Giám mục, một “nghề” căng thẳng
Giám mục Hervé Giraud và giám mục Michel Pansard
Cuộc họp khoáng đại của Hội đồng Giám mục Pháp khai mạc ngày thứ năm 3 tháng 11 tại Lộ Đức khi các giám mục Pháp hứng chịu nhiều chỉ trích sau những tiết lộ về “vụ Santier”. Để hiểu “nghề” luôn bị soi chiếu dưới ánh đèn, báo La Croix theo dõi trong ba ngày đời sống hàng ngày của giám mục Hervé Giraud, 65 tuổi, tổng giám mục giáo phận Sens-Auxerre từ năm 2015 và giám mục Michel Pansard, 67 tuổi, giáo phận Évry từ năm 2017.
la-croix.com, Marguerite de Lasa và Arnaud Bevilacqua, 2022-11-03
Vụ giám mục Michel Santier
Ngồi trong xe ngày chúa nhật 23 tháng 10, tâm trí giám mục Hervé Giraud rối bời. Ngài dự định đến nhà thờ Saint-Clément (Yonne) luc 10 giờ sáng để giới thiệu linh mục người Senegal lên làm cha xứ hai giáo xứ, nhưng trên đường đi, ngài chỉ nghĩ đến “vụ Santier”. Trong một tuần, các tiết lộ về hành vi lạm dụng của giám mục Santier và sự im lặng xấu hổ của thể chế đã làm rúng động Giáo hội Pháp. Sự tức giận tăng lên. Qua thư từ, trên mạng xã hội và ngay cả gặp trực tiếp, giáo dân phản đối những gì họ cảm thấy họ bị giám mục của họ phản bội, một năm sau báo cáo Ciase và cam kết của các giám mục để biến Giáo hội trở thành “ngôi nhà an toàn”.
Giám mục Hervé Giraud cảm thấy mình mất định hướng. Ngài chỉ biết tin về việc Rôma trừng phạt giám mục Santier trên báo. Với tư cách giám đốc Phái bộ Truyền giáo Pháp, ngài đã xử lý trường hợp của linh mục Jean-François Six, bị mất chức giáo sĩ tháng 6 vừa qua vì tội tấn công tình dục, ngài chịu đựng sự tấn công của những người bảo vệ nhà thần học lỗi lạc này. Giám mục Hervé Giraud
Tác động bởi vụ này, giám mục hy vọng trong hội nghị khoáng đại, các đồng nghiệp của ngài giải thích “làm thế nào mà chúng ta lại ở trong hoàn cảnh này và làm cách nào để đi qua thử thách mới này”. ngài mong mọi sự thật phải được nói ra và sợ nhất ‘các nạn nhân sẽ mất niềm tin vào các giám mục của họ’.
Đến nhà thờ, giám mục ra khỏi xe và lấy chiếc bao đựng vợt tennis trong đó ngài đựng gậy giám mục gấp lại của ngài. Trước mặt giáo dân, ngài đảm nhận một trong hàng ngàn trách vụ của nghề đa nhiệm này. Vì trong đời sống hàng ngày của một giám mục, ngài vừa là đại diện Giáo hội địa phương, vừa là giám đốc nhân sự, mục tử, vừa là ông chủ, nhà cố vấn thiêng liêng, quản lý di sản, giải quyết xung đột, kể cả theo truyền thống Giáo hội, ngài là ‘người kế vị của các thánh tông đồ’… Những kỳ vọng làm cho gánh nặng của ngài thêm nặng nề.
Nhà thờ đã đông người, ca đoàn đa văn hóa đang ngân nga bài hát, các bà lớn tuổi điệu đàng đang ghé tai người bên cạnh để hỏi tin tức. “Vụ Santier” có vẻ xa vời. Tuy nhiên, trong thánh lễ, vào cuối lời cầu nguyện chung, ngài sẽ đọc ý chỉ “cầu nguyện cho các nạn nhân của các vụ lệch lạc trong đời sống thiêng liêng”.
