Gianfranco Rosi, nhà làm phim trong hành lý của Đức Phanxicô
Gianfranco Rosi, nhà làm phim trong hành lý của Đức Phanxicô
Nhưng Gianfranco Rosi đã làm gì? Đạo diễn từng đoạt giải Sư tử vàng tại Liên hoan phim Venice năm 2013, ba năm sau là Gấu vàng Berlin, tác giả của những bộ phim tài liệu trên toàn thế giới, tại sao ông lại ký hợp đồng với bộ phim tài liệu sẽ chiếu ngày 14 tháng 12 và sau đó là chiếu riêng… cho Đức Phanxicô? Tám mươi phút theo bước chân của người mặc áo trắng chu du khắp thế giới.
Để làm được điều này, cần phải ngâm mình trong nước sâu, xem tám trăm giờ hình ảnh lưu trữ Vatican cung cấp. Gần mười năm du hành, kể từ cuộc hành hương đầu tiên năm 2013 trên đảo Lampedusa, tâm điểm của cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu, nơi mà vài giờ trước đó, một chiếc thuyền đến từ châu Phi của những người hy vọng tìm thấy một cuộc sống tốt hơn ở châu Âu bị đắm.
Sự khâm phục
Ông luôn khẳng định mình là người “không công giáo, nhưng không vô thần”: “Tinh thần của tôi luôn được hướng dẫn bởi một tâm linh bên trong. Tôi liên tục tìm kiếm người hướng dẫn. Và có thể với giáo hoàng này, tôi đã tìm thấy người hướng dẫn tinh thần, theo nghĩa mạnh của từ này.”
Thật ra trước năm 2016, Gianfranco Rosi không biết Đức Phanxicô. Chính khi ông làm phim Fuocoammare, bộ phim tài liệu dài hơn một giờ cho truyền hình về Lampedusa. “Số phận của chúng tôi đã giao nhau”, ông châm điếu thuốc đầu tiên, sau đó là nhiều điếu khác trong cuộc phỏng vấn.
Với phim tài liệu này, Gianfranco Rosi đã sử dụng tám trăm giờ xem phim lưu trữ do Vatican cung cấp, hồi tưởng lại mười năm tông du. Tối chủ nhật, ông quấn mình trong chiếc áo parka màu đen, đội mũ trên đầu đã cạo trọc và đeo kính đen. Từ Milan, ông đồng ý thực hiện phỏng vấn này, giữa chuyến đi đến Amsterdam và chuyến đi khác đến Paris, và đồng ý bật camera máy tính của mình. Khoảnh khắc. “Bạn sẽ thứ lỗi cho tôi, tôi đã tắt Zoom, tôi ghét nó”, ông rõ ràng thích đứng sau máy quay.
Một bộ phim “không có thần học hay ý thức hệ”
Sau Lampedusa, nơi đầu tiên diễn ra cuộc “giao thoa” giữa con người của đức tin và con người của điện ảnh, vài năm sau, một bộ phim tài liệu khác, Notturno. Trong bộ phim này, đạo diễn đi đến biên giới của Syria, Lebanon, Kurdistan và Iraq… Một khu vực Đức Phanxicô cũng hướng tới vào mùa xuân năm 2020, khi ngài thực hiện chuyến đi lịch sử tới Iraq.
Đối với Gianfranco Rosi, xem các phim tài liệu là “hành trình nội tâm”, cuộc hành trình của Đức Phanxicô trên các vùng đất trong Kinh thánh là dấu hiệu cho thấy chúng ta phải quan tâm nhiều hơn đến giáo hoàng du hành phi thường này. Theo ông Rosi, trong ba mươi tám chuyến đi nước ngoài kể từ khi bắt đầu triều giáo hoàng, Đức Phanxicô “chưa bao giờ đi để chiêu dụ”, ông muốn làm một bộ phim “không có thần học hay ý thức hệ”.
Đức Phanxicô khi đến Lampedusa ngày 8 tháng 7 năm 2013. / Alessandro Bianchi/Reuters
Tuy nhiên, In Viaggio tràn ngập những im lặng này mà giáo hoàng đã làm khi ngài cầu nguyện hoặc lắng nghe những người nói chuyện với ngài. “Ngài là người biết quan sát và lắng nghe. Khi ngài ở trước đám đông, ngài dường như quan sát mọi người có mặt. Và khi ngài chào bạn, bạn có ấn tượng ngài chỉ nhìn thấy bạn. Ngài có một khả năng hiện diện to lớn.”
Gianfranco Rosi đi theo ngài đến Malta tháng 3 năm 2022 và Canada tháng 7 cùng năm, ông chào ngài trên máy bay như tất cả các nhà báo trên máy bay, tuy nhiên, ông quan sát không phải với tư cách nhà báo nhưng với tư cách nhà làm phim. Qua các chuyến tông du của giáo hoàng trên khắp thế giới. Rosi nhìn thấy trong đó một “Via Crucis” (con đường thập giá) mà Đức Phanxicô đã vượt qua, ở vùng ngoại vi thế giới.
Nhà làm phim cho biết: “Tôi đã làm một bộ phim không biên giới về một giáo hoàng không biên giới. Điều gây ấn tượng với tôi là vị giáo hoàng này nói chuyện với tất cả mọi người, một cách phổ quát từ Đông sang Tây, từ Bắc chí Nam, cho người giàu và người nghèo. Nhưng về cơ bản, tất cả những chuyến đi này thực sự thay đổi điều gì? Nó thay đổi cuộc sống của những người gặp nó. Rõ ràng, nó không ngăn được chiến tranh và không giải quyết được các cuộc khủng hoảng. Đây cũng là lý do vì sao có một dạng cô đơn ở ngài. Về cơ bản, tôi muốn tri ân một người đang cố gắng thay đổi điều gì đó.»
Đức Phanxicô tại Cuba năm 2015. / Photos Météore Films
“In viaggio”, một chân dung nổi bật
Bộ phim của Gianfranco Rosi đi theo Đức Phanxicô trong cuộc hành trình kéo dài 80 phút, từ Lampedusa đến Canada, đặc biệt đi qua Chile, Malta, Mexico, Israel và Palestine. Ngoài bức chân dung nổi bật, không có lời bình luận về một giáo hoàng rong ruổi khắp thế giới, Rosi tìm cách đưa ra một sợi dây chung thông qua những hành vi của người mặc áo trắng đối diện với những đau khổ của thế giới, quyết tâm đối diện với hậu quả của chiến tranh, chia rẽ và hận thù. Cố gắng kêu gọi thế giới thay đổi hướng đi. Ngay cả khi điều đó có nghĩa là chấp nhận rủi ro khi kêu lên trong sa mạc.
Đức Phanxicô đến Lampedusa 8 -7-2013, “Những bông hoa nơi người di dân chết”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch