Càng ngày càng có nhiều người xin “rút tên ra khỏi sổ rửa tội”; đó là vấn đề

406

Càng ngày càng có nhiều người xin “rút tên ra khỏi sổ rửa tội”; đó là vấn đề

ncregister.com, Jimmy Akin, 2022-12-08

Khi chúng ta rửa tội, chúng ta mang dấu ấn không thể xóa được trong tâm hồn, không gì có thể xóa được. Có thể rút tên ra khỏi sổ rửa tội được không? Câu trả lời ngắn gọn: Không, nhưng không vì thế mà ngăn giáo dân đòi hỏi. Đúng, ‘xin rút tên ra khỏi sổ rửa tội’ là thành ngữ họ dùng.

Giải thích:

Ngày thứ tư 7 tháng 12, Giáo hội công giáo Bỉ báo cáo số lượng người xin xóa tên ra khỏi hồ sơ rửa tội gia tăng. Báo cáo thường niên mới nhất của Giáo hội công bố ngày 30 tháng 11 cho biết năm 2021 có 5.237 người yêu cầu, so với năm 2020 là 1.261 người và năm 2019 là 1.800 người.

Tuy nhiên, một phong trào đang phát triển ở châu Âu thúc đẩy việc ‘xóa tên ra khỏi sổ rửa tội’ đã khuyến khích người công giáo làm đơn xin Giáo hội xóa tên họ khỏi hồ sơ rửa tội của giáo xứ. Phong trào này là nhóm các phái chính trị và triết học của những người theo chủ nghĩa thế tục ở châu Âu.

Phong trào này có một quá khứ

Phong trào này đã có từ lâu. Năm 2012 hãng tin NPR đưa tin: Tại Pháp, một người đàn ông lớn tuổi đấu tranh để chính thức cắt đứt với Giáo hội công giáo. Ông kiện Giáo hội vì đã từ chối không cho ông bỏ phép rửa tội, trong một trường hợp có thể có những ảnh hưởng sâu rộng.

Xác tín của ông đã thay đổi trong những năm 1970 khi ông biết đến phong trào của những người có tư tưởng tự do. Vì không còn tin ở Chúa, ông nghĩ rời Giáo hội sẽ thành thật hơn. Vì vậy, ông viết đơn xin giáo phận rút tên ông ra khỏi sổ rửa tội.

Các vấn đề của những người xin rút tên ra khỏi sổ rửa tội

Yêu cầu của những người xin rút tên ra khỏi sổ rửa tội đặt ra vấn đề. Không thể đổ nước lên người sau, khi nước đã được đổ lên người họ. Điều này làm cho việc xin rút tên không thể thực hiện được (dù một vài tổ chức vô thần đã dùng nghi thức châm biếm là dùng máy sấy tóc).

Nhưng về mặt thần học cũng không thể đảo ngược tất cả các tác động của phép rửa tội. Sách Giáo lý của Giáo hội công giáo nêu rõ:

Được tháp nhập vào Chúa Kitô qua phép rửa tội, người được rửa tội đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô. Phép rửa tội đóng dấu ấn thiêng liêng không thể xóa nhòa: người này đã thuộc về Chúa Kitô. Không tội lỗi nào có thể xóa dấu ấn này, dù khi tội lỗi ngăn cản phép rửa tội mang lại hoa trái cứu rỗi. Được ban một lần trong đời, phép rửa tội không thể lặp lại. (1272)

Do đó, khi chúng ta chịu phép rửa tội, một dấu ấn thiêng liêng không thể xóa nhòa được ghi trên tâm hồn và không gì có thể xóa được. Chúng ta có thể phạm tội và làm mất đi ơn thánh mà phép rửa tội đã ban, nhưng dấu ấn vẫn còn. Và – nếu chúng ta ăn năn – chúng ta có thể trở lại với ân sủng và tiếp tục cuộc sống kitô hữu của mình. Chúng ta không phải rửa tội lại. Trên thực tế, chúng ta không thể rửa tội thêm một lần nữa vì dấu ấn thiêng liêng vẫn còn.

Điều gì xảy ra trong các vụ “xin rút tên ra khỏi sổ rửa tội”

Điều gì xảy ra khi một người quyết định không muốn là tín hữu kitô và gởi đơn xin rút tên ra khỏi sổ rửa tội? Trang Le Pillar giải thích: ngày 1 tháng 12, một phát ngôn viên của hội đồng giám mục Bỉ nói với trang Pillar, khi Giáo hội nhận đơn “xin rút tên”, đơn này được ghi chú bên lề của sổ đăng ký, người này xin ‘hủy đăng ký’. Không được phép gạch bỏ hoặc xóa một mục nào trong hồ sơ chính thức.

