Ba trong số các giáo dân công giáo lâu đời nhất kể lúc nhà thờ công giáo vùng Vịnh được xây cách đây 83 năm.
Bà Najla Uchi, 78 tuổi, tại nhà của bà ở Manama, Bahrain. Ảnh: Khushnum Bhandari / The National
thenationalnews.com, Ramola Talwar Badam, 2022-10-26
Bên trong một biệt thự ở Bahrain, bàn thờ treo đầy các bức tranh và tượng Chúa Kitô là cây thánh giá gỗ khắc tay của người đã xây nhà thờ công giáo la mã đầu tiên trong vùng.
Những ngôi nhà của các gia đình công giáo đầu tiên trong vùng Vịnh có rất nhiều vật kỷ niệm quý giá như vậy, họ đã sống ở đất nước này trong nhiều thập kỷ.
Hàng ngày, bà Najla Uchi đều cầu nguyện với các tràng chuỗi Mân Côi và nến trước bàn thờ đầy màu sắc của bà.
Khi cúi đầu cầu nguyện, bà nhớ cha của bà là ông Salman Uchi, một nhà thầu Baghdad đã sống ở Bahrain vài năm, ông được giao nhiệm vụ xây dựng Nhà thờ Thánh Tâm năm 1939.
Hơn 80 năm trôi qua, nơi thờ tự lịch sử này sẽ đón Đức Phanxicô trong chuyến tông du lịch sử tháng 11 này.
Tôi yêu nhà thờ của tôi không phải vì do cha tôi xây dựng, nhưng vì đó là nơi các linh mục, các nữ tu và giáo dân đến cầu nguyện.
Bà Najla Uchi, con gái của một công dân Bahrain, người đã xây dựng nhà thờ đầu tiên ở vùng Vịnh
Bà Najla Uchi, 78 tuổi nói với báo The National: “Cha tôi đến Bahrain khi còn là một thanh niên ở Baghdad, và chúng tôi đã sống ở đây cả đời.
“Mọi người sống gần nhau và đi bộ đến nhà thờ. Tất cả chúng tôi như một gia đình. Sau khi cha tôi xây nhà thờ, mọi người đến đây để làm lễ rửa tội, rước lễ lần đầu, tất cả các lễ kỷ niệm.
“Không còn bao nhiêu người hồi đó còn lại bây giờ.”
Bà Uchi còn nhớ câu chuyện mẹ bà kể lại, trước khi nhà thờ được xây, giáo dân cầu nguyện ở nhà của một người hàng xóm, đó cũng là nơi trẻ em học giáo lý.
Từ trái sang phải: Savion Pinto, 10 tuổi, Honan Semona, 5 tuổi, Jeff Fernandes, 5 tuổi và Evanka Sequeira, 4 tuổi, tại Nhà thờ Thánh Tâm ở Manama, Bahrain. Ảnh của Khushnum Bhandari / The National
Bà tự hào với huy chương vàng của nhà thờ tặng cho sự phục vụ của cha bà và các bức ảnh đen trắng mờ nhạt của gia đình trong trang phục đẹp nhất ngày chúa nhật của họ.
Ông Uchi và gia đình sau đó được nhập quốc tịch Bahrain.
Nhà thờ trang trọng bằng đá và gỗ với xà nhà cao, tường ốp gỗ tếch, cửa sổ kính màu hình vòm được gọi là Nhà thờ Mẹ vì đó là nhà thờ đầu tiên được xây dựng ở vùng Vịnh.
Hàng ngày chuông nhà thờ vang lên để giáo dân biết thánh lễ sắp bắt đầu.
Khu đất được người đứng đầu Bahrain thời đó, quan Hamad bin Isa Al Khalifa tặng, ông cai trị từ năm 1932 cho đến khi ông qua đời năm 1942.
Theo tài liệu lưu trử của nhà thờ, vào những năm 1930, có khoảng 400 người công giáo từ Ấn Độ, Iraq và Anh ở Bahrain.
Cộng đoàn đã lớn rộng với hơn 80.000 người, với một nhà thờ lớn hơn xây dựng gần nhà thờ Manama ban đầu và một nhà thờ chính tòa lớn hơn nữa, nhà thờ Đức Bà Ả rập ở Awali, thị trấn phía nam thủ đô.
Trên hòn đảo nhỏ bé Bahrain, mọi người mong chờ chuyến tông du 4 ngày của Đức Phanxicô tháng 11.
Các vương miện vàng để tạ ơn
Các giáo dân lớn tuổi tìm kiếm những kỷ vật từ những mẩu báo đến những quyển sách về những cư dân công giáo đầu tiên, để cho thấy mối quan hệ lịch sử giữa nhà thờ với khu vực.
Cộng đồng gắn bó chặt chẽ với các linh mục, họ đến thăm các giáo dân lớn tuổi và giúp đỡ những người này trong thời kỳ khó khăn.
Cầu nguyện là điều không thể thiếu trong cuộc sống của bà Uchi. Các phòng trong biệt thự của bà vang lên các bài thánh ca Ả Rập phát từ truyền hình.
Bàn thờ cầu nguyện của Najla Uchi tại nhà riêng ở Manama, Bahrain. Khushnum Bhandari / Quốc gia
Bàn thờ được trang trí bằng những vương miện bằng vàng thu nhỏ, bà cẩn thận đặt trên các tượng Đức Mẹ bằng đá cẩm thạch và trên các bức tranh của Chúa Giêsu.
Đây là truyền thống tạ ơn được các thế hệ người công giáo trong vùng tiếp tục vì lời cầu nguyện của họ được nhậm lời.
