Thật an ủi khi được gặp Đức Phanxicô ở Bán đảo Ả-rập

145

Thật an ủi khi được gặp Đức Phanxicô ở Bán đảo Ả-rập

cath.ch, I.Media, 2022-11-06

Thánh lễ tại Sân vận động Bahrain ngày 5 tháng 11 năm 2022 © Hugues Lefèvre / I.MEDIA

Gần 30.000 giáo dân dự thánh lễ Đức Phanxicô cử hành ở Sân vận động Bahrain ngày thứ bảy 5 tháng 11-2022. Một niềm vui lớn lao cho giáo dân đến từ các nước Ả-rập Xê-út, Ấn Độ hoặc Liban, những người có thể tìm thấy ở Bahrain một nơi để sống đức tin của mình.

Sáng thứ bảy, gần hai giờ trước khi thánh lễ bắt đầu, sân vận động đã chật cứng. Trên khán đài và trên bãi cỏ, gần 30.000 tín hữu kitô họp nhau để nhìn Đức Phanxicô và để cầu nguyện với ngài.

Bà Mirella, 39 tuổi cùng đi với chồng và con trai 5 tuổi thở phào: “Chúng tôi thật may mắn!” Định cư tại Bahrain từ năm 2014, gia đình gốc Liban nhưng vì tình hình kinh tế bất ổn của đất nước nên họ buộc phải di cư đến vùng Vịnh. Bà giải thích: “Chồng tôi làm việc ở Ả-rập Xê-út và đi qua cầu mỗi ngày để đến Bahrain.” Bà nói ở đây giáo dân được “bao dung tốt” không giống như ở Ả-rập Xê-út, ngay cả mang thánh giá đi ngoài đường cũng không được.

Bà Mirella đến dự thánh lễ của Giáo hoàng cùng chồng và con trai năm tuổi. © Hugues Lefèvre / I.MEDIA

Xa xa hơn một chút trong sân vận động, cô Rosy, một người Liban khác cũng xác nhận như vậy, cô rời Liban 9 năm trước đây. Cô sống với hai đứa con ở đất nước Saud và không thể tự do sống đức tin của mình: “Ở nhà, chúng tôi có một góc cầu nguyện. Nhưng không có thánh lễ. Gần như mỗi thứ sáu tôi đều đi qua cầu để xem lễ ở Nhà thờ Thánh Tâm Bahrain.”

“Giấc mơ của một đời người”: ở Bahrain, cờ và cảm xúc trước thánh lễ của giáo hoàng

Cô Rosy nói tiếp: “Thật khó để rời một đất nước chỉ vì chúng tôi là người có đạo… Nhưng chúng tôi phải tìm việc làm.” Cô không nghĩ sẽ quay về Liban trong bối cảnh đất nước đang bị sụp đổ vì kinh tế. Vì thế cô hy vọng chuyến đi này của giáo hoàng có thể làm thay đổi một cái gì, cô mơ, một ngày nào đó Ả-rập Xê-út sẽ cho xây nhà thờ.

Ông Xavia nói: “Thật tràn đầy hy vọng khi thấy giáo hoàng đến đất nước Ả-rập. Có nhiều người công giáo có nguồn gốc khác nhau ở Bahrain và chúng tôi cảm thấy được hòa nhập.” Ông cùng đi với vợ và một người con. Ông 42 tuổi, là người Ấn Độ và đã sống ở Bahrain 17 năm, ông muốn ở lại đây vì có việc làm và giáo dân được bao dung tốt, ông thường đi thánh lễ nói tiếng Tamil ở nhà thờ Thánh Tâm, tại đây mỗi thứ sáu có 13 thánh lễ.

30.000 tín hữu tham dự thánh lễ của giáo hoàng | © Hugues Lefèvre / I.MEDIA

Cũng như ông Xavia, ông Gasper là cột trụ của giáo xứ Thánh Tâm. Ông là một trong 300 thừa tác viên cho rước lễ trong thánh lễ ngày thứ bảy ở Sân vận động. Ông là kế toán viên trong một công ty dược phẩm, ông nói: “Đây là một ngày tuyệt vời với chúng tôi, giấc mơ được nhìn thấy giáo hoàng ở đây đã được toại nguyện.”

Ông Gasper cũng là người Ấn Độ, 62 tuổi, ông đã ở Bahrain từ 40 năm nay và sẽ ở lại đây luôn. Trong số hơn 80.000 người công giáo ở quốc gia vùng Vịnh nhỏ bé, đại đa số người dân đến từ Philippines hoặc Ấn Độ.

Bà Muriel người Pháp, 54 tuổi thì thầm: “Nhìn sân vận động này, chúng tôi hiểu tương lai của đạo công giáo là ở châu Á.” Xa xứ từ 8 tháng nay ở Abu Dhabi, thuộc Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, bà đi máy bay đến đây để gặp giáo hoàng. Bà là giám đốc điều hành ngành dầu mỏ.

Bà rất buồn khi thấy đạo công giáo sụp đổ ở phương Tây, bà nhận xét: “Tôi đi du lịch nhiều nơi và thấy năng lực là ở châu Á và châu Phi. Tôi nhận thấy người giàu họ nghĩ họ không còn cần đến tâm linh, họ tự đủ cho họ. Chỉ có người nghèo mới đến nhà thờ.”

Bà Mirella kết luận khi ôm đứa con trai 5 tuổi của mình: “Thật an ủi khi được gặp Đức Phanxicô ở Bán đảo Ả-rập.”

Vì chính vùng ngoại vi này của Giáo hội công giáo, một vùng ngoại vi sống động và đa dạng, mà Đức Phanxicô đến để tôn vinh  sự hiện diện của họ.

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm: Người Công giáo ở các nước vùng Vịnh đến gặp Đức Phanxicô