Hồng y Porras: “Họ đang tìm một tân giáo hoàng sẽ đảo ngược cải cách của Đức Phanxicô”

164

Hồng y Porras: “Họ đang tìm một tân giáo hoàng sẽ đảo ngược cải cách của Đức Phanxicô”

Cuộc phỏng vấn độc quyền với hồng y Venezuela Baltazar Porras, tân tổng giám mục giáo phận Caracas để trả lời các cuộc tấn công vào giáo hoàng: “Họ đang tìm một tân giáo hoàng, người sẽ đảo ngược cải cách của Đức Phanxicô”

religiondigital.org, Jose Lorenzo, 2023-01-17

Hồng y Baltazar Porras, giáo phận Caracas, Venezuela

Tổng giám mục Porras: “Các hồng y Pell, Müller và những người khác nghĩ rằng họ là những người nắm giữ sự thật, vượt lên trên thiện, ác và không chấp nhận bất kỳ một lập luận nào chống lại những gì họ nghĩ. Rất khó để các nhóm quyền lực của thế giới thứ nhất thấy mình bị lãnh đạo bởi một người không đại diện cho những gì là của họ, của nguồn gốc và khả năng giảng dạy đức tin của họ, nhưng người đó có một hành trang trí tuệ và tinh thần mạnh mẽ thì người này phải bị loại, người này bị cho là thấp kém hơn so với những suy nghĩ và hành động truyền thống của Giáo hội.”

“Đức Phanxicô, với tinh thần của lòng thương xót, ngài không đóng cửa trước những người chỉ trích ngài, ngược lại, tôi biết ngài gọi điện thoại hoặc nói chuyện riêng với họ”

“Linh đạo Dòng Tên mạnh mẽ của giáo hoàng Bergoglio là lá chắn tốt nhất và là bằng chứng tử đạo mà Đức Phanxicô mang lại cho chúng ta, không chút cay đắng, nhưng với niềm vui và hy vọng mà ân sủng mà ơn chức phận mang lại”

Hồng y Baltazar Porras đã biết Jorge Mario Bergoglio kể từ Thượng hội đồng Hoa Kỳ năm 1997. Tình bạn giữa hai người với hồng y Pironio đã đưa hai người đến với nhau và theo thời gian, họ đã xây được một tình bạn phát triển nhờ các nhiệm vụ chung tại Hội đồng Giám mục Châu Mỹ Latinh (CELAM) trong vai trò chủ tịch Hội đồng Giám mục các quốc gia của họ, và trong công việc, trong các cuộc tranh luận và suy tư của Hội nghị Aparecida CELAM năm 2007.

Một hợp tác còn gần gũi hơn kể từ khi hồng y Bergoglio được bầu làm người kế vị Thánh Phêrô, như đã cho thấy, ngày 17 tháng 1, hồng y Porras được bổ nhiệm làm tổng giám mục giáo phận Caracas (trước đây ngài là tổng giám mục giáo phận Mérida) và ngài sẽ phải đối phó với tổng thống Nicolás Maduro.

Hồng y Baltazar Porras, giáo phận Caracas, Venezuela

Chỉ vài giờ trước đó, hồng y Porras có cuộc phỏng vấn với trang Religión Digital, ngài bảo vệ giáo hoàng trước các tấn công và cạm bẫy trong những ngày gần đây. Theo hồng y Porras, họ là “những người pharisêu đội lốt chiên đang tìm một giáo hoàng mới để đảo ngược cuộc cải cách Đức Phanxicô đã thực hiện.”

Năm mới đến mang những vụ tai tiếng mới đến Vatican, với những quyển sách và bản ghi nhớ công khai chỉ trích Đức Phanxicô và triều giáo hoàng của ngài. Không ít người cảm thấy bối rối trước tình huống này. xin cha cho biết chuyện gì đang xảy ra?

Hồng y Baltazar Porras. Một trong những đặc điểm của sự thay đổi thời đại là sự mất lòng tin và mất uy tín của tất cả các thể chế và những người có trách nhiệm thể chế. Triều giáo hoàng Phanxicô đã cách mạng hóa nhận thức của xã hội nói chung về hành động của ngài. Trong thế giới phi tín ngưỡng, hình ảnh của ngài được đánh giá cao, đứng hàng đầu trong một số thăm dò ý kiến.

Trong những nhóm chúng ta có thể cho là bảo thủ trong kinh tế, các đề xuất của ngài đụng chạm đến lợi ích của họ và họ tìm lý do để làm mất uy tín ngài. Tương tự như vậy, các nhóm vận động hành lang mạnh mẽ muốn áp đặt để thay đổi não trạng và luật lệ có lợi cho các vấn đề liên quan đến hôn nhân, gia đình, tình dục, v.v. họ có xu hướng chế giễu ngài.

