Sử gia Tangi Cavalin: “Anh em linh mục Philippe biết cách xây dựng lại bản thân dù đã bị lên án”

187

Sử gia Tangi Cavalin: “Anh em linh mục Philippe biết cách xây dựng lại bản thân dù đã bị lên án”

Trong quyển sách “Vụ việc. Các tu sĩ Dòng Đa Minh đối diện với vụ tai tiếng của anh em linh mục Phillipe” (L’Affaire. Les dominicains face au scandale des frères Philippe. nxb. Cerf), nhà sử học Tangi Cavalin mổ xẻ cơ chế đã cho phép hai anh em linh mục Marie-Dominique và Thomas Philippe phát triển toàn bộ hệ thống kiểm soát và bạo lực tình dục ngay tại trung tâm Giáo hội công giáo. Báo La Vie xem lại công việc điều tra này.

lavie.fr, Marie-Lucile Kubacki, 2023-01-30

Hai anh em linh mục Marie-Dominique và Thomas Philippe. 

Báo cáo của ông bắt đầu bằng một loạt gom lại các câu chuyện của phụ nữ… Vì sao?

 Sử gia Tangi Cavalin. Đó là một lựa chọn. Mục đích công việc của tôi là nói đến trách nhiệm của Dòng Đa Minh, nhưng không phải chỉ nói đến các ông mà không nói đến phụ nữ. Để hiểu rõ sự việc, chính xác là phải thay đổi trọng tâm, đặt mình ở vị trí các cá nhân, của phụ nữ, vì họ là nạn nhân, và họ là những người đầu tiên báo động. Tôi không muốn ai quên công việc này. Một lý do khác là khi những lời khai đầu tiên được đưa ra, người ta đã cố gắng làm mất uy tín tiếng nói của các phụ nữ này, bằng cách gọi họ là những người điên loạn, cuồng hoảng, cuồng dâm, dùng thuật ngữ tâm lý để bác bỏ lời nói của họ. Tôi muốn đưa ra cho thấy, trong nhiều năm, các phụ nữ này đã mô tả các sự kiện tương tự và không biết cách để làm cho lời khai của họ có uy tín, ngược lại phác họa kiểu dùng sai các thuật ngữ tâm lý trong Giáo hội. Khi các phụ nữ này muốn làm chứng, họ phải chịu một nỗi đau gấp đôi: đau khổ vì bị phớt lờ và bị phủ nhận bằng cách bêu xấu sức khỏe tâm thần của họ.

Chính xác điểm chung trong các lời chứng này là gì?

Có một cái gì đó rất đặc biệt về các hoạt động tình dục của hai anh em linh mục Philippe và những người nắm giữ sự việc trong Dòng của họ. Thomas và Marie-Dominique Philippe không phải là tội phạm ấu dâm, nhưng không có nghĩa những gì họ gây ra không dẫn đến các hiện tượng phạm tội ấu dâm đặc biệt nơi các tu sĩ dòng Thánh Gioan, nhưng với họ, đây là những hành vi không để dương vật vào âm đạo nên các thủ phạm cho rằng họ không vi phạm lời khấn dòng. Ngoài ra, họ ở trong một logic khai tâm. Họ không quan tâm đến bất kỳ phụ nữ nào. Tất cả các nạn nhân của họ đều có thiện ý mạnh hướng tới ơn gọi chiêm niệm, dù họ là nữ tu hay giáo dân – có nhiều người sống đời chiêm niệm. Các linh mục này thống trị trên những phụ nữ sẵn sàng đồng ý, qua tinh thần im lặng của họ, qua chiêm niệm sâu sắc của họ, đối với sự phủ nhận mà họ luôn cố gắng thực hiện. Những phụ nữ này vẫn còn kể, không có khoảnh khắc nào dành cho thông điệp thần bí và khoảnh khắc nào dành cho tình dục.

Điều đó có nghĩa là?

Khi các hành vi tình dục bắt đầu, chúng bị phủ nhận để được xem đó là khoảnh khắc đạt được hành động thần bí. Trọng tâm của cái mà linh mục Thomas Philippe gọi là “bí mật” của mình, bí mật được Đức Trinh Nữ tiết lộ cho ông, đó là niềm vui tình dục được dành riêng cho một số ít người có khả năng hiểu rằng quan hệ tình dục không phải vậy, và đây thực sự là những mối quan hệ thần bí. Một trong những nạn nhân là bà Madeleine Guéroult, bà giải thích đã có lúc bà bị mất phương hướng với những điều kiện này đến mức chóng mặt, vì Thomas Philippe nói với bà “những điều thật dẫn đến những điều sai”. Trích dẫn này là hoàn hảo để xác nhận những gì xảy ra tại hiện trường tội ác.