Cách đó vài chục cây số, ở giáo phận Évry, vụ Santier đang làm nước Pháp chấn động thì lại không ở trong các cuộc trò chuyện, một chuyện khá ngạc nhiên. Nhưng giám mục Michel Pansard là người thoải mái cho giáo dân e-mail và số điện thoại của ngài, họ thường gọi cho ngài thường xuyên. Giám mục Michel Pansard
Và ngài quyết định đi bước trước. Chính ngài là người đưa vấn đề này ra thảo luận trong buổi họp hội đồng giáo xứ vừa qua. Dù ngài không phải là người thích trút bầu tâm sự với những người cộng tác, nhưng ngài cũng thấy “bối rối”. Ngài gởi tin nhắn cho giám mục Dominique Blanchet, giáo phận Val-de-Marne “mong ngài đứng vững trong bão tố”. Nhưng ngài cũng không hiểu vì sao lại im lặng không công bố lệnh trừng phạt giám mục Santier.
Giám mục Blanchet: “Không thể có ngoại lệ trước yêu cầu của sự thật”
Khác với mạng xã hội, ngài không thấy cơn bão kéo theo của những khẩu hiệu kiểu “Chúng ta lôi thùng rác ra” hoặc “Sự thật làm cho tự do”. Quyết định của ngài không làm mọi người ngạc nhiên. Ngài chủ trương: “Chúng ta phải đối diện với trách nhiệm của mình.” Với cuộc họp khoáng đại, giám mục Pansard hy vọng sẽ có những cách làm và thông tin mới sẽ được đưa ra.
Hiện diện bên cạnh giáo dân
Tại sân trước nhà thờ, giám mục Hervé Giraud khen cô đọc Thánh vịnh, sau đó ngài vào hội trường giáo xứ nơi tổ chức bữa ăn. Ngồi vào bàn với tân linh mục quản xứ và người đánh đàn organ, ngài nói chuyện về món thịt nướng hôm nay. Một giáo dân nói: “Chúng con cám ơn cha đến với chúng con.”
Mỗi năm một lần, giám mục sẽ đến thăm từng giáo xứ trong 31 giáo xứ ở Yonne. Từ ngày đầu nhận nhiệm sở năm 2015, ngài đã đi thăm mỗi giáo xứ ba lần. Và, chuyện hiếm hoi, chính giám mục lại là linh mục quản xứ Thánh Vinh Sơn: giáo xứ với 24 tháp chuông phía nam Auxerre đã không có linh mục từ tháng 9 vừa qua. Ngày thứ bảy 29 tháng 10, lúc 9 giờ sáng, ngài có hẹn với nhóm của ngài. Bà Marie-Élisabeth, thư ký giáo xứ, theo sát các ngày hẹn quan trọng sắp tới. Người ta hỏi: “Có bán khu đất sau nhà xứ không? Tốt hơn là bán cả đất và nhà xứ phải không? Hay nhường cho hướng đạo?”
Quản trị
Làm thế nào để tồn tại mà không bị cuốn vào một thể chế ngày càng có dấu hiệu mong manh thấy rõ này? Đây là câu hỏi lớn cho các mục tử quen chạy bên này bên kia. Trong một cuộc họp, khi được hỏi về dự án sửa sang nhà xứ, giám mục giao việc này cho các văn phòng có thẩm quyền. “Xin lỗi, giám mục không ở đây để giải quyết mọi vấn đề!”, ngài bực bội. Buổi sáng trước khi gặp các cuộc hẹn hoặc buổi tối cuối ngày – không có ngày nào giống ngày nào cho một giám mục – , một mình trong văn phòng, ngài nghĩ đến nỗi cô đơn của mình khi ở vị trí có quyền lực, người từ 50 tuổi đã quản lý giáo phận ở ngoại ô Paris này.
Ngài kể: “Giáo dân kể với tôi đủ chuyện khi tôi đi quanh giáo phận.” Cùng với người quản lý, người phụ tá, ngài ghi lại các ghi chú trên máy tính đặt trên đầu gối, ngài theo dõi việc Giáo hội ở Essonne bán đất, việc tìm một trợ tá xã hội, hoặc tìm ngân quỹ cho quỹ đã cực kỳ eo hẹp của giáo phận. Ngài đặt câu hỏi, hỏi ý kiến, chú ý đến kỹ năng của những người chung quanh. Nhưng ngài cũng có thể chất vấn trong một cuộc họp khác với Hội Ái hữu nhà thờ chính tòa, ngài hỏi: “Ai trả tiền? Tôi nhớ là với giá 20.000 âu kim.” Nơi công cộng, ngài có khuôn mặt kiên quyết, vì ngài biết lòng tin tưởng nơi giám mục đã giảm vì báo cáo của ủy ban Ciase.
Tại giáo phận Sens-Auxerre, ngày thứ sáu 21 tháng 10, hội đồng giáo phận sắp họp xong. Linh mục Matthieu Jasseron, cư dân tik-tok của giáo xứ Joigny vừa trình bày cách cha giảng trên mạng cho các bạn linh mục xem. Theo giám mục Hervé Giraud và hội đồng giáo phận của ngài, đây là điều các linh mục suy nghĩ để ăn khớp giữa đặc sủng và sứ mệnh của mỗi người. Hội đồng họp một năm bốn lần, và đó là một trong những khoảnh khắc đáng suy ngẫm của họ. Còn hội đồng giám mục thì họp hai tuần một lần cùng giám mục và hai cha tổng đại diện, một phó tế, một đại biểu giáo phận và một thành viên tích cực trong giáo xứ.
Giám mục Hervé Giraud lấy làm tiếc: “Mọi người không hình dung được công việc của chúng tôi, một sai sót nhỏ giáo dân cũng không tha”, ngài nghĩ nên xem lại vai trò của giám mục, nên ít trách nhiệm hơn. Giáo dân mong chờ quá nhiều ở chúng tôi. “Giám mục không phải là người toàn năng!”. Bên phải bàn làm việc của ngài, hồ sơ chất đống. Phần ưu tiên phải xem, hội đồng giáo phận, hồ sơ mục vụ chăm sóc y tế… Tất cả không kể đến thư từ nhận mỗi ngày. Ngài giao trực tiếp cho tổng thư ký của mình – chiếc phao cứu cấp thực sự của ngài, ông thảo các câu trả lời.
Cân bằng cuộc sống
Rex, một chú chó săn lông vàng 2 tuổi chạy ào vào phòng ăn để tìm chủ. Giám mục Michel Pansard không ngạc nhiên trước sự đường đột vui vẻ này. Người bạn đồng hành trung thành của ngài có thói quen trốn nhà, nhà ngay trên lầu. Cựu giám mục giáo phận Chartres đôi khi lên đó khoảng giữa trưa đến hai giờ. Không do dự, ngài đưa chúng tôi đi xem nơi ngài ở, khiêm tốn nhưng tiện nghi, hơi lộn xộn với quá nhiều sách, “thứ duy nhất mà tôi không biết làm sao xa chúng”. Từ sân thượng, rất tiện lợi trong thời gian cách ly, tiếng ồn của xa lộ A6 bị át đi bởi tiếng la hét của học sinh.
Sau một ngày bận rộn, cha tránh xem lại hồ sơ, chỉ ăn một hủ sữa chua và quả táo, ngài nói: “Khi bạn là giám mục, bạn dễ mập vì… bị mời ăn nhiều”, cha thích nghe nhạc hoặc xem phim để thư giãn. Nhưng mỗi tháng cha về bốn ngày ở căn nhà cha mới mua ở Creuse để nghỉ ngơi, cha làm vườn ở đây. Cha nói: “Ở giáo phận, dù muốn hay không, tôi vẫn là giám mục cả khi đi chợ…”. Với bạn bè và với gia đình, cha còn người mẹ 92 tuổi, cha vẫn là “Michel”.
Sau 7:30 tối, thì giám mục Hervé Giraud không còn bị quấy rầy, nhưng không có nghĩa là ngài ngừng làm việc, ngược lại: ngài dành hết thì giờ tâm trí để nghiên cứu hồ sơ của Hội nghị khoáng đại, có khi ngài làm việc đến khuya. Con trai của người đầu bếp quen làm việc không ngừng nghỉ. Ở Isère khi còn nhỏ, ngài phải dậy lúc 5 giờ sáng để làm bánh mì kẹp ở nhà hàng của cha trước khi đến trường. Và khi đi học về thì ra chạy bàn.
Dù hiếm khi nhấc máy, nhưng ngài chia sẻ quan tâm của mình với người hướng dẫn thiêng liêng của ngài, một nữ thần học gia mà ngài có thể gọi một tuần hai đến ba lần: “Với bà, tôi có thể nói mọi chuyện.” Ngài có một gia đình gắn bó, hai anh và một chị, ngài thường xuyên trao đổi trên WhatsApp. Và ngài về quê Ardèche ba tuần mùa hè để chăm sóc mẹ.
