Biện hộ cho sự ổn định của các linh mục
Vì sao Giáo hội luôn thuyên chuyển các linh mục? Linh mục François Dedieu ở Hauts-de-Seine, Pháp, lấy làm tiếc về sự thuyên chuyển không ngừng của các linh mục. Cha nghĩ một thói quen xấu có những hậu quả có hại.
Bài phỏng vấn.
Linh mục François Dedieu phân tích: “Trong giáo xứ, chúng ta có thể làm việc liên tục trong chừng mực linh mục ổn định không sống dựa vào thành tích của mình và tiếp tục tìm cách làm theo ý Chúa Thánh Thần”.
famillechretienne.fr, Benjamin Coste, 2023-02-05
Trong quyển sách Cha xứ với thời gian không xác định (Curé à durée indéterminée), cha cho rằng ở thời điểm các bổ nhiệm, sự ổn định là quy tắc cho một linh mục quản xứ. Tuy nhiên, các linh mục lại thuyên chuyển theo một khoảng thời gian đều đặn. Làm sao chúng ta lại ở trong tình trạng này?
Linh mục François Dedieu. Tiến trình thuyên chuyển thay đổi theo các giáo phận. Trong một số giáo phận, truyền thống có từ những năm 1950-1960. Ở những nơi khác, truyền thống có trước Công đồng Vatican II, có những linh mục được gọi là “có thể thuyên chuyển”, và có những linh mục được cho là “không thể thuyên chuyển”. Công đồng loại bỏ hai loại này. Công đồng nhắc linh mục quản xứ phải ổn định, nhưng đồng thời trao nhiều cơ hội hơn để các giám mục bổ nhiệm họ ở các giáo xứ khác. Vì thế công đồng Vatican II bảo vệ sự ổn định của linh mục quản xứ, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc thuyên chuyển. Tuy nhiên, dần dần, lựa chọn thứ hai được ưu tiên hơn. Vì thế, ngày nay, một linh mục quản xứ thường được chỉ định phục vụ sáu năm ở một giáo xứ. Ở giáo phận Nanterre của tôi, cũng như ở những nơi khác, thời hạn này có thể được kéo dài thêm ba năm hai lần.
Nhiều năm suy nghĩ
Linh mục François Dedieu là cha xứ của giáo xứ Saint-Urbain-Sainte-Marie ở La Garenne-Colombes (Hauts-de-Seine) từ năm 2011. Cha cũng là linh mục được giới thiệu cho các Đơn vị Truyền giáo Giáo xứ tại Pháp. Câu hỏi về sự ổn định của linh mục quản xứ đã làm cha suy nghĩ trong nhiều năm. Cha đào sâu đề tài này trong luận văn thạc sĩ về thần học mục vụ năm 2021, luận văn này là nội dung cho quyển sách của cha.
Quyển sách của cha có nhằm mục đích thay đổi thực hành này không?
Một số người có thể nghĩ tôi bảo vệ một luận án, một ý tưởng độc đáo và cá nhân. Nhưng không phải, công việc của tôi là để hiểu vì sao Giáo hội yêu cầu sự ổn định của các linh mục. Đối với hầu hết các giám mục, linh mục và tín hữu, ngày nay không thể làm khác được. Vì lý do đơn giản là chúng tôi đã “luôn” làm theo cách này…
Ngay cả khi Giáo hội nói đến “ổn định”, khái niệm này được hiểu trong khuôn khổ các quy tắc mà chúng ta đã tự đặt ra: sáu năm, chín năm, tối đa là mười hai năm. Nhưng đó không phải là điều Giáo hội muốn nói khi nói về sự ổn định. Năm 2020, trong một tài liệu bộ Giáo sĩ đã nhắc lại, sự ổn định của các linh mục vẫn là quy tắc. Văn bản này có lẽ không đủ tiếng vang…
Theo cha, thực hành này đặt ra vấn đề nào?
Thực hành này đã phá vỡ một cái gì đó từ giáo triều. Linh mục không còn xuất hiện như người được giao cho giáo xứ, nhưng như một hiện diện trong cộng đồng trong một thời gian. Khi làm như vậy, sự thiếu ổn định sẽ “giáo sĩ hóa”. Thay vì có một linh mục được trao cho cộng đồng, là một thành viên trọn vẹn cho giáo xứ, các linh mục đến và đi đều đặn theo nhiệm kỳ. Họ trở thành những người có thể hoán đổi nhau; cộng đồng không còn hiệp nhất với mục tử của mình. Vì thế, năng lực tăng trưởng về số lượng và về sự thánh thiện có thể bị phá vỡ. Chưa kể những linh mục đuối sức khi phải làm lại từ đầu, lần thứ ba, thứ tư… Cũng vậy, khi đến cuối nhiệm kỳ, họ không còn thì giờ để đưa ra một sáng kiến nào, vì biết mình sắp đi. Và như thế thì sự tăng trưởng cộng đồng bị ảnh hưởng. Cuối cùng sự ra đi của linh mục quản xứ gây bất ổn lâu dài cho giáo xứ, trung bình hai năm, dù cho người kế vị ở trong đường lối của cha xứ cũ.
Việc luân chuyển các linh mục như thế này nói lên điều gì về sự thấu hiểu về sứ mệnh của họ?
