Tại Nam Sudan, Đức Phanxicô gặp các các người tị nạn

45

 Tại Nam Sudan, Đức Phanxicô gặp các các người tị nạn

Chiều thứ bảy, 4 tháng 2, Đức Phanxicô đã gặp 2.500 người di cư nội địa ở Juba, nơi mà cứ hai người thì có một người phải rời bỏ quê hương vì lũ lụt hoặc chiến tranh. Ngài khuyến khích họ tham gia tích cực vào công cuộc tái thiết đất nước.

-croix.com, Loup Besmond de Senneville, Juba, Nam Sudan, 2023-02-04

Đức Phanxicô gặp người di tản ở Juba, Nam Sudan tại Hội trường Tự do  chiều thứ bảy, 4 tháng 2. SIMON MAINA/AFP

Dưới chiếc lều lớn màu trắng của Hội trường Tự do, người phụ nữ ở trong số 2.500 người tị nạn, tất cả đều mặc áo t-shirt theo màu của người điều hành điện thoại địa phương và đội mũ lưỡi trai màu trắng. Bà Theresa, 40 tuổi, đến nghe Đức Phanxicô nói chuyện chiều nay. Trên đầu gối bà là quyển kinh thánh bìa màu xanh, bằng tiếng ả-rập và quyển Phúc âm của Thánh Mattêô đã mòn với thời gian. Bà sống mười năm nay trong một trại giáp ranh với Juba.

Đời sống trong trại “rất khó khăn”

Giống như 700 người di cư nội bộ khác từ Nam Sudan, bà đến Hội trường Tự do nghe Đức Phanxicô nói chuyện chiều nay. Bà rời trại số 3 trong vài giờ, nơi “cuộc sống rất khó khăn”, bà nói bằng tiếng ả-rập: “Khó khăn nhất là không đủ thức ăn. Và không có đủ chỗ để tắm rửa, hoặc đi vệ sinh. Với trẻ em là một cực hình. Teresa có 5 đứa con, từ 3 tuổi đến 16 tuổi. Tất cả đều sống trong trại với bà. Khi bà nói về các con, nụ cười bà tươi sáng lên trên khuôn mặt để lộ hàm răng hạnh phúc.

Xa xa đối diện bà là Đức Phanxicô đã vào chỗ ngồi cùng với tổng giám mục anh giáo Canterbury, Justin Welby, và Nhà lãnh đạo Giáo hội Scotland, Iain Greenshields được mọi người chào đón tứ phía. Đức Phanxicô nói với họ: “Tôi đã nghĩ đến anh chị em từ lâu, tôi mang trong tim tôi niềm khao khát được gặp anh chị em, được nhìn vào mắt anh chị em, được bắt tay và ôm anh chị em. Tôi ở bên anh chị em, tôi đau khổ vì anh chị em và với anh chị em.” Ngay từ đầu, trong chương trình Đức Phanxicô đã dự trù đi thăm họ.

“Hạt giống của một Nam Sudan mới là anh chị em”

Đức Phanxicô, ngày hôm qua đã có những lời rất gay gắt chống lại các nhà lãnh đạo đất nước tại dinh Tổng thống, nhưng hôm nay thái độ của ngài thay đổi hoàn toàn khi ngài đối diện với những người ngài đang nói chuyện, thậm chí ngài còn đi xa khi nói đến sự cần thiết của một “Nam Sudan mới”, trong một quốc gia chỉ mới chính thức thành lập cách đây chưa đầy mười lăm năm… “Hạt giống của một Nam Sudan mới là anh chị em; hạt giống cho sự phát triển màu mỡ và tươi tốt của đất nước là anh chị em.”

Đức Phanxicô tỏ ra thiếu kiên nhẫn khi nói trước các nhà lãnh đạo đất nước, ngài chỉ trích họ, nhưng với những người khốn khổ nhất của trái đất ở Nam Sudan, ngài có lời lẽ khác. Nghịch lý thay, với họ, ngài lại xin họ tái thiết đất nước: “Nếu xung đột, bạo lực và hận thù đã xé nát những trang đầu tiên của lịch sử ký ức tốt đẹp của nền Cộng hòa này, thì chính anh chị em là người viết nên lịch sử hòa bình!”. Ở Nam Sudan, một nửa dân số đã phải rời bỏ nhà cửa vì bạo lực hoặc lũ lụt.