Nguồn nhân lực
Lần này, với nụ cười chân thành, giám mục Michel Pansard nhìn điện thoại: “Này, có một người nhận làm việc.” Tuần này, ngài đã gọi nhiều người, trong đó có một cặp vợ chồng, để xem việc theo dõi thượng hội đồng giáo phận, các văn bản đã được ban hành ngày 8 tháng 10. Bà Marie-Noëlle và ông Gilles, hai người về hưu rất tận tâm ở Savigny-sur-Orge, họ được tòa giám mục đón tiếp nồng hậu trong dịp này. Hiển nhiên nguồn nhân lực của giáo phận rất khiêm tốn. Giám mục trông cậy rất nhiều vào “cánh tay phải” của mình là cha Martial Bernard, cha tổng đại diện mới 44 tuổi.
Tiếp các nhà lãnh đạo địa phương của cộng đồng Emmanuel, giám mục Pansard nghĩ đến sự giúp đỡ ở nhiều khu dân cư của tầng lớp lao động trong khu vực. Không phàn nàn, ngài nói cách đây ba mươi năm, số lượng linh mục làm việc gấp ba bây giờ. Nguồn nhân lực ngày càng thu hẹp, vai trò của giám mục bây giờ là làm trọng tài – “chúng ta đang bỏ cái gì? – dù phải xáo trộn. Với những người hướng dẫn của nhà thờ chính tòa mơ làm một video để truyền thông, ngài trả lời bằng câu hỏi đơn giản: “Nhưng ai biết làm video bây giờ?” Luôn ở tuyến đầu, ngài dành nhiều thì giờ để cho dầu vào cổ máy, như các đồng nghiệp của ngài, giám mục Pansard biết mình có nguy cơ kiệt sức.
Đời sống đức tin
Chỉ cách căn phòng của ngài vài mét là nhà nguyện của tòa giám mục, rất gọn gàng. Mỗi sáng ngài cầu nguyện ở đây trước khi qua văn phòng. Khi ngài rảnh buổi trưa, ngài dâng thánh lễ ở đây với vài cộng tác viên. Khi lái xe đi trong vùng Essonne, ngài thích nghe các bài đọc Thánh Kinh. Giữa hai lần gặp gỡ, ngài thích nhắc lại những kỷ niệm vui nhất của mình: đồng hành với các giáo lý viên, hướng dẫn tĩnh tâm, giảng Tin Mừng. Ngày thứ bảy 22 tháng 10 khi dâng thánh lễ trong tiếng đàn guitar với du khách ở Montgeron, ngài không giấu được niềm vui của mình. Không ngớt lời, ngài kể lại cách ngài nói về Chúa Giêsu cho những người đến xin rửa tội như thế nào.
Phải gìn giữ kỹ đời sống thiêng liêng để có thể vượt qua bão tố khi sóng gió ập đến. Trong riêng tư ở văn phòng, ngài xúc động tâm sự, báo cáo Ciase là một cú đấm. “Điều gì tôi đã không thấy? Tôi phải chịu trách nhiệm gì?” Trong nhiều tháng, ngài đã sống nỗi băn khoăn này, ngài tìm người lắng nghe nơi bạn bè hay nơi nhóm chia sẻ của ngài và trong các buổi họp giám mục ba lần một năm.
Ở giáo phận Auxerre, giám mục Hervé Giraud cũng có kỷ luật tinh thần của mình: dậy lúc 6:30 sáng. Hình bóng ngài băng qua con đường đi bộ của tòa giám mục, chỉ được thắp sáng bởi đèn đường. Ngài đi xuống bậc thang nhà thờ chính tòa để mở cánh cổng sắt nặng trịch dẫn đến nhà nguyện tầng hầm. Đây là nơi ngài cầu nguyện mỗi buổi sáng. Trong im lặng dưới lòng đất dày đặc, ngài quỳ gối trước bức họa Chúa Kitô trên lưng ngựa, ngài đọc Kinh sáng và cầu nguyện nửa giờ trước Mình Thánh Chúa.
Và, giây phút ngài chờ là buổi tối khi ngài viết bài giảng trên trang Twitter, #Twittomélie, dòng tweet bình luận phúc âm mỗi ngày của ngài. Ngài giải thích cần làm cho những chuyện phức tạp thành dễ hiểu, đặc biệt là lời Chúa. Ngài thường tự hỏi khi soạn bài giảng: “Tôi phải nói như thế nào với cháu trai của tôi?” Từ năm 2011, mỗi tối cùng giờ, ngài chọn một câu của bài đọc trong ngày, một câu chú giải, một bức ảnh nền và đăng lên tài khoản Twitter. Ngài thích nói: “Như ném một cái chai vào biển cả, mình không biết ai sẽ nhận.”
Marta An Nguyễn dịch