Đó là hợp lý, vì hồ sơ phải có dấu tích người này đã được rửa tội. Giả thử sau này, người này đổi ý và quyết định sống trong tư cách là tín hữu kitô. Phải có hồ sơ về việc người này đã được rửa tội để chứng tỏ họ không nên rửa tội thêm một lần nữa.

Điều gì đã xảy ra trong trường hợp của ông LeBouvier? NPR báo cáo: “Họ gởi cho tôi bản sao hồ sơ của tôi, và ở lề bên cạnh tên tôi, họ viết tôi đã chọn rời bỏ Giáo hội. Cụ thể, hồ sơ sửa đổi, tôi đã từ bỏ phép rửa tội của tôi.” Nhưng điều đó không đủ với ông LeBouvier, ông kiện Giáo hội ra tòa để tên ông được rút ra khỏi hồ sơ.

Trường hợp song song

Vì sao ông phải làm như vậy? Chúng ta xem xét một trường hợp song song: hôn nhân dân sự. Khi hai người đến trước nhân viên ở tòa để kết hôn, sau đó họ đổi ý và quyết định họ không muốn kết hôn với nhau. Trong trường hợp này, họ ly hôn và họ đồng ý. Họ không đòi hỏi Nhà nước phải quay lại, xóa mọi dấu vết hôn nhân của họ.

Có những lý do chính đáng để Nhà nước không làm như vậy. Nhiều vấn đề pháp lý khác nhau có thể phụ thuộc vào việc hai người có kết hôn vào thời điểm nào đó hay không (thuế, quyền nuôi con, thừa kế, kiện cáo, v.v.) và nhà nước phải có hồ sơ về cuộc hôn nhân, dù bây giờ đã giải thể.

Vậy tại sao một người như ông LeBouvier lại muốn xóa hồ sơ rửa tội của mình? Một phần có thể do ông không hiểu rõ giáo lý. Ông nghĩ sự tồn tại của dấu vết vật lý về phép rửa tội làm cho ông thành tín hữu kitô. Tuy nhiên, đây là ảo tưởng vì không phải viết trên giấy tờ mà làm được điều này.

Mặt khác, có thể do đương sự khó tính. Đơn giản có thể ông đã giận Giáo hội và nói lên đòi hỏi của mình. Thay vì bằng lòng để giáo xứ ghi chú bên cạnh ông xin rút tên khỏi sổ rửa tội, thì ông lại muốn đi xa hơn, đưa ra yêu cầu mà ông biết không thể  đáp ứng được, để ông có cớ đi kiện Giáo hội. Dù động cơ của ông là gì, nhưng rốt cuộc ông thua. Năm 2014, Tòa án Tối cao Pháp ra phán quyết bất lợi cho ông LeBouvier, đó là chuyện bình thường.

Chuyện ông LeBouvier được rửa tội là chuyện đơn giản. Điều đó đúng cho dù tác động của phép rửa tội như thế nào, nhưng là người không tin, có thể ông không tin vào dấu ấn không thể xóa nhòa mà phép rửa tội để lại trong tâm hồn ông. Đúng là – vào một ngày nào đó – ông đã được rửa tội ở một giáo xứ nào đó, và có thể có những ghi chép về sự kiện này cũng như có những ghi chép về bất kỳ sự kiện lịch sử nào khác. Trừ khi bạn có chiếc máy thần, còn không, thì không có cách nào quay ngược thời gian để xóa sự kiện này.

Cũng như nhà nước lưu giữ tất cả hồ sơ về những gì đã xảy ra – như hôn nhân – dù tác động của chúng bây giờ có thể xem như  vô hiệu hóa (hoặc không nếu đứng về mặt tôn giáo), Giáo hội cũng vậy.

Tác dụng của tài liệu

Có một lý do làm cho những người như ông LeBouvier không hài lòng với Giáo hội, chỉ đơn giản là ghi trong hồ sơ rửa tội, họ không xem mình là tín hữu kitô nữa. Khi ly hôn, hai vợ chồng nhận phán quyết của tòa án – tờ giấy ghi họ không còn là vợ chồng hợp pháp – dù nhà nước không xóa hết dấu vết hôn nhân của họ, họ bằng lòng với phán quyết này. Nhưng Giáo hội không có tương đương như vậy khi có người từ bỏ đức tin. Bộ Giáo luật năm 1983 dự liệu khả năng có người rời bỏ Giáo hội “qua một hành vi chính thức”. Điều này có một số tác động giáo luật, chẳng hạn họ không còn bắt buộc phải có một hôn nhân công giáo.