Tôi nghĩ khái niệm cha xứ đã bị mất. Chúng ta biến cha xứ thành quản trị viên cho một giáo xứ trong một thời gian nào đó. Tuy nhiên, cha xứ lại là người thay thế vị trí của giám mục trong giáo xứ. Giống như giám mục, cha xứ là mục tử, là người phối ngẫu, người cha của giáo xứ mình. Nếu may mắn, cha xứ sẽ được các linh mục khác giúp trong công việc mục vụ, nhưng cuối cùng, chính cha xứ mới là người hiến thân hoàn toàn và cộng đồng không mắc nợ gì cha. Như người chồng được trao cho vợ. Linh mục là hình ảnh người cha mà chúng ta trở nên gắn bó, ngay cả đôi khi chiều kích con người này thật đáng sợ trong Giáo hội. Chúng ta thường nghe cha xứ phải là người gần gũi với mọi người, nhưng lại sợ cộng đồng của cha sẽ mang “màu” của cha quá nhiều. Nếu cha xứ có sức lôi cuốn, giáo xứ của cha có trở nên quá lôi cuốn không? Tất nhiên là có thể, nhưng đó có phải là vấn đề không?
Đâu là khác biệt giữa ổn định và lâu bền?
Một cha xứ được bổ nhiệm ổn định trong một giáo xứ không phải là bổ nhiệm mãi mãi. Điều này có nghĩa là, về nguyên tắc, cha biết cha có thể tiến triển trong sứ mệnh của mình một cách thanh thản. Có hai lý do có thể dẫn đến việc một mục tử bị rút ra khỏi giáo xứ của mình: luật của Giáo hội quy định rằng mục tử bị cách chức trong trường hợp có vấn đề nghiêm trọng. Luật cũng quy định, linh mục có thể được thuyên chuyển, chẳng hạn nếu nhận thấy một linh mục quản xứ không còn đủ sức để quản lý một giáo xứ lớn.
Cha viết “sự ổn định của các linh mục là chìa khóa cho sự đổi mới truyền giáo của các giáo xứ”? Ý của cha là gì?
Đức Phanxicô hết sức mong muốn việc đổi mới truyền giáo tại các giáo xứ. Kể từ đầu triều, ngài luôn lặp lại điều này. Về chủ đề này, tôi nhận thấy các cha xứ khao khát sự ổn định, phần lớn họ đã sống kinh nghiệm mục vụ hoán cải và truyền giáo với giáo xứ của họ. Một mối liên kết rất bền chặt thường được tạo ra giữa cộng đoàn và linh mục. Vì sự hoán cải mục vụ mà Đức Phanxicô mong muốn cho các giáo xứ, vì thế chúng ta cần các mục tử được trao ban hoàn toàn và cộng đồng không nợ gì họ, như Chúa Kitô được trao ban cho Giáo hội. Tôi nghĩ sự ổn định là con đường giúp thực hiện được việc này. Chúng ta có thể làm việc liên tục trong chừng mực người mục tử ổn định không sống dựa vào thành tích và tiếp tục tìm cách làm theo ý Chúa Thánh Thần, năm này qua năm khác. Đó là chấp nhận trong lòng, cùng nhau, các linh mục cũng như giáo dân.
Ở giáo xứ Hauts-de-Seine của tôi, hiện nay có những buổi cầu nguyện từng nhà, những buổi truyền giáo trên đường phố, những buổi cầu nguyện chữa lành mới được thiết lập (tôi vừa được chữa lành nhờ lời cầu nguyện của hai giáo dân!). Năm vừa qua, trong đêm Vọng Phục Sinh, chúng tôi làm phép rửa tội bằng cách dìm xuống nước. Rất nhiều điều tôi đã không hình dung được tôi đã làm trong mười năm linh mục của tôi. Và không biết Chúa Thánh Thần đã hoạch định điều gì cho chúng ta trong giáo xứ trong tương lai! Nhưng tôi sẵn sàng thuyên chuyển, thuyên chuyển trong xác tín, trong thói quen của tôi nếu tôi được Chúa Thánh Thần dẫn dắt. Vì cuối cùng, sự thay đổi chúng ta muốn sống, đó là gắn bó với Chúa Kitô và Tin Mừng của Ngài ngày càng mạnh hơn.
Vào thời điểm diễn ra Thượng hội đồng về tính đồng nghị, có phải chúng ta để một chỗ quan trọng cho chỗ đứng và vai trò của cha xứ hơn là nói về sự ổn định của họ?
Tính đồng nghị không có nghĩa là quan tâm đến ý tưởng của nhau. Nếu hiểu sai, như các kết quả đầu tiên cho thấy, các công việc về tính đồng nghị có thể mang lại như một loại sổ ghi chép những lời phàn nàn… Theo tôi, việc tập trung vào những gì Chúa Thánh Thần đã đặt vào trái tim của người khác để Giáo hội tăng trưởng có vẻ phù hợp hơn. Vì thế, tính đồng nghị có nghĩa là chúng ta cùng tập hợp lại với nhau để lắng nghe Chúa Thánh Thần, Đấng mà tất cả chúng ta đã lãnh nhận qua phép rửa tội và qua phép thêm sức. Như thế, tôi nghĩ sự ổn định của linh mục cho phép tính đồng nghị. Trong quyển sách của tôi, tôi so sánh linh mục với người nhạc trưởng. Ông không làm tất cả. Mỗi nhạc sĩ phải chơi phần của mình sao cho toàn dàn nhạc cùng cộng hưởng. Tính đồng nghị bắt nguồn từ sự phân phối công bằng các nhiệm vụ này. Về phần mình, linh mục phải thành công trong việc làm nổi bật đặc sủng của mỗi người. Tôi nghĩ, đây là một trong những nhiệm vụ thiết yếu của linh mục. Nhưng việc phân định các đặc sủng vì lợi ích của cộng đồng cần có thời gian!
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch