Đức Phanxicô, Ostpolitik cũ và mới
mondayvatican.com, Andrea Gagliarducci, 2022-09-19
Vào thời bức màn sắt, người ta cho rằng hồng y Agostino Casaroli, (1914-1998, hồng y Quốc vụ khanh từ năm 1979 đến 1990 dưới triều Đức Gioan-Phaolô II) thành lập Ostpolitik, một chính sách bình thường hóa quan hệ của phương Tây với Đông Âu và Liên Xô vào những năm 1970 để hạn chế Giáo hội thỏa hiệp với kẻ thù lịch sử của mình. Đây là cũng là một cáo buộc dùng để chống lại hoạt động ngoại giao của Đức Phanxicô, trong đó có một số trường hợp bị so sánh với Ostpolitik.
Đức Phanxicô đã không làm bất cứ điều gì để bác bỏ so sánh này. Trên thực tế, trong bài giảng Công nghị phong các tân hồng y ngày 27 tháng 8 vừa qua, ngài đã nói nhiều về hồng y Casaroli, trích dẫn ngài như tấm gương và nhấn mạnh công việc của ngài. Thật ra, khi ca ngợi Casaroli, Đức Phanxicô đã cố gắng biện minh cho hoạt động và các quyết định của mình. Đây là cơ chế tu từ đặc trưng của ngài.
Tuy nhiên ví dụ của hồng y Casaroli không đặc biệt phù hợp với hoạt động ngoại giao của Đức Phanxicô nhưng nó mang lại cho hoạt động của ngài phẩm giá, tính liên tục lịch sử và chiều sâu. Ngoài ra có một khác biệt đáng kể giữa cách tiếp cận và đối thoại tỉ mỉ của hồng y Casaroli thực hiện với các quốc gia bên ngoài bức màn sắt và công việc ngoại giao của giáo hoàng nhắm mục tiêu không chỉ đến các quốc gia ở Đông Âu, mà với tất cả các đối tác có thể có.
Khác biệt nằm ở đây: đối thoại của hồng y Casaroli không phải là đối thoại bằng mọi giá. Đối thoại đến khi có sự mở ra, ngài sẽ nhượng bộ khi có đối thoại, và cố gắng tạo nhịp cầu tin cậy. Nhưng, cuối cùng, đó là đối thoại để cứu người công giáo và phục vụ họ ở nơi họ đang ở. Một đối thoại đầy tranh cãi nhưng có giá trị trong các nguyên tắc của nó, đến nỗi giáo hoàng Gioan-Phaolô II vốn là người Ba Lan và có liên hệ với hồng y Wyszynski, một trong những người chỉ trích hồng y Casaroli lớn nhất, lại muốn ngài làm hồng y Quốc vụ khanh của mình.
Còn đối thoại của Đức Phanxicô là đối thoại bằng mọi giá, đến mức phải lùi lại một bước khi cần xác định một lập trường rõ ràng. Với ngài, mục đích là để bênh vực tín hữu kitô. Nhưng ngài không có được tinh tế ngoại giao như Casaroli, người cũng thấm nhuần một ý thức mục vụ mạnh mẽ.
Hồng y Casaroli gắn kết với truyền thống và với tính liên tục lịch sử của Giáo hội. Đức Phanxicô không có những giới hạn này bởi vì câu nói phổ biến nhất của ngài là lời mời gọi đừng rơi vào tình trạng “nó luôn được thực hiện theo cách này”.
Cuộc họp báo trên máy bay từ Kazakhstan về Rôma phần nào khẳng định khuynh hướng này của Đức Phanxicô. Vì bốn lý do.
Lý do đầu tiên liên quan đến bản chất chuyến đi: Đức Phanxicô tham gia cuộc họp liên tôn giáo, nơi ngài không phải là người tổ chức cũng không phải là nhân vật chính, và để cổ động cho đối thoại. Nhưng thật không may, đối thoại này đã dẫn đến sự bất công trong lời tuyên bố kết thúc, mà từ đó đưa ra vấn đề Ukraine, một chủ đề gây tranh luận lớn, đã bị gạt ra ngoài. Giáo hoàng, thay vì tham gia vào những sự kiện này, nên tổ chức chúng.
Lý do thứ hai liên quan đến những lời của ngài về Trung Quốc, đặc biệt trong việc xét xử hồng y Zen. Ngài nói: “Tôi không cảm thấy muốn xếp Trung Quốc vào nước không dân chủ, đó là một quốc gia phức tạp. Quả thực có những điều đối với chúng ta dường như không phải là dân chủ. Tôi nghĩ hồng y Zen sẽ ra tòa trong những ngày này. Ngài nói những gì ngài cảm nhận, và quý vị có thể thấy những hạn chế”, nhưng Đức Phanxicô không nêu ra quan điểm hay bảo vệ hồng y lớn tuổi này của Trung Quốc.
Trung Quốc, Ukraine, trợ tử, tông du… Những gì Đức Phanxicô nói trên máy bay từ Kazakhstan về
Ngay cả trong công nghị ngài cũng không nói. Sau đó, trong một phỏng vấn, hồng y Ludwig Gerhard Muller đã phàn nàn về quyết định không đề cập đến vấn đề của hồng y Zen và nói rằng Giáo hội lẽ ra phải phê phán hơn.
Qua các tuyên bố của ngài, Đức Phanxicô đã mở con đường cho một phản ứng tích cực với Trung quốc, với mong muốn đến Trung Quốc ít nhất một lần (ngài nói trong cuộc họp báo trên máy bay từ Kazakhstan về Rôma). Nhưng những lời của ngài có thể xem như một cái tát vào mặt với những người như hồng y Zen, đã phải chịu đựng khi ở hàng đầu để bảo vệ tự do cho nhiều người, và cuối cùng, là những người phải hy sinh trên bàn thờ ngoại giao của giáo hoàng.
Đức Phanxicô “sẵn sàng đi Trung quốc”
Lý do thứ ba là thái độ với nước Nga. Ngài đã không ngần ngại gọi Nga là quốc gia xâm lược. Nhưng ngài cũng nhấn mạnh đối thoại với kẻ xâm lược có thể “bốc mùi” nhưng cuối cùng phải làm vì đối thoại luôn mở ra những con đường mới.
Lý do thứ tư liên quan đến tình hình ở Nicaragua. Ở đó, sứ thần bị trục xuất, một giám mục bị quản thúc tại gia, một số phương tiện truyền thông công giáo phải im lặng, nhiều nhà thờ bị tấn công trong nhiều năm. Nhưng ngài nói, tình hình đã được biết và có một đối thoại cởi mở.
Vì sao Đức Phanxicô vẫn còn rất thận trọng với Nicaragua?
Tuy nhiên bốn lý do là bốn kịch bản khác nhau, Đức Phanxicô cho thấy ngài không muốn tuyên bố một lập trường rõ ràng, để bảo vệ cho sự cần thiết phải tiếp tục đối thoại.
Đó là cách tiếp cận mà không những ngài chỉ làm trong lãnh vực ngoại giao, mà còn trong tất cả các lĩnh vực khác. Trong cuộc họp báo trên chuyến bay từ Canada về Rôma cuối tháng 7 vừa qua, khi được hỏi liệu có cần thiết để thay đổi học thuyết về ngừa thai, ngài đưa ra câu trả lời chung chung nhưng không trả lời rõ ràng vào câu hỏi. Ngài làm điều này bất cứ lúc nào ngài nghĩ tuyên bố một quan điểm có thể ngăn cản đối thoại.
Bài phỏng vấn Đức Phanxicô trên máy bay từ Canada về Rôma
Vấn đề vẫn là: đối thoại này có ích lợi gì? Đối thoại có phải là mục tiêu chính của mọi hành động của giáo hoàng không? Điều nguy hiểm là việc tìm kiếm đối thoại bằng mọi giá này sẽ phản tác dụng, gây rủi ro lớn hơn cho những người cần được hỗ trợ. Rốt cuộc, đó là một trong những nghịch lý của triều giáo hoàng này.
Một nghịch lý có thể mang nặng nhiều hậu quả. Liệu năng lực tiên tri của Giáo hội có được công nhận nếu nhân danh thúc đẩy đối thoại, Giáo hội không dám lên tiếng không?
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Đức Phanxicô và vấn đề đạo đức luân lý, ngừa thai