng ta phá vỡ sự bế tắc của im lặng. Những đau khổ đầu tiên nảy sinh từ điều cấm kỵ sẽ không được tồn tại trong gia đình cũng như trong cộng đồng kitô giáo. Gần đây ngài nhắc chúng ta: “Tất cả chúng ta đều là con Chúa. Và chúng ta như thế nào thì được Chúa yêu thương như thế đó.”
Ngài mời gọi chúng ta từ bỏ mọi cám dỗ phán xét, thay vào đó là thái độ lắng nghe con người thật của họ… không quy về những gì họ làm. Vì thế trước hết, ngài khuyên chúng ta có thái độ của Chúa Giêsu, Đấng “nhìn những người Ngài gặp với tình yêu và sự dịu dàng, đồng hành với họ bằng sự chân thật, kiên nhẫn và thương xót, đồng thời loan báo những đòi hỏi của Nước Chúa” (AL 60).
Đồng hành với mọi người
Đức Phanxicô muốn chúng ta đồng hành với mọi người, bước đi với họ, hỗ trợ họ để họ tìm ra câu trả lời cho chính họ. Thông qua các tuyên bố liên tiếp của mình, theo các yêu cầu hoặc theo các thượng hội đồng, Đức Phanxicô đưa ra con đường mà Giáo hội công giáo phải thực hiện. Ý thức rằng chứng kỳ thị đồng tính sẽ không dễ dàng biến mất khỏi xã hội và thậm chí nó có thể nuôi dưỡng bằng các biện pháp tìm cách chống lại, ngài mời gọi Giáo hội công giáo đơn giản góp phần bảo vệ mọi người.
Người công giáo đồng tính: “Giáo hội phải đón nhận tất cả con cái của mình”
Đức Phanxicô không phải không biết về các hệ tư tưởng hoặc sự thái quá của chúng, vì thế với quyết tâm kiên quyết, ngài tiếp tục khởi đi từ thực tế kinh nghiệm sống, nhất là nơi những người trẻ, họ bị gia đình ném ra đường, bị sỉ nhục trong lớp học hoặc trong môi trường thể thao vì họ đồng tính. Để mỗi người được tôn trọng trong đặc trưng của họ, được tạo nên từ sự phong phú và phức tạp, thì việc hình thành lương tâm là điều cấp bách. Vấn đề cũng là vấn đề loan báo Tin Mừng, sao cho các tín hữu của Chúa Kitô bị kẹt “trong những lời thuần túy lý thuyết tách rời khỏi các vấn đề thực tế của người dân” (Thượng Hội đồng giám mục 2014, n. 32).
Chống kỳ thị đồng tính
Cuối cùng, ngài lên án các quốc gia lên án người đồng tính chỉ vì họ là người đồng tính: “Việc hình sự hóa đồng tính là vấn đề chúng ta không được bỏ qua.” Ngài đặc biệt nhấn mạnh khía cạnh này trong cuộc phỏng vấn gần đây:” Đồng tính không phải là tội ác. Đó không phải là một tội ác… đó là thân phận con người.” Hơn nữa, ngài mong Giáo hội công giáo góp phần vào việc bãi bỏ các luật phân biệt đối xử này: “Đúng, đúng, đúng, Giáo hội phải như vậy và phải làm như vậy.”
Đức Phanxicô: ‘Đồng tính không phải là một tội ác’
Vào thời điểm mà các quốc gia đang thắt chặt luật pháp của họ trong lãnh vực này, Đức Phanxicô tìm cách làm cho xác tín này được biết đến và dễ tiếp cận: trước bất kỳ sự cân nhắc nào khác, điều cần thiết là phải chống lại sự kỳ thị đồng tính. Giống như bất cứ hình thức hận thù nào, nó hủy diệt và gieo rắc điều ác. Điều khẩn cấp là phải nói về nó một cách đơn giản… như Đức Phanxicô.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Giáo hoàng và người đồng tính