Trong nội bộ giáo hội, những người bình thường và trong lãnh vực rộng lớn của các thừa tác viên, chủ yếu ở Thế giới thứ ba, họ cảm thấy mình được giáo hoàng đại diện. Nhưng ở các nhóm công giáo cánh hữu, nhóm có thế lực về truyền thông và tiền bạc, họ xem ngài không phải là “chuyên gia” về kinh tế, sinh thái…, che giấu ý thức hệ và lợi ích riêng. Trong phạm vi Vatican, không chỉ các thành viên Giáo triều, mà cả những người tự cho là người ủng hộ Vatican, họ đáp ứng với các nhóm áp lực khác nhau, tìm cách gây hoang mang và lợi dụng những khác biệt trong các cải cách đề ra, vì họ cảm thấy các đặc quyền có được hoặc cách kiểm soát ảnh hưởng đến điều “nó luôn được thực hiện theo cách này”.

Cha đã đọc quyển sách của tổng giám mục Georg Gänswein chưa? Cha nghĩ sao?

Xuất bản quyển sách giữa đám tang, trước hết là thiếu lịch sự; thứ hai, là vi phạm vai trò thư ký, như tên gọi của vai trò đòi hỏi phải thận trọng và kín đáo; thứ ba, trong một bối cảnh khác, các khác biệt giữa hai giáo hoàng có thể có cách để nhìn cho đúng, cho hợp lý, không nhất thiết phải đưa ra một cuộc đối đầu; thứ tư, hoàn toàn thiếu phân định sơ đẳng nhất, vì chúng ta là tôi tớ của Giáo hội chứ không phải một người đặc biệt nào. Và cho thấy sự không trung tín, vì một số biểu hiện có thể bị cho là đi ngược với giáo hoàng hiện tại.

Còn bản ghi nhớ của cố hồng y Pell? Cha nghĩ ngài muốn gì khi dùng ẩn danh để công bố các bài viết này?

Biên bản ghi nhớ của hồng y Pell cũng như quyển sách của hồng y Müller, không kể thêm đến những người khác, cho thấy họ nghĩ rchỉ có họ mới có sự thật, vượt lên thiện, ác mà không chấp nhận bất kỳ một lập luận nào chống lại những gì họ nghĩ. Đó là tấm gương xấu và trong trường hợp này, viết ẩn danh không có mục đích nào khác hơn là để nói xấu người mình muốn nói. Xin họ được an nghỉ trong Chúa.

“Tạ ơn Chúa vì Đức Phanxicô sống với tâm hồn thanh thản và với tinh thần người Samaritanô trong thái độ, giống như người cha của đứa con hoang đàng”

Một số người nói về một loại âm mưu chống lại giáo hoàng Phanxicô để làm cho ngài từ chức càng sớm càng tốt. Giả thuyết này có hợp lý không?

Đó là điều mà một vài người muốn, vì họ nghĩ Đức Bênêđictô XVI đã không làm gương trong việc này… Họ không có ý định nào khác ngoài việc tìm kiếm một giáo hoàng mới, người sẽ đảo ngược cuộc cải cách, người chỉ tìm cách trung thành với Vatican II và những đòi hỏi của thế giới ngày nay.

Ai được lợi từ những cuộc tấn công vào giáo hoàng này?

Chỉ có lợi cho những người xem đạo công giáo là trở ngại để họ áp đặt các tiêu chuẩn của họ, tìm một Giáo hội tự mãn. Đây cũng là một vụ tai tiếng ‘nhỏ’ nhằm làm suy yếu đức tin của những người đơn sơ, những người nghĩ mình hóa giải với người khác hơn là với chính Chúa Giêsu. Họ là những người pharisêu đội lốt chiên. Tạ ơn Chúa vì Đức Phanxicô sống với tâm hồn thanh thản và với tinh thần người Samaritanô trong thái độ, giống như người cha của đứa con hoang đàng.

Cha có nghĩ Đức Phanxicô ngày càng đơn độc ở Vatican không? Có phải những người chỉ trích thì tăng, những người ủng hộ thì giảm không?

Đó là nhận thức mà những người này muốn áp đặt. Các mạng lưới mạnh mẽ có những nguồn lực khổng lồ, nhưng sự yếu đuối và mỏng dòn mà Chúa Giêsu khi trẻ thơ, thiếu niên và người lớn đã nêu gương cho chúng ta trên thập giá, trên con đường phục sinh có thể lớn hơn. Như các môn đệ trên đường Ê-mau, chúng ta cảm nhận hơi ấm gần gũi của Chúa Giêsu, chúng ta về lại Giêrusalem để loan báo bàn tay yêu thương của Chúa đang ở nơi người kế vị thánh Phêrô.