“Đức Phanxicô, chúng con yêu mến ngài”

Em Joseph Lat Gatmai, 16 tuổi, ở trại Malakal nói chứng từ

Trước khi nói, Đức Phanxicô đã nghe ba lời chứng của ba người trẻ, tất cả đều là thiếu niên. Em Joseph hỏi: “Vì sao chúng con phải chịu đau khổ trong trại tị nạn này?”, em đã sống trong trại Bentu với cha mẹ từ năm 2015, em vào trại lúc 8 tuổi. Em nói: “Con không thích đời sống trong trại và con lo cho đời sống của con, đời sống của các bạn con trong tương lai. Nếu có hòa bình còn đã được ở lại nhà, con có một cuộc sống tốt hơn, một tuổi thơ tốt hơn.”

Em Nyakuor Rebecca ở trại Malakal nói chứng từ

Đến lượt Rebecca, em nói: “Chúng con biết cha là nhà lãnh đạo vĩ đại, vì cha bị đau đầu gối nhưng cha vẫn đến với chúng con để mang thông điệp hy vọng và hòa bình. Cha Phanxicô, chúng con yêu mến cha. Chúng con biết cha yêu trẻ con, cha luôn nói chúng con là quan trọng cho đất nước chúng con và cho Giáo hội. Chúng con cám ơn cha vì cha đã yêu Nam Sudan.”

Em Johnson Juma Alex, 14 tuổi ở trại Malakal nói chứng từ

Em nói: “Con sống trong trại với cha mẹ. Cha mẹ con không có việc làm nhưng chú của con gởi tiền giúp. Khi có tiền thì cha mẹ mua áo quần cho con. Con mong có hòa bình để có thể về nhà. Ở đây nhiều trẻ em không được đến trường vì không có đủ giáo viên và trường học cho tất cả học sinh. Con muốn có một tương lai tốt đẹp, nơi có hòa bình và trẻ em có thể đến trường. Cuộc sống ở đây không tốt nhưng con cám ơn Liên Hiệp Quốc vì họ đã bảo vệ và cung cấp lương thực cho chúng con.

Các vụ hiếp dâm tập thể có hệ thống

Trong bài phát biểu, Đức Phanxicô xin quan tâm đến phụ nữ trong nước. Ngài nhấn mạnh: “Các bà mẹ, phụ nữ là chìa khóa để chuyển hóa đất nước, nhưng tình trạng của phụ nữ và các em bé gái ở đất nước này thật đáng lo ngại.”

Một báo cáo được Liên Hiệp Quốc công bố vào tháng 8 năm 2022 cho thấy các vụ bạo lực tình dục đã gia tăng 200%. Liên Hiệp Quốc dẫn chứng cụ thể các trường hợp hiếp dâm tập thể, số lượng công việc vụ đã tăng “theo cấp số nhân”, trong đó có cả một bé gái 9 tuổi. Trong một báo cáo khác công bố vào tháng 11, Liên Hiệp Quốc đã ghi lại trường hợp của một quan chức địa phương do chính phủ bổ nhiệm ở bang Unity miền bắc, ông đã giám sát các vụ hãm hiếp tập thể có hệ thống “trong khuôn khổ của một cuộc tấn công tiêu thổ được lên kế hoạch kỹ lưỡng để chống lại người dân trong một khu vực bị xem là trung thành với phe chống đối”.

Đức Phanxicô van xin: “Tôi xin anh chị em, tôi xin tất cả người dân ở những vùng đất này rằng, phụ nữ phải được bảo vệ, tôn trọng, đánh giá cao và vinh danh. Xin anh chị em bảo vệ, tôn trọng, đánh giá cao và tôn vinh phụ nữ, trẻ em, bé gái, người trẻ, người lớn, người mẹ, người bà. Nếu không, anh chị em sẽ không có tương lai.”

Nhu cầu hòa bình ở Nam Sudan

Cách Theresa không xa là bà Régine, 46 tuổi, bà chăm chú lắng nghe. Bà sẽ nói gì khi trở lại nơi bà đã sống từ năm 2013 với 9 đứa con, 5 trai và 4 gái? Và bà nghĩ gì về người mặc áo trắng này, người vừa mới nói?`. Bà hy vọng: “Chúng tôi cần hòa bình ở Nam Sudan. Có lẽ ngài có thể giúp chúng tôi,” bà dang rộng hai tay đặt lên cánh tay bạn để hỗ trợ cho lời nói của mình: “Tôi muốn giáo hoàng nói với những người vĩ đại của đất nước này hãy làm hòa.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Những người di cư ở Malakal, Nam Sudan chờ Đức Phanxicô

Chiều thứ bảy 4 tháng 2, Đức Phanxicô gặp những người tản cư trong nước tại Hội trường Tự do.

 Cảnh đau thương trong các trại.