Ông đề cập đến các thực hành không để dương vật vào, nhưng  ít nhất có một ngoại lệ. Thực tế, một “người được khai tâm” của Thomas Philippe có thai…

Thật vậy và hơn thế nữa, khi đó ông hoàn toàn quẫn trí vì ông nghĩ Đức Trinh Nữ làm sao để ‘hạt giống’ của ông không thể sinh con vì đó là quan hệ thần bí. Một trong những người ông khai tâm, một bác sĩ, sau đó phải phá thai. Đứa trẻ chết khi sinh được tôn kính giống như một thánh tích: việc phủ nhận thực tế tiếp tục và thậm chí còn làm các môn đệ của Thomas Philippe gắn bó hơn nữa chung quanh bí mật này.

Vai trò của gia đình trong vụ này là gì vì ngoài hai anh em linh mục, một chị là nữ tu Cécile de Jésus, cũng bị Văn phòng Tòa thánh trừng phạt vì những hành vi lạm dụng, cũng như người cậu của họ là tu sĩ Dòng Đa Minh Thomas Dehau được xem như người khởi xướng?

Theo tôi, điều rất quan trọng là không nên đổ lỗi cho nguồn gốc gia đình, thuộc về các gia đình mà chúng ta gọi là “các đại gia đình miền Bắc”. Ngay cả trong anh chị em nhà Philippe, một số người cũng có cái nhìn rất phê phán với hai anh em linh mục Thomas và Marie-Dominique khi phát hiện ra hành động của họ. Điều đáng ngạc nhiên là gốc rễ của sự lệch lạc thần bí này ở trong bối cảnh gọi là ngày tận thế, đó là cảnh các ông bà nội-ngoại của họ đi hưởng tuần trăng mật vào thời điểm các Quốc gia Giáo hoàng sụp đổ ở Rôma năm 1870. Họ có ấn tượng, đó là tận thế và hôn nhân của họ kết hợp một hiệp ước rõ ràng: người ông đồng ý với vợ để cùng sát cánh bảo vệ đạo công giáo bằng mọi giá đang bị tấn công từ mọi phía. Họ rời thành phố Lille về ở vùng nông thôn với dự án thành lập một xã hội công giáo, được củng cố bởi một hoang tưởng phong kiến. Gia đình, theo mô hình lãnh chúa này trở thành người bảo vệ tôn giáo. Sau này đường hướng này được hai anh em Philippe áp dụng dưới hình thức ngày càng thần bí và không thể tiếp cận được, trong đó dấn thân tôn giáo là cách để dời đến một vùng đất khác với vùng đất của các ông bà nội-ngoại trong cùng một trận chiến đấu tranh không khoan nhượng chống lại thế giới hiện đại. Tuy nhiên, không phải tất cả các hậu duệ của họ đều theo mô hình này.

Đặc tính mối liên hệ của hai anh em với Dòng Đa Minh là gì? Có phải Dòng chỉ là vỏ bọc cho họ?

Rõ ràng là không, nhưng điều này đặt cho chúng ta câu hỏi: vai trò của Dòng trong câu chuyện này. Khi họ vào Dòng thì cậu của họ đã ở trong Dòng từ cuối thế kỷ 19, ông nổi tiếng là tu sĩ thiêng liêng cao cả, ngay lập tức họ được xem là những người con gương mẫu của Thánh Đa Minh. Bản thân Thomas và Marie-Dominique tự xem mình như tu sĩ Đa Minh trước khi vào Dòng vì họ được người cậu giáo dục suốt thời niên thiếu. Dòng luôn nhìn thấy họ có ơn gọi lý tưởng, đảm bảo việc thăng tiến của họ cho đến những năm 1950, Dòng đã không đủ nhận thức để thấy đây là vấn đề trong cách họ là tu sĩ Dòng, nhưng họ không có khả năng suy nghĩ khi quan hệ với các anh em khác, để mình được các anh em khác sửa chữa như thông lệ trong đời sống tu trì. Hai anh em đã không thể lợi dụng Dòng nếu người có trách nhiệm trong Dòng không lợi dụng họ.