Bà nói: “Tôi cầu nguyện xin sức khỏe cho người dân khi họ bị bệnh. Và khi lời cầu nguyện được nhậm lời, tôi đặt một chiếc vương miện lên đầu Chúa Giêsu.”
“Hàng năm tôi mời các linh mục và các nữ tu đến nhà tôi dịp lễ Giáng sinh. Các con tôi luôn ở bên cạnh tôi, và khi chồng tôi qua đời, các linh mục và nữ tu trở thành gia đình của tôi.
“Tôi yêu nhà thờ của tôi không phải vì cha tôi xây, nhưng vì các linh mục, các nữ tu và giáo dân đến đó cầu nguyện.
“Giáo hoàng sắp đến thật đặc biệt. Ngài đến để mang lại hòa bình nhưng tôi cũng muốn ngài đến để xem Bahrain chúng tôi.”
Tiếng chuông nhà thờ
Ông Alex Simoes, một trong những giáo dân công giáo lâu đời nhất của Bahrain, nhớ khi còn nhỏ, ông đã chạy ba chân bốn cẳng lên cầu thang tháp chuông để rung chuông.
Chuông đã im lặng từ vài năm nay, nhưng công việc đang hoạt động trở lại để làm đẹp nhà thờ.
Đức Phanxicô sẽ nói chuyện trước các linh mục và giáo dân tại nhà thờ ngày chúa nhật 6 tháng 11 trước khi ngài về Rôma.
Ông Simoes cầm tấm hình mẹ bồng em gái năm xây nhà thờ.

Ông Alex Simoes, 79 tuổi, gia đình đến từ Ấn Độ, một trong những người công giáo lâu đời nhất Bahrain, chụp cùng em gái – khi đó là một em bé trong vòng tay mẹ – năm 1939 là năm nhà thờ đầu tiên ở vùng Vịnh được xây ở Manama, Bahrain. Khushnum Bhandari / Quốc gia
Ông nói: “Em gái tôi là người đầu tiên được rửa tội ở nhà thờ năm 1939. Tôi đi bộ đến nhà thờ, thắp nến trước thánh lễ và chạy lên tháp chuông để rung chuông.
“Mọi người đến nhà thờ buổi sáng trước khi đi làm. Thời đó còn dâng thánh lễ bằng tiếng la-tinh.
“Bây giờ chúng tôi là những giáo dân lâu đời nhất; những người khác đã chết hoặc đã di cư”.
Sau khi đi học về, ông Simoes trở lại nhà thờ để thắp nến cầu nguyện cho giờ kinh tối và ông cùng ba người chị cùng dự giờ đọc kinh.
“Việc đến nhà thờ hàng ngày có ý nghĩa rất lớn với gia đình tôi.
“Và bây giờ giáo hoàng đến đây cũng có ý nghĩa rất lớn với chúng tôi.
Các buổi cầu nguyện được tổ chức bằng nhiều ngôn ngữ, tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ả Rập và tiếng Ấn Độ như Konkani, Tamil, Malaylam và Hindi để phục vụ cộng đoàn rộng lớn của nhà thờ vào cuối tuần.
Thánh địa của hòa bình
Năm 1960, cô dâu trẻ Ấn Độ Florine Mathias dọn về Bahrain. Mối quan hệ của cô với nhà thờ rất bền chặt vì cô giúp những người kém may mắn trong xã hội, những người cần được hỗ trợ.
Nhà thờ cũng là nơi tổ chức các ngày kỷ niệm kim khánh, ngân khánh cho tất cả các lễ.
Bà Florine Mathias, 76 tuổi, tại nhà bà ở Manama, Bahrain. Khushnum Bhandari / Quốc gia
“Nhà thờ Mẹ là tòa nhà yên bình, nơi ai đã vào, không khi nào họ đi ra mà khóc – đó là kinh nghiệm của tôi.
“Giáo xứ này đã giúp tôi trưởng thành về mặt thiêng liêng.
“Tôi nhớ những ngày chuông nhà thờ rung năm phút trước thánh lễ, tôi chạy như bay đến cầu nguyện.
“Khi có ai qua đời, có tiếng chuông đặc biệt để chúng tôi biết và cầu nguyện cho họ.
“Hồi đó có rất ít gia đình, bây giờ vùng đất này có hàng ngàn người.”
Bà Florine Mathias cần cố gắng hết sức để có thể dự thánh lễ của Đức Phanxicô dâng tháng 11, bà đang tỉnh dưỡng vì xương hông bị gãy sau chuyến đi Florida gần đây của bà.
Bà quyết tâm có mặt tại Sân vận động Quốc gia Bahrain ngày 5 tháng 11 cùng với 28.000 giáo dân để nghe Đức Phanxicô nói chuyện.
Đa số giáo dân sẽ đến từ Bahrain, với tỷ số 2.000 ngàn tín hữu từ Ả Rập Xê-út và 500 tín hữu từ Qatar, Oman và Ả rập thống nhất.
Người dân xem chuyến tông du của Đức Phanxicô là bằng chứng cho sức mạnh của cộng đồng công giáo nhỏ bé nhưng năng động ở Bahrain.
Bà Mathias nói: “Tôi không biết tôi có đứng lâu được không nhưng tôi sẽ xoay sở. Giáo hoàng đến với chúng tôi là điều phi thường.”
“Từ trái tim tôi, tôi biết, đây là nhà của tôi, tôi đã sống ở đây, đây là đất nước thân tình và nhân ái.
“Giáo hoàng đến thăm nhà của chúng tôi để gởi thông điệp hòa bình, chữa lành và hạnh phúc.
“Đó là khoảng thời gian ân phúc cho tất cả chúng tôi. Lời cầu nguyện của chúng tôi đã được nhận lời.”
Marta An Nguyễn dịch
Thích điều này:
Thích Đang tải...