“Nguyên tắc của ngài là không dùng “uy quyền” vì như vậy sẽ trở thành thông lệ, “tôi là người điều khiển, những gì tôi nói phải được làm”. Ngài thích con đường đối thoại, gặp gỡ, để hiểu đó là vì lợi ích cao hơn chứ không phải là một xung đột cá nhân”

Cha nghĩ tất cả những lời chỉ trích, công kích và phản bội này ảnh hưởng đến tinh thần của Đức Phanxicô như thế nào?

Linh đạo Dòng Tên mạnh mẽ của giáo hoàng Bergoglio là lá chắn tốt nhất và là bằng chứng tử đạo mà Đức Phanxicô mang lại cho chúng ta, không chút cay đắng, nhưng với niềm vui và hy vọng mà ơn chức phận mang lại. Đức Phanxicô, với tinh thần của lòng thương xót, ngài không đóng cửa trước những người chỉ trích ngài, ngược lại, tôi biết ngài gọi điện thoại hoặc nói chuyện riêng với họ. Nguyên tắc của ngài là không dùng “uy quyền” vì như vậy sẽ trở thành thông lệ, “tôi là người điều khiển, những gì tôi nói phải được làm”. Ngài thích con đường đối thoại, gặp gỡ, để hiểu đó là vì lợi ích cao hơn chứ không phải là một xung đột cá nhân.

Trong các bài viết của mình, hồng y Pell đả kích Thượng Hội đồng về tính đồng nghị, gọi đó là “cơn ác mộng độc hại”. Có thể nào thượng hội đồng quan trọng này thành con ngựa chiến mới để chống lại người quảng bá vĩ đại cho thượng hội đồng là giáo hoàng Bergoglio không?

Bất cứ ai không hấp thụ chủ yếu giáo hội học của Công đồng Vatican II trong Hiến chế Tín lý về Hội thánh Lumen gentium và Hiến chế Mục vụ Gaudium et spes, thì không thể hiểu được sự tiến triển của hiệp thông và tham gia, của việc cùng nhau bước đi, trong đó lúa mì cùng mọc chung với cỏ lùng, nhưng đó là linh đạo đích thực. Không được nhổ bật gốc, nhưng phải được hình thành và trưởng thành, qua phân định từ từ, tìm các dấu chỉ thời đại để đưa ra lý do cho các dấu chỉ của Thiên Chúa, của Tin Mừng của Chúa Giêsu.

Người ta nói về một cuộc ly giáo có thể xảy ra… Nó có nghiêm trọng không?

Kiên nhẫn và kiên trì có thể làm được mọi thứ, các nhà thần nghiệm vĩ đại đã nói với chúng ta như vậy. Đồng hành, đối thoại, làm cho các tiêu chuẩn chín muồi, sửa sai và với tấm lòng khiêm tốn đi về lại đàn chiên là nhiệm vụ của mọi tín hữu, bất kể lúc nào và thậm chí còn hơn thế nữa với chúng ta khi la bàn của đấng siêu việt bị che khuất. Thẩm quyền đề nghị chứ không phải áp đặt, để đức tin lớn lên trong niềm hy vọng của những gì không thấy được, nhưng với quyết tâm đi theo Chúa Giêsu.

“ Áp lực trên các hồng y, làm mất uy tín lẫn nhau đi theo đường hướng này của tiền mật nghị”

Cha có nghĩ họ đang hành động trong tiến trình tiền mật nghị, cố gắng thống nhất các quan điểm để có những quan điểm rõ ràng nhất, để những gì đã xảy ra năm 2013 không tái diễn không?

Có một số bài vở xuất bản theo đường hướng này. Và họ tự do chia sẻ suy nghĩ của mình để giành được ý kiến của nhiều người. Áp lực trên các hồng y, làm mất uy tín lẫn nhau đi theo đường hướng này. Chúng ta phải cầu xin để họ cảm nhận được tác động của Chúa Thánh Thần, như chúng ta thấy trong việc từ nhiệm của Đức Bênêđictô và trong việc chọn một giáo hoàng từ tận cùng thế giới. Rất khó để các nhóm quyền lực của thế giới thứ nhất thấy mình được lãnh đạo bởi một người không đại diện cho những gì là của họ và vì lý do này, cần phải loại bỏ nguồn gốc, khả năng là người giảng dạy đức tin, với một hành trang trí tuệ và tinh thần mạnh mẽ, không ai muốn bị cho là thấp ở những nơi suy nghĩ và hành động truyền thống của Giáo hội. Việc không biết đến sự phong phú của đời sống kitô giáo của các dân tộc đại diện cho hiện tại và tương lai của Giáo hội sẽ chạm đến sự suy tàn của kitô giáo ở các quốc gia nơi đức tin của chúng ta phát triển, nơi chúng ta mắc nợ với nguồn sống mới mà họ trao truyền niềm vui, sáng tạo và cởi mở với tất cả mọi người.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Sự lạc quan tốt đẹp của hồng y Hollerich