Làm thế nào lịch sử tỉnh dòng và cuộc khủng hoảng Saulchoir năm 1942 đóng một vai trò quan trọng như vậy?

Khi anh em Philipphe vào Tỉnh dòng Pháp, thì Tỉnh dòng bị chia rẽ và bị Rôma nghi ngờ. Không có sự hợp nhất chung quanh linh mục quản lý Marie-Dominique Chenu (năm 1942, linh mục phải rời khỏi chức vụ quản lý Saulchoir khi Tỉnh dòng được tiếp quản bởi xu hướng “chính thống” hơn, trong đó có linh mục Thomas Philippe trở thành người đại diện). Cho đến năm 1942, vai trò của họ trong Tỉnh Dòng không đáng kể, sau đó họ tham gia vào cuộc thanh trừng, bắt đầu băng cách cực đoan hóa các hành động, lấy lý do ‘được’ Đức Trinh Nữ trực tiếp cảm hứng, họ có được hình ảnh người tu sĩ hoàn toàn trung thành với các hướng dẫn chính thống của Thánh bộ Đức tin. Từ đó họ có ảnh hưởng trên các thể chế và sự lật đổ họ có thể ghép vào các vấn đề rộng lớn hơn của học thuyết. Cả hai xuất hiện như một phần của cuộc đấu tranh về giáo lý. Họ đã không phát động ra cuộc đấu tranh này, được tiến hành từ trước chiến tranh bởi những người tiếp tục thấy sự dấy lên lại khắp nơi cuộc khủng hoảng chủ nghĩa hiện đại vào đầu thế kỷ, nhưng họ đầu tư nó để thúc đẩy xác tín của họ về Dòng Đa Minh nên như thế nào trong thế giới hiện đại. Đó là nơi người ta thấy mối liên hệ tổ tiên với dự án tố cáo triệt để tính hiện đại của các ông bà của họ. Họ chiến đấu chống lại tất cả những gì nơi tu sĩ Dòng Đa Minh có vẻ như bị hư hỏng vì tính hiện đại.

Dòng Đa Minh nhờ ông thiết lập trách nhiệm của Dòng. Ông đi đến kết luận nào?

Sử gia không phải là quan tòa. Những gì người sử gia có thể mang lại, đó là cái nhìn từ bên ngoài, thông qua cách tiếp cận lâu dài trong mục đích hiểu biết. Trong thời hiện đại, hơn là trong quá khứ, đi tu không phải là con đường dẫn đến thành công xã hội. Không ai bắt phải vào dòng. Đó là một chọn lựa cực kỳ đòi hỏi phải cống hiến hết mình. Do đó tin tưởng vào các thể chế để giao nguyện vọng của mình, đó là điều thiết yếu. Vậy mà hai anh em linh mục Philippe, nhờ địa vị đáng kính của mình, nhờ danh tiếng là những thần học gia vĩ đại của Dòng Đa Minh đã không ngừng lợi dụng sự tin tưởng này. Trong trường hợp này, điều chúng ta hối tiếc là ở tất cả các cấp, các thể chế đã không đảm bảo được sự tin tưởng cần thiết cho một cuộc sống theo lý tưởng của tình anh em. Và đã làm cho lạm dụng tình dục có đất hành động. Các quy tắc dòng tu và nghệ thuật cai trị của các người có trách nhiệm có vai trò ngăn chặn những rối loạn như vậy. Các quyền hạn đã không hoạt động.

Nhưng như ông cho thấy, hai anh em linh mục Thomas và Marie-Dominique đã là những bậc thầy trong nghệ thuật ứng xử với quyền lực, họ lên hết chức này đến chức khác ở Rôma, ở Pháp…

Hoàn toàn đúng. Một cách nào đó, họ đã nắm quyền kiểm soát cơ quan điều hành Dòng của họ, nhờ danh tiếng, nhờ sự hỗ trợ, nhờ kiến thức cao của họ trong việc điều hành các cơ sở. Họ đã xoay xở để tồn tại trong nhiều năm sau khi bị Tòa thánh kết án, họ biết khéo léo đánh vào sự chia rẽ nội bộ của Dòng và Giáo hội. Việc lật ngược ván cờ trong một thời gian dài không phải là công việc dễ dàng cho bất cứ một tu sĩ nào. Ở đây quá trình xã hội hóa trước đây của họ phát huy hết tác dụng: được người cậu tu Dòng Đa Minh huấn luyện từ nhỏ, họ biết phải làm gì để đạt được mục đích của mình. Mặt khác, họ luôn hỗ trợ nhau: tuy nhiên, nếu khó tưởng tượng ra một tu sĩ có uy tín lớn như Thomas Philippe lại theo đuổi những âm mưu trái ngược với luân lý công giáo, thì làm sao hình dung được chính người anh, người chị, người cậu của mình lại ủng hộ mình?