Rời bỏ hàng ngũ và Thuế nhà thờ ở Đức

Nhưng hệ thống Thuế nhà thờ ở Đức (Kirchensteuer) làm phức tạp thêm vấn đề. Theo hệ thống này, chính phủ Đức tự động lấy một phần thu nhập của cá nhân và trả cho Giáo hội mà họ thuộc về. Kể từ đó, một số giáo dân Đức rời bỏ Giáo hội và tuyên bố họ không phải trả loại thuế này nữa.

Để đối phó với tình tình trạng này ở Đức, Hội đồng Giáo hoàng về Văn bản Pháp luật năm 2006 đã thiết lập một quy trình nặng nề làm cho việc chính thức rời bỏ Giáo hội thành khó khăn hơn. Một phần tiến trình này là phải gặp riêng giám mục của mình, thuyết phục ngài, mình rất chân thành và không muốn là tín hữu công giáo nữa.

Không bằng lòng với kết quả của quá trình này, năm 2009, Đức Bênêđíctô XVI quyết định bỏ hoàn toàn khái niệm chính thức rút tên ra khỏi giáo luật. Điều này tạo ra những hậu quả nghiêm trọng ngoài ý muốn, vì điều này, có nghĩa có những người đã rửa tội nhưng không được nuôi dạy trong đạo công giáo – nhiều người trong số họ thậm chí còn không biết mình đã rửa tội – bây giờ họ không có khả năng hợp pháp hóa hôn nhân (vì tôn trọng ‘hình thức giáo luật’) và bị ở trong tình trạng  gian dâm vĩnh viễn và khách quan.

Theo tôi, biện pháp khắc phục còn tệ hơn tác hại do tình trạng tài chính Đức gây ra, nhưng điều này có nghĩa là họ không còn nhận thơ giám mục của họ nói, ngài nghĩ bạn không còn xem mình là người công giáo nữa.

Nhìn về tương lai

Khi quá trình thế tục hóa của Âu châu tiến triển, vẫn còn liệu xem các nhà lãnh đạo Giáo hội tương lai có thấy phù hợp để tạo ra một tài liệu xác nhận ‘Chúng tôi công nhận quý vị không xem là tín hữu kitô hoặc không muốn sống như người công giáo’. Hy vọng một tài liệu như vậy sẽ không cần thiết – và Chúa gìn giữ chúng ta để chúng ta không cần đến nó. Nhưng nếu tòa án Pháp đã ra phán quyết chống lại ông LeBouvier, chúng ta cũng không thể không xem đây là vấn đề của tương lai.

Sự thù địch bài-công giáo và bài-kitô giáo vẫn tiếp tục lan trong hệ thống pháp luật, và cũng giống như có những đương sự gắt gỏng chỉ muốn gây chiến với Giáo hội, thì có thể có những thẩm phán gắt gỏng cũng muốn làm như vậy.

Để tránh xung đột pháp lý có thể xảy ra do các thẩm phán năng nổ đòi hỏi Giáo hội cắt bỏ hồ sơ rửa tội, một ngày nào đó có thể nên thận trọng tạo một cách thức chính thức để công nhận một thực tế đáng buồn của những người không còn xem mình là tín hữu kitô nữa.

Tác giả bài viết Jimmy Akin Jimmy sinh ra ở Texas và lớn lên trong đạo tin lành, nhưng ở tuổi 20, ông trở lại sâu đậm với Chúa Kitô. Muốn trở thành mục sư tin lành hoặc giáo sư chủng viện, ông bắt đầu nghiên cứu Kinh thánh. Càng đào sâu Kinh thánh, ông càng tìm ra nhiều lập luận để ủng hộ đức tin công giáo. Cuối cùng ông theo đạo công giáo. Câu chuyện trở lại của ông Một chiến thắng và một Thảm kịch (A Triumph and a Tragedy được xuất bản trong Surprised by Trust). Ngoài vai trò là tác giả, Jimmy còn là nhà biện giải chính cho Catholic Answers (Những câu trả lời của Công giáo), ông ở trong ban biên tập Catholic Answers và là khách mời hàng tuần trên chương trình “Catholic Answers Live).

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Năm 2021, Giáo hội Đức mỗi ngày mất 1000 tín hữu