Dù sao làm thế nào để giải thích vụ này lại kéo dài hơn nửa thế kỷ?

Điều cần thiết là khả năng tái tạo lại bản thân của họ bất chấp những lời chỉ trích. Sự lên án, không hề làm cho Thomas tự nhủ mình đã phạm sai lầm, mà củng cố ý tưởng mình phải đi xa hơn, chìm vào bí mật và làm lại một dự án khác ở một nơi khác, “tác phẩm nghệ thuật” của mình. Nhóm nhỏ của họ tin chắc mình đã nắm chân lý cho Giáo hội đến mức họ phải bắt đầu lại, nhưng ở một nơi ít lộ liễu hơn, xa các quy định của Dòng và Giáo hội. Còn tại Nhà Arche, xa các tu viện Đa Minh, nhưng vẫn là người của Dòng, Thomas Philippe tái tạo lại mình theo mô hình gợi lên hình ảnh Tin Mừng của người nghèo giữa người nghèo, người nhỏ bé giữa những người nhỏ bé. Ông trở thành người không thể nghi ngờ.

Ông nói về cách Thomas Philippe tái tạo lại con người mình. Còn Marie-Dominique Philippe thì sao?

 Trường hợp của ông này thì khác, vì bản án năm 1957 của ông không được biết đến, ông không phải tái tạo lại thành một nhân vật khác. Thậm chí ông còn được phục hồi nhờ linh mục Tổng quyền Dòng năm 1959, người chịu trách nhiệm thực sự, vì linh mục Tổng quyền làm mọi cách để bản án được nhẹ và sau đó làm sao để không ai thấy. Kết quả là danh tiếng của Marie-Dominique Philippe càng nổi lên. Thật ra, để che giấu bản án của ông, vì nếu biết được, ông sẽ không còn được dạy về khoa thiêng liêng, linh mục Tổng quyền cho biết ngài cần ông làm cố vấn đặc biệt. Có một ý thức muốn che giấu hình phạt, dù trong nội bộ. Ngay cả Tỉnh dòng Pháp cũng không biết, với lý do để bảo vệ người canh giữ học thuyết. Những vấn đề ý thức hệ luôn là nguồn lực rất mạnh cho anh em Philippe, họ tự khẳng định mình là những người ủng hộ tính chính thống và một hình thức nào đó của đời sống theo truyền thống. Marie-Dominique Philippe áp dụng những quan điểm này trong việc thành lập cộng đồng Thánh Gioan, không phải một cộng đồng mới như các cộng đồng khác, vì cộng đồng này không những thể hiện dưới vẻ ngoài cổ điển trong thần học mà còn trong sự phân chia vai trò giữa các linh mục và nữ tu, người này chiêm niệm, người kia làm việc tông đồ.

Và trong bối cảnh này, căng thẳng với Rôma có thể là một biện pháp để bảo vệ, trở thành một loại huân chương danh dự…

Đúng vậy, mối quan hệ với Rôma thường xuyên làm rối mù các quân bài và làm chập mạch các quyền lực nội bộ của Dòng. Đối với thế hệ Đa Minh năm 1968 được xây dựng trong việc từ chối nhiều biện pháp trừng phạt trong những năm 1950-1960, điều này giúp cho Thomas Philippe xuất hiện trong tư cách là nạn nhân của Vatican, tạo ra sự mơ hồ. Sau đó, dưới thời Đức Gioan Phaolô II, Marie-Dominique Philippe luôn biết cách làm nổi bật sự gần gũi của mình với giáo hoàng để làm tê liệt các quyền lực giáo sĩ đang tìm cách giành lại quyền kiểm soát trên ông. Cả hai đều biết cách làm cho mình không bị nghi ngờ và khó nắm bắt. Nạn nhân của họ phải chịu những tác động khủng khiếp.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Trường hợp của ông Jean Vanier và anh em linh mục Philippe: gốc rễ của mù quáng